September 20, 2015

September 18, 2015

 NỖI BUỒN PHÂY BÚC
Là người ngồi trước cái computer mỗi ngày một khoảng thời gian lâu hơn ngó mặt … người thật, tôi phải nói ngay và thú nhận ở đây rằng tôi rất chậm tiến và rất nhà quê về facebook. Trò chơi này đã có mặt từ cả hơn một chục năm, nó đã đi tới khắp hang cùng ngõ hẻm, tận rừng già Phi châu, đã về tận Việt Nam, tới cả những nơi chó ăn đá, gà ăn muối, luôn cả những nơi tôi không có thể ngờ tới… đến nỗi nó đã trở thành “thân thương” và được gọi thân mật (?) là phây búc thì cho mãi tới gần đây, tôi vẫn không biết gì về nó.
Đủ mọi loại người đã dùng nó cho đủ mọi thứ việc, đủ mọi thứ chuyện, như làm quen với nhau, thông tin với nhau, kể cho nhau về đủ mọi thứ chuyện trong đời sống, trăm thứ bà dằn không thể nào kể ra cho hết được. Làm quen nhau, biết nhau, tìm gặp nhau, hò hẹn nhau, rồi đè ra cưỡng hiếp ngay sự quen biết (mới) đó, rồi đem sự quen biết (mới ấy ) bán vào những ổ điếm như đã nhiều lần báo chí trong nước loan tin. Hay rủ nhau ra trước cổng trường thanh toán vài ba chuyện bất bình rồi nhờ bạn dùng điện thoại smart phone thu hình lột quần áo của nhau, đăng lên phây búc cho cả năm châu bốn biển coi chung cho biết. Thì trong lúc đó, con người cù lần này vẫn không biết gì về phây búc.
Con người cù lần vẫn tiếp tục đi cạnh cuộc đời, vẫn ái ân lạt lẽo của … phây búc. Cho đến tận cuối tháng 8 của năm 2015, hôm tôi đến thăm một người bạn và phải nuốt một cục tự ái to tổ chảng, bẽn lẽn thú nhận là chưa có phây búc, cũng không biết phây búc là gì. Người bạn hỏi là có muốn có phây búc không rồi khi được trả lời là có, thì người bạn hỏi thêm dăm ba câu về thân thế, về cuộc đời ái tình và sự nghiệp (không huy hoàng mấy), và những ngón tay thoăn thoắt của nàng lập cho tôi một phây búc cho đỡ mắc cở với bạn bè.
Nhờ đó, tôi hiểu ngay tại sao chung quanh tôi, ở đâu ai cũng chăm chú ngó vào cái màn ảnh nhỏ xíu, ngón tay lúc thì gạt, lúc thì chọc chọc vào cái màn hình. Ngay cả những cô bé chú bé nhỏ xíu cũng thoăn thắt những ngón tay trên những chiếc smart phone.
Và từ hôm ấy, gần hai tháng nay, đời sống của tôi cũng có những thay đổi. Tôi phải nạp thêm điện vào điện thoại mỗi ngày hai lần thay vì một lần như trước. Lý do là thời gian mà tôi ngó vào cái điện thoại rõ ràng là đã gia tăng. Thời gian nhìn vào cái computer giảm bớt đi nhiều. Nhưng vừa có phây búc thì tôi liền thấy mình nộ khí xung thiên ngay lập tức. Dựa trên mấy chi tiết bạn tôi cung cấp, phây búc liền ghi xuống một chi tiết tôi không bao giờ đồng ý và cung cấp. Phây búc tự tiện cho tôi là người của thành phố Hồ Chí Minh! Chi tiết này khiến tôi phải lập tức sử dụng ngay những chữ chửi thề tục tĩu nhất trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt để nói rõ tôi không bao giờ, không một ngày nào sống ở cái thành phố mang tên một thằng bồi tầu rồi chính cái thằng ấy lại trở thành một thằng bồi Tầu (!).
Nhưng tôi bắt đầu ghiền phây búc từ lúc nào không biết. Thỉnh thoảng, nói đúng ra là cứ vài ba phút, tự nhiên tôi lại mở phây búc ra, check vài ba cái trang của mấy hãng tin, dăm ba người bạn xem có gì mới không. Hầu hết những lần như thế thì cũng chẳng có gì mới. Nhưng chuyện mở phây búc trở thành một thói quen, một hành động vô thức: tôi mở ra không vì một lý do gì hết.
Tự nhiên những chuyện ấm ớ đập vào mắt, bất kể tôi có đi kiếm hay không. Có những chuyện hoàn toàn vô bổ có lẽ cũng chẳng có bao nhiêu người quan tâm hay muốn biết. Một cái sinh nhật, một món ăn vừa được thưởng thức, một cái áo mới, một quen biết tình cờ mới gặp lại, một đứa con, một đứa cháu mới ra đời, một chuyến đi mới thực hiện…Những chuyện đó được “bốt” lên phây búc thì cũng chẳng sao, cũng chẳng gây phiền não cho bất cứ ai. Nhiều khi những chuyện đó lại làm được việc thông báo một số chuyện về những quen biết lâu không gặp hay không có tin tức.
Thế nhưng nhiều khi phây búc cũng lại rất vô tình. Cũng không thể trách những vô tình đó được. Phây búc nhận được gì thì “bốt” lên cái ấy. Nhất là những cái ấy lại được gửi tới bằng tiếng Việt. Có bao nhiêu người biết tiếng Việt trong số hơn một ngàn bẩy trăm người làm việc cho phây búc. Hơn nữa làm sao đọc hết được hàng tỉ phây búc mỗi ngày. Thí dụ một bản tin về một người bị một tai nạn mất hết khuôn mặt, mắt mũi, hay về một phụ nữ trẻ bị vẩy nến vừa qua đời… rồi ngay phía dưới là những bức ảnh của một phụ nữ uốn éo với những trang phục rất đẹp mời đi dự một party sang trọng…
Đồng ý là phê búc không có lỗi trong những chuyện như thế. Mà thật ra cũng chẳng phải là những cái lỗi nào hết. Chúng ta vẫn phải sống đời sống của chúng ta bất kể những chuyện gì đang xẩy ra chung quanh. Không một ai có lỗi cả.
Nhưng những chuyện như thế vẫn xẩy ra. Đó là những chuyện rất là obscene, chữ mà tôi không biết dịch sang tiếng Việt ra làm sao.

Đọc mấy trang phây búc này bỗng chán đời không thể tả được. Thà không có trang phây búc còn hơn. 

September 12, 2015

September 11, 2015

 MỪNG MỘT CÁI ĐƯỢC KHÔNG?

Tuần trước là ngày quốc khánh của nước ta, nhưng rõ ràng là rất nhiều người không tìm thấy được cái quái gì trong ngày 2 tháng 9 để mừng cả.
Sau 70 năm kể từ ngày bác tuyên bố mấy câu ấm ớ ở vườn hoa Ba Đình để thành lập nước “Việt nam to thế Việt nam mẹ sề” như người dân Hà Nội thêm vài ba cái dấu vào những khẩu hiệu bằng tiếng Anh kẻ vội vã trên những bức tường khắp Hà Nội: VIETNAM TO THE VIETNAMESE.
Đó là năm 1945, tính tới năm 2015 là đúng 70 năm. Nếu cứ tính 25 năm là một thế hệ thì nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, rồi đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã là có ba thế hệ người Việt sống dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam. Nhưng những điều hứa hẹn độc lập tự do hạnh phúc mà bác Hồ thuổng của anh Tầu Tôn Dật Tiên (thuyết Tam Dân: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) vẫn chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch, những hứa hẹn nhảm nhí mà người dân bị nhồi nhét vào đầu. Độc lập tự do hạnh phúc đã trở thành trò cười khi bị bắt buộc viết cả vào trong những tờ đơn xin nghỉ học hay những hồ sơ li dị, tranh chấp vài ba chuyện nhỏ nhít trong đời sống không mấy hạnh phúc của một đất nước không độc lập mà cũng chẳng bao giờ tự do.
Mở miệng ra là ra rả khoe tự hào về đủ thứ nào là đánh thắng mấy đế quốc, lãnh đạo thì toàn là những đỉnh cao trí tuệ con người, đất nước thì đang trên đường tiến mau tiến mạnh tới thiên đường bánh vẽ, rồi để chỉ biến người Việt thành những thành phần bị khinh bỉ, bị kỳ thị vì những trò ăn cắp ở hết Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan … hay chỉ giỏi đi làm đầy tớ hay làm đĩ ở các nước ngoài và mới đây một số khá đông đảo còn bị chặn ngoài phi trường Singapore không cho nhập cảnh vì bị nghi là có những âm mưu không tốt đẹp du nhập vào Singapore.
Không thể tiếp tục đổ vấy những chuyện xấu xa ấy cho Mỹ Ngụy được nữa. Gần nửa thế kỷ áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản lên miền Nam đã khiến miền Nam cũng đã học được nhiều cái xấu xa của miền Bắc mà nếu cái chủ nghĩa khốn nạn đó không sớm ra đi thì tất cả những cái bẩn thỉu khốn kiếp sẽ hoàn toàn phủ chụp lên toàn thể một đất nước đã có một thời rất đẹp đó.
Trong ngày 2 tháng 9 vừa qua, lại diễn ra cảnh “bao nhiêu cờ kéo với đèn treo” (thơ Nguyễn Khuyến) rực một trời đỏ, đi đâu cũng thấy biểu ngữ ca ngợi chế độ đọc phát mệt. Nhưng trong số những băng rôn (banderole) treo đầy đường người ta tìm thấy một cái đọc lên nghe lại rất được. Tấm băng rôn này treo ở đâu thì không biết nhưng rõ ràng là được treo trên một con đường đẹp hai bên có cây xanh, nhà cửa ngăn nắp treo đầy cờ đỏ sao vàng. Tấm băng rôn có hàng chữ nguyên văn như thế này: MỪNG QUỐC KHÁNH 2/9 MỪNG NGÀY MẤT CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH.
Những chữ trên băng rôn xuất hiện liền nhau, cùng một hàng, không chấm phẩy gì hết để đọc nguyên một hơi tuồn tuột một lèo.
Đọc liền một lèo có thể là vì người ta coi hai biến cố đều quan trong ngang nhau và cùng xẩy diễn trong cùng một ngày. Nước ta lấy giỗ làm chạp, cử hành cà hai ngày cho tiện việc sổ sách, đỡ phải làm thành hai ngày như “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Nhập hai ngày làm một, để lỡ các nước, vì nghi lễ ngoại giao, có mừng quốc khánh nước ta thì cũng có lời mừng luôn cả bác Hồ.
Nhưng mừng gì cho bác Hồ? Mừng sinh nhật bác? Không. Mừng bác có cô Nông Thị Xuân cho vui đời cách mạng? Chắc không. Mừng bác không dính cái bầu số hai với cô Xuân? Không. Thế thì mừng cái gì liên quan đến bác bây giờ?
Thì liền được hai câu lục bát của nhà thơ Bút Tre gợi ý và giúp trí nhớ:
Tin đâu như sét đánh ngang
Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần
Thế là viết cha nó hai chuyện vào cùng một dòng cho tiện việc. Làm luôn cho trẻ nó mừng. Mừng ai cũng vậy, mừng bác, tôi cám ơn. Thế là mừng uôn ngày mất chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác chết, như thế là ngày 2 tháng 9 có hai quả mừng: mừng quốc khánh là một; điều mừng số hai là bác mất. Nói cách khác là bác chết.
Thông thường cứ mở nhừng trang cáo phó trên báo ra là người ta bao giờ cũng đọc được những câu như “chúng tôi đau đớn báo tin buồn” hay “tang gia đồng khấp báo” mặc dù có những người chết trong lúc còn sống cũng chẳng ra gì, chết đi là mọi người mừng vui, thở ra nhẹ nhõm. Nhưng không thấy có một sự mừng vui nào được nói lên, được rêu rao lớn ở khắp đầu đường xó chợ để mọi người hả hê vui mừng về cái chết của một thằng khốn nạn nào đó cả.
Đến nhà quàn viếng người chết, bắt tay những ngưởi trong tang gia mà nói “Xin góp vui với ông, với bà” thì chắc chắn là ốm đòn như truyện “tù lì tám tiền” mà Huình Tịnh Của kể hồi nào. Có bao giờ lại vui mừng vì một người ra đi đâu? Thế thì tại sao lại “mừng ngày mất chủ tịch Hồ Chí Minh”?
Một trường hợp “Freudian slip” chăng? Lỡ mồm lỡ miệng ư? Chắc không. Vì một tấm băng rôn như thế không thể là kết quả của những lầm lẫn của một người, mà phải là công việc của nhiều người. Phải duyệt đi duyệt lại không phải chỉ bởi một người. Mà phải là việc của nhiều người.
Hay là bây giờ, cuối cùng cũng đã có nhiều người thấy được chuyện bác chết là một điều vui mừng như chúng ta đã nghĩ từ bao nhiêu lâu nay? Bác sống chỉ làm bẩn đất nước mà thôi. Nên bác chết thì mừng là phải. 

September 8, 2015

September 4, 2015

 NGÀY KHAI TRƯỜNG … MỚI
Nhà văn Thanh Tịnh vừa gửi cho độc giả của ông đoạn cập nhật hóa bài văn mà chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng, bài viết về ngày khai trường. Ông cho biết nếu không thay đổi, bài viết nhan đề Tôi Đi Học của ông từng được cả mấy thế hệ người Việt yêu mến, khi đọc lại, có thể các độc giả ấy sẽ không còn có được những cảm thông đã có từ gần một thế kỷ nay nữa.
Chúng ta ai cũng nhớ mấy câu trong đoạn mở đầu của đoạn văn xuôi đầy chất thơ đó của Thanh Tịnh: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường… Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy …”
Thanh Tịnh bỏ hẳn những đoạn sau đó và viết lại như thế này: “Tôi không mặc chiếc áo vải dù đen như thằng học sinh ngày xưa mà cha Thanh Tịnh tả, tôi mặc chiếc áo trắng đã ngả sang mầu cháo lòng tôi đòi mẹ mua cho cái mới mà mẹ tôi vẫn chưa mua. Trên cổ quàng chiếc khăn đỏ mà mẹ tôi bắt buộc vào cổ, cái khăn tôi ghét cay ghét đắng không bao giờ muốn tròng vào, vậy mà mẹ tôi vẫn bắt tôi phải đeo vào cổ mới cho tôi đi học, nói rằng tôi là cháu ngoan bác Hồ thì phải đeo vào mới được đến trường. Tôi biết tôi cóc phải cháu ngoan bao giờ hết mặc dù trong lớp treo đầy những khẩu hiệu kêu gọi học tập theo gương đạo đức của bác Hồ, lại còn bắt học sinh tuyên thệ mới được đeo khăn quàng đỏ của thiếu nhi tiền phong. Mẹ kiếp cháu ngoan cái con củ … cải.
Tôi nhớ lại những ngày nghỉ hè tuyệt vời không phải đến lớp, rảnh rỗi lại còn thỉnh thoảng ra chợ nhìn thấy thầy giáo đứng bán rau, tôi giả vờ mua rau rồi vứt xuống bỏ đi cho bõ những ngày trong lớp bị nó gọi lên bảng làm khó.
Năm nay tôi đã lớn nên mẹ tôi không còn nắm tay dẫn đi học nữa, tôi cứ tha thẩn trên đường trở lại trường. Tôi trông thấy thằng Tí Cu, con thằng chủ tịch xã, đang đi trước. Thằng khốn nạn Tí Cu cầm con dế mới đang áp vào tai không biết nó nói chuyện với ai. Sao mà tôi thèm được như nó làm vậy! Nó còn có phây búc mở ra xem bao nhiêu thứ hơi bị vui, nào là mấy con học trò chỉ lớn hơn tôi một hai tuổi cũng đã có người yêu, ghen nhau, đánh nhau xé áo nhau bị bạn thu được cảnh cởi trần cho lên phây búc xem thích quá. Tôi lấy tay thò vào cái ba lô xem con dao Thái Lan có còn không, thì yên trí là vẫn còn. Năm nay thằng nào đụng vào bố, bố cho một nhát là đi gặp bác Hồ lập tức. Tôi thấy yên bụng lạ thường. Năm ngoái trong lớp tôi đã có mấy trận đánh nhau mà toàn con gái đánh con gái thôi. Bọn con trai thì đứng xem còn lấy dế ra quay video cho lên phây búc. Có đứa còn xúi bọn con gái xé áo xem cho vui. Mà sao chúng nó đánh hay thế, vừa đánh vừa chửi nghe sướng cả lỗ tai. Còn có vụ thầy giáo bị học trò bức xúc chạy lên bục tung chưởng đấm đá, lên gối xem sướng con mắt.
Trước cửa trường bọn học sinh đến đã đông, tụ tập nói chuyện và chửi tục vang một khu. Đừng tưởng là tôi không biết chửi tục nhá. Ông chửi lành nghề lắm đấy. Cứ thử chọc ông lên mà xem. Bà ngoại tôi hồi còn trẻ chửi mất gà hay đến độ những đứa trộm gà trong làng động lòng phải ném vào sân nhà luôn cả những con gà không phải của bà tôi. Đến mẹ tôi thì nghề chửi đã cao tay nghề lắm rồi. Cả các thầy giáo cô giáo cũng nói tục hay lắm. Ngay Phan Văn Khải, một lãnh đạo nước ta có hôm trước mặt Sáu Búa Lê Đức Thọ cũng chửi lớn “Đù má chào cờ… chào!” thì tại sao tôi không được chửi tục? 
Nghĩ tới việc phải đi học thêm vài năm nữa mà thấy mệt. Tôi chỉ mong sao chóng ra trường đi xuất khẩu lao động chứ học nữa mà làm gì. Như đồng chí Ba Ếch có học Luật ngày nào đâu mà vẫn xưng là có cử nhân Luật đó thôi. Muốn có bằng gì thì cứ làm như nó. Hay nếu không thì mua bằng giả, thuê người học, thuê người thi hộ. Đi thi thì phao trắng cả sân trường, tha hồ có bằng giả bằng thật rồi bỏ túi chạy đầy đường cho vui. Ngay bây giờ đang có cả trăm nghìn thằng cử nhân thạc sĩ thất nghiệp chạy nhông đầy đường thì đi học làm con mẹ gì.
Chẳng biết năm thằng thầy nào sẽ dậy chúng tôi tiếng Anh. Tiếng Nga thì chỉ có chó mới học. Tôi có cuốn sách dậy tiếng Anh hay đáo để. Thí dụ con-cu-lây-tinh, rồi lại min-mai-địt… không biết là gì nhưng đọc lên là thấy mê luôn. Nếu học xong tiếng Anh là tôi đi kiếm việc ngay. Không đi Hàn quốc, Nhật thì Hương Cảng, Thái Lan, Singapore … cũng tìm được việc. Có việc xong còn làm thêm việc chôm chỉa ở các cửa hàng để tăng thêm thu nhập. Có những đứa đi xuất khẩu lao động vài năm là có tiền tậu nhà tậu xe. Con Kiều Trinh xuất ngoại ăn cắp bị bắt rồi có sao đâu, vẫn lên truyền hình nhí nhố như thường. Mấy con bạn cùng lớp chắc cũng nghĩ như tôi, mong sớm ra khỏi trường để còn đi lấy chồng Đài, chồng Hàn chứ cũng chẳng thèm ngó bọn tôi đâu. Vài năm sau thân tàn ma dại thì lại về nước tìm chúng tôi mà lấy chứ còn lấy ai nữa. Nghĩ thế là tôi lại thấy yên lòng.
Tôi vào trong sân trường và thấy cha hiệu trưởng hắc ám đã đứng trên hàng hiên. Cha này năm ngoái bị tố là dụ dỗ vài ba nữ học sinh vào nhà nghỉ mà rồi có sao đâu hệt như thằng hiệu trưởng Sầm Đức Xương rủ mấy nữ sinh làm trò dâm đãng mà vẫn được một con mụ điên làm báo gọi tôn lên là “vị hiệu trưởng” đó thôi!
Tôi xếp hàng vào lớp, ngồi lại chỗ cũ. Thằng bạn năm ngoái đã bỏ học vì bố nó ngáo đá bị đi cải tạo, mẹ nó lấy ngay thằng cán bộ trong xóm.
Tôi ngồi xuống ghế, chợt nghe từ đàng sau vọng lên giọng nói quen thuộc của một thằng bạn khác biến mất suốt mùa hè bỗng đưa tôi về thực tế: "Tổ tiên sư cha mày, cũng đi học đấy à?”
Nghe nó chào lập tức tôi biết là thật chứ không phải là đang nằm mơ: đéo mẹ nó… hôm nay tôi đi học thật mới đểu chứ!
Tôi tháo cái khăn đỏ chết tiệt ra khỏi cổ áo và kiểm soát lại để biết con dao Thái Lan vẫn còn nguyên.

TRẢ TÁC QUYỀN CHO BÀI “TIẾN QUÂN CA”

Chắc chắn trên thế giới này chỉ có Rabindranath Tagore là người làm được việc viết hai bài quốc ca cho cả Ấn Độ lẫn Bangladesh. Nhà thơ Tagore được cả ba nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh nhận là công dân của mình vì ông ra đời tại Bengal, một vùng thuộc lãnh thổ Ấn Độ khi Ấn Độ còn là một thuộc địa của Anh. Khi bán đảo Ấn Độ được trả độc lập thì bán đảo này bị chia thành hai quốc gia là Ấn Độ và Pakistan. Pakistan lại có Đông và Tây Pakistan. Bengal thuộc đông Pakistan nên Pakistan coi Tagore là người Pakistan. Khi miền đông Pakistan tách khỏi Pakistan để thành một quốc gia độc lập lấy tên là Bangladesh thì sinh quán của Tagore lại nằm trong lãnh thổ của Bangladesh nên Tagore cũng được Bangladesh coi là công dân của mình. Vì thế, nhà thơ từng được trao giải Nobel Văn Chương 1914 có tới ba quê hương, là công dân của cả ba nước. Bài quốc ca ông viết cho Ấn Độ thì vẫn tiếp tục được dùng ở Ấn Độ. Bài ông viết cho Pakistan thì Bangladesh dùng làm quốc ca.
Trên thế giới chỉ có một Tagore có được vinh dự đó.
Viết một bài hát mà được dùng cho cả một dân tộc, một quốc gia thì đúng là một vinh dự. Những người viết những bài Star Spangled Banner, La Marseillaise, Advance Australia Fair, God Defend New Zealand, O Canada, God Save the Queen… đều được hưởng những vinh dự không kém Tagore bao nhiêu.
Nhưng không một tác giả nào nghĩ tới chuyện đòi tiền tác quyền cho các tác phẩm của họ. Những ca khúc họ viết được dùng làm quốc ca, được các dân tộc này hát lên, tấu lên đã là những vinh dự lớn hơn tất cả tiền bạc mà các dân tộc hát những ca khúc đó mang tới cho họ.
Bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa tuy được viết bởi một nhạc sĩ đi theo Cộng sản nhưng chúng ta, thời Cộng Hòa cũng như ở hải ngoại vẫn tiếp tục dùng nó mặc dù Lưu Hữu Phước đã có lần đòi cấm sử dụng nó. Chúng ta vẫn dùng nó vì nó được viết ra khi tác giả chưa phải là một người Cộng Sản. Và cũng có thể, hay có phần chắc chắn, là ông ta bị ép buộc phải nói như thế. Bài Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước đã được nhuộm bằng máu của người Việt không Cộng Sản để bảo vệ tự do trong suốt nhiều năm nên nó đã trở thành tiếng nói, thành biểu tượng của chúng ta, không ai có thể lấy nó đi, hay phản đối, không cho chúng ta dùng nó.
Trong khi đó, một sáng tác của Văn Cao, bài Tiến Quân Ca, đã được dùng làm quốc ca của Cộng Sản ngay từ ngày 13 tháng 8 năm 1945. Hồ Chí Minh đã nói rõ trong bài phát biểu tại trước nhà hát lớn Hà Nội. Việc dùng bài Tiến Quân Ca làm quốc ca cũng được ghi trong điều 3 của bản hiến pháp Việt Nam Cộng Sản.
Trên thế giới, việc đòi tác quyền cho những bài quốc ca hầu như chưa bao giờ được nghe thấy. Tác giả của những nhạc phẩm đó, một số đã ra đi từ trước khi có những luật về tác quyền, hay có những trường hợp không ai biết họ là ai, những người khác thì coi tác phẩm của mình được dùng làm quốc ca cũng đã là vinh dự lớn hơn là tiền bạc trả cho tác quyền.
Trường hợp hai bài quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng thế. Với Lưu Hữu Phước, các chính phủ Cộng Hòa, cho dù muốn trả tác quyền, người ta cũng không biết kiếm ông ta ở đâu trong vùng kiểm soát của Cộng Sản. Còn Văn Cao, nhờ viết bài Tiến Quân Ca, ông đã thoát, không bị trù giập trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm cũng đã là quí lắm rồi. Có điên hay không mà đòi tác quyền cho bài ca đã cứu được ông trong vụ đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm.
Năm 2010, ngày 21 tháng 6, cơ quan đặc trách bản quyền tác giả ở Hà Nội nhận được thư của bà Nghiêm Thúy Băng, quả phụ nhạc sĩ Văn Cao đề nghị “hiến tặng bài Tiến Quân Ca cho đảng, chính phủ và toàn dân”. Phía nhà nước im không nói gì đối với đề nghị của gia đình Văn Cao. Và vì thế, mới đây một tổ chức bảo vệ tác phẩm và tác quyền ở Việt Nam đòi thu tác quyền của bài Tiến Quân Ca trong các buổi trình diễn ca nhạc. Vì thế, nhà nước mới vào cuộc và kêu gọi ngưng việc này.
Ngưng là phải. Đòi thu phí tác quyền mỗi khi hát bài Tiến Quân Ca rồi không chó nào thèm hát thì quê biết là chừng nào. Việc thu phí của phần ca từ không chính thức của bài hát này cũng sẽ không thể làm được vì không ai biết thiên tài nào đã viết chúng. Không ai tìm được họ vì nếu tìm được thì đương sự sẽ khó mà toàn thây với các “đồng chí”. Nhưng trong những năm học tiểu học ở Hà Nội, bọn nhãi con chúng tôi cũng có một vài đứa trong lớp mới từ vùng Việt Minh về thành hát bài Tiến Quân Ca để bị những nhóc con khác trong lớp hát lời phản động để chọc quê trong đó có câu “…ngồi trong lớp kiến cắn sưng … đài dấu (?), xuống nhà thương xin thuốc côn đờ măng…”
Nếu trả tác quyền, tôi muốn trả tác quyền cho thiên tài đặt lời nhảm này, người đã cho chúng tôi biết bao nhiêu là trận cười đã đời trong sân trường …
Có một điều về bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, đó là bài ca này không hề có một lời ca nhảm nhí nào. Bài Tiến Quân Ca thì có ít nhất là hai ba lời ca: “Đoàn quân Tầu ô (quân tướng Lư Hán đi tước khí giới quân Nhật) đi sao mà ốm thế bước chân phù lang thang trên đường Việt Nam...”
Phải chăng đó là thái độ của người dân Việt đối với nền cộng hòa?