August 30, 2012

August 31, 2012


Ngày 27 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Tờ Los Angeles Times có một mục bao giờ tôi cũng tìm đọc đầu tiên, đó là mục Only In L.A. của Steve Harvey, mục viết về những chuyện mà Steve cho là chỉ xẩy ra ở Los Angeles, mà không thể ở một nơi nào khác tại nước Mỹ. Thực ra thì nhiều chuyện mà mục này chép lại cũng là những chuyện có thể xẩy ra ở bất cứ một thành phố nào khác chứ chẳng riêng gì chỉ ở Los Angeles.
Một độc giả, Carole Brooks ở Ventura kể là mới đây bà bị một tai nạn xe hơi, chiếc xe của bà bị một chiếc pickup đụng nát ở phía sau. Xe của Carole bị hư nặng, không sửa được. Nhưng điều đáng kể không phải là mức độ hư hại của chiếc xe, mà là người lái chiếc xe kia. Người gây tai nạn là một thiếu nữ 16 tuổi, sau khi đụng phải xe của Carole Brooks, mãi một lúc sau mới mở cửa xe bước xuống để gặp Carole. Cô vừa giải thích vừa xin lỗi Carole là đã không xuống xe ngay được vì cô đang bận mặc quần. Lý do là trước khi tai nạn xẩy ra, cô đang tìm cách thay chiếc quần jeans để mặc chiếc quần vào. Và khi loay hoay làm việc đó, chân cô trượt ra khỏi bàn thắng, chiếc pickup cô lái húc vào xe của Carole .
Chuyện này, tôi nghĩ, đúng là chỉ có thể xẩy ra ở Los Angeles mà thôi. Tôi đã thấy những người ở miền đông vừa lái xe vừa chơi ô chữ, vừa cạo râu, kẻ lông mày, bôi mascara, đánh phấn, tô son, đọc báo, thắt ca vát, nói chuyện điện thoại... Nhưng vừa lái xe vừa thay quần áo thì chưa bao giờ.
Trong khi ở California thì chuyện này có vẻ xẩy ra hơi nhiều.
Cách đây mấy năm, mục Metro của tờ Orange County Register cho biết là nhân viên của Caltrans lo việc dọn dẹp và giữ sạch các đoạn xa lộ 5, 91 và 405 chạy ngang qua quận Cam ngày nào cũng nhặt được khá nhiều quần lót, mà hầu hết là của phụ nữ. Các nhân viên Caltrans nói là thảng hoặc mới có ngày họ không nhặt được các món này.
Ðem hai chuyện đặt cạnh nhau, ai cũng hiểu ngay rằng phụ nữ California nhiều người vừa lái xe vừa thay quần. Thỉnh thoảng, thấy cái quần lót cũ, không đáng để mang về nhà giặt, thì lập tức mở cửa xe, "gửi gió cho mây ngàn bay," cho nó "cuốn theo chiều gió ".
Nhưng tại sao lại vừa lái xe vừa thay quần? Không thể làm việc đó ở chỗ khác hay sao? Và tại sao lại nhiều người làm công việc đó như thế?
Không thể hiểu được. Hay là... yêu nhau cởi áo cho nhau?
Nhưng làm thế là khi đang đi trên cầu gió lồng lộng chứ. Sao lại ở trong xe?
Còn người lái xe gây tai nạn thì cảnh sát sẽ cho cái giấy phạt như thế nào?
DWI (Driving While Intoxicated) lái xe trong khi say rượu hay DWG (Driving While Getting Changed) lái xe trong lúc đang thay quần áo?
Thế những trường hợp son phấn trên xe thì phải làm gì? Cảnh sát có cần lôi thơ ông Hoàng Anh Tuấn ra nhắc nhở không:
Có đi qua xin em đừng đánh phấn
Tóc buông dài lứa tuổi thích ô mai...

Hay cho cái giấy phạt là đủ?
Những người này, khi bị hỏi là "có bận gì không," nhiều khi nói "không bận gì," thì đúng là "không bận gì" thật, nhất là trong lúc đang lái xe ở Los Angeles vậy.
Ðang thay quần thì đúng là "không bận" thật đấy chứ.
Mà có trả lời là đang "bận" thì cũng có sai đâu! Ðang "bận" lái xe và mặc quần đấy thôi...
Nhưng lúc ấy thì có "bận" gì đâu...

Ngày 28 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Chắc còn phải lâu lắm tôi mới trở lại cái tiệm ăn Tây ở khu phố cổ gần bờ sông Alexandria. Ít ra thì cũng phải đến khi quên bớt đi những nhắc nhở của nó... Ngày cuối năm, người bạn rủ đi ăn tối, nói rằng tiệm La Bergerie là một trong những tiệm hàng đầu ở quanh thủ đô. Nhưng ngay khi cầm cái thực đơn, tuy được in rất đẹp, tôi muốn trở ra cửa ngay. Lý do là vì mấy câu chú thích in dưới những cái dấu hoa thị bên cạnh một vài món trong thực đơn làm bữa ăn mất ngon đi rất nhiều.
Mấy chục năm trước, những dòng chữ xuất hiện trên vỏ của những bao thuốc Kent đã làm tôi bỏ thuốc lá mặc dù nội dung của nó lúc ấy vẫn còn dè dặt lắm, đại khái các y sĩ tin rằng thuốc lá có đóng góp phần nào cho việc gây ra ung thư phổi. Thế là mất đi bao nhiêu hứng thú, bèn bỏ quách. Bây giờ, hàng chữ cảnh cáo nghe ghê rợn hơn nhiều. Chuyện bỏ thuốc của tôi hồi đó không phải là điều ân hận bao giờ. Chỉ vì một câu hăm dọa nhẹ nhàng đó.
Nhưng rồi càng nhiều tuổi, thì người ta càng lì ra. Nhất là khi biết yêu những chai đỏ của Úc, của Á Căn Ðình, của Napa, của vùng sông Rhône... Thì lại gặp phải những cái nhãn quái ác, trên đó, những chi tiết về mùa nho, về nước trong vùng, về những cái château nơi chúng được vào chai... thì chẳng thấy ghi. Thay vào đó là những câu hăm dọa mới như theo lời tổng giám đốc y tế, các phụ nữ không nên uống rượu trong khi mang thai vì có thể hại tới thai nhi...
Vừa nghĩ mình vô can vì không thể … bầu bì được, thì ngay ở dưới là một đoạn hăm dọa khác: uống rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và có thể gây ra những vấn đề sức khỏe...Và như thế, bỏ tiền mua chai rượu khá một chút để vẫn phải nghe hai ba câu hăm dọa thì làm sao vui được, dẫu cho có tay tiên rót chén rượu đào...
Ðổ đi thì tiếc. Nên cứ uống, nhưng chừng mực một chút.
Tối hôm ấy, cầm đọc cái menu của La Bergerie để... đi chợ, tôi thấy được mấy món có vẻ rất được. Cá, bò, cừu đều được cả. Nhưng cứ món nào được một chút, cho đó là roast beef hay rack of lamb, hay vài ba thứ fruits de mer, là bên cạnh lại thấy cái hoa thị (*), nhìn xuống phía dưới, là đụng ngay vào những câu hăm dọa. Ðó là lần đầu tiên, trong thực đơn tôi đọc thấy chúng.
Câu hăm dọa đó cũng nhẹ thôi: các món thịt nấu không chín có thể gây ra những bệnh do các loại siêu vi trong nhóm salmonella truyền đi trong thịt, cá...
Nhưng vậy thì làm sao còn có thể dám gọi miếng steak kiểu Tatar, đụng dao vào còn ứa máu đào? Còn đâu là những miếng thịt cừu non Tân Tây Lan ăn cỏ trên những cánh đồng gần Christchurch hay Palmerston North một thời thân thiết? Làm thế nào còn dám đụng tới cái steak kiếm ngư -- sword fish -- còn hơi sống một chút để tưởng hôm qua nó còn vẫy vùng trong dòng Gulf Stream vật nhau tuyệt vọng với lão ngư ông của Hemingway?
Thôi thì chín quắt lại cho đỡ lo nhé...
Nhưng tại sao phải hăm kỹ như thế? Ði bộ băng ngang qua đường nguy hiểm biết là bao cũng nào có tổng giám đốc y tế hay bộ trưởng giao thông công chánh đứng cảnh cáo là việc đó có hại cho sức khỏe đâu? Trong khi chuyện bị cái Jaguar S-2000 đụng chết dễ hơn là bị salmonella hại đời... trai rất nhiều.
Nếu nhà cầm quyền quan tâm đến phúc lợi, sức khỏe, an nguy, thịnh vượng của người dân thì sao không treo những câu hăm dọa về nguy hiểm của việc sang đường ở các ngã tư đi?
Tại sao biết cảnh cáo để không cho trẻ con chơi những bao plastic vì chúng có thể trùm lên đầu làm ngạt thở trong khi lờ những nguy hiểm của những thứ sản phẩm khác đi? Tại sao làm mất đi cái ngon miệng bằng những câu hăm he in trong thực đơn trong khi không in vài ba câu cảnh cáo trên cái chai J'adore của Christian Dior? Thí dụ ít ra cũng phải viết rằng mùi hóa chất đựng trong chai này có thể làm cho người ngửi nó không suy nghĩ một cách tỉnh táo và thông minh được... không nên đứng gần quá lâu nếu nó bay ra từ một “tòa thiên nhiên” chẳng hạn.
Hay rõ hơn một chút: những người dùng thứ hóa chất này có thể rất nguy hiểm cho tự do, độc lập, hạnh phúc của những người đàn ông...
Hay điều đó quá rõ, không cần phải hăm nữa?

Ngày 29 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Ðã lâu tôi khôngvào thư viện công cộng nên không biết các thủ thư xếp cuốn sách của Laura Doyle do nhà xuất bản Simon & Schuster ấn hành hồi đầu năm nay và có lúc đã ở trong danh sách mười cuốn sách bán chạy nhất của Amazon vào loại sách nào. Nhiều năm trước, tôi đọc được, hình như trong Reader's Digest, câu chuyện kể một độc giả hỏi thăm người quản thủ thư viện, nhờ tìm hộ cuốn sách nhan đề "Ðàn Ông Là Xếp Chúa Trong Nhà", và được trả lời là ông ta có thể kiếm cuốn sách đó trong kệ sách dành cho các loại sách truyện cổ tích, thần tiên.
Ngoài đời thật không thể có thứ xếp chúa nào như thế, ý nói trong truyện thần tiên thì may ra.
The Surrendered Wife là tựa cuốn sách của Laura Doyle. Bạn muốn dịch là Người Vợ Hồi Chánh hay Người Vợ Ðầu Hàng, Người Vợ Chịu Thua... hay thế nào cũngđược. Cuốn sách này không biết phải đi tìm ở tủ sách dành cho loại sách học làm người, khéo tay làm lấy (self help), tham khảo, tâm lý, triết học hay chính trị?
Tác giả, Laura Doyle, là một phụ nữ 33 tuổi, sống ở miền tây Hoa kỳ, một bữa sáng tỉnh dậy và thấy không thể tiếp tục đối xử với chồng như nàng vẫn làm từ lâu nay được nữa nếu muốn cứu vãn cuộc hôn nhân của hai người.
Laura Doyle chợt nhớ nhà của hai người đã có mấy chiếc thảm chùi chân đặt ở cửa trước, cửa sau, buồng tắm, nhà xe... và vì thế, chồng nàng nên được dùngvào việc khác (?).
Muốn chùi chân thì cứ dùng những cái thảm chùi chân là đủ.
Laura Doyle quyết định tha cho người chồng chức năng làm thảm chùi chân.
Không những thế, Laura còn quyết định ngưng hẳn mọi nỗ lực để kiểm soát, phê bình, chỉ trích, ngắt lời, dậy dỗ, chỉ bảo, cho ăn canh rau đay, hủ tiếu dai, bắt ngậm bồ hòn... và họp thượng đỉnh (?) với chồng mỗi tuần ít nhất một lần cho dù nàng không ở trong tình trạng đầu óc để họp.
Laura Doyle viết xuống tất cả những điều đó cộng thêm với một số ý kiến của mấy người bạn, và kết quả là cuốn sách mà nàng đặt cho cái tựa TheSurrendered Wife, Người Vợ Hồi Chánh.
Cuốn sách trở thành bestseller, bán chạy nhất tại nước Mỹ, nước Mỹ của thế kỷ thứ hai mươi mốt, xứ sở của phong trào phụ nữ giải phóng, của những người đàn bà lái xe ngồi ghế sau -- back seat driver --chuyện gì cũng nhẩy vào đòi can thiệp, chiếc nhẫn ở tay người chồng được lấy ra, xỏ vào mũi những người đàn ông này, lôi đi; đất nước của những người đàn bà đang cố hết sức để đổi cái váy của mình cho những người đàn ông để mặc quần...
Trong một bối cảnh như thế, thì cuốn sách của Laura Doyle ra đời và bán chạy như tôm tươi.
Ai là những người mua cuốn sách đó? Phụ nữ, dĩ nhiên, và luôn cả đàn ông nữa. Nhưng chắc chắn người đọc có những lý do khác nhau để đọc nó, và đọc nó xong rồi thì cũng rút tỉa ra nhiều điều rất khácnhau.
Một phía đọc để xem lịch sử và tiến bộ của con người đang bị âm mưu kéo giật lùi lại như thế nào, và phía kia thì đọc để nhớ lại những cổ tích nghe trong thời thơ ấu, khi người đẹp trong tranh bước ra, cơm nước cho chàng học trò nghèo, khi Châu Long thay chồng giúp bạn, khi trái thị biến thành người vợ hiền thảo, khi "chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì..."
Không nhẩy dựng lên ném ra đủ mọi thứ ngôn ngữ kinh hoàng nhất...nước Mỹ.
Ðó, người ta đọc cuốn sách của Laura Doyle là vì những lý do như thế.
Cũng như người Mỹ tiêu tốn bao nhiêu tiền mua những cuốn sách chỉ cách xuống cân, tiêu mỡ và kết quả là quá nửa người Mỹ có cân đo quá khổ. Những cuốn sách đều chung phần số, ra nằm trong mấy thùng giấy chất trong ga ra xe.
Mấy điều Laura Doyle viết trong cuốn sách đó, có thể mới, lạ với các độc giả Mỹ. Các ông già Lê Quí Ðôn, Nguyễn Trãi đã dậy chúng tôi từ vài trăm năm nay, không tin cứ đến đây chúng tôi chỉvài ba người phụ nữ đoan chính, dịu dàng của chúng tôi cho mà... coi.
Hiền dễ sợ luôn!Hiền ác!

Ngày 30 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Chim ở xứ Mỹ quả là có sướng. Ðược nuôi cho béo, cắt, tỉa lông cho đẹp, bây giờ lại còn được cho mặc tã để tha hồ tự do đi chơi khắp nơi, không còn bị nhốt mãi một chỗ nữa. Chuyện trở về Cali (hayParis, tôi không nhớ rõ) có thể để quên con tim, chứ để quên những con chim thì không thể xẩy ra được. Chim rất được yêu quí như bài báo tôi mới đọc được trong phụ trang Business của tờ Washington Post.
Avian Fashions một công ty nhỏ ở gần thủ đô đã rất thành công mới chỉ sau có hai năm hoạt động. Sản phẩm mà công ty đang bán khá chạy là những cái tã cho chim.
Những người nuôi chim đều muốn thả cho chúng chạy nhẩy, bay lượn tự do trong nhà thay vì nhốt chúng mãi trong lồng. Nhưng thả cho chúng tự do ra ngoài thì nhiều khi cũng phiền: phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, phòng ngủ đâu cũng có thể là vùng oanh kích tự do của chúng. Và bọn chim, với khả năng vừa bay, vừa oanh tạc nên nhiều khi đỉnh đầu của chủ chim cũng có thể bị ăn bom như thường. Ðỉnh đầu còn nhiều tóc thì lúc sau mới biết. Có khi hôm sau, đi tắm, gội đầu mới thấy một mảng tóc dính két lại với nhau: kỷ niệm của trò chơi rất vô phép của chim. Ðỉnh đầu còn rất ít tóc biết ngay: thấy ướt và nóng trên đầu là hiểu vừa có chim bay qua.
Ðể tránh những vụ oanh tạc bừa bãi đó của chim, chủ chim có thể cắt lông chim (ở hai cánh) để chim không bay được nữa. Hay cũng có thể mặc tã cho chim.
Những chiếc tã này được vẽ khiểu rất khéo. Tã ôm kín lấy bụng chim với hai quai quàng qua cánh và được cột lại ở trên lưng. Như thế, cánh chim vẫn tự do hoạt động để bay trong khi phía …dưới không thể thả bom được. Tã làm bằng vải, mỗi lần mặc khoảng bốn tiếng đồng hồ, sau đó, tháo ra, giặt phơi khô để có thể dùng lại. Mỗi chiếc tã vải như thế được bán với giá $19.95, mùa nào kiểu ấy: cái cho Halloween, cái cho Giáng Sinh, cái cho ngày của thánh Patrick vân vân.
Tin này có thể là tin vui cho người bạn có con vẹt của tôi. Con chim làm phiền khách khứa khá nhiều với câu nói do chủ cũ của nó dậy từ trước khi bạn tôi mua mang về nhà mà bạn tôi không cách gì làm cho nó bỏ được. Cứ thoáng trông thấy khách của chủ đến gần chuồng, là nó lại nghiêng đầu nói:"Big deal! Big deal!"
Làm cái gì mà cứ nhắng lên như thế! Cứ nghe nó lảm nhảm như thế ai mà không tức điên người lên?
Tôi sẽ thông báo để người bạn mua mấy cái tã về lo cho (con) chim của chàng. Tưởng tượng sáng sáng chàng ra góc nhà, thò tay vào trong lôi chim ra. Sau khi vuốt ve nó mấy cái, xoa xoa cái đầu, vuốt xuống lưng chim, chàng mặc tã cho chim, cài cột cẩn thận rồi thả cho chim đi tự do trong phòng, nếu thích, chim có thể đi khắp nơi trong nhà như chỗ không người... mà không sợ chim của mình làm bậy.
Hiện nay công ty đang vẽ kiểu một sợi dây để cột chim, không cho chim vượt khỏi tầm tay kiểm soát của chủ, đi hoang gây phiền nhiễu cho chủ.
Những người không đồng ý với việc mặc tã cho chim thì cho rằng sản phẩm mới này làm cho chim mất đi đời sống tự nhiên. Chim phải được cho sống tự do gần gũi với thiên nhiên. Ở ngoài trời, có con chim nào mặc tã đâu? Sao lôi chúng ra rồi choàng lên mình chúng những cái tã?
Không muốn mỗi sang phải làm sạch chuồng chim bằng những tập thơ dở mà nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã than thở mua lầm phải một đống ở đầu cuốn "Thơ và vân vân" của ông, thì thả cho chim tự do đi luôn. Tại sao phải loay hoay tã lót cho... chim?
Mất công vì chim nhưvậy thì cắt (mọi liên hệ, trợ giúp) chim đi cho rồi. Tã lót mà làm chi? Chim làm bậy (?) như vậy thì không đáng nuôi nữa.
Tại sao lại để cho chim làm bậy rồi làm khổ mình như vậy?
Nhưng có chim mà không lo cho nó, bẩn chim hết sao?

Ngày 31 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Theo tạp chí Boating, tờ báo của những người lắm tiền nhiều bạc sống đời cao sang quyền quí kiểu "trên ô tô dưới thì ca nô, nằm giường Tầu đắp them nệm gấm, trên đầu lại xịt dầu thơm, dầu thơm" như một bài ca tả những tay chơi Nam kỳ xưa mà Vương Hồng Sển có dẫn trong một cuốn sách của cụ, thì những ông chủ tầu, chủ du thuyền không là những tay nịnh đầm, những người hùng, những hiệp sĩ oai phong như nhiều người có thể lầm tưởng. Tờ báo này cho biết là nếu người đi cùng trên tầu, trên du thuyền của các chủ tầu này có không may ngã xuống sông, xuống biển, thì cứ 100 chủ tầu, chủ du thuyền, chỉ có 13 người chịu bỏ tầu nhẩy xuống nước cứu bồ.
Thực ra, nói là "người đi cùng trên tầu" cho nhẹ, chứ trong cuộc thăm dò của tờ Boating, những người đó là vợ hay chồng -- nguyên chữ trong bài báo là "spouses" -- của chủ thuyền, chủ tầu.
Như vậy, đó phải là vợ hay chồng của chủ tầu, mà thường thì là vợ, vì số chủ tầu, chủ thuyền phụ nữ không nhiều lắm. Hầu như chủ tầu, chủ du thuyền bao giờ cũng là những người đàn ông áo sơ mi không cài cúc, phanh ngực, quần shorts, giầy boatshoes có giây bằng da, miệng ngậm tẩu bull dog, kính aviator, mũ lưỡi trai đứng hiên ngang cạnh tay lái tầu trong gió biển, gió sông lồng lộng.
Oai hùng và đẹp biết là chừng nào!
Vậy mà trong số 100 người như thế, chỉ có 13 người dám nhẩy xuống nước cứu vợ. Và 87 người kia thì tiếp tục đứng trên tầu, trên du thuyền cho gió sông, gió biển lồng lộng vuốt ve mái tóc.
Nhẩy xuống để... tóc gió thôi bay hay sao?
Như thế thì tồi thật.
Tại sao các chàng lưỡng lự rồi đi đến quyết định ở lại trên tầu? Tầu của chàng chưa chìm nên không thể nói là thuyền trưởng phải ở lại chết theo thuyền.
Vậy thì các chàng nghĩ gì?
Nghĩ tới cái bảo hiểm nhân thọ các chàng è cổ đóng cho vợ nay là lúc tốt đẹp nhất để đòi bồi thường cho bõ những ngay cơ cực?
Hay tới bầy cá mập đang bơi cạnh nàng? Làm sao phân biệt đâu là nàng, đâu là cá mập? Lỡ mắt mũi kèm nhèm nhìn gà hóa cuốc, nhìn vợ thành con great white, con tiger, con hammerhead, rồi cứu lầm con cá mập thay vì cứu vợ thì sao? Mang tiếng chết!
Trong khi những người đàn ông không giầu có, hào hoa như các chàng, không du thuyền, không ca nô gì hết, nhưng đi xe với chúng tôi, có té xuống sông, xuống biển(?) là chúng tôi tông cửa xe nhẩy xuống cứu cái một. Không những nhẩy xuống cứu, mà chúng tôi còn mở cửa cho lên xe nữa chứ.
Vậy mà có người nói xấu chúng tôi rằng khi một người đàn ông mở cửa xe cho một người đàn bà lên xe, thì một trong hai thứ phải mới: hoặc cái xe mới, hoặc người đàn bà mới.
Ý nói cái xe mới mua mà để cho đứa phàm phu tục tử mở lấy leo lên xe để hỏng để sứt sát xe cậu ư? Vậy thì cậu đành mở cho nó lên vậy.
Còn nếu nó mới, mà xe cũ thì chiều nó một chút có sao, nó đỡ chê xe mình cũ!
Nhưng đây đúng là một câu nói vu khống đầy ác ý. Người nghĩ ra câu đó chắc chắn đang ở với một người không còn mới nữa, nên phải bịa đặt ra nhận xét đầy ác độc đó để cho nàng chịu cho chàng mua xe mới, chứ không là người tử tế bao giờ hết.
Chỉ có người đàn ông đi cái Honda Passport cao vòi vọi, khi đi với một người mặc mini lên không nổi, thì đứng cạnh, mở cửa cho đương sự lên, rồi nếu cần, tiện tay tiện chân giúp nó leo lên thì cũng có sao. Trước mua vui sau làm nghĩa chứ mất mát gì đâu.
Còn lúc xuống, thì giúp mở cái cửa cho đương sự ra khỏi xe thật lẹ cho … khuất mắt thì đúng rồi còn nói chi nữa? Ðâu cần phải mới, xe cũng như người mới làm những việc như vậy.
Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng mở cửa xe cho lên cho xuống. Và vì thế, người không có tầu và du thuyền vẫn lịch sự, đáng yêu hơn những người có tầu,có du thuyền là thế.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 151)
THE+SUPERLATIVE + PRESENT PERFECT
IDIOMS WITH THE VERB TO STAND
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 151 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, tuần này chương trình nhận được thư của một khán giả, cụ ông Trần Quang Thái ở Florida muốn anh nói về một structure dùng so sánh hơn nhất cộng với thì Present Perfect. QA đọc câu hỏi của cụ mà cũng không hiểu cụ muốn hỏi gì. Cái structure này là cái gì, thưa anh.
BBT
Đây là một cách đặt câu rất có ích, chúng ta có thể dùng ngay trong khá nhiều trường hợp. Chắc hai cô thế nào chẳng đã có lần nói rằng đó là cuốn phim hay nhất, bài hát hay nhất mình đã được xem, đã được nghe, hay chuyện gì đó đáng nhớ nhất mà mình đã sống qua phải không? Chúng ta sẽ nói về cách đặt những câu như thế trong tiếng Anh.
Câu này có hai phần. Trong nửa đầu, chúng ta luôn luôn dùng hình thức so sánh nhất, tức là SUPERLATIVE COMPARISON của các tĩnh từ. Khi các tĩnh từ này là tĩnh từ ngắn, tức là có HAI ÂM, chúng ta chỉ cần thêm cái đuôi EST vào cuối là có so sánh nhất. Nhân đây, chúng ta cũng sẽ nói về cách so sánh hơn tức là COMPARATIVE và so sánh hơn nhất, SUPERLATIVE COMPARISON của các tĩnh từ. Để có hình thức so sánh hơn, chúng ta thêm ER và hơn nhất, chúng ta thêm EST và cuối. Thí dụ NICE, PRETTY, LOUD, NOISY, SOFT, STRONG… là những tĩnh từ ngắn. NOISY và PRETTY có HAI ÂM nên cũng được coi là tĩnh từ ngắn. Trên hai âm là tĩnh từ dài như BEAUTIFUL, INTERESTING, ATTRACTIVE... Thúy cho biết thể so sánh hơn và hơn nhất của NICE, PRETTY và LOUD là gì nào.
LÃM THÚY
NICE so sánh hơn là NICER và hơn nhất là NICEST; PRETTY là PRETTIER và PRETTIEST; LOUD là LOUDER và LOUDEST.
QA
NOISY so sánh hơn là NOISIER và so sánh nhất là NOISIEST; SOFT là SOFTER và SOFTEST ; STRONG là STRONGER và STRONGEST.
LÃM THÚY
Thưa anh, có bữa Thúy nghe con của Thúy dùng chữ BADDEST hình như không đúng thì phải.
BBT
Cám ơn cô Thúy. Cô nhắc tôi một chuyện rất quan trọng. BADDEST là sai, là không đúng xét về văn phạm. Nhưng tuổi trẻ như các con của cô thì nhiều khi chúng không lý gì tới văn phạm cả. Vì thế mới có chữ BADDEST. Nhưng đây là lối nói của tuổi trẻ. Mà ngay chữ BAD, bây giờ chúng cũng dùng với nghĩa hoàn toàn khác. BAD có thể có nghĩa là hay, tốt, đẹp tức là hoàn toàn khác với nghĩa của chữ BAD mà chúng ta đã biết là xấu, là dở. Thí dụ IT IS A REALLY BAD CAR nghĩa là cái xe rất hay, rất tốt, không phải là cái xe dở, xấu.
So sánh hơn nhất của BAD không phải là BADDEST mà là WORST.
QA
Như vậy là ngoại lệ phải không anh? Tiếng Anh có nhiều ngoại lệ như thế không?
BBT
Trong tiếng Anh có một số tĩnh từ ngắn nhưng không theo qui luật chúng ta nói ở trên, chúng ta không thêm ER cho so sánh hơn và không thêm EST ở cuối cho so sánh nhất. Đó là các tĩnh từ GOOD, WELL, BAD, OLD và FAR. Đó là những ngoại lệ.
GOOD so sánh hơn là BETTER và hơn nhất là BEST.
WELL là tĩnh từ nghĩa là khỏe mạnh, phân biệt với WELL trạng từ ADVERB nghĩa là giỏi. Tĩnh từ WELL so sánh hơn là BETTER và so sánh nhất là BEST.
BAD nghĩa là xấu, tồi, tệ. So sánh hơn là WORSE và so sánh nhất là WORST.
OLD so sánh hơn là OLDER và cũng là ELDER. So sánh nhất là OLDEST và cũng là ELDEST. So sánh hơn của FAR là FARTHER và cũng là FURTHER. So sánh hơn nhất là FARTHEST và FURTHEST.
QA
Thưa anh, ELDER, ELDEST có khác OLDER và OLDEST không?
BBT
Có. OLD là già, là cũ. OLDER là già hơn, cũ hơn. OLDEST là già nhất, cũ nhất. Còn ELDER và ELDEST thì cũng có nghĩa là già, nhưng chỉ dùng cho người, không dùng cho thú vật hay đồ vật. ELDER và ELDEST được dùng cho người, nhưng chỉ được dùng với những người trong nhà, trong cùng một gia đình như BROTHER, SISTER, AUNT, UNCLE... Thí dụ MY ELDER BROTHER, MY ELDEST UNCLE. Chúng ta không dùng ELDER và ELDEST với những người lạ, không thuộc gia đình của chúng ta. Vì thế, chúng ta nói MY OLDER CO-WORKER, hay MY OLDEST CLASSMATE.
LÃM THÚY
Thế còn FARTHER và FARTHEST có khác với FURTHER, với FURTHEST không thưa anh?
BBT
Khi nói về những chiều dài, những khoảng cách vật lý có thể đo được bằng miles, bằng kilometers thì chúng ta dùng FAR, FARTHER, FARTHEST. Khi đó là những khoảng cách KHÔNG đo được bằng kilometers, bằng miles, chúng ta dùng FURTHER và FURTHEST.
QA
Xin anh cho nghe thí dụ với FURTHER và FARTHER vì QA vẫn chưa hiểu.
BBT
Tôi hỏi cô là nếu nói đường từ Los Angeles đi San Jose XA hơn từ Los Angeles đi San Diego thì những đoạn đường này có đo được bằng MILES không?
QA
Đo được. Vậy thì QA nói THE DISTANCE FROM LOS ANGELES TO SAN JOSE IS FARTHER THAN FROM LOS ANGELES TO SAN DIEGO có đúng không?
BBT
Đúng rồi. Nhưng khi nói anh ấy định học cao hơn sau khi có bằng B.A. thì chuyện (học) cao hơn đó có đo được bằng miles hay kilometers không Thúy?
LÃM THÚY
Thưa không. Vì thế, Thúy sẽ phải dùng FURTHER chứ KHÔNG dùng FARTHER và nói là AFTER GETTING HIS BACHELOR DEGREE, HE WENT TO HARVARD FOR FURTHER STUDIES.
BBT
Đó là trường hợp so sánh hơn và so sánh nhất của các tĩnh từ ngắn. Khi gặp các tĩnh từ dài, tức là từ BA âm trở lên thì chúng ta dùng MORE để so sánh hơn và MOST để so sánh nhất. Thí dụ BEAUTIFUL, INTERESTING, EXCITING, WONDERFUL, TEMPERATE, COMPLICATED, INTELLIGENT là các tĩnh từ dài. QA cho biết so sánh hơn và so sánh nhất của BEAUTIFUL, INTERESTING, EXCITING coi.
QA
MORE BEAUTIFUL, MOST BEAUTIFUL; MORE INTERESTING, MOST INTERESTING; MORE EXCITING và MOST EXCITING.
BBT
Thế còn Thúy?
LÃM THÚY
MORE TEMPERATE, MOST TEMPERATE; MORE COMPLICATED, MOST COMPLICATED; MORE INTELLIGENT và MOST INTELLIGENT.
BBT
Bây giờ chúng ta trở về phần đầu của câu. Bao giờ chúng ta cũng dùng so sánh nhất trong phần đầu này. Thí dụ nói đó là cuốn phim hay nhất thì chúng ta nói IT WAS THE BEST FILM. Thúy cho nghe ba thí dụ của cô coi.
LÃM THÚY
HE WAS THE MOST INTELLIGENT PERSON.
SHE IS THE NICEST GIRL.
THEY ARE THE MOST INTERESTING PEOPLE.
QA
Thưa anh, tại sao lại phải dùng THE, mạo tự xác định, DEFINITE ARTICLE ở trước?
BBT
Khi so sánh nhất, khi nói đó là cô gái tử tế nhất, tốt nhất thì chúng ta đã xác định cô ấy là ai rồi, là người tốt nhất, tử tế nhất, nhất trong số những người chúng ta quen. Vậy thì người ấy đã được xác định, không còn bất định nữa, nói đến là biết đó là ai rồi, không phải là bất cứ cô gái nào, mà là chính cô ấy, do đó, chúng ta phải dùng THE, mạo từ xác định ở trước.
QA
Cám ơn anh. QA xin đưa ba thí dụ với so sánh nhất sau đây:
THAT WAS THE MOST EXCITING MOVIE.
HE DRIVES THE MOST EXPENSIVE CAR.
SHE SPEAKS THE BEST ENGLISH.
BBT
Bây giờ qua phần thứ hai của câu. Phần đầu chúng ta nói đó là cuốn phim lý thú nhất. Nói vậy nghe vẫn chưa đủ. Chúng ta cần một số chi tiết khác cho rõ và đầy đủ điều chúng ta muốn nói. Thúy thấy cần phải thêm gì nữa?
LÃM THÚY
Đó là cuốn phim lý thú nhất mà chúng tôi đã xem.
BBT
Mà chúng tôi đã xem được thì tiếng Anh nói là THAT WE HAVE SEEN. Thúy nói nguyên cả câu coi.
LÃM THÚY
THAT WAS THE MOST EXCITING MOVE THAT WE HAVE SEEN.
BBT
Cám ơn Thúy. Bây giờ hai cô cho nghe mấy thí dụ khác coi.
QA
Nhưng trước hết, QA muốn hỏi là KHÔNG dùng PRESENT PERFECT có được không?
BBT
Chúng ta dùng PRESENT PERFECT để nói là cho đến nay, UP TO NOW, đến bây giờ, nên chúng ta phải dùng PRESENT PERFECT, không thể dùng PRESENT hay PAST được. Lý do là vì PRESENT PERFECT được dùng để nói về một sự kiện chưa chấm dứt hoàn toàn, vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay. Thí dụ nói ông ấy lái một chiếc xe đắt tiền nhất mà (cho đến nay) tôi đã được thấy. QA nói thử bằng tiếng Anh câu trên coi.
QA
HE DRIVES THE MOST EXPENSIVE CAR THAT I HAVE SEEN.
SHE SPEAKS THE BEST ENGLISH THAT WE HAVE HEARD nghĩa là cô ấy nói thứ tiếng Anh hay nhất mà chúng tôi đã được nghe (tính từ trước đây cho đến nay).
LÃM THÚY
HE WAS THE MOST INTELLIGENT PERSON THAT WE HAVE MET.
SHE IS THE NICEST GIRL THAT HE HAS KNOWN.
THEY ARE THE MOST INTERESTING PEOPLE THAT WE HAVE TALKED TO.
BBT
Muốn cho ý nghĩa những câu trên mạnh hơn chúng ta thêm EVER vào ngay sau động từ TO HAVE. Thí dụ HE WAS THE MOST INTELLIGENT PERSON THAT WE HAVE EVER MET… THAT HE HAS EVER KNOWN…THAT WE HAVE EVER TALKED TO…
Muốn mạnh hơn nữa thì thêm IN THE ENTIRE WIDE WORLD nghĩa là trên khắp thế giới.
Hay cũng có thể thêm IN MY WHOLE LIFE nghĩa là trong đời tôi. Thí dụ hai cô thế nào mà đã chẳng được nghe câu này từ mấy đứa con: MOM, YOU ARE THE BEST MOM THAT I HAVE EVER HAD IN MY WHOLE LIFE IN THIS ENTIRE WIDE WORLD. Đúng không?
QA
Dạ đúng. Thưa anh, hôm nay, QA muốn anh cho nghe một số idioms thường hay gặp nhất của động từ TO STAND.
BBT
Idioms với TO STAND thì nhiều lắm, nói ra không hết đâu mà các cô cũng sẽ không nhớ được tất cả. Chúng ta sẽ chỉ cần biết một số idioms mà chúng ta thường gặp thôi. TO STAND là đứng. Cho thêm một PREPOSITION ở phía sau, ý nghĩa của nó đổi khác ngay. Thúy hiểu STAND FOR trong câu này là gì nào: THE LETTERS U.S. STAND FOR UNITED STATES.
LÃM THÚY
STAND FOR nghĩa là thay thế cho, tượng trưng cho phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. THEY SAY THERE IS NO SEAT ON THE PLANE SO WE MUST STAND BY. QA hiểu câu này ra sao?
QA
QA nghĩ STAND BY là đợi, đợi đến lượt mình, đợi để lên tầu bay.
BBT
Thế còn I CANNOT STAND HIS TALKING Thúy hiểu là gì?
LÃM THÚY
TO STAND còn có nghĩa là chịu, chịu đựng. Thúy cũng còn nghe câu này: IF YOU CANNOT STAND THE HEAT, GET OUT OF THE KITCHEN có phải là "có cứng mới đứng đầu gió" không thưa anh?
BBT
Cũng gần như thế. Nếu không chịu được nóng thì đừng đứng trong bếp nữa. Câu này có nghĩa là nếu không chịu được chuyện gì, không chịu nổi ai đó thì tránh ra đừng đến gần. Nhớ là idiom này thường được dùng ở thể NEGATIVE, rất ít khi được dùng trong thể AFFIRMATIVE. Đừng nói I CAN STAND HER COOKING. Dùng BEAR nghĩa là chịu đựng thì hơn: I CAN BEAR HER COOKING.
Hai cô cẩn thận khi nói TO STAND FOR OFFICE thì cũng hệt như là TO RUN FOR OFFICE. Cả hai câu STAND FOR và RUN FOR đều có thể dùng cho ông Romney cả. Cô QA thử làm một câu dùng STAND FOR hay RUN FOR coi.
QA
MISTER ROMNEY IS STANDING FOR OFFICE THIS YEAR. Hay cũng có thể nói HE IS RUNNING FOR OFFICE.
BBT
Thúy hiểu TO STAND IN trong câu này như thế nào: HE IS STANDING IN FOR WILLIAM BECAUSE WILLIAM IS SICK TODAY.
LÃM THÚY
STAND IN trong câu này nghĩa là thay thế, thế chỗ tạm cho ai đó. Thưa anh, thế còn "đứng dưới" người nào đó thì nghĩa là gì?
BBT
À câu này thì tôi không hiểu. I DO NOT UNDERSTAND YOU AT ALL.
LÃM THÚY
Như vậy là thầy hiểu em định chơi chữ, diễu thầy rồi còn gì. YOU UNDERSTAND ME rồi đó thôi.
BBT
NOW I UNDERSTAND YOU. BUT I DON’T STAND UNDER YOU. YOU MADE MY HAIR STAND ON END. Cô làm tóc tôi dựng ngược hết lên thấy chưa? THANK YOU !
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

August 23, 2012

August 24, 2012


Ngày 20 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Trước khi có những chuyến di cư, tức là khoảng năm 1953, ở Sài Gòn đã xẩy ra vụ một phụ nữ nổi ghen, đổ dầu hôi châm lửa đốt chết người chồng. Tin được đăng trên cả hai tờ nhật báo ở Hà Nội là các tờ Giang Sơn và Tia Sáng. Tôi nhớ rõ chuyện này, vì tên của người phụ nữ rất khó đọc, với tôi, vào lúc ấy, cô Quờn. Vụ cô Quờn đã trở thành chuyện rất nhiều người nhắc đến, ngay cả vào lúc những tin tức chiến sự đang rất xôi động vào thời điểm ấy.
Với người dân lúc đó, hành động đốt chồng là một tin rất lớn. Nhạc sĩ Trần Văn Trạch cũng nhắc đến chuyện ấy và viết thành một ca khúc hài hước rất nổi tiếng của ông.
Năm 1962, một phụ nữ khác ở Sài Gòn cũng vì ghen đã thuê người dùng acid tạt vào mặt một vũ nữ có dan díu với chồng của bà, một sĩ quan cấp tá. Khuôn mặt nạn nhân bị acid hủy hoại hoàn toàn. Báo chí Sài Gòn lại được dịp tốn nhiều giấy mực viết về vụ đánh ghen khủng khiếp đó suốt cả tháng trời.
Tôi nhắc hai chuyện này vì hồi ấy, những chuyện như thế là những chuyện họa hoằn lắm mới xẩy ra nhưng lại gây rất nhiều chấn động ở Việt Nam. Vài ba năm mới có một vụ như vậy.
Nhưng ngày nay, những chuyện như vậy không còn là những chuyện lạ nữa. Những chuyện đó, nói theo chữ nghĩa ở trong nước bây giờ, không còn là những tin "sốc" nữa.
Vì loại tin như thế được báo chí đề cập đến quá nhiều ở Việt Nam.
Trên tờ Công An Nhân Dân số đề ngày 20 tháng 8, người ta đọc được những tựa đề toàn những chuyện kinh khủng như "Bán người ra đảo Phú Quốc làm gái mại dâm", "Sát hại bạn gái rồi cướp tài sản", "Phá động mãi dâm ở Quảng Tây , giải cứu 11 cô gái Việt", "Sát hại người tình lớn tuổi vì không được cho ở chung", "Thanh niên hiếp em gái 9 tuổi, giết luôn em của nạn nhân 4 tuổi", "Giết bạn gái vì chiếc điện thoại di động", "Bán 5 cô gái sang Trung quốc trước ngày cưới", "Con gái 9 tuổi tố cáo cha đánh chết mẹ", "Giết người mang chôn ở hố bùn", "Giết người rồi giao cấu với tử thi", "Giải cứu 10 phụ nữ bị ép bán dâm ở Hà Nội", "Hiếp cụ bà 80 rồi cướp giây chuyền"…
Tổng cộng là 12 tin, không tính những tin về các vụ lừa đảo, gian lận, phạm pháp khác. Xã hội Việt Nam đã thay đổi như vậy rồi sao? Còn đâu là đời sống hiền lành, luân lý của ngày trước nữa.
Trên một trang khác, người ta thành lập nguyên một mục có tựa đề là "Học tập theo gương đạo đức của Bác" để nói về những việc làm tốt đẹp, những lời nói răn dậy của Hồ Chí Minh.
Nhưng học tập gương của Bác sao lại hành xử như thế?
Hoặc là các cháu đếch nghe lời Bác, nếu không thì các cháu biết tỏng Bác là người thế nào rồi. Không thể che mắt được các cháu nên các cháu làm theo bác để vui chơi bốn mùa. Hay cũng có thể các cháu chỉ làm đúng theo những tấm gương Bác để lại.
Mà những tấm gương ấy thì cũng chẳng tốt đẹp gì. Bác vồ Nguyễn Thị Minh Khai, vợ của đồng chí Lê Hồng Phong ở Mạc Tư Khoa. Bác bạ đâu là … cách mạng ở đó. Bác lấy Tăng Tuyết Minh, một chị xẩm, rồi lại mê cả Đặng Dĩnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai, rồi hết với má Nông Đức Mạnh, lại với cô Nông Thị Xuân mà xài xong, bác tặng cho Trần Quốc Hoàn dùng sái nhì rồi Hoàn giết quăng xác ra đê Yên Phụ…
Có vậy thì mới giải thích được những thứ tin tức khủng khiếp như trên trang báo của một ngày như đã thấy ở trên.
Đất nước ngày nay đã trở thành một nơi độc địa như thế rồi sao?

Ngày 21 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Mỗi năm, khoảng tháng 12, đài BBC lại đưa ra một danh sách những từ ngữ bị ghét nhất và bị coi là vô duyên nhất trong tiếng Anh. Đó là những chữ đã bị dùng nát bươm, đã mất đi hẳn ý nghĩa nguyên thủy, hay vì đã bị lạm dụng quá mức đến độ biến thành vô nghĩa, và hơn hết, cho thấy sự lười biếng, thiếu sáng tạo của người dùng nó.
Hai chữ "You know" cũng đã được ghi vào danh sách đó cả ở Anh cũng như ở Mỹ, như trong danh sách tương tự của nhật báo New York Times và Washington Post.
Nhưng người ta vẫn tiếp tục nhắm mắt nhắm mũi dùng nó. Caroline Kennedy, con gái cố tổng thống Kennedy, mấy năm trước ngấm nghé chiếc ghế thượng nghị sĩ New York khi bà Hillary Clinton bỏ thượng viện để tham gia nội các Obama, cũng vì dùng văng mạng hai chữ "You know" mà giấc mơ vào thượng viện tan tành. Trong một cuộc phỏng vấn, Caroline Kennedy đã dùng hai chữ "You know" tới 142 lần. Bản chuyển tả ghi chép lại nguyên văn bài phỏng vấn đã không bỏ sót một chữ "You know" nào. Chiếc ghế thượng nghị sĩ New York trước đó gần như chắc chắn vào tay Caroline Kennedy thì sau cuộc phỏng vấn truyền hình đó với 142 lần "You know" đã vuột khỏi tay người phụ nữ từng được cả nước Mỹ yêu mến và ái mộ, người còn lại duy nhất của gia đình cố tổng thống Kennedy. Hễ kiếm không ra chữ dùng đích đáng, là "You know" cho được việc. Người ta liền nghi ngờ khả năng của người phụ nữ có bằng luật đó. Ăn nói như thế thì làm sao có được sự can đảm tại nghị trường như tựa đề cuốn sách nổi tiếng của cha cô, "Profiles in Courage", để thành một nhà làm luật giỏi cho được.
Trong tiếng Việt cũng có những chữ vô duyên hết sức như thế, từ khi ông Hồ lôi chúng ra dùng. Một trong những chữ đó là "tốt". Cái chó gì cũng "tốt". Như cái khẩu hiệu viết trên tường của một trường học nơi diễn ra những trò dùng tài liệu, chép từ "phao" trong giờ thi hồi cách đây mấy tháng. Đó là cái khẩu hiệu "Dậy tốt, học tốt".
Thay vì nói các nhà giáo làm việc tận tâm, các học sinh học hành chăm chỉ, thì cứ "tốt" mà phang vào. Cho nên mới xẩy ra cảnh gian lận thi cử một cách "tốt" như đã thấy. (đáng lý ra phải nói là " gian lận một cách trắng trợn và công khai").
Ở Mỹ, tại một cuộc thi hát mới đây, các giám khảo cuộc thi, khi đưa ra ý kiến về các thí sinh và giọng hát của họ, thì các ông bà giám khảo cứ hết hát "tốt", lại đến thể hiện "tốt" … là xong phần nhận định và phê bình. Thế thì những từ ngữ chính xác hơn để mô tả giọng hát hay kỹ thuật trình bầy như truyền cảm, chừng mực, xuất sắc, thuyết phục, điêu luyện, già dặn, đầy cảm xúc, tình cảm … để đâu mất hết rồi. Ngôn ngữ đã thoái hóa và nghèo nàn đến thế rồi ư? Đòi hỏi như thế đối với các giám khảo cuộc thi có là quá đáng không?
Hình như không.
Còn có hai chữ khác mà chúng ta cũng không cách nào thoát được khi đọc báo, nghe radio và xem các chương trình truyền hình ở đây. Đó là hai chữ "chia sẻ". Cái quái gì cũng chia sẻ hết.
Xướng ngôn viên đọc cái cáo phó trên đài radio mời thính giả "chia sẻ" tin buồn. Sao lại làm thế! Tin buồn thì của tang gia, cáo phó là thông báo cái tin buồn đó cho bạn bè thân thuộc của tang quyến để biết mà thăm viếng, phúng điếu chứ mắc mớ gì tới các thính giả nghe radio? Buổi sáng đang tốt đẹp, ấn cho chúng tôi cái tin buồn, chia sẻ cho chúng tôi những đau đớn, buồn khổ thì khổ cho chúng tôi quá. Nếu chúng tôi có dính líu, quen biết với người quá vãng hay gia đình của người chết thì chúng tôi sẵn sàng cảm thông với những mất mát đó. Nhưng chúng tôi không quen biết người ra đi và tang gia thì tại sao chia cho chúng tôi một ít đau buồn và muốn chúng tôi đau buồn?
Trong quảng cáo về những xe hơi trong một đợt bán hạ giá, người xướng ngôn cũng xin người bán xe "chia sẻ". Chia sẻ cái gì bây giờ? Chia cho chúng tôi một cái xe lái về miễn phí sao? Tại sao không nói là yêu cầu người bán xe cho biết giá cả và số xe đang có sẵn ở parking lot?
Nghe những nhà truyền thông quảng cáo bán thuốc cũng sẽ thấy những câu vớ vẩn và ngớ ngẩn xin các ông bà lang ta …"chia sẻ". Người bệnh được yêu cầu "chia sẻ", các ông lang cũng "chia sẻ". Sao lại hào phóng một cách kỳ lạ như vậy?
Đọc báo trong nước người ta mới thấy hai chữ "chia sẻ" này xuất phát từ trong nước mà ra. Ở dưới một bản tin chó chết mới đây, một độc giả viết "Tôi rất chia sẻ". Chia cái con chó gì? Thông cảm, đồng cảm, cùng những suy nghĩ như bản tin… chứ tại sao lại "chia sẻ"?
Rất nhiều những bản tin báo chí, thay vì viết "ông XYZ cho biết thêm" hay "nói rõ hơn", hay "giải thích thêm"… thì cứ thế lôi "chia sẻ" ra dùng cho …bõ ghét.
Chia sẻ là đem cái của mình chia cho người khác. Nhưng chia sẻ không có nghĩa là cho hết, mà chỉ cho một phần, còn giữ lại một phần. Chia sẻ miếng cơm manh áo, chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ kiến thức thì có lý. Nhưng chia sẻ một chuyện thì có nói hết câu chuyện đó không? Hiển nhiên, theo cách hiểu chính xác của hai chữ "chia sẻ", thì không. Nói rằng tổng thống Obama "chia sẻ chương trình medicare", thì chắc chắn ông còn giấu nhiều điều, không cho người dân biết. Tại sao không nói là tường trình, trình bầy, nói về … medicare?
Trong một bản tin trong nước, nhà báo viết: "ông X chia sẻ căn bệnh phong tình với chúng ta". Tại sao lại viết như thế? Ông X nói về bệnh phong tình của ông thì cứ nói, chứ chia cho chúng tôi một ít vi trùng lậu, giang mai thì không được. Xin ông cứ giữ chúng trong người. Đừng chia sẻ như một số người Phi châu tin là cưỡng hiếp các nữ tu ở các tu viện, thì những nạn nhân sẽ lấy đi vi trùng bệnh phong tình, vi khuẩn HIV và người bị bệnh sẽ khỏi.
Đó là cách nói lười biếng, không chịu tìm chữ dùng cho chính xác, mà cũng có thể là không có chữ, nên cứ lôi "tốt" với "chia sẻ" ra mà dùng một cách vô tội vạ như thế.
Đố bạn nghe radio, xem truyền hình và đọc báo ở đây mà thoát được mấy chữ này.
Bạn mà thoát được thì tôi sẽ xin cho bạn "một tràng pháo tay", một câu cực kỳ vô duyên và ngớ ngẩn khác mà chúng ta bị nó tra tấn đến độ chúng ta không bao giờ có thể một ngày qua đi mà thoát được chúng.
Không tin thì cứ nghe mấy ông bà em xi mà coi.

Ngày 22 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Hôm qua, theo một bản tin từ Bắc Kinh thì nhà cầm quyền Trung quốc đã lên tiếng than phiền là Việt Nam đang hạn chế phổ biến những phim Tầu trên các đài truyền hình ở Việt Nam.
Tôi không ở Việt Nam, mà có sống ở đó, cũng sẽ không bao giờ xem phim Tầu chuyển âm sang tiếng Việt. Giản dị là vì tôi không thích loại phim này. Xem để mà phải nghe, rồi lỡ nhập tâm những câu như, "em muốn gả ai là em gả à" rồi lâu dần lỡ chính mình ăn nói quàng xiên theo những văn chương đối thoại tiếng Việt của những cuốn phim này, hay phải nghe mấy đứa cháu khen "ông nội xuất sắc trong vai tì nữ" hay sao?
Vì không ở trong nước nên tôi không biết trước đây các đài truyền hình ở Việt Nam chiếu bao nhiêu phim Tầu, và nay, con số phim Tầu bị giảm đi là bao nhiêu, và từ bao giờ. Nhưng đọc bản tin tường thuật những lời than phiền của Bắc kinh thì tôi thấy những người bạn tốt của chúng ta ăn nói như cứt.
Không biết việc giảm bớt con số những thứ phim ảnh ấy có là chủ trương mới của nhà cầm quyền Hà Nội để phản đối thái độ và hành động mất dậy của mấy anh Tầu đối với Việt Nam hay không, nhưng tôi tin là không. Thế nhưng tôi vẫn thấy mấy anh Tầu là chướng, là vô lối, và ăn nói như cứt.
Mẹ kiếp mấy anh đừng vội phản đối chuyện số phim Tầu bị cắt bớt, mà hãy nhìn kỹ những gì … Cộng Sản Hà Nội đang làm (xin lỗi tổng thống Thiệu vì đã thuổng câu nói quá hay của ông). Việc quái gì mà mấy anh phải nhắng lên như thế.
Đây nhá, chúng tôi vẫn chỉ dám gọi tầu của … Ba Tầu là "tầu lạ" nhá. Chúng tôi vẫn không dám gọi ba cái tầu ấy là tầu của Ba Tầu. Chúng tôi kiêng cữ như thế là rất kỹ rồi còn nói gì nữa. Rồi tầu của Ba Tầu đụng nát tầu của ngư dân Việt Nam, Ba Tầu lại còn bắt những người đánh cá khốn khổ này, giam giữ đòi tiền chuộc, đồng thời không hề bồi thường các thiệt hại gây ra cho ngư dân Việt Nam, mà chính phủ chúng tôi vẫn trơ mắt ếch ra, đếch dám làm gì nhá. Dân trong nước chúng tôi mà nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa là chúng tôi bắt ngay, cho công an đạp vào mặt, đánh đập nhừ tử, nhốt trong trại phục hồi nhân phẩm, làm như tranh đấu cho Hoàng Sa và Trường Sa là mất cha nó nhân phẩm cần phục hồi lại nhá. Biểu tình chống Tầu là chúng tôi dẹp đến nơi đến chốn. Chưa xuống tới đường để biểu tình, chúng tôi đã cho công an đến tận nhà hăm dọa, cấm đi biểu tình. Công an chúng tôi còn theo dõi cô Huỳnh Thục Vi vào tận Sài Gòn, bắt cô đem về tận nhà ở miền Trung, không cho biểu tình chống Tầu nhá. Chúng tôi bắt tất cả những ai dám chống lại hay nói xấu Trung quốc nhá. Ngay như Pháp Luân Công không chống gì chúng tôi mà biểu tình trước sứ quán Trung quốc ở Hà Nội là chúng tôi cum hết nhá.
Nước bạn Ấn độ đưa chiến hạm tới thăm chúng tôi bị hăm dọa chúng tôi im như hến, có dám nói gì đâu. Ấn độ thăm dò dầu khí ở vùng biển của chúng tôi thì bị lên án trong khi bộ trưởng quốc phòng của chúng tôi mới đây vẫn ca ngợi tình hữu nghị thắm thiết 16 chữ vàng đó thôi.
Vài ba cuốn phim Tầu bị bớt chiếu thì ăn thua gì, chúng tôi vẫn cho các ông lang Tầu không có giấy phép hành nghề mở phòng mạch, dùng thuốc quá hạn, chúng tôi cũng để mặc bán rau trái nhiễm độc của Trung quốc bán sang Việt Nam, ngoảnh mặt quay đi để gian thương Ba Tầu sang Việt Nam lừa đảo nông dân Việt Nam gây thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Rồi cả trăm ngàn Ba Tầu được đưa lậu vào Việt Nam, cướp đi công ăn việc làm của người dân Việt trong khi các anh bạn vừa bắt giữ mấy ngàn người Việt sang làm việc ở Trung quốc chúng tôi có nói gì đâu. Kế đến, dân Ba Tầu nhập cư lậu chiếm đất đai xây cất những khu nhượng địa thành những Đông Đô Đại Phố như ở Bình Dương, toàn quyền lấy phụ nữ Việt, sinh con đẻ cái, tìm mọi cách ở lại nước chúng tôi thì được. Ba Tầu cũng được cho mặc sức khai thác tài nguyên của Việt Nam, tổ chức khai thác hải sản ở nhiều nơi ngay trong lãnh thổ Việt trong khi các thực phẩm độc hại của Trung quốc vẫn tiếp tục tràn qua Việt Nam để đầu độc lâu dài người Việt, chúng tôi cũng có làm gì đâu.
Hễ nói ra, thì các bạn Trung quốc lại lôi cha nó cái công hàm mả mẹ Phạm Văn Đồng ra ịn vào mặt chúng tôi là chúng tôi ú ớ luôn đó thôi.
Ở hải ngoại, mở đài truyền hình ra là coi phim Tầu thả giàn có ai cắt đốt cột gì đâu.
Phim ảnh của chúng tôi thì cũng do Ba Tầu làm giùm như cuốn phim Lý Công Uẩn cũng có ai dám nói gì đâu!
Mẹ kiếp, bỏ đi vài cuốn phim mà đã làm nhắng lên như thế là thế nào? Cứ thủng thẳng, chúng tôi sắp thành ngôi sao thứ 6 trên cái Ngũ Tinh Hồng Kỳ của mấy anh rồi không thấy sao? Chúng tôi đã in sẵn những cái cờ ấy cho trẻ đem phất để chờ ngày lá cờ chính thức có 6 sao, bộ mấy anh không thấy sao?
Mấy anh đúng là chơi cha chúng tôi quá rồi đấy nhá. Nhưng biết sao bây giờ, khi mà mấy anh đã "đ… mẹ" mấy thằng lãnh đạo khốn nạn của nước chúng tôi rồi còn chó gì nữa. Chơi cha là đúng rồi còn chi!

Ngày 23 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Người ta hy vọng tòa án sẽ không xử phạt công ty hàng không US Airways về việc công ty này buộc 6 tu sĩ Hồi giáo phải xuống máy bay tại phi trường Minneapolis-St Paul cách đây mấy tháng.
Tôi cũng mong công ty sẽ không xin lỗi những người này như mấy ông tu sĩ này đang muốn và mong chuyện xẩy ra trên chuyến bay sẽ dậy cho họ ý nghĩa của câu "nhập gia tuỳ tục". Không thể cứ bắt người khác phải tôn trọng lề thói của mình mà không lý gì tới lề thói của nước chủ nhà.
Những người này lên máy bay ở phi trường Minneapolis-St Paul để đi Phoenix Arizona sau khi dự một cuộc hội nghị về Hồi giáo. Trên máy bay, ba người đứng dậy đọc kinh Koran trong lúc máy bay sắp chạy ra phi đạo để cất cánh. Tiếp viên yêu cầu các ông ngồi xuống, cột dây lưng an toàn lại như luật an ninh không lưu. Tất cả không chịu, tiếp tục đọc lớn một đoạn kinh Koran. Điều này, họ không phủ nhận. Một người tổ chức biểu tình để phản đối công ty US Airways tên là Mahdi Bray nói rằng các tu sĩ này, theo luật Hồi giáo, phải đọc kinh thật lớn ( ... they were supposed to pray out loud.)
Biết rồi. Nhưng trên máy bay đang sửa soạn cất cánh thì hãy "tuỳ tục" cái đã.
Tùy tục như thủ tướng Margaret Thatcher khi sang Ả Rập Sauđi cũng choàng khăn lên đầu che tóc lại như tập tục của phụ nữ Hồi giáo, hay như công nương Diana đi thăm Pakistan cũng mặc áo tay dài để khỏi lộ cánh tay trần ra như phụ nữ Pakistan vẫn làm khi ra đường.
Mà đó là những người bề gì cũng, nếu muốn, cứ phục sức như ngày thường ở nước Anh thì cũng chẳng ai làm gì được. Nhưng vì câu "nhập gia tuỳ tục" mà cả hai đã làm như thế.
Đằng này 6 ông chỉ là mấy ông thầy tu, i mam, i miếc gì đó đi trên máy bay, luật lệ đòi hỏi phải ngồi xuống ghế, đeo dây lưng an toàn thì nhất định không chịu, đòi phải đứng và đọc kinh Koran thật to cho mọi người nghe miễn phí, không lý gì tới luật lệ của hàng không Mỹ cũng như hàng không thế giới.
Nếu ở một nước chưa xẩy ra vụ 911 thì thôi, chúng tôi sẵn sàng bỏ qua trò nhập gia không tùy tục cho các ông. Nhưng sau vụ 911, không ai có thể trách cứ người dân Mỹ, trong đó có cả các hành khách trên chuyến bay của US Airways hốt hoảng khi thấy những hành động khả nghi của các ông, nhất là các ông lại chọn ngồi ở những hàng ghế sát phòng lái, giữa máy bay và cuối thân tầu hệt như vị trí của những tên khủng bố trong chuyến bay bị chúng cưỡng đoạt và lao xuống một cánh đồng ở Pennsylvania hôm 11 tháng 9 năm 2001.
Các ông không chịu ngồi xuống. Máy bay không thể chạy ra phi dạo để cất cánh được. Vậy thì giải pháp duy nhất có thể thi hành trong trường hợp này là mời các ông xuống máy bay. Nhưng các ông lại không chịu xuống và cảnh sát phải lên máy bay can thiệp. Vậy mà các ông vẫn không chịu xuống, thế thì phải còng tay lôi các ông xuống.
Thế là các ông hét nhắng lên rằng các ông bị xúc phạm, bị hạ nhục. Các ông nói rằng thái độ của nhân viên công lực là thiếu hiểu biết về đạo của các ông.
Chúng tôi làm sao hiểu được cái đạo chủ trương phải đem chất nổ và đại pháo trên chiến xa để phá tan hai pho tượng Phật vĩ đại ở Afghanistan. Làm sao chúng tôi hiểu được những người cướp máy bay hôm 11 tháng 9 năm 2001 ở Hoa kỳ, ôm bom lao vào các đám đông ở Iraq, cầm dao cắt cổ ngưòi và trước đó đều hô lớn Allah Akbah tuyên dương giáo chủ của các ông? Làm sao hiểu được các lãnh tụ của Al Qaeda hễ mở mồm là hăm đánh bom ở nước này, hăm khủng bố ở nước khác đều bắt đầu bằng câu đại khái nhờ ơn Allah, thể theo ý nguyện của Allah, như Allah cho phép ...?
Ông Mahdi Bray đứng ra tổ chức biểu tình bênh các ông và giải thích cho việc làm của các ông là người có cái họ nghe cũng lạ đời.
Thảo nào mà ông ăn nói tào lao xịt bộp như tin báo chí cho biết.
Họ của ông là Bray thì ăn nói nghe như lừa kêu là phải. Không tin chịu khó ra tự điển coi chữ "bray" có phải là lừa rống không.

Ngày 24 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Câu "We cannot live with women and yet we cannot live without them" của ai tôi không thể nào nhớ nổi, đại khái nghĩa là chúng ta không thể sống với đàn bà nhưng chúng ta cũng không thể sống mà không có đàn bà.
Ý nghĩ loay hoay đó đến nay vẫn còn nhiều người tin. Và phụ nữ cũng có những người nghĩ như thế, nhưng ngược lại, đó là họ không thể sống với đàn ông nhưng họ cũng lại không thể sống mà không có đàn ông.
Tin cho biết chính phủ Ả Rập Sauđi sẽ cho xây một thành phố mới dành riêng cho phụ nữ theo đúng với bộ luật sharia khắt khe của Hồi giáo, nơi phụ nữ sẽ được hoàn toàn tự do sống và làm việc mà không bị đàn ông làm phiền hay gây khó dễ.
Tại các nước áp dụng luật sharia, phụ nữ không được phép ra khỏi nhà nếu không có đàn ông đi cùng, nhưng phải là những người đàn ông trong gia đình, như chồng, con hay anh em. Phụ nữ cũng không được làm việc ở ngoài gia đình. Ở Ả Rập Sauđi, các phụ nữ không được phép làm việc ngay cả tại những tiệm bán quần áo lót phụ nữ. Ở những tiệm Victoria Secrets, những người bán hàng đều là đàn ông. Nhưng như thế, chuyện mua bán " nội y" của các phụ nữ sẽ gặp trở ngại. Đã cấm tiếp xúc với đàn ông lạ, lại không để cho các chàng đo đạc (?) thì làm sao mua cho đúng … cỡ được. Mà phụ nữ thì lại không được cho làm việc ở đó.
Mà những người đàn ông ở một số nước thì cũng kỳ cục thật. Ở Ai Cập, một số phụ nữ xuống đường biểu tình chống chính phủ Hosni Mubarak mới đây đã bị những người đàn ông "bốc hốt", tấn công ngay ở ngoài đường phố. Ở Ấn độ, lợi dụng xe lửa đông người, các "soạng giả" hành nghề lia chia khiến chính phủ ở Mumbai đã phải dành riêng một số toa xe cho phụ nữ, cấm nam hành khách đi chung. Hiện tượng này cũng thấy tại cả Indonesia.
Trong khi đó, các nước này đang rất cần phát triển, nhưng lại vướng những bộ luật quái đản hạn chế các sinh hoạt và việc làm của phụ nữ.
Ả Rập Sauđi cho biết thành phố sắp được xây cất sẽ có các cơ sở thuê mướn các phụ nữ trong nhiều lãnh vực.
Cơ hội kinh tế cho các phụ nữ sẽ được cải thiện rất nhiều. Phụ nữ sẽ được hưởng nhiều tự do hơn. Thí dụ khi ra đường, họ được mặc các thứ quần áo theo ý muốn, không phải mặc burqa kín mít vì sẽ không có đàn ông nào ngó họ, xâm phạm … độc quyền thưởng thức (?) họ của các ông chồng.
Hỡi các phụ nữ Ả Rập Sauđi hãy ngẩng cao đầu lên, những ngày tủi nhục sắp qua rồi (*). Chúng ta sẽ được quyền mặc váy ngắn, "thong" thiếc … thong thả. Thích kiểu nào của Victoria Secrets cũng được, cứ mát mẻ đi ra đường tự do push-up, strapless, muốn có mấy sợi spaghetti vắt ngang vai cũng được. Cứ phoi phới đi ra đường.
Nhưng ra đường để mấy con mẹ khác ngó thì cũng chán chết. Lượn qua, lượn lại cũng chẳng nghe mấy con chó sói (?) huýt gió gì cả. Lại thêm mặc quần áo mát mẻ như vậy thì phải tìm cách che cái thùng nước lèo lại, không thể ăn mặc kín mít như chỉ có chàng với… thiếp được nữa. Người ngoài, dẫu cho là phụ nữ với nhau cũng phải giữ gìn chứ.
Đó sẽ là vấn đề của các nàng. Thực ra, một thành phố riêng của phụ nữ cũng không phải là chuyện mới lạ.
Huyền thoại Hy Lạp kể rằng đã có một quốc gia của toàn phụ nữ ở Tiểu Á Tế Á, ngày nay là vùng Lybia. Ở đó chỉ có toàn phụ nữ rất giỏi nghề kiếm cung. Quốc gia này mang tên là Amazon mà gốc Hy Lạp của chữ này có nghĩa là không có vú. Theo truyền thuyết, các phụ nữ Amazon đều dùng lửa đốt vú bên trái đi để… bắn cung cho dễ. Luật của Amazon cấm ngặt mọi giao phối với đàn ông ở trong nước của họ. Để khỏi bị tuyệt giống, mỗi năm hai lần, các phụ nữ Amazon đi tới các vùng bên cạnh để tìm đàn ông. Khi có con, nếu là con trai thì các phụ nữ này giết ngay, hay đem cho các bộ lạc gần bên, và chỉ giữ con gái để lại theo nghiệp kiếm cung của mẹ.
Vương quốc Amazon tồn tại được 100 năm rồi biến mất. Có thể các phụ nữ Amazon mỗi năm chỉ được gần đàn ông có hai lần nên thấy là … ít quá nên muốn gần nhiều hơn, và dần dần bỏ xứ đi hết để được nhiều lần (?) hơn.
Bởi thế, không biết cái thành phố không có một mạng đàn ông nào ở Ả Rập Sauđi sẽ tồn tại được bao nhiêu. Hay được vài tuần lại phải đội burqa vào kín mít đi tìm mấy anh ba trợn mà … rất vui đó. Sharia thì mặc sharia chứ thiếu mấy anh là chúng tôi không chịu được.
(*) Câu này (đã được sửa đi vài chữ) nguyên là của đại tá Nasser khi đảo chính lật vua Ai Cập Farouk.  

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 150)
TO DARE
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 150 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
TRÚC GIANG
Thưa chú, từ khi con bé gái thứ hai của cháu đi học, cháu thấy hai chị em chúng nó ăn nói khác hẳn hồi cách đây một năm. Vừa mới tối hôm qua, hai đứa nói gì với nhau mà hết DARE thế này, lại DARE thế kia. Hình như chúng nó mới biết dùng động từ này ở trường, vì ở nhà tụi cháu ít khi nói vói chúng bằng cái giọng đó lắm. Con em vừa tối hôm qua nói với con chị câu này: DON’T YOU DARE TOUCH MY DOLL AGAIN! Hình như nó không muốn cho con chị chơi con Barbie Doll của nó. Nhưng tại sao lại nói DON’T YOU DARE...?
BBT
Trúc Giang hỏi câu rất hay. TO DARE là một động từ rất bất thường. Nó vừa là một động từ thường, tức là một ORDINARY VERB, lại vừa là một trợ động từ, tức là một AUXILIARY VERB. Nó cũng rất có ích nên chúng ta sẽ nói về nó trong bài hôm nay.
QA
QA hiểu TO DARE là dám, là có can đảm làm một việc gì đó. Nhưng QA nhớ hình như nó còn có nghĩa là thách đố, thách thức, đố ai làm một việc gì nữa phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Chúng ta sẽ nói về cả hai nghĩa của nó. Cũng hơi rắc rối một chút. Trước hết, chúng ta sẽ nói về TO DARE nghĩa là dám, hay có can đảm làm một việc gì đó. Trong ý nghĩa này, TO DARE có thể được dùng như một động từ thường, một ORDINARY VERB, theo sau là một INFINITIVE WITH TO nghĩa là một động từ chưa chia, một INFINITIVE có TO. Thí dụ nói anh ấy là một người can đảm, dám nói và dám làm. Trúc Giang nói thử câu trên bằng tiếng Anh coi.
TRÚC GIANG
HE DARES TO SAY AND TO DO THINGS.
BBT
Đúng rồi. QA dịch câu này sang tiếng Anh coi: Tờ báo này dám nói lên sự thực.
QA
THE PAPER DARES TO TELL THE TRUTH.
BBT
Với nghĩa là dám, động từ TO DARE cũng giống như các động từ thường khác nên khi ở thể hỏi, QUESTION FORM, chúng ta dùng nó với trợ động từ TO DO. Chúng ta cũng dùng trợ động từ TO DO để tạo thành câu phủ định, NEGATIVE. Trúc Giang và QA đổi câu thí dụ của mình sang INTERROGATIVE tức là QUESTION và NEGATIVE coi.
TRÚC GIANG
HE DARES TO SAY AND TO DO THINGS
DOES HE DARE TO SAY AND TO DO THINGS?
HE DOES NOT DARE TO SAY AND TO DO THINGS.
QA
THE PAPER DARES TO WRITE THE TRUTH
DOES THE PAPER DARE TO WRITE THE TRUTH?
THE PAPER DOES NOT DARE TO WRITE THE TRUTH.
BBT
TO DARE nghĩa là dám trong thì quá khứ cũng giống như các động từ thường khác mà hai cô đều đã biết. Hai cô cho nghe thí dụ vơi TO DARE trong thì quá khứ tức là PAST TENSE và trong thể hỏi và thể phủ định coi.
TRÚC GIANG
THE LION DARED TO AMBUSH THE ELEPHANT
DID THE LION DARE TO AMBUSH THE ELEPHANT?
THE LION DID NOT DARE TO AMBUSH THE ELEPHANT
QA
THE GRASSHOPPER DARED TO KICK AT THE CHARIOT
DID THE GRASSHOPPER DARE TO KICK AT THE CHARIOT?
THE GRASSHOPPER DID NOT DARE TO KICK AT THE CHARIOT
BBT
Như đã nói ở trên, TO DARE cũng có thể được dùng như một trợ động từ, một AUXILIARY VERB tức là nó giúp cho một động từ khác. Khi đó, theo sau nó là một động từ chưa chia, một INFINITIVE không có TO.
Thí dụ THE FISHERMEN DARE FISH NEAR THE PARACELS.
Trúc Giang cho nghe một câu với TO DARE coi.
TRÚC GIANG
HE DARES TALK TO HIM FACE TO FACE
BBT
Tôi quên không nói với hai cô rằng khi TO DARE là một trợ động từ thì ngôi thứ BA số ít (THIRD PERSON SINGULAR) như HE, SHE, IT thì DARE KHÔNG có "S". Trúc Giang nói lại coi.
TRÚC GIANG
HE DARE TALK TO THEM FACE TO FACE
BBT
Bây giờ tới QA.
QA
THE BOY NEXTDOOR DARE DRIVE TO CANADA ALL BY HIMSELF.
BBT
Ở hai thể NEGATIVE và INTERROGATIVE, chúng ta KHÔNG dùng TO DO nếu TO DARE được dùng là một AUXILIARY VERB. Hai cô chuyển thí dụ của mình thành phủ định và nghi vấn coi.
TRÚC GIANG
HE DARE TALK TO THEM FACE TO FACE
DARE HE TALK TO THEM FACE TO FACE?
HE DARE NOT (DAREN’T) TALK TO THEM FACE TO FACE
QA
THE BOY NEXT DOOR DARE DRIVE TO CANADA ALL BY HIMSELF
DARE HE DRIVE TO CANADA BY HIMSELF?
HE DARE NOT (DAREN’T) DRIVE TO CANADA BY HIMSELF
BBT
Nhưng trong thực tế, ngày nay người ta ít dùng TO DARE mà thay vào đó, người ta dùng những cách nói khác. Thí dụ I DARE SAY WHAT I HAVE IN MIND thì cũng có thể nói là I AM NOT AFRAID TO SAY WHAT I HAVE IN MIND.
Trúc Giang cho nghe một thí dụ coi.
TRÚC GIANG
WE DARE NOT QUIT OUR JOBS AT THIS MOMENT hay WE ARE AFRAID TO QUIT OUR JOBS NOW.
QA
CHINA DARE NOT ATTACK JAPAN cũng giống như CHINA IS AFRAID TO ATTACK JAPAN.
BBT
Thông thường trong lúc nói thì người ta hay nói CHINA DOES NOT DARE ATTACK JAPAN thay vì CHINA DARE NOT ATTACK JAPAN và câu của Trúc Giang thì người ta hay nói HE DOES NOT DARE TALK TO THEM thay vì HE DARE NOT TALK TO THEM FACE TO FACE.
Người ta cũng thường dùng THEY DON’T DARE và DO THEY DARE tức là trong thể phủ định và thể hỏi.
Thí dụ I DON’T DARE DRIVE ALONG ROUTE 1 AT NIGHT và DO YOU DARE GO CAMPING IN WINTER? Thường được dùng nhiều hơn là I DARE NOT DRIVE ALONG ROUTE 1 AT NIGHT và DARE YOU GO CAMPING IN WINTER?
TRÚC GIANG
Trở về với câu DON’T YOU DARE thì câu ấy nghĩa là gì thưa chú?
BBT
Đó là một trong mấy cách dùng đặc biệt của TO DARE mà chúng ta nên biết.
Đó là những cách dùng có hàm ngụ một ý nghĩa răn đe, muốn làm nản lòng phía bên kia. Thí dụ cô con gái muốn mặc chiếc váy quá ngắn đi party, mẹ cô có thể nói: YOU DARE! Hay DON’T YOU DARE! Nghĩa là đừng có mà làm như thế nhé… Có một chút hăm dọa ở trong. Thí dụ DON’T YOU DARE TALK TO ME LIKE THAT! DON’T YOU DARE BOTHER HER!
QA
QA còn nghe câu này nữa nhưng chưa hiểu cách dùng của nó, đó là câu HOW DARE YOU…?
BBT
HOW DARE YOU không phải là một câu hỏi. Thí dụ như khi nói HOW DARE YOU GO OUT TO EAT WITHOUT ME! thì câu ấy chỉ có nghĩa là sao ông dám đi ăn một mình mà không mời tôi chẳng hạn… Hai cô dùng HOW DARE YOU hay HOW DARE THEY, HOW DARE HE… trong mấy thí dụ coi.
TRÚC GIANG
HOW DARE YOU TALK TO ME WITH THAT VOICE!
HOW DARE YOU COME WITHOUT CALLING FIRST!
QA
HOW DARE CHINA ARREST VIETNAMESE FISHERMEN FISHING IN OUR WATERS!
HOW DARE YOU ACCUSE US OF LYING!
BBT
Có một EXPRESSION này nữa các cô cũng nên biết, đó là I DARE SAY (hai chữ viết rời) hay I DARESAY (một chữ viết liền). Câu này nghĩa là I CAN SAY CERTAINLY hay IT IS CERTAIN THAT hay I AM SURE…Thí dụ I DARESAY MISTER OBAMA WILL WIN AGAIN. Trúc Giang cho nghe một câu thí dụ của cô với I DARE SAY coi.
TRÚC GIANG
I DARESAY YOU ARE WRONG TO CALL CHINA A GREAT COUNTRY.
QA
Chắc cũng như trong tiếng Việt chúng ta nói… TÔI DÁM CHẮC RẰNG phải không thưa anh? Thế còn một nghĩa khác nữa của TO DARE là gì, xin anh nói tiếp.
BBT
Động từ TO DARE còn có một nghĩa khác là thách, là đố. TO DARE không … dữ dằn như TO CHALLENGE. Động từ TO CHALLENGE là thách đố. Thí dụ THE COWBOY CHALLENGED THE STRANGER TO A GUN FIGHT.
TO DARE SOMEBODY TO DO SOMETHING là thách ai, đố ai làm một việc gì đó. QA có thể cho nghe một thí dụ với TO DARE là thách, là đố không?
QA
I DARE HIM TO FINISH THE BOOK IN 2 HOURS.
THEY DARE HER TO COOK A FULL DINNER IN 5 MINUTES.
BBT
Còn một danh từ có gốc DARE là DAREDEVIL nghiã là một người liều lĩnh luôn luôn sẵn sàng làm những việc hết sức nguy hiểm như chui vào một chiếc thùng để vượt thác Niagara vậy.
QA
Một người thò đầu vào miệng sư tử hay cá sấu có phải là một DAREDEVIL không thưa anh?
BBT
Tôi không biết còn có một chữ nào đúng hơn nữa nên chắc phải dùng chữ đó vậy, cô QA.
TRÚC GIANG
MISTER BUI, YOU ALWAYS DARE US TO GIVE YOU EXAMPLES IN ENGLISH BUT IT IS OKAY WITH US.
BBT
THANKS FOR SEEING THAT.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

August 16, 2012

August 17, 2012

Ngày 14 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
"Vị" là tiếng dùng để tôn xưng, bầy tỏ thái độ kính trọng dành cho đối tượng xứng đáng (với sự tôn kính đó). "Vị" thuộc bộ "nhân" được viết bằng chữ "nhân" (đứng) bên trái và bên phải là chữ "lập".
Thực ra, bỏ chữ "vị" đi, sự tôn kính dành cho những tiếng đi theo nó không hề thay đổi. Danh từ đi sau có thể tự nó đã mang sẵn ý nghĩa tôn kính. Sự tôn kính đó có thể đến từ danh từ chỉ chức tước, hay thành phần, vai vế của người ấy. Thí dụ khi nói "Vua đãi đại yến cho các (vị) tân tiến sĩ". Có thêm chữ "vị" trước những chữ "tân tiến sĩ" hay không thì ý nghĩa không thay đổi. Sự tôn kính mặc nhiên đã được dành cho các ông tân khoa được vua đãi yến.
Tuy thế, chữ "vị" không được dùng với các đối tượng thuộc các thành phần không cao trong xã hội hay tư cách không có. Người ta không bao giờ thấy nói các "vị" du đãng, các "vị" đòi nợ mướn chuyên cào đầu ăn vạ như Chí Phèo chẳng hạn.
Không ai gọi Chí Phèo là "vị du côn của làng" bao giờ.
Trong cách ăn nói hàng ngày, gọi Chí Phèo là "vị" đã chướng và không nên, cũng như không cần thiết. Trong ngôn ngữ báo chí thì lại càng không cần tôn xưng hay hạ thấp bất cứ một ai trong bản tin. Nhà báo phải trung lập, không nên đưa lập trường của mình ra để ép buộc độc giả phải đi theo lập trường đó bao giờ.
Thí dụ trong những bản tin (tiếng Anh) về tình hình Syria hiện nay, lực lượng chống lại ông Assad có thể được gọi là "rebels", nhưng trong tiếng Việt thì không nên viết là "phiến quân" mặc dù danh từ "rebels" trong tiếng Anh có thể dịch sang Việt ngữ là "phiến quân" hay "quân nổi dậy" đều được cả. Lý do là vì khi gọi những người này là "phiến quân", thì người viết tin đã có ý lên án, chống lại họ, đứng về phe ông Assad rồi. Gọi họ là "lực lượng nổi dậy" thì hợp lý hơn. Phe nổi dậy có thể đúng, có thể sai, có thể tốt, có thể xấu. Nhưng gọi họ là "phiến quân", hay "phản loạn", hay "loạn quân" thì nhất định đã cho họ là xấu rồi. Tin báo chí không nên viết như thế.
NAN NHAN HANH HUNG SAN GOLF
Nạn nhân bị hành hung tại sân Golf
Đọc báo trong nước, có những lúc người ta thấy chữ "vị" được đem ra dùng một cách rất "hào phóng". Thí dụ một bản tin của Việt Nam Express (Tin Nhanh Việt Nam) hôm nay, 14 tháng 8, tường thuật vụ một phụ nữ làm việc tại một sân golf ở Phúc Yên bị một người đàn ông chơi golf hành hung gây thương tích phải vào bệnh viện. Người đàn ông 28 tuổi khai là làm việc tại quốc hội ở Hà Nội có hành vi hung bạo và côn đồ này đã từng chửi mắng mấy nhân viên khác của sân golf trong những lần trước đó. Nạn nhân 25 tuổi , một phụ nữ làm công việc nhặt banh, kéo xe đựng gậy đánh golf cho khách bị người đàn ông không hài lòng với công việc của cô nhân viên đã đạp vào đùi, vào ngực cô, xô cô ngã xuống hồ nước. Sau đó, cô đã được các bạn tiếp cứu đưa lên bờ và chở đi bệnh viện.
Một người đàn ông có hành vi hung hãn và vô giáo dục như thế với một phụ nữ (đạp nạn nhân xuống hồ, ăn nói mất dậy, thô tục) mà bản tin vẫn gọi là "vị khách trẻ".
Tại sao lại phải dùng chữ "vị" cho một người tư cách hành vi tệ lậu như thế? Bỏ chữ "vị" đi, gọi đương sự là "người khách trẻ" có được không? Chắc chắn là được. Được và hợp lý.
Cũng trong trang web hôm 14 tháng 8 của Vietnam Express, ngay bên cạnh bản tin vừa kể trên, là một bản tin khác với cái tựa nguyên văn "Cô gái bán kim cương dũng cảm bắt vị khách lừa đảo". Bản tin cho biết một phụ nữ bán hàng ở Đà Nẵng đã giúp bắt giữ một người đàn ông nước ngoài dùng thẻ tín dụng giả để mua một số hàng đắt tiền. Công an sau đó đã bắt giữ tất cả những người trong nhóm lừa đảo. Những người đàn ông Singapore này, theo công an, đã nhiều lần có hành động lưu manh, trộm cướp tại Việt Nam. Đó là những thành phần phạm pháp bất hảo, nhưng người viết tin đã dùng chữ "vị" tới ba lần trong bản tin, gọi những thành phần bất hảo này là "vị khách nước ngoài".
Tại sao lại phải dùng chữ "vị" với chúng?
Rồi cách đây không lâu, một người đàn ông ở tỉnh Hà Giang tên là Sầm Đức Xương, bị bắt về tội hiếp dâm 2 học sinh của chính ngôi trường mà ông ta là hiệu trưởng. Đương sự bị tòa phạt 9 năm tù về tội hiếp dâm trẻ vị thành niên. Một tờ báo Việt ngữ ở đây đăng lại bản tin của báo trong nước với nguyên văn một điều "vị hiệu trưởng" hai điều " vị hiệu trưởng".
Khi có người thắc mắc về việc dùng chữ "vị" một cách ngu xuẩn như vậy thì liền có những đứa nhẩy lên đùng đùng (cứ như ngồi phải cọc), bênh người đàn ông đã bị án tù 9 năm về tội hành dâm với trẻ em.
Đúng là ở trong nước quăng ra cái gì là cũng vồ ăn lấy ăn để là vậy. Cứ thuổng nguyên văn chữ nghĩa của mấy bản tin như thế mà đem dùng một cách ngu xuẩn thì tệ quá. Cũng như nhắm mắt nhắm mũi đớp cho bằng hết, hệt như cái trò vồ luôn cả một truyện ngắn của Kurt Vonnegut, một nhà văn Mỹ, dịch từng chữ từ nguyên tác, rồi nhận là của mình, gửi đăng báo (để thỏa mãn thú tính) nữa mới là dơ dáng dại hình.
Như thế thì làm sao là "vị" … nhà văn cho được!

Ngày 15 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Nếu các trường chúng ta học ở Việt Nam mấy chục năm trước cũng áp dụng những hình phạt hệt như một học sinh lớp 6 của một trường học ở Mamaroneck thuộc tiểu bang New York vừa nhận được, thì không biết chuyện học hành của chúng ta đã ra sao.
Vì bạn và tôi đều đã làm đúng những chuyện em học sinh này đã làm, nhưng hình phạt mà trường cho áp dụng với em thì phải nói là quá đáng, nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận lãnh hồi đó rất nhiều. Hình phạt không tương xứng với tội... ác của em chút nào.
Em học sinh này bị đuổi 5 ngày, sau đó, số ngày bị đuổi được rút lại còn 3, và đã trở lại trường. Đó là sau khi cha mẹ em thuê luật sư kiện khu học chính.
Tội ác của em học sinh 11 tuổi này? Em xuyên tạc mấy câu hát, hay cũng có thể em nghe người khác, rồi bắt chước hát lại, cho hai nữ sinh cùng lớp nghe.
Câu hát nguyên thủy là từ một ca khúc Jim Reeves hát hồi những năm 60 mà tôi chắc bạn cũng biết, bài Roses Are Red. Đoạn đầu của bài nhạc đồng quê Mỹ này có mấy câu như sau:
Roses are red
Violets are blue
Sugar is sweet
But not as sweet as you
...
Hoa hồng thì đỏ, hoa đổng thảo thì tím, đường thì ngọt, nhưng vẫn không ngọt bằng em... một thứ ca dao theo thể hứng, nhìn thấy cảnh, vật rồi dựa vào để lấy hứng mà nói ra ý của mình.
Đây là một kiểu tán tỉnh hơi nhà quê một chút. Nhưng cậu nhỏ ở trường Mamaroneck không hát đúng những lời ca đó, mà sửa lại thành: Roses are red / violets are black/ your chest is as flat as your back...
Hoa đổng thảo được đổi thành mầu đen (black) để hợp với "back" ở cuối, và câu cuối được đổi hẳn thành your chest is as flat as your back, nghĩa là trước sau như một, chung thủy hoàn toàn, phẳng lì như sàn đá hoa, không có đồi núi gì hết trơn hết trọi...Hai nữ sinh này bực lắm, về mách cha mẹ, nội vụ được đưa ra trước ban giám đốc, và tên học sinh hát bậy bị đuổi học một tuần.
Hình phạt của chúng ta cho những tội ác tương tự hồi đó, nhiều lắm, là bị thầy giáo hay cô giáo quất cho mấy cái thước kẻ vào đít, cầm cái thư của thầy hay cô giáo viết về về nội vụ cho bố ở nhà ký nhận, và lãnh thêm một trận đòn là xong, cho đến khi học được câu hát xuyên tạc mới hơn, tối tân hơn, tục tĩu hơn. Thí dụ câu ngợi ca mùa hè, khi chạy qua phố hàng Bông, trong có mặc một món đồ lót... Hay câu ví anh như một con vật nuôi trong nhà, em cũng như một con vật khác nuôi trong nhà, hai con cắn nhau, rồi lại "anh như trời đánh, em như thánh đâm sao không lấy nhau..." thay cho những lời ca nguyên thủy trong sáng của Hùng Lân trong bài Hè Về và lãng mạn Nguyễn Văn Tý trong bài Dư Âm...
Những hình phạt đó tuy không nặng bằng hình phạt dành cho cậu nhỏ ở New York nhưng nó cũng làm thui chột đi bao nhiêu tài năng đặt lời hát của nền văn học nghệ thuật chúng ta. Tiếc biết chừng nào.
Hình phạt của chúng ta có thể được nhẹ đi một chút vì chúng ta chỉ hát một mình, không may lọt vào tai người lớn, chứ chúng ta là những đứa trẻ rất hiền lành, không bao giờ ngỗ nghịch đem hát cho những cô bạn nhỏ của chúng ta nghe bao giờ. Cậu nhỏ ở New York thì có hư đốn thật. Ai lại chê bạn cùng lớp là... dẹp như cái pan cake, là phẳng lì, là phía trước cũng hệt như sau lưng, là tiền hậu như nhất, là trước sau như một, là thủy chung, là chung thủy, là loài bò sát không vú.
Tội đó đáng bị phạt nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận, nhưng không thể là bị đuổi học một tuần như thế.
Sở dĩ cậu bé bị nặng là vì theo nhà trường, cậu đã sách nhiễu tình dục (sexually harassed) hai cô bạn cùng lớp. Cậu bị phạt nặng là phải, mặc dù theo luật sư của cậu, cậu có thể chưa bao giờ nghe thấy danh từ sexual harassment (sách nhiễu tình dục), mà có thể cậu cũng chưa biết sex là gì cũng nên.
Nhưng theo cách giải thích luật của trường, thì những câu mà cậu nói trước mặt hai bạn cùng lớp đã tạo ra một môi trường bất thân thiện, không thích hợp và thuận tiện để cho người bị sách nhiễu sống và làm việc. Ôi chao, dễ sợ vậy sao?
May làm sao khi chúng ta bằng tuổi cậu, ý niệm sách nhiễu tình dục chưa có trên thế giới, nên chú nhỏ hàng xóm nhà tôi ở phố Sinh Từ mới có thể bình thản hát mỗi khi thấy cô bạn nhỏ đầu đường đi qua mấy câu... chẩn bệnh như thế này:
Con gái chơi với con trai
Về sau hai vú bằng hai quả dừa...
Mà chẳng sao cả. Và luôn cả những bài hát khác mà chúng ta vẫn hát một mình trong cái ngõ nhỏ những buổi trưa hè hồi đó. Bây giờ có mà tù mọt gông cả lũ! Vì những câu chúng ta hát thì ác hiểm hơn nhiều.

Ngày 16 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Mấy năm trước, ở Washington D.C. người ta thấy một văn phòng có tên là Husbands For Hire với số điện thoại ghi rõ trong quảng cáo trên báo để tiện liên lạc. Có thể đường dây điện thoại của cơ sở này đã bị bận liên tiếp trong suốt nhiều ngày đến độ đỏ rực máy tổng đài trước khi các khách hàng được cho biết là những người đàn ông cho thuê ấy không làm những dịch vụ (?) mà rất nhiều người gọi điện thoại hỏi.
Những "người chồng" mà cơ sở này cho thuê thực ra chỉ là những handymen, những người chuyên làm những công việc (thường là trong nhà) mà nhiều phụ nữ không làm được.
Với tiền thuê khoảng hai, ba chục đô la một giờ, những người đàn ông khỏe mạnh và khéo tay này sẽ đến tận nhà giúp dọn dẹp cái garage, cái sân sau, chặt cái cành cây, sửa cái cổng, sơn lại bức tường … như những ông chồng thứ thiệt, chịu khó và dễ bảo nhưng lười biếng không chịu làm.
Còn những công việc khác (?) những người đàn ông đó cũng có thể đảm nhận, tùy theo kết quả của việc thương lượng riêng. Nhưng nếu cần một người đàn ông mặt mũi như Daniel Craig, như Sean Connery (trong các vai James Bond 007) để mặc tuxedo đi cạnh tới các party, lái một chiếc Aston Martin mui trần thì hơi khó.
Tuy vậy, chẳng lẽ người ta chỉ có thể thuê được mấy người đàn ông vai u thịt bắp, cổ cầy vai bừa (red necks) về làm chồng mấy tiếng, mà không có cả dịch vụ Wives For Hire thì bất công cho những người đàn ông Mỹ quá.
Thì bây giờ, đã có dịch vụ cho thuê vợ, và dịch vụ này đang làm cho nhiều người đàn ông mừng gần chết. Thực ra, cũng chẳng chỉ có mấy ông mới có thể dùng các dịch vụ của các cơ sở cho thuê "vợ", mà luôn cả các phụ nữ cũng có thể sử dụng mấy chị "vợ" này bằng cách gọi số điện thoại cho cơ sở tên là CALL YOUR WIFE ở số (323) 644-2850.
Những chị "vợ" này có thể lái xe đưa đón mấy đứa con ở trường, nấu ăn chiều, giặt đống quần áo bẩn, chùi cái bếp, phòng khách, buồng tắm, soạn lại những tủ quần áo, treo lại cho có thứ tự, ủi những quần áo cần ủi, mua sắm quà cáp cho Giáng Sinh, năm mới, tổ chức party sinh nhật cho mấy đứa con, đi chợ, kê lại bàn ghế, đem quần áo đi giặt khô, lấy quần áo về, dẫn chó đi … dạo, cho mèo ăn và một trăm thứ việc khác.
Như kể trên, những chị "vợ" này làm luôn cả những việc mà những chị vợ thật (có giá thú đàng hoàng) bận quá hay không muốn làm, những việc ghi trong cái TO DO LIST dán trên cửa tủ lạnh. Luôn cả những việc khác như đơm cái khuy áo, đánh xi mấy đôi giầy để cho các chị vợ (có giấy) ngồi rảnh tay cạo lông chân, lông nách hay đi shop đến vẹt đế giầy luôn. Nhưng có ai cấm những chị vợ thuê này lắng nghe những tâm tình hiến dâng của những người đàn ông sống một mình cảnh "mẹ anh chết sớm, vợ "xù" đã lâu".
Và sau đó, những chuyện có thể tới thì nhất định sẽ tới.
Vậy mà tôi không biết cho đến tận tuần trước, để vẫn tiếp tục trung thành với hai cô bạn gái cứ 6 tuần lại chỉ cùn rế rách đến nhà làm sạch cái phòng khách, phòng ngủ, hai cái buồng tắm và một cái bếp vốn đã sạch sẽ quanh năm với giá 80 đồng.
Hai cô bạn gái này đã đi ra, đi vào căn nhà của tôi từ hơn 6 năm nay. Cả hai đều ít nói, làm hùng hục khoảng 2 tiếng đồng hồ thì nhà cửa sạch láng.
Nhưng chuyện tâm tình hiến dâng với hai cô thì chưa. Ngoại trừ một lần, cô trẻ hỏi tôi bằng câu nửa Ăng lê nửa Mễ: "Where senora?" và được trả lời :"No senora!"
Cuộc đàm thoại chấm dứt. Vấn đề không bao giờ được nêu ra nữa. Hay là tại như thế nên hai bên tiếp tục gặp nhau trong vòng … lễ giáo, không bao giờ thắc mắc về dịch vụ Wives For Rent từ bấy nay?

Ngày 17 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Tháng trước, báo chí trong nước có phổ biến mấy bức ảnh chụp được từ facebook cho thấy một thanh niên mặc quần jeans, áo maillot đen đứng lên đầu một "cụ" rùa đá đội bia tiến sĩ trong Văn Miếu.
RUA VAN MIEU 2
Người ta đoán thanh niên này là một học sinh, đeo trên vai một chiếc túi bằng da, đang cười với máy chụp ảnh.
Tôi nhớ trong sân Quốc Tử Giám, qua khỏi Khuê Văn Các và dọc hai bên chiếc hồ nước, là hai hàng rùa đá đội bia tiến sĩ ghi tên tuổi và thành tích văn học của các ông nghè, ông cống của mấy trăm năm trước. Khi tôi còn ở Hà Nội thì những hàng bia này nằm lộ thiên. Ngày nay, những con rùa đội bia có mái che ở trên. Tôi nhớ khá rõ những hàng bia này vì hồi ấy tôi học vẽ với họa sĩ Mạnh Quỳnh và được ông chở bằng chiếc "bình bịch" của ông từ xưởng vẽ ở phố Hòa Mã tới vẽ những kiến trúc ở Văn Miếu.
Ông bố tôi cũng dậy một lớp mà trường Lý Thường Kiệt (trường Sinh Từ) gửi tới học vì trường chính thiếu chỗ. Ông dậy ở căn nhà ngang ở sân sau. Hồi ấy, tuy Văn Miếu không được chăm sóc cẩn thận, quang cảnh có phần hoang phế, cỏ cây mọc lan khắp nơi, nhưng chúng tôi, bọn trẻ học ở trường Sinh Từ hay sống gần Quốc Tử Giám, trong những lần vào Văn Miếu đều không dám phá phách những cây cối, hay những hàng rùa đá bao giờ. Văn Miếu vẫn có một cái gì khiến chúng tôi không dám phá phách, đi đứng e dè hơn, có thể là vì những lời răn đe của người lớn.
Những con rùa đá được người dân gọi là "cụ" cũng là do cái thái độ kính trọng nơi tôn nghiêm của Văn Miếu, của lịch sử. Vì là nơi văn học, nên từ lâu, nhiều sĩ tử trước khi đi thi thường hay tới Văn Miếu để thắp hương cầu may, mong các tiền bối khoa bảng giúp cho họ được bảng hổ đề danh. Tục lệ này ngày nay vẫn còn. Trong sân sau có một cái vạc lớn nơi người cầu may có thể đốt hương khấn niệm. Cả nhiều em bé cũng được cha mẹ dẫn vào Văn Miếu để cầu xin cho học giỏi. Nhiều học sinh tin là rờ đầu các cụ rùa sẽ được các cụ phò hộ thi đâu đậu đấy.
Sử cũng còn chép lại việc Đặng Trần Thường năm 1803 lôi Ngô Thời Nhiệm (tên thật là Nhậm nhưng kiêng tên vua Tự Đức là Hồng Nhậm nên đọc thành Nhiệm) ra trước Văn Miếu đánh bằng roi tẩm thuốc độc đến chết như một cách trừng phạt và sỉ nhục một con người văn học.
Thế nên hành động của người thanh niên này liền bị "ném đá" dữ dội khiến những bức hình đó bị xóa đi.
Nhưng chỉ vài ngày sau thì trên facebook lại xuất hiện thêm những bức ảnh khác của mấy thiếu nữ ngồi lên đầu cụ rùa trong tư thế đùa nghịch. Rồi lại thêm mấy bức ảnh khác của hai thiếu nữ mặc quần ngắn ngồi lên đầu cụ rùa.
RUA VAN MIEU
Tại sao lại bỗng nhiên có những bức hình chụp cảnh xúc phạm những nơi thiêng liêng như thế? Những thành phần trẻ và đáng lẽ là những người có học lại đổ đốn ra như thế? Họ không cần những độ trì của các cụ rùa cho việc thi cử của họ nữa hay sao?
Chuyện họ xúc phạm các cụ rùa có thể là vì cái xã hội ngày nay đã đổ đốn đến một mức độ khủng khiếp, đạo đức không còn được duy trì tôn trọng như xưa nữa. Học sinh không còn được dậy những bài đức dục luân lý như chương trình học cũ. Ai cũng thằng nọ thằng kia, chửi thề tục tĩu luôn miệng. Không ai còn coi cụ rùa là những vị thần văn học nữa, nên vì thế mà những cháu ngoan khốn nạn của bác Hồ mới có trò đùa nghịch, giải trí như thế. Không ai còn cần sự phò hộ, độ trì của các cụ rùa, của các tiến sĩ của thời văn hiến, kỷ cương trong lịch sử nữa.
Ngày nay, muốn có bằng thì mua cha nó vài cái là thành ngay tiến sĩ, xin ngay được công việc, chức vụ để làm cho đất nước càng ngày càng khốn nạn thêm. Cần chó gì các cụ rùa nữa. Nên leo len đầu các cụ để chơi là chuyện dễ hiểu chứ còn gì nữa?

Ngày 18 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Lớp 10 ở Việt Nam ngày nay tương đương với lớp đệ Tam của chương trình trung học Việt Nam trước kia. Hồi ấy, chúng tôi vừa học hết các lớp đệ nhất cấp, thi xong kỳ thi trung học phổ thông và đang dưỡng sức để sửa soạn thi Tú Tài.
Chương trình học lớp đệ Tam không còn giống như chương trình đệ nhất cấp nữa. Chúng tôi học kim văn của các tác giả Tự Lực Văn Đoàn, cổ văn thì tiếp tục học Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc... Ngoại ngữ thì phải học cả hai sinh ngữ Anh và Pháp.
Nói chung thì học đệ Tam là lớn rồi. Viết nghị luận văn chương và luân lý đụng toàn những chuyện lớn, khác hẳn những năm học đệ Ngũ đệ Tứ.
Thế nên khi đọc lá thư xin nghỉ học của một học sinh lớp 10 ở Hà Nội gửi cho cô giáo và hiệu trưởng của trường em đang học mới đây, tôi kinh ngạc vô cùng.
THU XIN PHEP NGHI
Bức thư ngắn tôi xin chép lại nguyên văn, không sửa một chữ nào, như thế này:
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Ngĩa Việt Nam
Độc lập – tự gio – hạnh phúc
Đơn xin phép ngỉ học
Ngày 9 tháng 2 năm 2012
Kính gửi: cô giáo chủ nhiệm lớp 10H và hiệu chưởng nhà trương: ten em là TVM học xinh chường …Hôm lay em viết cái đơn lày mong cô và nhà trường cho em ngỉ học vì chong lớp học em đùa ngịch và học hành con yếu và làm cho lớp 10H xa xút và không thể vươn lên được, và làm cho nhiều thầy cô gia phải nhắc nhở lêm em ngĩ em không xứng đáng làm học xinh của chường nữa lên em viết đơn lày mong cô và nhà chường cho em ngỉ học em xin cám ơn cô và nhà chường
Chữ kí phụ hunh
Chữ kí học xinh
Lá đơn ngắn xin nghỉ học có tất cả 28 lỗi chính tả. Người viết đang học lớp 10, và như bạn cũng biết, tương đương với lớp đệ Tam, lớp mà thời của bạn và tôi, các học sinh đã phải viết tiếng Việt rất đúng cả về văn phạm cũng như chính tả.
Nếu em học sinh này viết sai những chữ khó một chút, chuyên môn một chút thì cũng có thể tạm tha được, tạm hiểu được. Nhưng những chữ mà em viết sai thì đều là những chữ rất thường gặp như tự do, nghỉ học, hiệu trưởng, trường, học sinh, phụ huynh, nên, làm… thì tôi không hiểu được. Tất cả đều là những chữ mà ngay ở lớp đầu của bậc tiểu học, học sinh nào cũng đã phải gặp, phải đã từng viết xuống, phải biết viết đúng chính tả. Em học sinh này đã viết sai hết.
Như vậy thì trong chiều dài 10 năm để lên được lớp 10, em đã học được những gì, đã được thầy cô dậy những gì mà học lớp 10 em vẫn còn dốt tệ dốt hại đến như thế?
Nếu ngồi tiếp tại lớp 10, chịu khó tiếp tục vào lớp ngồi mỗi ngày, có thể em sẽ học xong trung học vào năm 2014. Và nếu em đã "sống sót" được 10 năm để được cho học lớp 10 như chúng ta đã thấy, thì rất có thể em sẽ tốt nghiệp trung học để lên đại học.
Em sẽ tốt nghiệp đại học, em sẽ có việc làm, em sẽ một ngày lên lãnh đạo đất nước. Học đại học luật trong rừng mà vẫn có bằng tiến sĩ luật, lên làm tới chức thủ tướng cơ mà. Hay nếu không thì kiếm cái bằng tầm bậy cũng vẫn vinh hiển một đời như khối đứa đã làm. Có khi có cả MBA như một cậu ở Phú Thọ, trong khi một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, lại cũng không đi học ở Mỹ bao giờ.
Đọc lá thư của em học sinh lớp 10 ở Hà Nội, tôi lại tiếc không còn ông Tú Xương để được đọc những bài thơ khác của ông trước chuyện học ở trong nước.
Tiếc nhưng lại mừng cho ông. Mừng ông khỏi phải chết vì uất lên cũng có mà cười đến đứt ruột cũng có khi nhìn thấy những chuyện mà chúng ta đang thấy ở Việt Nam.
Hồng còn hơn chuyên là như thế. Nhưng đỏ cái lỗ đít thì làm sao mà khá được!