April 24, 2014

April 25, 2014

Ngày 21 tháng 4 năm 2014
Bạn ta,
Gửi bạn mấy bài thơ viết trong những năm ở ngoài Việt Nam...

XA NHÀ ĐỌC THƠ HẠ TRI CHƯƠNG

Tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu
Chiều ra đầu ngõ đứng trông xe
Có người quen hỏi : "Lâu không gặp?"
Đáp khẽ: "Đi xa mới trở về."
Cũng hệt như Hồi Hương Ngẫu Thư (*)
Tóc xanh giờ đã bạc như tơ
Tiếng quê nghe vẫn đầy âm cũ
Mà cũng lạ tai câu trẻ thơ
Ô hay, tiền bối Hạ Tri Chương
Tiền bối xa quê thuở Thịnh Đường
Sao thơ hệt chuyện bây giờ nhỉ
Thuở ấy mà sao cũng não lòng
Tôi cũng như ông, đời biệt xứ
Trẻ ra đi, già vẫn tha hương
Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn.

(*)Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương:

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất thương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai?

Tuổi trẻ đi xa, già mới trở về
Tiếng quê hương không có gì thay đổi chỉ có tóc là bạc
Bọn trẻ trông thấy ta không biết ta là ai
Nên cười và hỏi ta từ đâu đến

TRỞ VỀ CĂN NHÀ CŨ Ở SÀI GÒN
gửi các con

Hỡi căn nhà của ta thời tuổi trẻ
Của những chiều mưa buồn gõ xuống mái tôn
Những buổi sáng nắng lùa qua khe cửa
Vẫn theo ta những đêm tuyết mịt mùng
Hãy ngỏ cửa, đêm nay ta trở lại
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?
Chiếc chìa khóa năm xưa ta làm gẫy
Mấy chục năm trời trên cổ vẫn tòn ten
Này buổi tối, cứ nằm yên ở đó
Đèn ơi đèn, đừng trở dậy đêm nay
Ta nhớ kỹ ở đây là chiếc ghế
Tủ sách ngày xưa đứng ở chỗ này
Chiếc bàn viết chắc còn nguyên trong góc
Những đêm buồn ngồi dậy viết lăng nhăng
Giấy mực ơi, biết có còn trong hộc
Hãy ra đây, nói tiếp chuyện văn chương
Ở dưới bếp vẫn những đồ thân thiết
Bể nước mưa ngày đó phải nằm đây
Chiếc ống máng vẫn lạnh tanh mùi thiếc
Từ bếp này xưa khói ấm xa bay
Vòng trở lại là chiếc cầu thang gỗ
Ta vẫn thường rón rén tối về khuya
Ở trên gác, nơi các con ta ngủ
Mấy chục năm rồi, mùi chúng vẫn đâu đây
Phòng bên cạnh ta đã nằm đêm cuối
Ngó trần nhà mà nước mắt rưng rưng
Ngoài cửa sổ lao xao dàn bông giấy
Cỏ cây ơi, phút chốc đã như sương
Đêm còn tối trên tàng cây trứng cá
Ta phải đi, buổi sáng sắp lên
Căn nhà cũ sẽ bỗng đầy người lạ
Đường xá xác xơ, thành phố cũng thay tên.

GỬI CĂN NHÀ CŨ

Hãy tưởng tượng khi bước vào cuối ngõ
Căn nhà xưa rêu phong kín tường vôi
Khung cửa sắt sơn đã bong lỗ chỗ
Chìa khóa mòn trong ổ bỗng reo vui
Hãy tưởng tượng trong hộp thư ngoài cửa
Mấy bức thư đọng lại những năm qua
Một tấm thiệp báo tin người yêu nhỏ
Đã tìm ra hạnh phúc dưới trời xa
Hãy tưởng tượng trong khu vườn thuở trước
Cây ngọc lan ngày đó đã ra hoa
Mấy bụi trúc và một hàng thược dược
Mùi đất thơm cơn mưa nhỏ đầu mùa
Hãy tưởng tượng khi bước chân lên gác
Bàn ghế còn nguyên, sách vở còn bầy
Bỗng nghe thoáng tiếng mưa khuya dìu dặt
Những giọt buồn rơi mãi xuống đêm nay
Hãy tưởng tượng đêm sẽ nằm nghe gió
Trên chiếc giường thân thiết mấy năm xưa
Mấy con muỗi nhận ra người bạn cũ
Chú thạch sùng trong vách cũng bò ra
Hãy tưởng tượng trở về nơi hẹn cũ
Thăm hàng sao và bể nước đầy mây
Trên ghế đá vọng âm lời tình tự
Nét chữ mờ quấn quýt vẫn còn đây
Hãy tưởng tượng buổi chiều ra ngồi quán
Bạn cũ tới đầy, đủ mặt cố tri
Dăm ba đứa biệt tăm trong thời loạn
Đã trở về cùng khật khưỡng vài ly
Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay, mộng ước chất đầy hồn
Hãy tưởng tượng ghé vào thăm tên bạn
Bắc ghế ra ngồi đọc lại Đường thi
Trên căn gác năm xưa trăng vẫn sáng
Nhớ Hạc Vàng từ thuở mới bay đi
Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ
Bạn bè xưa, người tình cũ về đây
Căn gác nhỏ của một thời sách vở
Vẫn còn nguyên, cơn ác mộng xa bay.


GỬI NGƯỜI SẮP RỜI SÀI GÒN

Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ mang theo chút trời và chút đất
tẩm trong mái tóc
nhớ mang theo chút gió, chút mưa
chút nắng mùa hạ
gói trong vạt áo
nhớ mang theo tiếng guốc trên đường về học
những chiều tan trường
những bàn tay thơm
và những trang sách
cất trong ngăn kéo bàn học từ mấy chục năm nay
Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ mang cho anh miếng môi
miếng mắt
miếng tóc
miếng đồng tiền
miếng cằm chẻ, miếng nốt ruồi duyên
miếng chanh chua, miếng hay hờn, miếng làm cao, miếng điệu
miếng ngúng và miếng nguẩy, miếng mắc cở, miếng bầy đặt
miếng nguýt, miếng lườm, miếng làm lành, miếng nói mát...
Em Sài Gòn bao giờ em qua đây
làm ơn mang theo chút bụi đường tội nghiệp
chút thổ mộ khốn khổ
chút xích lô nhọc nhằn
chút xe lam chật chội khói mù
và chút xe buýt ngột thở buổi chiều
chút xe lô mệt mỏi qua cầu
Em yêu dấu bao giờ em đi
mang cho anh miếng nước mía Viễn Đông
mang cho anh miếng đậu đỏ bánh lọc
mang cho anh miếng bò khô, miếng bò bía, miếng bia 33
miếng chanh muối, miếng bánh cuốn Phan đình Phùng
miếng bia ôm, miếng quán cóc, miếng phở đêm, miếng mì thất nghiệp...
Em Sài Gòn bao giờ em lên đường
nhớ mang cho anh
thật nhiều Việt Nam
thật nhiều Sài Gòn, thật nhiều Chợ Lớn, thật nhiều Phú Nhuận, Đa Kao
nhớ mang cho anh thật nhiều Thủ Đức và Gia Định
thật nhiều ngã năm, ngã bẩy
thật nhiều ngoại ô, thật nhiều ngõ tối
thật nhiều ổ gà, thật nhiều mái tôn, thật nhiều ngõ lội
thật nhiều bùn lầy đêm mưa
và thật nhiều số nhà năm bẩy lần chồng chất lên chúng ta
Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ thăm hộ anh những hàng cây trong sở thú
đọc hộ anh những hàng chữ viết trên tường
thăm hộ anh những chiều mưa
những đêm cúp điện
những đầu ngày nóng hổi mệt nhoài trước mặt
những rạp ciné thường trực
những quán nước, những hàng hiên đã giữ chúng ta trong cơn mưa hạnh phúc
nhớ mang câu vọng cổ trưa buồn não nuột xuyên qua vách ván
nhớ mang truyện tình kết rất đẹp đêm cải lương thứ bẩy
và nhớ mang cho anh một chút dịu dàng mà ở đây anh rất thiếu
Em Sài Gòn, bao giờ em đi....

Ngày 22 tháng 4 năm 2014
Bạn ta,
Đáng lẽ tôi không mất thì giờ để đề cập tới người này, và những điều ông ta viết xuống không đáng để nhắc lại ở đây và cũng không đáng được một đôi câu trả lời.
Ông ta đọc bài viết của tôi (12 tháng 3 năm 2014) về mấy phụ nữ Việt bị những tên ma cô ma cạo người Hoa đưa sang Ghana ép làm điếm rồi "nổi sùng như hỏa diệm sơn vừa mới bộc phát". Ông nói là đã muốn "lặng" nhưng "gió chẳng muốn ngừng" vì ông nhận được bạn bè của ông gửi bài viết của tôi cho ông tới hai lần khiến ông ta "nổi giận, hơi nóng tỏa ra xì xèo trên đầu". Ông cho là tôi, khi viết về những việc làm của những người Hoa đó, đã "dùng từ ngữ xấu xa không tốt xỉ vả cả dân tộc Trung quốc". Ông cho biết ông "ngứa tai vì chữ dùng khinh miệt gọi người Trung quốc" trong bài viết của tôi và vì tôi đã "xúc phạm" khi dùng những chữ mô tả những người Hoa ma cô ma cạo đó. Ông ta còn viết thêm là nếu "chủ tịch Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình là người nóng tính, đọc được tiếng Việt" có thể "xua quân đánh Việt Nam" thì mọi chuyện sẽ ra sao.
Xin nói với bạn ngay là trong vài viết tôi không hề "vơ đũa cả nắm" như ông ta đề quyết. Trong bài, tôi đề cập rõ ràng tới "hai người Hoa", tới "bọn Tầu bất lương sang tận Việt Nam dụ dỗ (người) đem sang Ghana bắt làm điếm", tới "mấy thằng Tầu khốn nạn (ở Ghana)", rồi "mấy thằng Tầu khốn kiếp đó", và "bọn Tầu khốn nạn vẫn được tự do ra vào đất nước Việt Nam". Những cách đề cập đó không hề mang ý nghĩa miệt thị toàn thể dân tộc Trung Hoa mặc dầu trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, cái quốc gia phương Bắc đó không bao giờ để nước của chúng ta yên. Cách đối xử của họ dành cho các triều đại và người dân Việt Nam không bao giờ là cách đối xử tử tế.
Trong lịch sử hiện đại, Tầu Tưởng (Giới Thạch) cũng như Tầu Mao (Trạch Đông) đều có tham vọng đất đai nhắm vào biển đảo của chúng ta. Tầu quốc (gia) cũng như Tầu Cộng đều không bao giờ tử tế gì với chúng ta hết.
Tôi nghĩ bài viết của tôi, bạn đọc lại sẽ thấy, không có một đoạn nào mảy may "xúc phạm" tới dân tộc Trung Hoa mặc dù là nếu có, thì cũng chẳng sao khi nhớ lại cái thái độ không tốt của nước Trung Hoa dành cho chúng ta suốt chiều dài lịch sử. Ông ta đòi tôi nên viết rõ thêm chữ "này" khi đề cập tới những người Hoa trong vụ Ghana để thành "bọn Tầu bất lương NÀY", "bọn Tầu khốn nạn NÀY" "mấy thằng Tầu khốn kiếp NÀY". Ông ta coi tôi vì giận quá nên đã mất khôn và viết ra những điều mà ông cho là "xúc phạm" tới cả một tỉ người Hoa.
Rõ ràng là ông ta đọc bài viết của tôi mà không hiểu, rồi cố tình xuyên tạc những điều tôi viết xuống. Vậy nên chính ông ta mới là "giận quá mất khôn" như ông đã thú nhận là "nổi giận, hơi nóng tỏa ra xì xèo" ngay trong mấy dòng đầu.
Bạn xem Nguyễn Trãi viết ở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo có cần phải viết "mấy thằng giặc Minh NÀY đang xâm lấn Việt Nam" đâu. Cứ viết thẳng thừng: "Cường Minh tứ khích"... bọn cường Minh thừa cơ tứ ngược ... nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ..."
Đâu có cần viết phải "bọn quân Minh NÀY" bao giờ.
Người đàn ông đó đọc bài viết của tôi, rồi hoặc vì không hiểu hết, hoặc cố tình bẻ cong để chỉ trích và méc bu Tập Cận Bình dọa Tập Cận Bình sẽ nổi giận đem quân sang đánh Việt Nam.
Tôi không nghĩ bài viết của tôi lọt vào mắt của Tầu phệ Tập Cận Bình và tôi cũng không bao giờ cho rằng thằng híp đó đọc bài của tôi rồi đem quân sang đánh Việt Nam. Tôi không hề hoang tưởng đến mức đó.
Bài ông ta viết được chuyển đi nhiều nơi cùng với câu hỏi của ông: "Nên hay không nên viết". Ý nói (tôi) có nên viết xuống những điều không tử tế về những người Hoa ở Ghana, ở Việt Nam, ở vùng biển của Việt Nam, và về những chuyện không tốt họ đang làm ở đất nước chúng ta không.
Chắc chắn ông ta nghĩ là không.
Tôi thì nghĩ là phải viết nữa, tiếp tục viết mãi về bọn Tầu khốn nạn ấy.
Còn ông ta, cái người viết lá thư ấy, nếu còn ở Việt Nam chắc chắn phải là một trong đám ngợm hóa dại kéo nhau ra nhẩy đầm ở vườn hoa Hà Nội để phá thối khi có những người tụ họp tưởng niệm các nạn nhân của bọn Tầu trong cuộc chiến biên giới. Ông ta cũng có thể là thứ chỉ điểm để công an bắt Điếu Cầy, Phương Uyên, Mẹ Nấm và những người can đảm xuống đường đòi Tầu khựa cút khỏi biển Đông ... hay cái thứ động một chút là lôi thằng mặt chó Tập Cận Bình ra dọa sẽ đem quân sang đánh Việt Nam lần nữa.
Câu hỏi "nên hay không nên viết" thì trả lại cho ông mang về ... luộc lên mà ăn. Làm cứ như những bài viết đụng nhẹ tới mấy thằng Tầu chó má đó là động mồ động mả cha mả bố nhà ông ta.
Khốn khổ cho cái thân vừa nô dịch vừa hèn hạ.
Hệt như suốt mấy chục năm qua, cứ vừa nhắc tới Hoàng Sa là như phạm húy ba đời bọn chó dại lên không bằng.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

VẪN LẠI KHÔNG MÀ CÓ, CÓ MÀ KHÔNG
LÃM THÚY
Thưa anh, có mấy lần Thúy nghe con gái của Thúy nói chuyện điện thoại với bạn, Thúy nghe nó nói WOULD OF gì gì đó. Hồi học ESL (English as a Second Language) ở college Thúy nhớ là chưa nghe thấy kiểu nói như thế bao giờ. Nói như vậy có đúng không thưa anh?
BÙI BẢO TRÚC
Nói vậy là sai. Nhưng cách nói này, và đôi khi còn được viết xuống nữa, càng ngày chúng ta càng nghe thấy nhiều hơn, thường hơn, nhất là từ các thành phần trẻ. Nghiêm khắc hơn thì người ta sẽ coi đó là lối nói của những thành phần ít học.
QUỲNH ANH
Vậy nếu nói đúng ra thì phải nói thế nào, thưa anh?
BBT
Đúng ra phải nói là WOULD HAVE. Nhưng khi nói nhanh, hay khi viết lại cho ngắn (contracted) thành WOULD’VE thì người ta có khuynh hướng phát âm WOULD’VE thành WOULD OF. Lý do là vì âm cuối (VE và OF) đều phải dùng răng trên với môi dưới. Cũng còn lý do khác nữa là chúng ta nhấn (stress) vào chữ WOULD, không nhấn vào ‘VE nên ‘VE dễ trở thành OF. Rồi sau đó cũng vì lười biếng trong khi phát âm nên WOULD HAVE thành WOULD OF như hai cô đã thấy.
LÃM THÚY
Thưa anh, kiểu phát âm đó cũng còn thấy ở COULD HAVE để thành COULD OF phải không?
BBT
Đúng là như thế. Ngoài WOULD, COULD, còn MIGHT, SHOULD ... OF nữa. Hai cô nhớ là nghe thì cứ nghe, cứ hiểu nhưng nên tránh nói như thế.
QUỲNH ANH
Anh giảng qua về cách dùng WOULD HAVE được không?
BBT
Sau WOULD, SHOULD, COULD, MIGHT chúng ta dùng HAVE (nguyên mẫu KHÔNG có TO tức là INFINITIVE WITHOUT TO) rồi theo sau bằng PAST PARTICIPLE của động từ chính (MAIN VERB). Cách đặt câu này được dùng để nói về một việc đáng lẽ đã xẩy ra, đáng lẽ đã diễn ra, nhưng lại KHÔNG DIỄN RA mặc dù chúng ta không thấy bóng dáng của chữ NOT ở đâu cả. Thí dụ I WOULD HAVE HELPED HIM. Câu này có nghĩa là đáng lý ra tôi đã giúp anh ấy.
LÃM THÚY
Nhưng tôi đã không giúp phải không thưa anh? Thúy thấy câu ấy không phải là câu phủ định nhưng ý nghĩa KHÔNG thì vẫn có. BUT I DID NOT HELP HIM phải không Quỳnh Anh?
QUỲNH ANH
Đúng vậy. Nhưng thưa anh có cần phải nói thêm BUT I DID NOT HELP HIM không?
BBT
Không cần. Nói cũng được mà không cũng chẳng sao. Chuyện tôi không giúp anh ấy đã được hiểu ngầm khi chúng ta nói I WOULD HAVE HELPED HIM. Hai cô cho nghe mỗi cô hai câu với WOULD HAVE coi.
LÃM THÚY
SHE COULD HAVE GONE TO CHICAGO TO STUDY nghĩa là đáng lý ra, cô ấy đã đi học ở Chicago.
WE WOULD HAVE BOUGHT THAT HOUSE ON THE CORNER là lý ra chúng tôi đã mua căn nhà ở góc đường.
QUỲNH ANH
THEY WOULD HAVE DRIVEN TO SAN DIEGO AFTER THE SPRING BREAK là đáng lẽ ra họ đã lái xe về San Diego sau kỳ nghỉ mùa xuân.
HE WOULD HAVE STAYED LONGER IN LONDON là lẽ ra ông ấy đã ở thêm vài ngày ở Luân Đôn. Thế còn COULD, SHOULD và MIGHT được dùng như thế nào?
BBT
WOULD được dùng với những việc mà người ta sẵn lòng làm. Thí dụ I WOULD HAVE GIVEN HIM A RIDE đáng lẽ ra tôi đã cho ông ta đi quá giang. Dùng WOULD vì ông ấy là người tử tế, nên tôi sẵn lòng giúp ông ấy, cho ông ấy đi nhờ xe.
COULD được dùng với ý nghĩa là có thể, có khả năng, có phương tiện. Thí dụ WE COULD HAVE GONE TO FRANCE IN 1975 là chúng tôi đáng lẽ đã có thể đi Pháp năm 1975. Chúng ta dùng COULD vì hồi ấy chúng tôi có khả năng, có phương tiện để đi Pháp, có người bảo lãnh để đi Pháp.
QUỲNH ANH
Thế còn SHOULD thì dùng thế nào?
BBT
Chúng ta dùng SHOULD để nói về một việc nên làm, làm thì tốt hơn. Thí dụ HE SHOULD HAVE STAYED WITH HIS AILING UNCLE là đáng lẽ anh ấy nên ở lại với người chú đang bệnh nặng.
LÃM THÚY
Còn động từ cuối trong bộ tứ là MIGHT thì dùng thế nào thưa anh?
BBT
MIGHT được dùng để chỉ một chuyện, một việc có lẽ, có cơ hội xẩy ra, diễn ra nhưng cũng có thể không. Thí dụ HE MIGHT HAVE MET US AT THE MEETING là anh ấy đáng lẽ ra đã có thể gặp chúng tôi tại cuộc họp nhưng có thể anh ấy quên, hay mải nói chuyện với những người khác nên đã không đến gặp chúng tôi. Bây giờ hai cô giải thích tại sao lại dùng WOULD, COULD, SHOULD và MIGHT HAVE trong những câu sau đây nhé. Thí dụ tuần qua, tôi ở Houston nhưng đã không tới thăm một người đàn ông nọ. Ông ta là người dễ mến nhưng vì bận quá tôi không ghé được thì Quỳnh Anh nói thế nào?
QUỲNH ANH
Quỳnh Anh sẽ dùng WOULD: I WOULD HAVE VISITED HIM. Quỳnh Anh sẵn lòng ghé thăm ông ấy vì ông ấy tốt lắm.
BBT
Tôi đáng lý ra đã thăm Richard vì anh ấy đang đau nặng mà tôi lại đang ở Houston. Tôi có khả năng đến thăm Richard chứ không phải bay năm sáu tiếng mới tới thì Thúy nói thế nào?
LÃM THÚY
I COULD HAVE VISITED HIM vì Thúy đang ở Houston, lái xe khoảng nửa tiếng là thăm Richard được rồi. Thúy dùng COULD HAVE vì đây là một khả năng, một việc có thể làm được với phương tiện và khả năng của Thúy.
BBT
Còn Quỳnh Anh nói thế nào nếu bà ấy là giáo sư cũ của Quỳnh Anh ở Sài Gòn?
QUỲNH ANH
Trong trường hợp đó, chuyện đi thăm là chuyện nên làm, gần như là một bổn phận nên Quỳnh Anh sẽ dùng SHOULD để nói là I SHOULD HAVE DROPPED BY TO SEE HER.
BBT
Đúng lắm. Nếu tôi có mặt ở Houston, nhà ông ấy cũng ở Houston, thăm ông ấy cũng được, mà không thì cũng chẳng sao nhưng mắc bận vài ba chuyện khác, rồi quên đi thăm ông ấy luôn thì Thúy nói như thế nào?
LÃM THÚY
Thúy sẽ nói I MIGHT HAVE SEEN HIM WHEN I WAS IN HOUSTON.
BBT
Cám ơn hai cô. Bây giờ chúng ta qua chuyện nói KHÔNG mà là CÓ. Khi tôi nói HE WOULD NOT HAVE BOUGHT THAT CAR thì ông ấy có mua cái xe đó không, Quỳnh Anh?
QUỲNH ANH
Quỳnh Anh nghĩ là có, là ông ấy đã mua cái xe ấy vì người chủ xe nói khéo quá trong khi cái xe thì quá dở.
BBT
Cám ơn cô. Đúng vậy. Bây giờ Thúy cho nghe một câu với COULD NOT HAVE coi.
LÃM THÚY
Thí dụ họ không có khả năng mua căn nhà đó nhưng người em đã giúp họ mấy chục ngàn tiền down nên họ đã mua được nhà thì Thúy sẽ nói thế này: THEY COULD NOT HAVE BOUGHT THE HOUSE WITHOUT HELP FROM HIS BROTHER là đáng lẽ ra họ đã không mua được căn nhà đó nếu không có sự giúp đỡ của người em.
BBT
Thank you. Còn Quỳnh Anh cho nghe một thí dụ với SHOULD NOT HAVE coi.
QUỲNH ANH
OUR FAMILY SHOULD NOT HAVE STAYED IN SAIGON AFTER APRIL 1975 BUT WE DID là gia đình Quỳnh Anh đáng lẽ đã không nên ở lại Sài gòn sau tháng Tư năm 1975 nhưng lại tiếc căn nhà nên đã ở lại.
BBT
Còn câu cuối với MIGHT NOT HAVE Thúy cho nghe thí dụ của Thúy coi.
LÃM THÚY
I MIGHT NOT HAVE GONE TO SPAIN WITHOUT HER là suýt nữa Thúy đã không đi Tây Ban Nha nếu không có cô bạn rủ đi.
BBT
Nhưng chắc cô có ghé Tây Ban Nha chứ, tôi tin là thế. Để chấm câu chuyện về những cách dùng WOULD, COULD, SHOULD, MIGHT HAVE tôi nhắc hai cô một câu rất hay của một nhà thơ Mỹ, JOHN GREENLEAF WHITTIER, đó là câu: OF ALL SAD WORDS OF TONGUE OR PEN, THE SADDEST ARE THESE: IT MIGHT HAVE BEEN. Câu này nghĩa là trong số những câu nói buồn chán mà chúng ta đã viết xuống hay đã nói ra thì câu này là câu buồn nhất: đáng lẽ đã phải là..." Hai cô hiểu nhà thơ này muốn nói gì?
QUỲNH ANH
Quỳnh Anh nghĩ đây là một câu nói lên sự hối tiếc cùng cực, hối tiếc về một chuyện đáng lẽ đã phải xẩy ra nhưng đã không xẩy ra.
LÃM THÚY
Thuý nghĩ cách kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam là chuyện đáng tiếc đó. Đáng lẽ miền Nam phải là phe chiến thắng mới phải nhưng sự thực đã không diễn ra như thế.
BBT
Đúng lắm. IT MIGHT HAVE BEEN A VICTORY FOR THE SOUTH VIETNAMESE.
QUỲNH ANH



Bài học Anh ngữ trong đời sống hàng ngày của đài Hồn Việt Television tạm chấm dứt tại đây. Lớp học sẽ trở lại vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quý vị khán giả.

April 17, 2014

April 18, 2014

LŨ LỢN XỔNG CHUỒNG: BỌN DU KHÁCH TẦU
Chiang Mai là một thị trấn ở miền bắc Thái Lan. Đây là một thành phố đẹp và cổ kính, từng là thủ đô của Thái trước khi thủ đô chuyển về Krungthep tức là Bangkok . Chiang Mai được nhắc tới nhiều trong thời chiến tranh Việt Nam khi các quân nhân Mỹ đến thị trấn này để nghỉ phép. Những người lính chiến này không phải lúc nào cũng là những nhà ngoại giao lịch sự văn minh, nhất là trong thời chiến khi áp lực của chiến tranh và cái chết lúc nào cũng cận kề. Chuyện họ phá phách, say sưa, đập phá đã xẩy ra không ít. Nhưng chưa bao giờ Chiang Mai có một thái độ kinh tởm, thù ghét nhắm vào những người lính đó như Chiang Mai đang ghê khiếp đám du khách người Hoa nườm nượp kéo đến Chiang Mai vào lúc này.
Những chuyến du lịch của những bọn du khách tới từ Hoa lục đã làm cho khoảng 80 phần trăm dân chúng Chiang Mai không muốn nhìn thấy những thành phần này kéo đến thành phố của họ nữa.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của khoảng hơn 2 ngàn người dân Chiang Mai hồi tháng trước, thì hơn 80% dân Chiang Mai coi đám du khách Tầu này là những phiền nhiễu cho thành phố. Người Chiang Mai rất ghét những cách hành xử của những toán du khách người Hoa như lối ăn nói ồn ào, lỗ mãng, không chịu xếp hàng chờ đến phiên mình, xô đẩy nhau, hút thuốc ở những nơi cấm hút thuốc, khạc nhổ xuống đất, xuống sàn nhà, mặt đường, vi phạm tất cả những luật lệ của thành phố, ngay cả trong những chuyến họ đi thăm chùa chiền, đại học. Người Hoa còn bị than phiền là hồn nhiên cởi quần áo tắm rửa ở ngay tại các giếng phun, tiểu tiện ở các góc phố, đại tiện xuống hồ bơi, xuống những khúc rạch hào chạy quanh thành phố. Nhiều du khách người Hoa đến ăn ở các tiệm buffet thì mang theo bao giấy, lấy đồ ăn mang về khách sạn ăn với nhau. Đi ngoài đường thì thoải mái ngoáy mũi, xỉa răng, ăn uống xì xụp, nhai ồn ào, lớn tiếng gây gổ với nhau bất cứ ở đâu kể cả tại các nơi tôn nghiêm của thành phố.
Con số du khách Hoa lục kéo tới Chiang Mai hiện nay là khoảng 50 ngàn người mỗi tháng và con số này chắc chắn sẽ còn tăng thêm nữa. Các cơ quan du lịch của thành phố kêu gọi phải giáo dục những du khách này trước khi đến Thái Lan.
Những hành động thô bỉ của người Hoa trong những chuyến đi ra nước ngoài của họ được ghi nhận ở tất cả những nơi họ ghé qua chứ chẳng riêng gì tại Chiang Mai, mà còn ở các địa điểm du lịch thuộc các nước Âu châu, Mỹ châu. Họ hồn nhiên xả rác phóng uế ở tất cả các địa điểm du lịch khiến một vài khách sạn ở Paris và Luân Đôn đã phải treo biển không tiếp các đoàn du khách người Hoa. Một giới chức cao cấp của Bắc kinh, phó thủ tướng, cũng phải lên tiếng khuyên các đồng bào của ông ta phải hành xử một cách văn minh khi ra nước ngoài.
Người ta cũng đã nhiều lần phàn nàn, than phiền và nặng lời với những đám du khách Tầu này trong khi chưa thấy ai phải lớn tiếng bực bội về các du khách từ các nước khác.
Một cuốn sách mới đây của Wang Yunmei nhan đề Pigs On the Loose: Chinese Tour Groups tạm dịch là Lũ Lợn Xổng Chuồng: Bọn Du Khách Tầu đã chi tiết ghi lại những kinh nghiệm của cô sau 6 năm đi tới khoảng 40 quốc gia, với những lần gặp gỡ các toán du khách người Hoa. Tác giả nói rằng rất nhiều trong số những du khách này là những thành phần nông dân thất học, có một ít tiền sau khi bán được đất đai cho chính phủ và quyết định làm vài ba chuyến du lịch ngoại quốc. Kinh nghiệm sống văn minh của họ gần như không có. Ở làng quê của họ, họ có thể ra đồng, ra sông, ra hồ để giải quyết một vài nhu cầu của cơ thể thì ra nước ngoài họ cứ làm như thể còn đang ở trong nước.Tác giả cho rằng giáo dục đã không bắt kịp được với sự gia tăng nhanh chóng của giai cấp trung lưu và tiền bạc mới kiếm được của họ.
Người Thái, khi lịch sự thì nói là đã xẩy ra nhiều trường hợp va chạm văn hoá (cultural clashes). Những người khác thì nói thẳng các du khách người Hoa rất thô bỉ bất lịch sự, thiếu văn minh, kém văn hoá và làm dân chúng rất bất bình. Tờ The Nation viết bằng Anh ngữ thì than phiền người Hoa lái xe ẩu tả, không tôn trọng luật đi đường, tự nhiên dừng xe giữa đường, cãi nhau, các khách sạn cho biết nhiều khách thuê phòng khai là có hai người thì bốn năm người lén vào ở. Nhiều người xả rác bừa bãi, giặt quần áo phơi trên ban công khách sạn. Một số không biết giật nước cầu tiêu, khạc nhổ, to tiếng, tùy tiện phóng uế trong các bể bơi. Ngay cả những người Hoa sống tại Chiang Mai cũng xấu hổ vì cách hành xử của đám du khách Tầu này. Một vài người nói rằng họ rất xấu hổ vì là người Hoa. Trong bức thư gửi cho báo The Nation, một người phải năn nỉ là bọn du khách người Hoa không nên làm nhục người Hoa nữa. Trong năm nay, 2014, theo một ngồn tin của chính phủ Thái, sẽ có khoảng 1 triệu 500 ngàn con heo xổng chuồng kéo nhau đến làm bẩn xứ Thái.
Đọc xong những điều mà người Hoa làm tại Chiang Mai, người ta thấy bọn heo xổng chuồng chạy sang Việt Nam còn kinh hồn hơn đám du khách đến Chiang Mai rất nhiều. Chúng làm tất cả những gì tàn độc nhất cho nước Việt Nam. Ỉa bậy đái bậy mà đã nhằm nhò gì! Chúng nó đang đầu độc cả dân tộc Việt, tàn phá nền kinh tế, nông nghiệp của người Việt, đưa người vào chiếm đất của nước Việt, chiếm đảo của chúng ta, đối xử tàn ác, khốn nạn, chó má với người Việt, mua người đem về nước chúng bắt làm nô lệ, bắt nạt những người dân đánh cá khốn khổ...
Chứ ngoáy mũi, khạc nhổ, tiểu tiện, đại tiện thì đã ăn thua gì.

Hỡi những người bạn Thái Lan, bọn lợn xổng chuồng quậy phá đất nước của các bạn mà đã ăn thua gì. Hãy nhìn sang nước chúng tôi thì thấy ngay.

April 11, 2014

April 11, 2014

PHÚNG ĐIẾU
Phúng là lễ vật mang cúng người chết. Phúng có thể là thức ăn, có thể là tiền bạc để giúp cho tang gia chi trả cho những chi phí của đám tang.
Điếu là viếng thăm người chết. Có thể là tới thăm người quá vãng lần cuối, thắp nén hương, cúi lạy trước quan tài, dừng lại trước linh cữu của người ra đi. Phúng và điếu thường đi đôi với nhau. Đã mang phẩm vật đến cúng thì tiện thể viếng thăm người chết luôn. Ít khi chỉ có phúng mà không điếu. Nhưng cũng có thể đến phúng nhưng không điếu. Chỉ phúng mà không điếu có thể là do ý muốn của tang gia. Chuyện từ chối nhận phúng có thể có nhiều lý do. Tang gia có thể là đã giầu có, dư thừa, không muốn gây khó khăn cho bạn bè. Người ta đã cất công tới điếu mà lại phải mang theo đồ phúng, với nhiều người có thể không tiện.
Cũng có thể tang gia không muốn mắc nợ ai, ngay cả trong chuyện tang ma nên nhất quyết không nhận đồ phúng. Hay tang chủ có thể là người nhiều tự ái: chúng tôi lo lấy được, không cần những giúp đỡ từ bên ngoài, theo những dặn dò của người đã ra đi.
Nhưng vì phúng và điếu hay đi kèm với nhau, và cũng là hai chữ không thể rời nhau được nên hai chuyện phúng và điếu vẫn lại cứ dính liền với nhau. Hễ có phúng thì phải có điếu. Thế nên tang gia tuy không muốn nhận phẩm vật cúng người chết thì lại thuận miệng để nói là "miễn phúng điếu".
Vậy là xin đừng đến thăm (phúng) hay sao? Chắc không phải vậy.
Nhưng bạn bè của người chết, những quen thuộc của tang quyến thì hiểu là điếu thì cứ điếu, nhưng phúng thì đừng. Tuy vậy, chẳng lẽ gia đình người chết lại nói rõ ra thành "xin phúng nhưng đừng điếu". Không thấy một cái cáo phó nào nói rõ ra như thế.
Có một số gia đình viết trong cáo phó là xin miễn vòng hoa, và thay vì vòng hoa thì xin gửi tặng tiền chi phí vòng hoa cho một tổ chức từ thiện, hay cho một chương trình nghiên cứu căn bệnh mà người nằm xuống đã ra đi vì căn bệnh đó.
Nhưng cũng có nhiều người tuy được nhắn nhủ là miễn vòng hoa thì vẫn cứ vòng hoa như thường. Tang gia cũng không phản đối. Bầy tỏ lòng thương nhớ người đi bằng vòng hoa thì sao lại cấm? Chuyện ấy, là bạn bè thì cho dù có cấm thì vẫn cứ làm như thường.
Tang gia mặc dù không nhận đóng góp tiền bạc (phúng), nhưng chỗ thân tình, bạn bè biết tình hình tài chính của tang gia thì cứ gửi chút ít. Chắc không ai nỡ từ chối, không nhận những giúp đỡ của bạn bè.
Những căn dặn như "xin miễn phúng điếu" trên các trang cáo phó, chúng ta đọc được không ít. Chúng ta vẫn phúng, và vẫn điếu như thường.
Cách đây không lâu, tôi có người bạn đau nặng đã mấy năm. HXS, một người bạn rất thân của anh ở Canada, quen nhau cả hơn nửa thế kỷ từ Huế rồi lại vào đến Sài Gòn và ra hải ngoại. HXS đến thăm bạn và sau đó có viết một e-mail cho những người cũng quen biết người bạn đau nặng và nói thẳng về hoàn cảnh gia đình không mấy khả quan của người bệnh và kêu gọi những người bạn gửi quà cho gia đình người bạn đang đau nặng. HXS nói thẳng là bạn bè nên "phong bì" cho gia đình bạn.
Chúng tôi chuyển cho nhau lá thư e-mail đó và một số người hưởng ứng đã "phong bì" ngay. Cả những người không quen biết bạn tôi bao nhiêu cũng đáp ứng liền.
Nhưng lập tức, ngay sau e-mail của HXS thì một người nhận là quen biết thân tình với người bạn đang đau nặng và gạt phăng đề nghị "phong bì", nói rằng vợ của người bệnh rất tự ái và việc "phong bì" sẽ bị chị coi là rất "phản cảm". Ông ta yêu cầu là đừng "phong bì" gì hết. Cứ cầu nguyện cho người bệnh là được rồi.
Cũng may là những người bạn khác đã "phong bì" liền ngay sau khi đọc e-mail của HXS và không làm theo đề nghị ấm ớ của người đàn ông kia.
Gia đình đang gặp nhiều chuyện khó cùng một lúc thì chắc chắn khi nhận được những "phong bì" của bạn bè nhất định sẽ không thấy "phản cảm" gì hết mặc dù có thể vợ người bạn tôi rất tự ái.
Còn riêng tôi thì tôi thấy rất là "phản cảm" về cái e-mail của người đàn ông vớ vẩn nọ.
Gia đình chưa kịp "xin miễn phúng điếu" trong cáo phó thì ông ta đã nhanh nhẩu đoảng e-mail một cái để xin miễn "phúng điếu" hộ rồi.
Rõ là vớ vẩn.

CẢ LÀNG NHẬN TỘI GIẾT NGƯỜI
Ở Quảng Trị cách đây không lâu có xẩy ra vụ hai người bị nghi là trộm chó bị đánh chết tại chỗ. Vụ này xẩy ra từ tháng 8 năm 2012 đến ngày 28 tháng 3 vừa qua tòa Quảng Trị mới xử. Có 10 người bị tòa phạt nhẹ nhất là 2 năm tù treo và nặng nhất là 3 năm tù ở.
Dân làng Nhĩ Trung, nơi xẩy ra vụ đánh người trí mạng này có vẻ không đồng ý về những bản án vừa kể, nói rằng tòa quá nặng tay với những người bị truy tố về tội gây thiệt mạng cho hai người đàn ông trộm chó.
Như vậy, theo những người dân Nhĩ Trung, tội giết người bị phạt tù treo 2 năm và 3 năm tù ở là quá nặng. Vậy thì những bản án phải như thế nào mới được coi là không nặng?
Sau khi tòa có phán quyết thì lập tức 68 người dân làng gửi đơn cho công an xã Gio Thành nhận là có nhúng tay vào vụ hành hung trí mạng đó và muốn tòa xử lại.
Thông thường thì khi xẩy ra những vụ giết người gia trọng như thế thì nghi can phải chối ngay. Nghi can đã thế, và luôn cả thủ phạm cũng đều làm như vậy. Chối bay chối biến lập tức, hy vọng thoát tội. Những người không liên can thì lại càng phải đứng ra thật xa, tránh bị kéo vào mà bị liên lụy, vạ lây.
Nhưng người dân làng Nhĩ Trung thì lại hành xử ngược lại. Gần 70 người viết thư cho công an nhận tội đánh chết những người trộm chó. Người thì khai là có tát tên trộm chó mấy cái, người thì nhận là có dùng gậy đánh nạn nhân một gậy. Người già nhất là một lão ông ngoại bát tuần. Người trẻ thì trong hạng tuổi ba mươi.
Những lá thư nhận tội đã đặt ra những điều khó xử. Tòa án cũng như công an địa phương đều không kêu gọi dân làng đứng ra nhận tội. Lý do là cuộc điều tra đã kết thúc, đã tìm ra thủ phạm đưa ra xử. Nay tòa đã tuyên án thì dân làng đứng ra nhận tội đòi xử lại.
Như thế là làm sao? Những người dân làng này bỗng nhiên trở thành những công dân thành thật, gương mẫu, làm lỗi thì nhận, không né tránh? Những người nhận là có tội thì muốn được trừng phạt đích đáng?
Chắc không phải vậy. Có thể là những người dân làng cho là toàn thể hệ thống luật pháp không còn làm được nhiệm vụ bảo vệ người dân nữa, luật pháp đã để cho những hoạt động phạm pháp được thảnh thơi diễn ra mà không có bất cứ một biện pháp ngăn chặn những hoạt động đó để người dân được sống trong yên lành.
Những vụ trộm chó vẫn còn đang diễn ra rất nhiều trên khắp nước. Người ta đã phải có một danh từ mới để gọi những thành phần này: cẩu tặc.
Ở khắp nơi, những vụ trộm chó diễn ra ở mức độ đáng ngại. Những cẩu tặc thường đi thành cặp, mang theo hung khí sẵn sàng tấn công những người tìm cách ngăn chặn hành động trộm chó của họ. Dĩ nhiên, chủ chó và những người dân sống tại nơi xẩy ra những vụ trộm chó cũng phản ứng mạnh. Nhiều cẩu tặc đã bị đánh trọng thương và cũng đã có một số bị đánh chết. Các vụ trộm chó vẫn tiếp tục diễn ra. Một cặp trộm chó trong một đêm có thể trộm cả chục con chó. Và đó là lý do người dân phải hành động. Nhà cầm quyền chỉ hành động lấy lệ với những biện pháp trừng phạt quá nhẹ nên dân chúng phải ra tay ... hành pháp. Việc dân chúng đứng ra nhận tội giết người chính là để nói với công an và tòa án rằng các người không làm trách nhiệm được trao phó thì chúng tôi làm. Giết bọn trộm chó để trừng phạt chúng. Và đã xẩy ra nhiều vụ mạng chó đổi mạng người.
Ở Nghệ An, hàng ngàn người đã hành hung gây trọng thương và trí mạng cho hai người trộm chó và không cho xe cứu thương chở các đương sự đi bệnh viện.
Ở xã Nga Phú thuộc tỉnh Nam Định, khoảng 300 người dân đã hành hung hai người bị bắt quả tang leo tường trộm gà. Một trong hai người đã thiệt mạng. Người kia bị thương tích trầm trọng.
Ăn cắp một hai con gà mà bị đánh chết đau đớn như thế.
Đất nước chúng ta đã trở thành một miền đất hung hiểm như thế sao?

Đạo đức Hồ Chí Minh mà người ta đem ra dậy nhau từ mấy chục năm nay đã đưa tới những chuyện đau lòng ấy ư?

April 3, 2014

April 4, 2014

Ngày 31 tháng 3 năm 2014
Bạn ta,
Vô tư, theo các từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Khôn, là không tư vị, không thiên lệch, là công bình, là đối xử ngang bằng với tất cả mọi bên, mọi phe, là không vì lợi ích riêng.
Như vậy thì ngày nay, ở trong nước, hai chữ này đã bị đem ra hiểu hoàn toàn khác với các định nghĩa trước đây. Hay cũng có thể nói rõ hơn là cách hiểu mới này không thấy tại miền Nam trước năm 1975.
Ở hải ngoại, cách hiểu hai chữ vô tư theo lối mới cũng thấy xuất hiện khoảng trên dưới 10 năm trở lại đây. Lối nói ấy được những người từ trong nước mang ra hải ngoại dùng một cách rất vô tư. Mua cái thẻ điện thoại để gọi viễn liên với phí tổn rất nhẹ thì khi dùng cứ "vô tư", cứ gọi "vô tư". Gọi vô tư thì chắc chắn không có nghĩa là gọi không thiên lệch, gọi công bằng, gọi không vì lợi ích riêng.
Mua cái xe mới xong thì lái vô tư về nhà. Vào nhà hàng gọi vài chai bia uống vô tư...
Dần dần thì cái nghĩa mới của hai chữ vô tư cũng rõ ra, và cách dùng hai chữ này đang từ từ mất đi sự kinh ngạc nó tạo ra trong lúc ban đầu. Nó được đem dùng rất rộng rãi. Đâu cũng thấy ... vô tư. Hai chữ đó được dùng một cách thoải mái. Đó là về mặt tiếng nói. Cái gì cũng vô tư cả.
Cách đây mấy hôm, một tờ báo điện tử trong nước có phổ biến một video clip khá dài với những tai nạn giao thông kinh hoàng ở Việt Nam. Có những tai nạn xe hơi đụng nhau, xe vận tải đụng xe nhỏ, xe lớn đụng xe hai bánh, xe đạp đụng người đi bộ gây thiệt hại vật chất không nhỏ cho các xe bị tai nạn và luôn cả cho người đi đường. Nhưng có một chi tiết gây kinh ngạc cho người xem là thái độ vô tư (lại vô tư) của những người đi đường. Lái xe đụng xe người khác, cứ vô tư lách sang một bên, chạy tiếp. Xe nhỏ đụng xe lớn cũng vô tư bỏ đi ngay, nếu còn đi được. Xe lớn đụng xe nhỏ cũng bỏ đi, vô tư không thèm ngó lại. Không cả một cái nhún vai. Nạn nhân đứng dậy, dắt xe vào lề, rồi leo lên xe đi tiếp rất vô tư.
Mấy hôm trước, mụ bộ trưởng y tế bị chất vấn về những vụ tiêm chủng làm chết trẻ em thì trả lời thật khó là tránh được, và rất khó mà ngăn chặn được những chuyện như thế. Lại cũng vô tư.
Rất nhiều vụ học sinh đánh nhau lột áo của bạn học thì các bạn cùng lớp, bạn trai cũng như bạn gái đứng chung quanh cổ võ, lấy điện thoại cầm tay ra thu hình đưa lên internet rất vô tư.
Học sinh đi thi thì ngang nhiên quay cóp, dùng "phao" để... tham khảo rất vô tư. Thầy cô giáo làm giám thị trong phòng thi cũng đi lại ung dung trong lớp, thỉnh thoảng ghé lại bàn cố vấn cho các học sinh chép bài một cách rất vô tư như một vài video clip cho thấy.
Mở báo ra đọc, mỗi ngày, không báo nào có dưới 10 tin giết người, cha giết con, cháu giết bà lấy tiền đi chơi game, chồng giết vợ, hàng xóm giết nhau rồi ... đi nhậu vô tư như không có chuyện gì xẩy ra.
Giải phẫu thẩm mỹ không xong gây tử vong thì đem xác ném xuống sống rồi vô tư về nhà. Thanh niên lừa bạn gái đem bán cho các ổ điếm ở Trung quốc. Hàng xóm bán hàng xóm sang Trung quốc, dụ người đưa sang các nước bên cạnh để bán thân cũng một cách vô tư. Hàng hóa, thực phẩm nhập cảng từ Trung quốc vào chứa toàn hóa chất độc hại vẫn bầy bán vô tư trước mắt công an. Người dân vô tư mua những thứ ấy về ăn uống với nhau một cách vô tư. Cầu cống đường xá xây cất cẩu thả, vừa xây vừa chấm mút với nhau khiến cầu sập, đường đầy ổ gà, xa lộ hầm hố trong lúc quan chức (chữ của bọn huênh hoang là bài trừ phong kiến) vẫn vô tư làm như không có chuyện gì xẩy ra.
Ăn cắp từ trên xuống dưới, hở ra là ăn cắp trong cũng như ngoài nước. Lộ chuyện thì tuyên bố vài ba câu huề vốn rằng sẽ xử lý nghiêm túc rồi lại vô tư ăn cắp tiếp. Bằng giả đầy đường, bằng lớn bằng nhỏ đều giả cả, muốn gì có nấy mua về đem dùng vô tư. Chính quyền cũng vô tư nói là bằng giả chỉ có thể kiếm việc với nhà nước. Có đứa không học luật bao giờ, vẫn khai là có bằng luật rồi nhơn nhơn cái mặt và vô tư làm tới thủ tướng. Một con ranh tên là Kiều Trinh cứ xuất ngoại là giở trò ăn cắp, vậy mà vẫn tiếp tục được trao việc dẫn chương trình Văn Hóa Dân Tộc trên truyền hình một cách rất vô tư vì bố nó làm tới ủy viên trung ương đảng. Sao mà không vô tư cho được. Rồi con ranh con lại còn vô tư nhận là bệnh tâm thần để khỏi bị Thụy Điển và Anh quốc tha tội ăn cắp vật. Rất vô tư.
Bọn chó dại mở hết công ty này, công ty nọ để làm ăn nhưng chính ra là chỉ để ăn cắp với nhau cho các cơ sở ấy lỗ chỏng gọng rồi phủi tay. Lại cũng vô tư.
Ngày kỷ niệm giặc Tầu đánh phá mấy tỉnh miền Bắc thì bọn ngợm lôi nhau ra múa đôi ăn mừng rất vô tư. Ngư dân bị bọn khốn nạn Tầu ô bắt nạt, cướp tầu, bắn giết thì vô tư gọi đó là những tầu ... lạ. Bỏ bạc tỉ ra mua mấy cái tầu ngầm mang về Cam Ranh chưng chơi rồi để đó lại cũng rất vô tư.
Thành ra Việt Nam bây giờ đã trở thành một quốc gia vô tư nhất thế giới. Cho nên cái gì cũng vô tư là vậy.
Người ta thấy là chỉ cần thay vài ba chữ trong một bài viết của cụ Nguyễn Văn Vĩnh đăng trong Đông Dương Tạp Chí số 23 là đúng ngay: "Việt Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng ... vô tư. Người ta khen cũng vô tư, người ta chê cũng vô tư. Hay cũng vô tư, mà dở cũng vô tư; quấy cũng vô tư. Nhăn răng vô tư một tiếng mọi việc hết nghiêm trang."
Thật là khốn nạn cho cái nước ta.

Ngày 2 tháng 4 năm 2014
Bạn ta,
Đáng lẽ ra, việc này phải làm cho các cụ Tản Đà, Phạm Quỳnh vui lắm mới phải.
Cụ Tản Đà thì cho rằng "Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học..." Cụ Phạm Quỳnh thì yêu truyện Kiều đến nỗi quả quyết chừng nào còn truyện Kiều thì tiếng Việt của chúng ta sẽ còn và đất nước của chúng ta cũng còn theo...
Việc đem tiếng Việt dậy cho người nước ngoài đã được thực hiện từ mấy chục năm trước. Nhờ đó, một số người đã học được tiếng Việt để nghiên cứu các vấn đề Việt Nam trong nhiều lãnh vực như văn chương, chính trị lịch sử và văn hóa. Giáo sư Patrick Honey, giáo sư Douglas Pike ... là những trường hợp như thế.
Mới đây, theo một nguồn tin từ Nhật Bản, tiếng Việt cũng được cấp tốc đem dậy ở Nhật. Và những người được dậy tiếng Việt thì lại không phải là những thành phần như các giáo sư Honey và Pike, mà là một số cảnh sát Nhật. Tiếng Việt mà họ học cũng không phải là thứ tiếng Việt academic, kiểu trường ốc như thứ tiếng Việt mà các giáo sư Nguyễn Đình Hòa của đại học Southern Illinois University, và khách viên giáo thụ Nguyễn Khắc Kham của đại học Ngoại Ngữ Đông Kinh dậy cho các sinh viên của các ông.
Cảnh sát Nhật được cho học tiếng Việt để giải quyết những vấn đề liên quan đến người Việt Nam ở Nhật mà cảnh sát Nhật đang càng ngày càng gặp phải nhiều hơn.
Như vậy, rõ ràng là những tấm bảng cảnh cáo tệ nạn ăn cắp viết bằng tiếng Việt ở một số siêu thị ở Nhật đã không làm được việc, tức là đã không ngăn chặn được những vụ ăn cắp vặt của người Việt tại các cửa hàng của người Nhật. Không lẽ mỗi khi có chuyện thì lại phải lôi tấm bảng viết bằng tiếng Việt ra dí vào mặt các đồng bào của chúng ta. Vậy nên người ta phải huấn luyện cho cảnh sát ở những nơi có nhiều người Việt một ít câu tiếng Việt để dùng khi hữu sự. Một cơ quan ngôn luận của Nhật, Jiji Press, cho biết người Việt đứng đầu danh sách các vụ trộm cắp ở các cơ sở thương mại của Nhật. Trong năm qua , năm 2013, con số những vụ trộm cắp của người Việt ở Nhật đã tăng khoảng 60%. Con số chính xác là 1.118 vụ.
Thế nên, nhu cầu biết dăm ba "câu tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi" là một nhu cầu của cảnh sát Nhật. Không lẽ khi bị bắt, lại cứ ú ớ nói là không biết nói tiếng của quốc gia sở tại như Lê Văn Bàng, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc khi bị bắt quả tang đang mò sò bất hợp pháp tại New Jersey dạo nào.
Vừa mới tuần trước, một cô tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines đã bị bắt về tội mang đồ ăn cắp về Việt Nam tiêu thụ và báo chí Nhật đang làm ầm lên về vụ này khiến nhu cầu biết tiếng Việt của cảnh sát Nhật lại càng cấp bách hơn. Thứ tiếng Việt này đâu phải thứ được dậy ở Tokyo Gaigo Daigaku hay Osaka Gaigo Daigaku... mà chỉ là thứ tiếng Việt đầu đường xó chợ dậy đại cho cảnh sát Nhật.
Tưởng tượng những đoạn đối thoại được dậy cho cảnh sát Nhật để thẩm vấn các nghi can người Việt sẽ có những câu ngô nghê như thế này và mong tiếng Việt của các cảnh sát viên Nhật sẽ không là thứ tiếng Việt quái đản như vậy:
Mày là người Việt Nam phải không?
Tao là cảnh sát Nhật đây.
Tại sao người Việt chúng mày hay ăn cắp thế?
Hồi xưa bọn sinh viên đi sang đây du học đâu có như chúng mày.
Mày mà cũng nhận là con cháu cụ Phan Bội Châu à? Hồi ấy các ông Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) , Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) của chúng tao kể lại là người Việt đâu có thứ ăn cắp vặt như chúng mày bây giờ.
Hồi ấy, các cụ Đông Du Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính ... là những ngươi đàng hoàng lắm chứ.
Nói thật đi, mày ăn cắp bao nhiêu lần rồi?
Mày lấy những thứ mỹ phẩm này đem đi đâu? Đem gửi cho con mẹ ở Tokyo rồi chuyển về Hà Nội phải không?
Luật nước tao sẽ xử nặng những vụ như mày.
Tao cũng muốn biết tại sao "bệt tơ nam sàn" hay xả rác như vậy? Sao chúng mày ở dơ thế. Tokyo đâu có phải như cái nhà mồ của thằng già chết khô ở Ba Đình đâu mà phóng uế bừa bãi?
Chúng tao sẽ đuổi cổ mày về nước nghe chửa...
Chỉ tưởng tượng ra mấy câu như trên là đã thấy uất lên rồi. Nếu được có ý kiến về tài liệu dậy Việt ngữ cho cảnh sát Nhật, tôi nghĩ tôi chỉ xin bỏ những chữ xưng hô "mày tao" như trong bài học mà thôi. Còn tất cả cứ để nguyên mà dậy cũng được.
Cũng may, người Nhật sau thời Minh Trị không biết ăn nói thô tục, chi dùng toàn kính ngữ với nhau nên mới còn được như thế.

Nhưng mà vẫn đau cho tiếng Việt của chúng ta biết là chừng nào!