January 25, 2012

January 27, 2012

Ngày 23 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Một bài báo tôi đọc được tuần trước lại đã nói về những khác biệt giữa đàn ông và đàn bà.

Lần này, những sự khác biệt là ở cái buồng tắm, hay nói đúng ra, cái nhà cầu. Gọi nó là cái buồng tắm (bathroom) cho thanh tao và lịch sự vì nó còn phục vụ cả những chuyện khác trong đời sống của chúng ta nữa mà không tiện nói ra trong những lúc chúng ta là những người văn minh và lịch sự.

Có khi nó đưọc gọi là cái phòng rửa tay (lavatory), cái tẩy thủ sở như trong tiếng Hoa. Có khi nó được gọi là cái powder room, nơi phụ nữ có thể vào để giậm lại chút phấn, chút son để "ngạo với nhân gian một nụ cười".

Một nửa nhân loại coi nó là căn phòng nhỏ nhất trong nhà, hữu ích nhưng không nằm trên đầu danh sách của những nơi cần đưọc trang trí đẹp nhất trong nhà.

Nửa kia của nhân loại thì nó là nơi thiêng liêng nhất, nơi tiện nghi nhất, sạch sẽ nhất, được chùi rửa kỹ nhất, nơi trú ẩn an toàn nhất.

Nửa trên của nhân loại là những ngưởi đàn ông.

Nửa dưới là những người đàn bà.

Trong nhà của một người đàn ông ở một mình, nó trơ trụi đến tội nghiệp mà nếu thỉnh thoảng bốn, năm tuần không có một người phụ nữ Mễ tới dọn dẹp thì nó sẽ là nơi nhốt tù nhân hữu hiệu hơn là đem tới căn cứ Guantanamo. Ngay cả trại tù Abu Ghraib ở ngoại ô Baghdad cũng không thể kinh khủng như vậy. Trên cái mặt bàn của bồn rửa mặt là những con dao cạo râu đáng lẽ dùng vài lần thì phải quăng đi thì vẫn được cho nằm nguyên ở đó. Tuýp thuốc đánh răng, một cái bàn chải. Có cái (bàn chải) thứ hai mà khi khách khứa lại thăm là có thể bị hạch hỏi hết đường chối cãi. Mấy chai eau de Cologne, after shave, nước hoa , nước hoét để các chàng che dấu cái tính lười tắm, cái khăn tắm lỡ rơi xuống đất người ở ngoài nghe có thể tưởng có người té trong buồng tắm kỳ thực chỉ vì nó ít được giặt. Trên sàn thì tóc rụng đầy, tơi tả như lá thu.

Phòng tắm của phụ nũ thì khác. Đủ mọi thứ hoa lá cành. Tại sao cần nhiều khăn tắm xếp gọn ở một góc trong khi chỉ cần một cái thì không ai hiểu nổi. Mặt bàn rửa mặt là một tiệm chạp phô bầy đủ mọi thứ, hơn một chục loại son, mầu son, dầu xoa tay, gội đầu, bông rửa mặt, lược năm bẩy cái, phấn vài ba loại, hoa khô, giấy lau tay, giỏ rác vân vân...

Đàn ông không bao giờ nhiều thứ như thế. Nhưng chúng tôi có báo và sách, những cuốn sách hay nhất, đáng đọc nhất đều được đọc ở trong buồng tắm. Câu nói đầy khinh bỉ và miệt thị rằng cuốn sách X, Y, Z chỉ đáng đọc ở nhà cầu hồi mấy chục năm trước thì nay lại là câu khen ngợi hết lời.

Chính ở đó, các tác phẩm văn chương lẫy lừng nhất được đem ra đọc. Tác giả nếu ghé thăm thấy sách của mình trong buồng tắm của chủ nhà thì nên mừng và tiếp tục gủi tặng thay vì bực bã tông cửa ra về, thề không bao giờ đến thăm người đàn ông thất học, thiếu văn hóa và không văn học nghệ thuật chút nào nữa. Sự thực, người đàn ông chủ nhà, trái lại, là người rất yêu quí chữ nghĩa và văn học.

Những khác biệt không chỉ ở cái buồng tắm, mà còn ở cái phòng ngủ nữa.

Cái phòng ngủ của những người đàn ông ở một mình không bao giờ là nơi chốn được trang hoàng đẹp nhất trong nhà. Có cái giường với chân giường tử tế là văn minh rồi. Không thì cái nệm quăng dưới sàn cũng đã là giỏi. Ngày xưa, một tàu lá chuối che sương cũng vừa rồi mà.

Cái giường rất ít khi được làm cho gọn gàng. Tại sao phải xếp lại đống chăn gối cho ngay ngắn, phủ cái couvre lit lên cho đẹp rồi buổi tối lại chui vào làm xáo trộn chăn mền trở lại. Cứ để nguyên như thế, buổi sáng trước khi đi làm, đảo qua và chào cái giuờng "See you tonight," hẹn gặp lại vào buổi tối là đủ rồi, tại sao phải làm một công việc vô ích là trải lại tấm khăn trải giường, xếp lại cái gối cho ngay ngắn? Quần áo còn nhón từng cái trong máy sấy ra dùng mỗi sáng thì tại sao phải làm giường?

Tưởng tượng một cái phòng ngủ thơm mùi hoa khô và mùi nến, cái khăn phủ trên giường mầu sắc điệu bộ, những cái gối xếp ngay ngắn, hai chiếc đèn ngủ có những cái chụp đèn rất đẹp mà lại là cái phòng ngủ của một người đàn ông thì không được chút nào. Trông nó có vẻ sửa soạn (?) quá, không tự nhiên, như có một vài toan tính (?) gì đó cho cái giường ngủ. Toàn những toan tính gian ác.

Tại sao không để bừa ra? Có người hỏi sao bừa bãi như thế thì trả lời rằng nào có ai héo lánh đến đây đâu (?) mà sửa soạn. Như thế, điểm hạnh kiểm lại được tăng thêm chứ có bị trừ đi mất điểm nào đâu.

Phòng ngủ của phụ nữ thì khác. Đủ mọi thứ hoa lá cành, sạch sẽ và thơm phức, khăn trải giường, áo gối đẹp, phẳng phiu thơm phức.

Không ai hỏi tại sao phải mất công như thế, mất công sửa soạn cái phòng ngủ cho đẹp như vậy.

Bao giờ cũng là một sự thán phục ngầm: bàn tay phụ nữ có khác.

Thế nên những cái buồng tắm, những cái buồng ngủ của những người đàn ông vẫn bừa bộn, thiếu chăm sóc, dọn dẹp.

Và những cái buồng tắm kia, những cái buồng ngủ kia vẫn được o bé, săn sóc cẩn thận.


Ngày 24 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Chuyện xếp hạng phim ảnh, nước Mỹ đã làm từ lâu để phụ huynh khỏi phải thỉnh thoảng hốt hoảng quay sang lấy tay bịt mắt mấy đứa con ngồi cạnh khi thấy những cảnh trên màn ảnh không mấy thích hợp cho những đứa bé (đã hiểu hết mọi chuyện nhưng không thèm nói ra cho cha mẹ chúng biết.)

Phim R thì nhất định không thể cho chúng đi xem. Phim PG thì phải có người lớn đi cùng để giải thích những đoạn cha mẹ coi là khó hiểu (?) nhưng con cái đã biết rất rành rẽ. Phim G thì tha hồ dẫn con nhỏ đi coi, không phải lo sợ đầu óc trong sáng của chúng bị làm bẩn vì những cảnh chúng đã xem đi xem lại nhiều lần.

Đó là phim ảnh. Nhạc thì cũng đã có cố gắng của một số phụ huynh, như bà Gore, phu nhân cựu phó tổng thống Al Gore đã làm, để buộc các nhà sản xuất đĩa nhạc ghi mấy lời cảnh cáo ngoài bìa đĩa hát rằng lời ca không thích hợp cho các em nhỏ.

Nhưng đó là nhạc Mỹ, những bản nhạc phụ huynh nghe không hiểu gì hết trong khi lũ trẻ thì nghe đầy tai những câu hô hào giết cảnh sát, hiếp mấy cô bạn gái mà họ gọi là mấy con đĩ vân vân.

Nhạc Việt thì chưa có bất cứ một nỗ lực nào làm như vậy nhưng không phải là không cần làm. Nhạc Việt không thấy dùng những thứ ngôn ngữ, hình ảnh ghê rợn như nhạc rap của Mỹ để cần những lời cảnh cáo như bà Gore hô hào.

Nhưng nhiều ca khúc của chúng ta có thể cũng cần những lời cảnh cáo ghi trên bìa CD.

Thí dụ ngoài bìa đĩa hát hay bản nhạc Nửa Hồn Thương Đau của Phạm Đình Chương thì phải ghi rõ là không bao giờ nên hát tặng bạn bè chẳng hạn. Bài hát có phần lời ca bầy ra tất cả những cảnh tan nát… Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về ngày cũ vân vân. Rồi em ở đâu, anh ở đâu, có chăng mưa sầu … nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt, chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất … đôi khi tôi muốn tin có những người khóc lẻ loi một mình …

Lời ca như thế, tang tóc là như vậy, biệt ly, đứt đoạn, bất hạnh như thế thì nỡ lòng nào hát tặng bạn bè trong đám cưới, tại lễ mừng kỷ niệm hôn lễ, hay đánh dấu vài chục năm quen biết chẳng hạn.

Bài hát nên được ghi rõ là không thích hợp để hát tặng nhau trong những ngày vui để tránh những trường hợp người hát mà không hiểu lời ca của ca khúc.

Bài Nghe Những Tàn Phai của Trịnh Công Sơn là một bài ca nhạc sĩ viết thế nào thì cứ hát như vậy, đổi một chút là hố to.

Lời ca đưa ra những hình ảnh tuyệt đẹp, rã rời, đau sót của buổi tối trở về, đời đi ngang như những chuyến xe, lúc chia tay, những tiếng động mơ hồ, men rượu tan dưới chân, quán vắng bàn ghế còn giữ lại hơi người mới chia tay…

Một giọng hát nọ đọc phần lời ca và thấy tất cả đều là những hình ảnh rất lãng mạn, mà lại để cho một phụ nữ xưng em hát thì uổng vô cùng. Thế là chàng đem thu thanh bài hát, xưng anh ngọt sớt từ đầu đến cuối… Chiều nay anh ra phố về , thấy đời mình là những chuyến xe… có ai đi về giữa đêm khuya, rượu tàn phai dưới chân đi ơ hờ, vòng tay quen hơi băng giá …

Chàng nhìn ngay thấy chàng trong những lời ca ấy. Chàng hát thoải mái, thấy có rượu, có quán không, có bàn tay ôm … Thì thôi đúng là chàng rồi còn chi nữa. Chàng hát bài ca, tưởng tượng chính chàng là người trong bài hát, tâm sự chàng gửi đi nhờ lời ca sửa đổi đi một chút. Có điều thực ra, đại danh từ em trong bài hát là ngôi thứ ba, không bao giờ là ngôi thứ nhất. Mà tâm sự ấy, cảnh sống ấy là cảnh sống của một người phụ nữ làm một công việc hết sức khổ nhục.

Người đàn ông thu thanh bài hát, nghĩ là thay "em" bằng "anh" ngôi thứ nhất là để gửi mình vào tâm sự của ca khúc ấy thì người nghe lại thấy chàng là một người đàn ông làm nghề … đĩ đực.

Khổ thân chàng. Vì thế, bài hát này phải được ghi rõ là đàn ông muốn hát thì cứ để nguyên đại danh tự "em" mà hát. Đổi thành anh là có cách kiếm tiền mới rồi đấy.

Nữ nhạc sĩ Diệu Hương có một ca khúc được nhiều người gọi điện thoại vào đài phát thanh yêu cầu cho nghe và để tặng "ông xã" lại còn kèm theo lời hứa chiều về em nấu cơm cho anh yêu của em nhé …

Ca khúc Mình Ơi của Diệu Hương nên được ghi rõ là không nên đem tăng chồng hay người yêu nếu các chàng còn sống hùng sống mạnh ở bên cạnh vì lẽ bài Mình Ơi là bài Diệu Hương viết thay cho lời mẹ khóc cha khi thân phụ của nhạc sĩ qua đời.

Tặng cho ông xã còn sống mà ông xã hiểu ra thì khổ lắm đấy.

Bài Giọt Nắng Bên Thềm không nên thay đổi em thành anh vì khi hát đến câu khi thấy buồn anh cứ đến chơi … Cảnh người đàn ông đến chơi nhà nàng cứ đi thơ thẩn tìm cái giọt nắng bên thềm rồi than thở bài hát của hai người em đem hát cho mấy cha khác thì chán quá. Không nam nhi gì hết.

Nhưng cần nhất và cấp bách nhất là nên ghi rõ lời cảnh cáo là nếu định hát tại đám cưới thì tuyệt đối phải tránh Giọt Lệ Cho Nghìn Sau, Máu Nhuộm Bãi Thượng HảiĐồi Thông Hai Mộ nếu muốn hai họ nhà trai và nhà gái cho sống mà toàn thây đi về.

Hát hay nghe hát cũng cần phải hiểu lời ca của các ca khúc mới được là vậy.


Ngày 25 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Khoảng năm 1973, tôi hay gặp người đàn ông ấy tại mấy tiệm cà phê ở đường Tự Do Sài Gòn, không Continental thì cũng Givral, Brodard hay La Pagode, nơi chúng tôi hay đến ngồi trong những buổi chiều sau khi tan sở. Ông mặc một chiếc áo lính, hai tay ôm một sấp báo . Chiếc áo lính quá lớn đối với tấm thân còm cõi của ông. Lúc nào ông cũng có cái vẻ tất tả, vội vã khi đi qua bàn chúng tôi ngồi. Ông khoảng ngoài hai mươi, nhiều nhất là hai mươi bẩy, hai mươi tám là nhiều.

Thường thì khi vào những tiệm cà phê để gặp bạn bè, tôi đã có mấy tờ báo còn thơm mùi mực in mua của một chú bé ở ngay chỗ đậu xe. Ông thấy mấy tờ báo trên bàn tôi ngồi thì không mời mua báo nữa.

Một hôm, tôi vào La Pagode không cầm theo báo vì không thấy chú nhỏ bán báo quen đứng chờ ở chỗ đậu xe ngang tòa Đô Chính. Ông ghé lại bàn, hơi cúi người xuống , chìa chồng báo trên tay cho tôi, mời mua báo. Tôi lấy hai tờ Tiền Tuyến và Chính Luận, đưa tiền trả cho ông thì ông nhờ tôi bỏ tiền vào túi áo bên trái và tự lấy lại mấy chục ở túi bên phải, hai tay vẫn bưng sấp báo, mà không bỏ tạm xuống bàn để lấy tiền trả lại tôi. Tôi lấy trong túi áo kia mấy chục. Ông cám ơn rồi đi. Và lúc ấy, tôi mới thấy dưới sấp báo mà ông bưng trước ngực, là hai cái tay áo đong đưa.

Ở chỗ tôi nghĩ là phải có hai bàn tay, thì tôi không thấy hai bàn tay của ông ở đâu. Lúc ấy, ông xốc chồng báo, và nâng những tờ báo cao lên ngang ngực. Và tôi chợt hiểu. Ông không còn hai bàn tay nữa.

Tôi vẫn còn cầm mấy chục bạc lấy từ túi áo của ông. Tôi chợt thấy không thể cầm mấy chục vừa lấy trong túi áo của ông nữa. Tại sao tôi lại lấy mấy chục trong cái túi áo bèn phải của một người đàn ông bán báo không còn hai tay để nhận tiền của người mua và cũng không còn tay nào để lấy mấy chục trả lại cho tôi.

Tôi chưa kịp làm bất cứ gì thì ông đã rời bàn tôi, đi nhanh ra cửa. Tôi đứng lên, chạy theo ông, bắt kịp ông và vỗ vỗ vào vai ông. Ông quay lại, cười, hỏi tôi có phải muốn mua thêm báo nữa không. Tôi lắc đầu, bỏ lại mấy chục đang cầm trong tay vào túi áo của ông.

Ông cười, cảm ơn và đi tiếp. Ông không hỏi tại sao tôi bỏ tiền vào túi áo của ông. Như thế, có thể chuyện đó đã vài ba lần xẩy ra cho ông. Ông đi tiếp về phía quốc hội, rảo bước, dáng điệu tất tả.

Tôi tưởng tượng một chuyện khủng khiếp lắm đã xẩy ra cho ông. Một quả mìn, hay một trái B-40, hay một loạt AK. Tỉnh dậy, nhìn xuống, và ông không thấy hai bàn tay nữa, chỉ có lớp băng trắng quấn ở chỗ hai cổ tay.

Còn chuyện gì có thể bi thảm hơn như thế nữa. Đang lành lặn, chân tay đầy đủ, bàn tay có lúc vuốt những sợi tóc của một người phụ nữ nào đó, những ngón tay cầm cái lược chải cho mình mái tóc, vỗ về người mẹ, xúc thìa cơm cho đứa con... Không còn hai bàn tay thì không bao giờ còn làm được những chuyện ấy nữa.

Thảm kịch còn lớn hơn nữa vì ông vẫn còn rất trẻ. Cứ nghĩ là phải sống nốt cuộc đời mà không có hai bàn tay thì hãi hùng biết bao nhiêu.

Tôi tin ông là một người lính. Ông phải là một thương binh. Ở tuổi của ông, và tuổi của tôi thời ấy thì không thể không ở trong quân ngũ.

Hay tại như thế, ông mặc chiếc field jacket ra ngoài để ôm báo đi bán trong những buổi chiều ở Sài Gòn?

Cũng cùng tuổi như ông, mỗi chiều tôi vào quán, ngồi uống ly cà phê trước khi về nhà để than thở với vài ba người bạn về công việc, về đời sống tù túng trong thành phố.

Còn ông, một người đàn ông cùng tuổi với tôi thì ôm sấp báo đi bán, không còn bàn tay để thối tiền lại cho khách.

Hôm sau, tôi đậu xe chỗ khác để không bị chú bé bán báo phục kích mời mua báo như mọi ngày nữa. Tôi vào La Pagode chờ mua báo của ông mặc dù không có trong tay tờ Tiền Tuyền để đọc Ký Giả Lô Răng Phan Lạc Phúc và Ký Giả Ba Tê Thanh Tâm Tuyền ngay.

Ông đến mời tòi mua báo. Tôi hỏi ông trước kia ở đâu. Ở tuổi đó mà hỏi ở đâu thì câu trả lời bao giờ cũng là sư đoàn mấy, tiểu đoàn gì. Nguyên một thế hệ thanh niên Việt Nam đều như vậy. Ông nói là ở sư đòan 7, bị mìn hai năm trước, một vợ hai con nhỏ. Từ đó, mỗi chiều tôi đều đến tiệm nước chờ mua báo của ông. Chú nhỏ bán báo một hôm gặp tôi trên đường tay cầm tờ báo thì có vẻ trách tôi sao không mua của chú nữa. Tôi phải nói là đã có báo ở sở mỗi ngày rồi.

Tôi mua báo của ông liên tiếp mấy tháng , rồi một hôm, khoảng thời gian nào tôi không thể nhớ đích xác, nhưng tôi nghĩ khoảng cuối năm 1973, tự nhiên ông biến mất. Một ngày, hai ngày, rồi một tháng sau ông vẫn không trở lại. Hay lại có chuyện gì không hay đã xẩy ra cho ông.

Ba mươi mấy năm vèo qua. Năm nay, ông cũng phải ngoài sáu mươi. Tôi không biết ông còn sống hay đã chết. Không có hai tay làm sao ông sống được trong hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước, nơi mà những người đầy đủ chân tay còn khốn khổ.

Tệ nhất là tôi cũng không biết cả tên của ông. Mà những người như ông thì không phải là ít để mà kiếm ra.

Tên ông thì tôi không biết. Nhưng nhớ ông thì vẫn nhớ.

Những chiều mùa mưa Sài Gòn, hình ảnh người đàn ông còm cõi, sấp báo trên tay, độc lập, kiêu hãnh, lương thiện, người thương binh ấy đụng nhẹ vào đời tôi và không bao giờ ra khỏi trí nhớ của tôi nữa.

Cầu mong ông bình an đâu đó ở quê hương tôi có chung với ông.


Ngày 26 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Mục tiêu của các hoạt động cứu trợ bao giờ cũng bi thảm. Gần như chẳng có một chuyến cứu trợ nào có hào quang rực rỡ.

Cho dù đó là những hoạt động cứu giúp các nạn nhân bão lụt Katrina, núi lửa ở Indonesia, sóng thần ở Đông Nam Á, động đất ở Pakistan, hay chiến tranh ở Phi châu. Nhưng có lẽ bi thảm nhất, phải là những hình ảnh của những chuyến đi cứu trợ giúp những bệnh nhân bệnh Hansen ở Việt Nam.

Bệnh Hansen là tên gọi khoa học nghe đỡ dễ sợ hơn là một cái tên khác của nó, bệnh cùi, cũng còn gọi là bệnh hủi, một chứng bệnh bị loài người ghê tởm đã ở với nhân loại từ mấy ngàn năm trước mà Thánh kinh cũng ghi lại. Tuy loài người còn mắc những thứ bệnh nguy hiểm hơn, nhưng không có một thứ bệnh nào bị kinh khiếp, ghê tởm và bị xa lánh như bệnh phong cùi.

Người bị phong cùi bị đưa tới những trại xa xôi và gần như hoàn toàn bị quên lãng bởi xã hội của ngưòi thường. Mãi đến ngày nay, thế giới vẫn còn những trại phong cùi như thế. Hầu hết là ở các xứ nhiệt đới, Á châu và Phi châu.

Ngôn ngữ Việt Nam không thiếu những cách nói đầy khinh bỉ, ghê tởm dành cho những người mắc căn bệnh kinh khiếp này.

Không dây với hủi. Cùi hủi. Đồ hủi. Hủi cùn hủi cụt.

Xấu xa, tệ lậu nhất là hủi, là cùi.

Mô tả một người xấu xa như thế chỉ cần gọi đưong sự là hủi là đầy đủ, không cần phải nói thêm nữa.

Thề thốt nặng lời cũng lại đem căn bệnh này ra để hăm, dể dọa, để thay cho những chi tiết bất hạnh, bi thảm nhất nếu một chuyện gì không làm được, không thực hiện được.

Và chúng ta có lúc đã quên hẳn những con người bất hạnh này.

Nếu không làm thơ và mơ hồ nhắc đến căn bệnh của mình , thì người đàn ông bị bệnh này vẫn chỉ là Nguyễn Trọng Trí, qua đời ở một trại cùi ở Quy Hòa, không bao giờ là Hàn Mặc Tử.

Những người mắc bệnh hủi không bao giờ có trong trí của chúng ta.

Đầu óc với khả năng đãi lọc, tuyển chọn những điều vui vẻ, hạnh phúc, tốt đẹp của chúng ta không có chỗ cho những người mắc bệnh Hansen. Quách Thoại, Thạch Lam qua đời vì bệnh lao, căn bệnh giết người nhưng vẫn được cho một chút thi vị, lãng mạn như một hai người phụ nữ , đối tượng của một vài nhà thơ, nhà văn trong văn chưong Pháp và Anh.

Nhưng người cùi thì không bao giờ.

Một cuộn video do tổ chức cứu trợ những mảnh đời bất hạnh này bỗng đã nhắc cho tôi là ở Việt Nam vẫn còn những người cũng là Việt Nam khốn khổ ở những cái tên ít khi nghe thấy như Quỳnh Lập, Văn Môn, Sóc Sơn, Phú Bình, Sơn La, Quy Hòa...

Họ chẳng bao giờ áo mầu tung gió chơi vơi, chẳng bao giờ là người em chờ dưới bóng dừa, chẳng bao giờ có trong buồn tàn thu, trong cô hái mơ, trong mộng dưới hoa ...

Nhưng họ vẫn có một đời sống. Những bàn tay không còn ngón đó có bao giờ nắm lấy tay một người khác. Cặp má ấy có bao giờ đón những cái hôn, mái tóc đó có bao giờ đã có những ngón tay luồn qua?

Tôi nghĩ là phải có.

Nhưng những thứ ấy chắc đã quá xa, đã quá lâu không còn trở lại trong trí của những người đàn ông, đàn bà tôi thấy trong cuốn video, cuốn video xem rồi không muốn nhớ đến nữa, nhớ đến để làm hỏng một bữa cơm, làm buồn hết một buổi sáng, làm hỏng cả một ngày hay sao?

Những cái đau đớn của thân xác bị bệnh tàn phá không còn cho họ nhớ lại những điều hạnh phúc đó. Họ hẳn là phải có những ước mơ cho đòi sống, những ước mơ như tất cả chúng ta khi căn bệnh chưa phát.

Nhìn họ trong những chỗ họ đang sống, khó có thể nghĩ đã có một thời họ không khác gì chúng ta.

Tôi đã biết mùi hơi người trong một chuyến đi thăm trại tù Nha Trang, trong những lần đứng ngoài cửa những phòng giam ở Côn Đảo. Nhưng chắc chắn cái mùi đó không thể bằng cái mùi mà một y sĩ trong phái đoàn về thăm một trại cùi mô tả. Có thể đó là mùi hôi của những cơ thể lâu ngày không tắm, quần áo không thay, những hoạt động vệ sinh hàng ngày, nhiều ngày diễn ra ngay tại chỗ nằm.

Nhưng những sinh vật ấy, khó có thể gọi họ là người mặc dù gọi như thế , gọi họ là những sinh vật, là một xúc phạm lớn không thể tha thứ được, vẫn tiếp tục sống. Họ cũng là vợ là chồng của nhau. Họ cũng có những thôi thúc của cơ thể. Họ cũng yêu nhau, sinh con đẻ cái. Trong cuộn video, tôi nhìn thấy những bàn tay bé bỏng của những đứa bé ôm lấy những bàn tay không còn ngón của có thể là cha mẹ, ông bà của chúng, và bỗng nhận ra họ cũng là người. Trong đôi mắt tuyệt vọng, khổ đau đó, những giọt nưóc mắt lã chã rơi của một người mẹ trẻ với đứa con mang những hậu quả của những thứ thuốc bà uống bỗng làm người xem những đoạn video ấy thấy bao nhiêu chuyện khác đều vô nghĩa lý hết.

Những cái áo đẹp, buổi dạ vũ đêm nay em là người đẹp nhất để đi nhẩy đầm, những tình khúc thất tình, những đoạn thơ chuốt lọc hay nhất bỗng vô nghĩa lý.

Tại sao lại có những người khổ đến như thế trên cõi đời này?

Thượng đế có bất công không?

Tại sao có thể nói là mọi người sinh ra đời đều bình đẳng và mục tiêu cuả đời sống là mưu cầu hạnh phúc, mà vẫn có có những người cùi như vậy?


Ngày 27 tháng 1 năm 2012

Bạn ta

Ông Bá Dương, tác giả cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí, cuốn sách ông viết về những thói xấu của đồng bào của ông. Cuốn sách đưọc dịch sang tiếng Việt mà nhiều người đọc xong đã nghi ngờ đó không phải là của ông Bá Dương, cuốn sách cũng không viết về người Trung quốc và những cái thói xấu của họ, mà là một cuốn sách của một nguời Việt Nam viết về những cái xấu của người Việt.

Thực ra, cuốn sách viết về những điều xấu xa của người dân Trung quốc là có thật, nguyên bản của nó Xú Lậu Đích Trung Quốc Nhân.

Ở một chương, ông Bá Dương nói rằng không ăn nói ồn ào, ở bẩn và sống hỗn loạn thì không thể là người Trung quốc.

Người Trung quốc thì có ồn ào thật. Nhất là người Quảng Đông.

Có hai nguyên do người Trung quốc hay to tiếng. Thứ nhất là vì ngôn ngữ của họ. Cấu trúc văn phạm đòi họ phải nói lớn.

Nhưng ngoài ra, còn có một lý do khác nữa. Lý do nay, theo ông Bá Dương, là vì trong lòng của họ không được yên ổn. Họ cứ tưởng càng to tiếng là lý lẽ càng mạnh. Họ nghĩ là chỉ cần cao giọng lên thì lý lẽ sẽ về phía của họ.

Thế thì ông Bá Dưong có sai lầm nặng.

Chúng tôi không biết Hoa ngữ nên không thể bàn về cú pháp, văn nói của người Trung quốc. Nhưng nói to thì chẳng riêng gì người Trung Hoa mới ăn to, nói lớn.

Người Việt cũng nói to. Nói to cả trong những lúc không cần thiết. Không cần phải giành phần thắng về mình, người ta vẫn nói to.

Mấy tháng trước tôi có đến dự một buổi ra mắt sách. Tác giả là một nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam. Ông được rất nhiều người trong cộng đồng quí mến. Số người đến tham dự buổi ra mắt sách của ông rất đông. Thành phần toàn là những người đọc sách của nhà văn này. Nói chi tiết này ra để thấy là cử tọa là những thành phần chọn lọc.

Các diễn giả lần lượt được mời lên phát biểu trên bục .

Nhưng ở cuối phòng, không phải là ở ngoài phòng, một số "diễn giả" khác cũng lên tiếng.

Không biết họ nói những gì, nhưng họ nói rất lớn. Họ nói lớn đến nỗi không chỉ làm cho thính giả bị chia trí, mà còn át hẳn những lời nói của diễn giả.

Trong số những tiếng nói ở phía dưới, người ta thấy có cả một ngưòi cũng ở trong nghề báo. Ông ta không đứng ở cuối phòng, mà ngay ở khoảng giữa để nói chuyện với bạn. Cả hai đều vặn to cái volume của họ lên để nghe nhau cho dễ, và cử tọa cũng được cho nghe đầy tai những đoạn nói chuyện của hai ông.

Mà không chỉ có hai ông. Còn có một số khác cũng góp tiếng. Ở trong các hàng ghế, ở cuối phòng, ở ngoài phòng.

Một vài người khó chịu quay xuống ngó những người này.

Nhưng không có kết quả gì. Họ vẫn ông ổng, ào ào nói, làm như không còn ngày mai để nói nữa.

Người dẫn dắt chương trình bước xuống dưới, hình như có yêu cầu những người đang phát thanh trên những làn sóng ngắn vặn bớt cái volume của họ lại. Êm được một chút. Rồi những tiếng động, những tiếng nói, những tiếng cười của cả đàn ông lẫn đàn bà lại tiếp tục vọng lên. Một trong những diễn giả đã phải khó chịu hỏi là có cho ông bắt đầu không, nếu cho thì ngưng ồn ào lại. Tiếng ồn bớt đi một chút, rồi lại ào ào nổi lên.

Những tiếng nói đều từ đám người ngồi ở phía dưới.

Họ đến vì tác giả cuốn sách. Họ là những ngưòi có thể cũng yêu thích sách của ông, cũng có đọc ông. Như thế, chắc chắn họ phải là những người có ý thức, có văn hoá, có một trình độ khá.

Nhưng không hiểu tại sao họ to tiếng.

Chắc chắn họ không có gì để tranh cãi về cuốn sách và về nhà văn ngồi ở hàng ghế đầu. Có lẽ cũng không bất đồng với những phát biểu của các diễn giả, trong đó có cả những người rất có thẩm quyền để nói về cuốn sách.

Tiếng ồn ào vẫn rề rề, èo èo, èng èng vang lên . Nhắm mắt không nhìn lên các diễn giả, người ta không thể phân biệt đâu là một sinh hoạt sách vở, đâu là một cái trại vịt.

Vẫn chưa hết. Vài ba cái điện thoại reo. Chủ của chúng để nguyên cho reo. Chúng tôi đang nghe các diễn giả. Điện thoại phải đợi. Cho reo thêm vài tiếng nữa máy sẽ chuyển qua phần nhắn lại.

Cử tọa quay ngang, quay dọc tìm cách xác định vị trí của tiếng chuông điện thoại.

Nhưng chuông điện thoại thì reo một hồi sẽ dứt. Còn tiếng ào ào, èng èng ở cuối phòng thì vẫn vọng lên, can thiệp thô bạo và trắng trợn vào phần phát biểu của các diễn giả.

Một vài người lịch sự với bạn bè thì trả lời điện thoại ngay. Lại những đoạn đối thoại vang lên trong một vài dẫy ghế.

Đây không phải là lần đầu tiên có những chuyện như thế xẩy ra tại một buổi ra mắt sách.

Sự tôn trọng dành cho tác giả, cho các diễn giả và cho cử toạ hoàn toàn không có ở nơi những người đàn ông đàn bà ồn ào đó.

Tại sao ông Bá Dương lại chỉ nói là người Trung quốc của ông mới ồn ào và nói lớn?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 129)

WOULD ALWAYS / USED TO

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 129 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, tuần này có thư của thính giả yêu cầu chú giải thích cách dùng của WOULD ALWAYS và cho biết động từ này có khác USED TO không.

BBT

Trước hết, hãy nói về động từ USED TO+VERB đã. Động từ này chỉ có một TENSE, đó là nó luôn luôn ở thì SIMPLE PAST. Chúng ta dùng USED TO để nói về một thói quen, một việc làm xẩy ra nhiều lần, hay thường xẩy ra trong quá khứ, nhưng bây giờ thì không còn nữa. Việc đó đã chấm dứt hẳn rồi, đã ngưng hẳn trong quá khứ. Thí dụ MY MOTHER USED TO WEAR VIETNAMESE TRADITIONAL DRESSES IN SAIGON. Đó là thói quen nay không còn nữa. I USED TO COME TO "LA PAGODE" FOR COFFEE IN THE MORNING. Chuyện tôi ra ngồi ở quán La Pagode là việc thường diễn ra mỗi sáng nhưng nay tôi không còn làm chuyện ấy nữa.

Động từ USED TO cũng được dùng để nói về một sự thực, một chuyện xẩy ra trong quá khứ nhưng nay không còn xẩy ra nữa. Thí dụ HE USED TO EAT A LOT OF RED MEAT BUT NOW HE IS A VEGETARIAN. Anh ấy trước đây rất hay ăn thịt đỏ, nhưng nay anh ấy chỉ ăn rau trái thôi, anh ấy đã bỏ hẳn, không còn ăn thịt nữa.

QA

Như vậy, USED TO có khác những động từ ở thì SIMPLE PAST không, thưa anh?

BBT

Có. Hai cô nghe thử hai câu này: HE USED TO COME TO THE LIBRARY EVERYDAY và HE CAME TO THE LIBRARY EVERYDAY.

Cả hai câu đều cho biết ông ấy đến thư viện mỗi ngày. Nhưng USED TO cho thấy việc đến thư viện của ông ấy là một thói quen, ngày nào ông ấy cũng đến thư viện, cho dù là trời mưa hay trời nắng. USED TO mạnh hơn SIMPLE PAST vì khi nói HE CAME TO THE LIBRARY EVERYDAY thì ông ấy có đến thư viện mỗi ngày đấy, nhưng nếu mưa thì ông ấy ở nhà, hay khi bận chuyện gì thì ông ấy cũng không đến.

TRÚC GIANG

Cháu thấy như vậy, USED TO cũng giống hệt như WOULD ALWAYS phải không thưa chú?

BBT

Không hẳn vậy. WOULD ALWAYS giống USED TO ở chỗ cả hai đều được dùng để nói về những hành động xẩy ra nhiều lần trong quá khứ, những việc làm có thể coi là những thói quen nhưng nay không còn diễn ra nữa. Thí dụ HE USED TO SIT HERE WITH A CUP OF COFFEE IN THE MORNING và HE WOULD ALWAYS SIT HERE WITH A CUP OF COFFEE IN THE MORNING . Cả hai câu đều nói về cái thói quen của ông ấy, đó là ngồi đây với một ly cà phê buổi sáng. Nhưng khác với USED TO là khi dùng WOULD ALWAYS,người ta muốn ngầm nói rằng người làm công việc đó có nhiều cố ý ở trong , việc làm đó có thể làm vui cho vài ba người nhưng cũng có thể làm cho người ta khó chịu. Thí dụ THE DOG WOULD ALWAYS WAIT FOR HIS MASTER AT THE BUS STATION EVERY EVENING . Việc con chó ngồi chờ chủ nó là việc mỗi chiều nó mỗi làm, và việc nó chờ chủ nó làm cho những người đi xe bus thấy rất vui vào lúc cuối ngày. Nhưng câu HE WOULD ALWAYS SLAM THE DOOR LOUDLY WHEN HE CAME HOME thì việc anh ấy hôm nào cũng dập mạnh cửa khi vào nhà rõ ràng là việc đó làm cho hàng xóm không vui. Cũng là thói quen đấy, nhưng cái thói quen này làm cho người khác rất bực mình. Cô QA cho nghe hai thí dụ tương tự như ở trên coi.

QA

THE DOG WOULD ALWAYS BARK ALL NIGHT, đó là một thói quen gây khó chịu cho hàng xóm. THE BOY WOULD ALWAYS WHISTLE EVERY TIME HE PASSED BY thì việc hút gió của cậu bé có thể làm cho người nghe thấy vui vui.

BBT

Cám ơn QA. Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

MY ELDEST GIRL WOULD ALWAYS CARRY AN OLD RAG DOLL WITH HER EVERYWHERE. Đây là một việc làm của nó mà cháu rất ghét.

MY HUSBAND WOULD ALWAYS COOK BREAKFAST FOR THE FAMILY ON SATURDAYS AND SUNDAYS. Việc này thì cháu không phản đối bao giờ.

QA

Thưa anh, ngược lại với WOULD ALWAYS là gì, nghĩa là để nói một việc người ấy KHÔNG BAO GIỜ làm trong quá khứ, nhưng bây giờ thì lại làm.

BBT

Trong trường hợp này, chúng ta dùng WOULD NEVER+VERB. Chúng ta dùng WOULD NEVER+VERB để nói về nhũng việc người ta không làm, nhất định không làm, quyết không bao giờ làm trong quá khứ nhưng nay thì lại sẵn sàng làm. Thí dụ FOR MANY YEARS, HE WOULD NEVER OWN ANYTHING MADE IN JAPAN. Ông ấy ghét Nhật từ sau trận Trân Châu Cảng nên trong nhiều năm không bao giờ ông ấy dùng hàng Nhật, nhưng bây giờ thì ông lái một chiếc Honda, đeo trên cổ cái máy ảnh Nikon. QA cho nghe hai thí dụ với WOULD NEVER coi.

QA

WHEN I WAS FIRST CAME TO CALIFORNIA, I THOUGHT I WOULD NEVER DRIVE ON A FREEWAY.

MY PARENTS WOULD NEVER THINK OF SPEAKING TO THEIR GRAND CHILDREN IN ENGLISH.

BBT

Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

WE WOULD NEVER IMAGINE OUR KIDS WOULD GO TO BED WITH AN IPAD.

I WOULD NEVER THINK OF FEEDING MY DAUGHTERS JUNK FOODS .

BBT

Ngoài việc dùng WOULD ALWAYS, người Anh, người Mỹ cũng hay dùng WOULD OFTEN, WOULD CONSTANTLY, WOULD SELDOM, WOULD OCCASIONALLY … và theo sau là động từ chính để nói về những thói quen trong quá khứ.

QA

QA muốn hỏi anh về sự khác biệt giữa SORRY và EXCUSE ME. QA hiểu cả hai đều được dùng để xin lỗi cả, nhưng hình như chúng có hơi khác nhau thì phải.

BBT

Đúng vậy. Thí dụ tôi vô ý đạp lên chân người bên cạnh thì tôi phải xin lỗi về việc làm đó ngay. Tôi sẽ nói I AM SORRY hay SORRY chứ không nói EXCUSE ME. Tôi nói SORRY để xin lỗi (đã đạp lên chân ông ta hay làm ông ta bị đau, hay khiến ông ấy bực mình vì việc làm của tôi). Nhưng nếu ông ấy đứng choán đường đi, tôi cần đi qua hay để mở cái cửa, lấy cuốn sách trên kệ mà ông đứng chặn phía trước, hay để ngồi vào ghế của tôi và muốn ông đứng nhích ra bên cạnh hay mở lối cho tôi đi thì tôi nói EXCUSE ME.

TRÚC GIANG

Cháu cũng nghe người ta nói PARDON ME hay I BEG YOUR PARDON cũng là để xin lỗi phải không thưa chú?

BBT

Đúng vậy, nhưng tùy theo cách lên xuống giọng, INTONATION, thì PARDON hay PARDON ME và I BEG YOUR PARDON có khác nhau.

Nếu xuống giọng ở cuối câu thì I BEG YOUR PARDON nghĩa là xin lỗi ông/ bà. Câu nay cùng nghĩa với SORRY và EXCUSE ME như tôi đã nói ở trên. Nhưng nếu lên giọng ở cuối thì I BEG YOUR PARDON phải thêm dấu hỏi (QUESTION MARK) vào cuối để thành I BEG YOUR PARDON? Lúc ấy, I BEG YOUR PARDON có nghĩa là EXCUSE ME, WHAT DID YOU SAY? PLEASE SAY IT AGAIN.

PARDON hay PARDON ME cũng thế. Khi lên giọng thì người nghe hiểu đó là lời xin yêu cầu nhắc lại điều vừa nói. Trong hai trường hợp này, ở cuối phải có dấu hỏi (?).

QA

QA còn nghe mấy đứa con, trước khi nói SORRY, còn nói cái gì nghe như "ÚP-XÌ" là gì vậy thưa anh?

BBT

Tôi chắc đó là tán thán từ (INTERJECTION) OOPS, viết với hai chữ "O". OOPS được dùng để bầy tỏ ngạc nhiên hay khó chịu, bực bội, nó cũng được dùng để xin lỗi về một hành động hay một câu nói nào đó. Thí dụ OOPS, I KNOCKED OFF THE GLASS hay OOPS, I DIDN’T MEAN TO DO THAT. Cũng có khi viết là WHOOPS hay WOOPS.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

January 18, 2012

January 20, 2012

Ngày 16 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Vài ba tuần trước, một nhật báo ở đây có viết một bài khá dài về một số sinh vật và thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có một vài giống cây, một giống cóc, một giống chim và một loài chuột . Tất cả đều có thời sống đông đảo ở khắp California. Chính phủ tiểu bang muốn giúp những sinh vật này thoát cảnh những con chim hồng, chim lạc của Việt Nam, mà con cháu của những con chim này ngày nay chỉ được nghe nói lơ mơ về tổ tiên của mình, lắm lúc nhớ cội nguồn, muốn xem lại hình ảnh hai giống chim này, là lại phải vật cái trống đồng ra coi những hình khắc trên mặt trống.

Nhà cầm quyền tiểu bang không cho xây vài con đuờng, hạn chế khai thác tài nguyên ở một số vùng để cho những giống cây, những giống côn trùng, cá, thú rừng có cơ hội cuối cùng sống tiếp, may ra vài ba năm, một chục năm sau, chúng mọc được thêm, sinh đẻ nhiều ra, thì người ta lại được phép săn bắn, đẵn đẽo như loài bò rừng hiện nay hay loài gấu ở miền đông.

Nhưng không thấy bài báo đả động gì đến một thành phần tôi nghĩ cũng đang càng ngày càng hiếm thấy, đã lâu không còn gặp, sợ là đang trên đường tuyệt chủng hay bị đe doạ tuyệt chủng đến nơi.

Có một thời, những thứ này đông đảo lắm. Thực ra phải nói rõ hơn, là những người như thế nhiều lắm. Nhưng càng ngày càng ít gặp. Lúc đầu thì thưa thớt. Bây giờ thì kiếm mỏi mắt cũng không ra.

Hay là lại biến thành trường hợp của "Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ" mất rồi?

Đó là những người đàn ông và những người đàn bà phi thường, không hèn, không sống những cuộc đời nhàm chán, vô vị, tẻ nhạt như (thí dụ) tôi chẳng hạn. Tôi không dám lôi những ngưòi khác vào hàng ngũ của mình vì chưa xin đưọc phép, chưa có sự đồng ý.

Những ngưòi này thơ văn, nhạc nhắc đến rất nhiều. Họ rất khác những con người tôi vẫn gặp hàng ngày, và khác tôi rất nhiều.

Những người ai trong chúng ta nhìn quanh cũng thấy với cuộc sống không có bất cứ gì đáng để nói, đáng để ghi lại thành nhạc, thành thơ.

Sáng tờ mờ đã bị cái đồng hồ báo thức khủng bố nhất định không cho tiếp tục mưu cầu hạnh phúc với cái giường như hiến pháp của Hoa kỳ đã bảo đảm và ghi rõ. Ra khỏi giường, mắt nhắm, mắt mở ra cửa nhặt tờ báo đem vào, pha ly cà phê, vặn cái TV lên xem hôm nay Dũng diếc, Triết chiếc, Sang siếc… đã chết chưa, các ngài trong bộ chính trị dấu ở nhà bao nhiêu tiền, để mấy em vợ bé, đào nhí ở đâu và bao giờ đi theo các ông Kác Mác, Lê Nin như có một người đàn ông từng viết di chúc để lại hồi năm 1969. Rồi sửa soạn đi làm để đối mặt với một chị chủ hắc ám vừa dữ vừa xấu, trưa chạy ra đầu đường gặp ông đầu bếp McDonalds nửa tiếng rồi trở lại sở, đau khổ đến lúc về thì lại ngồi trong dòng xe kẹt cứng trên xa lộ 405, về nhà, ghé những chỗ chuyên môn cơm đường cháo chợ trước khi về nhà làm tiếp một số việc rồi đi ngủ để sừa soạn sống tiếp một ngày mai nhàm chán hơn.

Vậy mà có những người mà thơ văn, âm nhạc ghi lại suốt bẩy ngày không làm bất cứ một chuyện gì khác là "tôi chờ người đến với yêu đương".

Bẩy ngày cứ rã rượi ra chờ cho đến thứ bẩy để làm một số chuyện nhiều người với cái thời biểu làm việc kể sơ sài ở trên không bao giờ làm được.

Bài hát có mấy câu mà một giọng nữ nghe mấy chục lần , càng nghe càng thấy những lời nhạc ghê rợn:

Chiều thứ BẬƯY mưa RƯƠI
Ai BÃƯO anh lại TƯỚI
Ai BÃƯO anh xin LƯỢI
Ai BÃƯO anh nhiều LƯỜI
Cho mắt em lệ RƯƠI…

Mãi sau một người bạn mới dậy cho là khi nghe giọng hát này, thì phải bỏ chữ "Ư" đi thì sẽ rõ nghĩa ngay:

À, thì ra đó là :

Chiều thứ bẩy mưa rơi
Ai bảo anh lại tới
Ai bảo anh xin lỗi
Ai bảo anh nhiều lời
Cho mắt em lệ rơi...

Đến là khổ cho thân tôi. Người phụ nữ trong bài hát thì cả bẩy ngày, không nhấc một ngón tay để làm bất cứ gì cả, chỉ đắm trong bể ái ân của chàng. Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bẩy, chủ nhật. Bẩy ngày nàng không làm gì hết, chỉ chờ chàng TƯỚI . Nàng để ý biết chàng thích mầu nào thì mặc cho chàng cái áo mầu ấy. Chàng cũng vậy, không thấy nói đi làm, đi học hay đi lính đánh Việt Cộng gì hết, cứ ngày nào cũng chờ chờ đến giờ là xẹt tới nhà nàng, bất kể sáng trưa chiều tối, không phải đợi đến chiều mới "Một chiều ái ân, say hồn ta bao lần" như trong một bản nhạc của Dương Thiệu Tước.

Trời ơi, tại sao lại có những người được cho sống những cuộc đời huy hoàng, oai hùng, lãng mạn và đẹp như thế.

Những người đàn ông thì "Năm năm lại muốn làm khăn gói" để đi giang hồ. Đi giang hồ đến gần Tết thì kiếm cái gác trọ nào vào ở tạm vài hôm để " Rũ áo phong sương trên gác trọ / Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang". Vài hôm sau , lại lêu bêu ra bến sông cho em bé điên cuồng vì hình ảnh "Người ấy bên sông đứng ngóng đò".

Tại sao ngày xưa người ta sống oai như vậy ?

Nhớ bài The Way We Were của Barbra Streisand có mấy câu: Có thể nào đời sống thời ấy bình dị như thế/ Hay thời gian đã viết lại mọi thứ?

Tại sao những người oai hùng đó không bao giờ phải khổ vì mấy cái bill như chúng ta ngày nay. Cứ áo phong sương, chiều thứ bẩy lại thăm, em bé mặc áo xanh, mầu chàng thích...

Chao ôi là sướng, mà sao chúng ta khổ như thế này hở Trời?

Nhưng cho khoác áo phong sương trên gác trọ với cô bạn cứ rã rượi lãng mạn cuối muà thì chúng ta có chịu sống như thế không? Có phải vì vậy mà các chàng và các nàng tuyệt chủng rồi không?


Ngày 17 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Chúng xuất hiện khoảng cuối những năm 1970, và hiện nay đang được thay thế bằng phone mail, để ghi lại những lời nhắn nếu chủ nhân của điện thoại không thể trả lời ngay được.

Phải nói những cái answering machine đó, và nay, những cái phone mail là những thứ không thể không có trong đời sống của chúng ta.

Không cần phải là ông Obama để sợ lỡ ông Sarkozy gọi, lại đúng lúc đang bận chuyện khác không bốc được máy nói chuyện shopping với ông … mà cả những người bình thường như chúng ta cũng rất cần những cái máy nhắn đó.

Không có mặt ở nhà, đang ở trong văn phòng của Winston Churchill, gọi tắt là WC, không tiện trả lời vì đang tâm tình hiến dâng, đang rửa xe, đang chờ điện thoại của Diane Sawyer rủ đi xập xình ... không trả lời được thì cũng không lo.

Sau mấy hồi chuông, điện thoại sẽ chuyển sang máy ghi lời nhắn. Chủ nhân về nhà, hay xong việc, mở ra nghe vẫn không sợ bị mất bữa tối của người bạn rủ đi ăn. Nếu đồng ý thì gọi lại để giải quyết bữa chiều với chàng.

Cái máy nhắn cũng có thể được dùng để xem ai gọi, có đáng để dời gót, đưa bàn tay ngọc bên bếp hồng lên để bốc máy trả lời hay không, khỏi phí lời vàng ngọc trả lời những cú điện thoại với câu hỏi làm điên đầu nhiều người là "Có gì lạ không?" vân vân.

Nhưng nhiều người cũng rất ghét những cái máy trả lời đó. Nó vô tình, giọng nó lạnh tanh hệt như ông Tú đã than rằng "Sao đang vui vẻ ra buồn bã / vừa mới quen nhau đã lạ lùng..." Nên không thèm trả lời, quăng máy xuống, trở lại với "Đời tôi cô đơn" kêu ai cũng không ... ra.

Những người có Caller ID thấy số điện thoại quen, gọi lại thì gọi. Nhất điïnh không thèm nhắn gửi hay "trả lời lòng anh mấy câu" gì hết .

Một lý do khác khiến nhiều người ghét cái máy nhắn là mấy câu chào hỏi của đường dây bên kia.

Có lúc tôi dùng một cuộn cassette có tiếng của một kịch sĩ hài hước của Mỹ, Steve Martin giả giọng của ông Nixon, của John Wayne, của ông Carter để trả lời hộ điện thoại. Cuộn cassette bị đứt sau vài năm, nay không kiếm đâu ra được cuộn khác để thay thế.

Còn câu chào hỏi có sẵn thì lại có thể gây ngộ nhận hết sức tai hại.

Thí dụ vừa gọi đến, máy bên kia trả lời rằng ông hay bà, hay cô X is not available nên không thể trả lời điện thoại được.

Rắc rối là đoạn nói rằng phía bên kia not available. Mà not available thì theo tiếng Ăng lê rất hạn chế của tôi, nghĩa là không … còn không nữa.

Còn không như trong đoạn ca dao:

Sao anh không hỏi những ngày em còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vẫo lồng, như cá cắn câu...

Not available là không còn không. Là kẹt rồi, là hoa có chủ, là xe có người lái, là nhà đã sang bán và sang tên cho người khác, là cuốn sách trong thư viện đã có người mượn trước mất rồi.

Ô hay, vừa mới hôm qua, vừa mới sáng ngày, còn dặn là không bận (?) gì thì gọi nhé.

Bây giờ , tuy vẫn bận (?) nhiều, trời lạnh phải bận nhiều thứ, nhiều lớp quần áo, nghĩa là đang bận nhiều lắm, cố gắng gọi là thì máy cho biết là not available, tình cảnh oan trái có khác gì "Trâm gẫy, bình rơi" không nào?

Có khác gì "Khi về hỏi liễu Chương Đài / Cành xuân đã bẻ cho người ..." lôi đi.

Nghe not available liền không nhắn lại gì hết.

Thực ra, cái lời nhắn thu sẵn đó, câu "You have reached the number of XYZ. The person is not available" nghe cũng còn có thể chịu được.

Bắt bẻ, phiền hà thì phía bên kia đổi câu chào, thu lại một câu khác không làm thất vọng người gọi đến, lại cho thêm một chút hy vọng.

Nhưng có một lời nhắn làm cho người gọi đến phải chịu thua luôn.

Tưởng tượng gọi đến, chuông reo vài tiếng, rồi một giọng trẻ con như rít vào tai "Leave a message!" nghe đầy mệnh lệnh thì phải làm sao?

Đồng ý là lên ba nói muốn cười, nhưng chuyện muốn cười ấy có thể là muốn cười với cha, với mẹ, với ông bà nội ngoại của đứa bé. Nhưng khách của ông bà nội ngoại của nó tại sao lại để cho nó ăn nói hỗn hào như thế? Có khi nào đang ngồi đông đủ ở phòng khách, nó chạy ra hét vào mặt khách "Uống trà đi! Ăn bánh đi!" và khách riu ríu làm theo lời của đứa bé mới học nói đó không? Đó có phải là cách ăn nói với người lớn không?

Tôi đã bị ít nhất là hai câu chào trong điện thoại như thế.

Bèn không nhắn gì cả.

Không thể làm theo cái lệnh trong máy được.

Ghét mấy cái máy nhắn như thế vô cùng.


Ngày 18 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Nhớ ít ngày trước khi có những cuộc di tản đưa một số người Việt ra khỏi nước, có nhiều người nói là đi sang Mỹ chỉ làm bồi bếp, rửa chén cho Mỹ. Rồi sau những chuyến di tản đó, lại cũng có người trong chính phủ Hà Nội gọi những người Việt di tản năm 1975 là bọn đĩ điếm.

Chuyện đi tới một quốc gia rất nhiều xa lạ và một xã hội mới thì những việc làm không xứng ý lắm vẫn phải nhận là chuyện thường. Những kinh nghiệm làm việc có từ trước thì thường không thể đem ra dùng ở cái quê hương mới của những người Việt bỏ nước ra đi.

Thế nên chuyện làm bồi bếp thì cũng có chứ không phải là không.

Thí dụ muốn xin vào làm trong tiệm ăn McDonalds chẳng hạn. Ai cũng phải đi từ dưới lên trên. Phải biết cọ rửa cái nhà cầu, cái bếp, cái lò chiên trước khi leo lên được những công việc khác. Nhờ thế mà những người làm việc cho công ty McDonalds đều biết rõ tất cả mọi công việc trong tiệm.

Nhưng rồi khi kinh nghiệm đã có, tiếng Anh nói khá hơn, thì không ai chịu đứng nguyên một chỗ.

Nước Mỹ được cái là không cầm chân bất cứ ai. Chỉ có chính mình cầm chân mình thì có. Câu mà người Mỹ hay nói để khuyến khích mọi người đi lên, nuôi dưỡng và thực hiện những giấc mơ của mình là The sky is the limit, nghĩa là trời cao là hạn chế của chúng ta, tức là không có gì là hạn chế cả.

Thỉnh thoảng đi ăn cưới ở đây, tôi nhìn thấy một cảnh mà ba mươi năm trước thì không thể nào tưỏng tượng ra được.

Tại những đám cưới sang trọng, đắt tiền, tổ chức ở những khách sạn hạng sang ở California cũng như ở miền đông Hoa kỳ như Washington, Virginia thì bao giờ cũng có cảnh nguời ngồi dự tiệc là người Việt, bạn hữu, gia đình cô dâu, chú rể. Và những người phục vụ thì gần như bao giờ cũng là mắt xanh, tóc vàng, có khi là những người Mỹ gốc Phi châu, hay những người nói tiếng Tây Ban Nha.

Nhìn cảnh ấy, rồi nghĩ lại thì lại thấy các vai trò được đổi ngược hoàn toàn. Khi mới sang Mỹ, lôi được chiếc va ly, gói hành lý vào trong căn apartment nhà thờ thuê giúp, là phải vội vàng đi kiếm việc. Mà việc bưng các đĩa thức ăn ra phòng tiệc là những việc người di tản mới sang không với được tới. Phải có tiếng Anh, phải biết cách đi đứng, bưng những cái khay, mở những chai rượu. Mới đến thì chỉ được làm trong bếp là nhiều.

Nhưng nhìn những chiếc áo đắt tiền, kim cương lóng lánh tại bàn tiệc thì làm sao tưỏng tưọng những người ấy, trong chuyến đi tới nước Mỹ, chỉ có cái va ly rất khiêm tốn hay một cái túi ni lông là nhiều.

Những tin tức làm xao động nước Mỹ mấy năm qua là những tin về những người di dân bất hợp pháp, những người nhập cảnh lậu vào nưóc Mỹ.

Không có giấy tờ làm việc hợp lệ, họ phải làm bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền. Và một trong nhũng việc dễ kiếm nhất, là việc bồi bếp ở các tiệm ăn.

Và có một hiện tượng càng ngày càng thấy tại các tiệm ăn của người Việt Nam ở miền đông cũng như miền tây, đó là những người làm việc trong bếp, rửa chén, dọn bàn, thì rất nhiều là những người gốc Trung và Nam Mỹ.

Lý do là vì lương trả cho họ không cao lắm. Họ không đem chuyện của tiệm ra nói cho tiệm khác biết. Và họ cũng không biết mở ngay bên cạnh một tiệm khác để cạnh tranh với tiệm của chủ.

Những người này, một số tuy chưa biết hỏi bằng tiếng Việt khách dùng món gì trong thực đơn, nhưng nếu khách hỏi xin quả ớt, miếng chanh, cái ly đá thì họ làm được, mà còn làm nhanh nữa.

Một người đàn ông Mexico làm việc cho tiệm ăn gần nhà tôi, khi được khen là đẹp trai còn biết cám ơn và nói không dám hệt như một người đàn ông Bắc kỳ khách sáo.

Một người gốc Honduras làm việc cho một tiệm phở ở Virginia thì sau mấy năm, nhớ nhà, quyết định trở về nước và nhờ ông chủ tiệm chỉ bí quyết nấu phở. Ông ta về nước, mở một tiệm phở rất nhiều khách vì khi về nuớc, ông không quên mang theo một phụ nữ Việt Nam làm chung trong bếp của tiệm phở. Hai người trở thành chủ nhân một tiệm phở duy nhất ở Honduras.

Nhưng không phải nguời di dân lậu nào cũng làm nhũng việc như thế. Hầu hết không có nghề chuyên môn, học hành lại ít, tiếng Anh không nói được nên việc đòi hỏi sức mạnh là việc họ làm nhiều nhất.

Nhìn thóang những người cũng biết là Trung hay Nam Mỹ đứng chờ người thuê mướn làm công việc chân tay thấy tội nghiệp hết sức. Họ sống gần cộng đồng người Việt, ăn uống theo kiểu người Việt vừa rẻ vừa ngon. Tiệm bán bánh mì thịt nổi tiếng ở Little Saigon lúc nào cũng có những người khách như thế. Ở tiệm bán các món nấu sẵn, họ chỉ trỏ một lúc cũng mua được những món ăn chiều, đủ cả cá kho, canh cải, canh bí, canh mướp đắng, thịt kho trứng hệt như những người đàn ông Việt Nam dở chyện nấu nướng thấy rất nhiều ở California.

Tội nghiệp, họ cũng kiếm sống hệt như những người di tản Việt Nam vậy.

Trong khi người Việt kim tuyến hột soàn lóng lánh thì những người Trung và Nam Mỹ ở trong những khu gần Little Saigon thì vẫn vất vả không biết đến bao giờ mới hết.


Ngày 19 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Trong cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác, giáo sư Nguyễn Văn Trung nêu ra một điểm rất lý thú. Nước bọt trong miệng chúng ta, mỗi ngày chúng ta nuốt cả vài chục lần. Có sao đâu.

Nhưng thử nhổ ra ngoài, thì ai dám nuốt lại nước bọt của chính mình?

Chắc là không. Nước bọt của mình còn thế, huống chi của người khác.

Thế nên chuyện khua cái đũa của mình vào tô canh là điều rất dễ sợ. Mà không ít người có thói quen đó. Thản nhiên mút đũa của mình, rồi lại khuấy tiếp trong bát canh.

Đó là hành động tôi sợ nhất.

Phải làm gì?

Tôi hay đi ăn tiệm, nhiều khi được kéo xuống ngồi ăn chung với dăm ba người khác. Trong trường hợp ấy thì phải phòng thân trước đã.

Tô canh vừa bưng ra, thì phải giả bộ bất lịch sự trước, nói to rằng ối giời ơi, lâu quá không được ăn canh, tôi phải xin phép các ông nhá, rồi lấy muỗng, múc ngay vào cái bát sạch trước tất cả mọi người. Xong rồi nói về bát canh cho đỡ ngượng và để mọi người tin đây là 1 người đàn ông vụng dại, không biết nấu nướng gì ở nhà, lại cũng không có bếp (?) nấu cho ăn ở nhà. Cả bàn tiệc sẽ rất thương cảm cho cuộc đời chẳng có gì vui của người đàn ông ấy.

Đó là bát canh. Làm được như vậy thì hết lo chuyện khoắng đũa vào bát canh. Còn đĩa xào?

Dễ. Nước canh lỏng nên các thứ từ đũa có thể bơi lội tự do, né không được.

Nhưng món xào thì dễ, cứ tấn công khu vực những cái đũa chưa đụng vào. Tránh nhắm miếng lớn, vì miếng lớn thì để cho nguời khác. Cứ gặp miếng nhỏ, ở góc chưa có ai đụng vào là an toàn, mà lại không mang tiếng ăn tham, ăn tục.

Nếu phải chấm chung thì cũng tìm cách chấm trước rồi để sang một bên đĩa của mình cho an toàn.

Thực ra, chuyện lây bệnh thì cũng có. Nhưng chưa lây, mới chỉ ngó và tưởng tượng chung dụng với những người ấy cũng đủ phát bệnh.

Còn những trường hợp các đĩa thức ăn bị văng nước bọt của một người khách hắt xì cho một trận vài chục tiếng thì cũng dễ. Cần khả năng diễn xuất 1 chút: nhăn mặt làm Tây Thi, giả vờ đau bụng, xin kiếu, vào nhà cầu, rửa tay, rửa mặt cho hết nước miếng của người kia lỡ văng vào mặt, rồi yểu điệu đi ra, nói là khó chịu, xin kiếu để đi về trước. Ra đầu đường ghé tiệm mì kêu một tô là xong bữa tiệc.

Còn hơn là ngồi đó mà lợm giọng.

Còn một trò chơi rất nham nhở của một vài người tại các tiệc cưới: cầm chai rươu và cái ly đi từng bàn, rót rượu vào ly, rồi ép uống.

Dứt khoát là không uống. Ép gì cũng được, ép dầu, ép mỡ, ép duyên cũng được. Nhưng ép rượu kiểu đó thì không uống. Mời lại ông ta xem ông ta có chịu chơi cái trò mọi rợ đó hay không.

Một lần tôi được mời lại nhà một người, chưa thấy cảnh khoắng đũa, nhưng trên bàn có cái đĩa, trên đĩa có cái khăn ướt. Chủ nhà cầm lên, lau mặt, lau mắt, lau mũi, lau tai, lau tay, rồi gấp lại, để trở lại trên đĩa...

Tại sao lại không có cái khăn giấy Kleenex?

Chiếc khăn có thể được giặt, phơi trong buồng tắm. Khăn không có nắng, mùi hôi còn bốc ra.

Làm sao mà ăn được?

Lại đóng xuất sắc vai đau bụng, chạy ra xe về nhà lập tức.

Bây giờ, cái điện thoại cầm tay với cái nút nhỏ, trông thấy cảnh có thể làm mất appétit thị bấm vào nó, chuông reo thì hét vào máy rằng 5 phút đến ngay, rồi quay sang người vừa khoắng đũa, nói là có emergency phải đi gấp.

Ra ngay tiệm phở, gọi một tô, đũa của mình muốn khoắng thế nào cũng được.

Đó là mấy cách để giải quyết những chuyện ăn uống thiếu vệ sinh như thế.


Ngày 20 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Mấy tháng trước, trên một vài con đường ở Little Saigon, người ta thấy xuất hiện những tấm quảng cáo với hàng chữ Bride Expo, mà người đọc hiểu ngay đó là cuộc trình diễn, triển lãm những thứ liên quan đến đám cưới, có thể là áo cưới, quần áo cho cô dâu, phù dâu, tiệc tùng, bánh cưới vân vân. Nhưng nếu dùng là Bridal Show hay Bridal Expo thì chính xác, đỡ gây ngộ nhận hơn.

Vì Bride Expo có thể hiểu là cuộc trưng bầy các cô dâu.

Nhưng không ai tin là có thể có một cuộc trưng bầy như thế bao giờ nên cũng không ai thắc mắc về chữ dùng trong những tấm giấy quảng cáo.

Bride Expo dĩ nhiên không phải là cuộc bầy hàng phụ nữ để cho những ông sheik Ả Rập tới xem mặt để mua về cho harem của ông như cảnh thấy trong một vài cuốn phim về xứ ngàn lẻ một đêm mấy chục năm trước. Cảnh đó có thật sự diễn ra ở mấy nước Ả Rập hay chỉ là sản phẩm tưởng tượng của các nhà làm phim thời ấy thì khó biết được.

Nhưng những chuyện tương tự như vậy lại có thật, còn đang thịnh thoảng diễn ra ở một vài nơi thuộc Đông Nam Á.

Một tờ báo ở Singapore , tờ News Today, trong một bài viết của ký giả Patricia Yap, cho biết một số phụ nữ Việt Nam mới đây, tại một hội chợ cuối tuần, được cho đứng trong lồng kính của Blissful Heart Mariage Center, một trung tâm mai mối phụ nữ Việt Nam với người Singapore. Các phụ nữ này được bầy ra như những món hàng để cho khách đi hội chợ đứng coi.

Trò window shopping như thế, đã tiến được lên một nấc mới, hay thụt xuống một nấc thấp hơn là tuỳ theo cách nhìn sự vật của chúng ta.

Cách đây hơn ba thế kỷ, cũng có những cuộc trưng bầy như thế, phần lớn là ở tiểu bang Maryland, mỗi khi có những chiếc tầu chở người da đen từ Phi châu cập bến Baltimore hay Annapolis. Những món hàng người này được bầy cho khách mua đến xem.

Khách thường là các trại chủ muốn có thêm nô lệ để làm việc cho trại, kéo đến xem hàng như đi chợ thú vật mua ngựa, mua bò về nuôi. Họ xem răng, xem bắp thịt chân, bắp thịt tay của những người đàn ông Phi châu để thẩm định khả năng làm việc cho trại. Họ xem kỹ những phụ nữ để xem ngoài việc lao động có còn khả năng để đẻ thêm những nô lệ mới cho trại không.

Những việc làm xúc phạm danh dự, phẩm giá con người như thế, ngày nay không còn thấy nữa. Chế độ mãi nô, một vết nhơ trong lịch sử văn minh nhân loại đã bị dẹp ở nưóc Mỹ và các quốc gia văn minh. Nước Mỹ quyết định chấm dứt chế độ này mặc dù vì nó mà xẩy ra nội chiến tương tàn nam bắc dưới thời tổng thống Lincoln.

Lý do là vì một xã hội tiến bộ như nước Mỹ không thể để cho tiếp tục diễn ra những chuyện đi ngược lại với văn minh, những việc làm hạ thấp phẩm giá con người như thế.

Mà đó là đối với những người nô lệ không cùng một chủng tộc hay cùng một nước.

Các xứ Phi châu thời ấy còn rất kém văn minh và cũng chưa trở thành những quốc gia để lên tiếng đòi chấm dứt tệ nạn buôn bán người dân của họ. Chính Hoa kỳ đã tự ý quyết định chấm dứt chế độ mãi nô.

Cảnh những phụ nữ Việt Nam được bầy trong các lồng kính cho khách hàng Singapore tới xem đã lập tức làm sống lại hình ảnh những chợ nô lệ cách đây ba thế kỷ.

Và người ta đã không thấy nhà cầm quyền Việt Nam lên tiếng dù chỉ một lần, để phàn nàn việc làm thiếu văn minh, tàn ác, xúc phạm nhân vị các nữ công dân Việt Nam và bênh vực cho họ.

Khi tin về vụ bầy hàng phụ nữ Việt Nam được phổ biến trên một tờ báo ở Singapore, thì nhà cầm quyền Hà Nội liền gọi tờ báo đăng tải bản tin đó là một tờ báo lá cải và sau đó, phủ nhận tin của tờ báo này.

Thế nhưng trong một bài báo sau đó, tờ News Today đã trưng được hình chụp các phụ nữ Việt Nam đứng trong lồng kính tại hội chợ. Bài báo nói các phụ nữ này trông như những con cá bầy trong hồ cá. Cách mô tả đó còn là quá nhẹ nhàng cho một hành động công khai hạ nhục, chà đạp lên nhân phẩm, giá trị của người Việt Nam.

Người phụ nữ Việt Nam tại gian hàng hội chợ Singapore bị coi là một thứ thương phẩm để mua bán, bị đem ra bầy như những con vật, như những người nô lệ da đen hai ba thế kỷ trước.

Sứ quán Việt Nam ở Singapore không lên tiếng phản đối mà chỉ nó bản tin của một tờ báo lá cải là không đúng.

Lá cải hay không lá cải, sứ quán và nhà cầm quyền Hà Nội phải tìm hiểu cho ra sự thật để có biện pháp. Không thể im lặng như họ đã làm mặc dù sau đó đã lại có thêm một bài báo khác trưng ra được bức hình chụp ba phụ nữ đứng sau lớp kính của gian hàng tại hội chợ.

Ngày Phụ Nữ Quốc Tế phải được coi là một ngày để tranh đấu cho quyền sống và phẩm giá của phụ nữ, không thể chỉ là ngày để tung ra vài ba khẩu hiệu trong khi các công dân bị đem ra bầy bán, danh dự quốc gia bị xúc phạm mà không một lời lên tiếng.

Hay là phải chờ cho đến lúc phụ nữ Việt Nam bị định nghĩa như là một thứ thương phẩm xuất cảng như tự điển Oxford mấy năm trước đã định nghĩa Bangkok là thủ đô nổi tiếng về đĩ điếm rồi mới có phản ứng?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 128)

UNDERSTATEMENT

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 128 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

BBT

Tuần trước, tại một bữa tiệc, tôi tình cờ tìm được một người bạn mấy chục năm không gặp. Lần cuối cùng tôi gặp ông ta là vào năm 1973 tại Sài Gòn. Hơn mấy chục năm không thấy nhau, cả hai đều đã tuổi tác chồng chất. Nhưng ông ta nhận ra tiếng nói của tôi nên ông đến ngay sau lưng tôi và ghé tai tôi, hỏi MISTER BUI, I PRESUME? Tôi lập tức nhận ra ông ngay. Nhận được ông vì cái câu nói không thể quên được tương tự như của nhà báo Henry Morton Stanley khi ông Stanley tìm được bác sĩ Livingstone ở bên bờ hồ Tanganyika. Bác sĩ Livingstone, một nhà thám hiểm người Anh, một người làm từ thiện ở Phi châu đã biệt tích cả suốt mấy năm ở Phi châu, cho đến khi ông Stanley nhìn thấy ông ở thị trấn Ujiji năm 1871.

Câu ông Stanley nói với bác sĩ Livingstone nguyên văn là DR. LIVINGSTONE, I PRESUME? Đây là một lối nói đặc biệt của người Anh nên khi bạn tôi, người Ăng Lê, bằng giọng Cockney, nói một câu tương tự như câu đó tôi nhận ra chàng ngay.

Ông Stanley trước khi tiến đến hỏi bác sĩ Livingstone thì chắc phải biết mười mươi đó là ông Livingstone, vì ông Stanley đã quan sát kỹ người đàn ông bên bờ hồ, thấy cách ăn mặc của ông, và nghe giọng của ông nên chắc ông Stanley đã phải tin đó chính là Bác sĩ Livingstone. Nhưng sau khi biết mười mươi đó là Bác sĩ Livingstone, ông Stanley vẫn hỏi bằng một giọng không lấy chi làm tin chắc cho lắm: Bác sĩ Livingstone, nếu tôi không lầm, phải không ạ?

Đã biết chắc thì cứ nói thẳng ra, và nếu không lầm thì cũng cứ nói đại ra, việc gì phải vòng vo tam quốc như thế nữa?

Nhưng đó là lối nói đặc biệt của người Anh. Danh từ để mô tả cách ăn nói đặc biệt này của người Anh là UNDERSTATEMENT.

LÃM THÚY

Thưa anh, người Mỹ có hay dùng lối nói như thế không?

BBT

Gần như là không. Tưởng tượng có người gõ cửa, chủ nhà ra mở cửa thì biết là ông khách muốn kiếm ông Brown ở cùng địa chỉ của căn nhà. Nếu ông chủ nhà là một người Mỹ thì câu trả lời sẽ là NO, HE IS NOT HOME là đủ. Nhưng nếu chủ nhà là một người Anh thì ông ta có thể sẽ nói thế này: WELL, I AM AFRAID TO SAY THAT MISTER BROWN IS NOT HOME AT THE MOMENT. Trả lời mà cũng phải vòng vo nào là tôi e rằng, tôi sợ là phải nói rằng ông ấy không có nhà vào lúc này.

QA

Thưa anh, những người không phải là người Anh mà khi nghe nói như vậy chắc là điên cái đầu luôn chứ không phải là chuyện đùa đâu.

BBT

Đúng, và có khi hậu quả của cái kiểu ăn nói dùng understatement như thế còn đem tới những hậu quả vô cùng thảm khốc nữa. Người ta kể rằng trong một trận đánh hồi xẩy ra chiến tranh Cao Ly, một tiểu đoàn quân Anh với khoảng 650 binh sĩ tìm cách vượt qua sông Imjin thì bị 1 sư đoàn chí nguyện quân Trung quốc, khoảng 10 ngàn người chặn đánh. Tiểu đoàn Anh bị bao vây tứ phía, và sau 2 ngày giao tranh, một tướng Mỹ liên lạc được với chuẩn tướng Thomas Brodie của Anh và hỏi thăm tình hình của lực lượng Anh, thì ông tướng Ăng Lê này nói rằng: A bit sticky, things are pretty sticky down there. Tướng Robert Soule của Mỹ nghe thấy như thế liền nghĩ rằng tình hình cũng không có gì nguy hiểm lắm vì theo lời tướng Brodie thì chỉ hơi kẹt một chút, đúng như cách hiểu bình thường của câu A bit sticky, things are pretty sticky… Vì thế, Hoa kỳ thấy không cần phải yểm trợ bằng không quân và tăng viện cho quân Anh nữa. Kết quả là sau khi trận đánh chấm dứt, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn Gloucestershire của Anh chỉ còn được vỏn vẹn 40 người sống sót.

LÃM THÚY

Như vậy, người Mỹ còn hiểu lầm người Anh huống chi là Mỹ giả như Quỳnh Anh và Thúy.

BBT

Để tôi kể thêm một thí dụ khác. Ngoại trưởng Anh sau một chuyến đi thăm Iraq về có tường trình lại cho quốc hội về tình hình Iraq, và nói là I think there’s a problem between the Shias and the Sunnis. Trong khi hai phe này ngày nào cũng đánh bom, pháo kích, bắt cóc, thủ tiêu người của nhau hết sức tàn bạo thì lại chỉ nói là hai bèn có vấn đề với nhau.

QA

Bữa nọ QA nghe thầy Trúc trả lời ai trong điện thoại cũng dùng hai chữ mà nay QA nghĩ đó là understatement, hai chữ NOT BAD… phải không thưa thầy?

BBT

À câu đó cũng là một câu understatement. Nhưng hôm ấy, tôi nói chuyện với một ông bạn Việt Nam nên khi trả lời có hơi xuyên tạc cách phát âm đi một chút để thành NÁT BÉT. Thực ra, đây cũng la câu người Anh hay dùng. Họ không nói FINE, OKAY, GOOD… mà phải nói là NOT BAD mới chịu.

LÃM THÚY

Thưa anh, tại sao người Anh lại có lối ăn nói như vậy?

BBT

Đó là cái đặc tính của người Anh. Người ta hay cố tình nói như thế để làm giảm đi mức độ nghiêm trọng hay sự quan trọng của vấn đề. Vì thế, khi nghe người Anh nói cũng phải rất cẩn thận để tránh hiểu lầm.

QA

Thế thì đúng như câu Việt Nam chúng ta hay nói là "nói vậy mà hổng phải vậy đâu à nha!"

BBT

Đúng rồi cô QA. Có những câu chúng ta nghe đã quen nên lập tức chúng ta hiểu ngược lại. Thí dụ như khi nói NOT BAD thì không có nghĩa là không dở lắm mà phải hiểu là tốt lắm, hay lắm. Thí dụ nói con trai tôi hiện đang có một công việc rất tốt, nó có 2 căn nhà, lại còn có thể xúi vợ ở nhà coi con, không cần đi làm thì người Anh sẽ nói là HE IS DOING NOT BAD AT ALL.

Thành ra người ta nói một đằng nhiều khi lại phải hiểu một nẻo. Có một câu chắc hai cô đã nghe rồi vì người Mỹ cũng hay dùng, đó là câu CORRECT ME IF I’M WRONG nghĩa là nếu tôi nói sai, thì ông sửa hộ nhé trong khi người nói câu đó thực sự muốn nói rằng: tôi nghĩ là tôi đúng. Ông đừng có cãi tôi nghe chưa?

LÃM THÚY

Vậy thì khi nói THAT’S NOT BAD thì thực ra người Anh muốn nói gì?

BBT

Chính ra thì điều người nói câu đó muốn nói là THAT IS GOOD, hay THAT IS VERY GOOD. Nhưng trong khi nghe câu đó, hai cô nên để ý là khi phía bên kia nói QUITE GOOD, và nhấn mạnh vào chữ QUITE thì lại có nghĩa là tạm được thôi, vẫn còn hơi dở khiến tôi có ít nhiều thất vọng. Và nếu QUITE GOOD mà nhấn mạnh vào chữ GOOD thì lại có nghĩa là khá tốt.

QA

Như vậy thì khó hiểu thật. Có nhiều câu như thế không thưa anh?

BBT

Nhiều lắm. Nhưng chỉ khi nào nghe giọng Ăng Lê thì mới phải hiểu như mấy trường hợp tôi vừa dẫn ở trên thôi. Chứ nghe người Mỹ thì không vất vả như thế.

Thí dụ câu này nữa: WITH THE GREATEST RESPECT nghĩa là với sự tôn trọng ở mức cao nhất. Cô Thúy hiểu như thế nào?

LÃM THÚY

Thúy hiểu là ngươi nói câu ấy hoàn toàn hiểu và đồng ý với người ông ta đang đối thoại.

BBT

Không phải thế. WITH GREATEST RESPECT chỉ có nghĩa là I THINK YOU ARE WRONG. I THINK YOU ARE A FOOL. I THINK YOU ARE AN IDIOT. Còn câu này nữa: I HEAR WHAT YOU SAY! hai cô chắc đã nghe người Mỹ nói nhưng người Anh thì ý nghĩa câu ấy khác hẳn. Ở Mỹ, người Mẹ có thể nói câu ấy với ý nghĩa là mẹ nghe thấy con nói gì rồi, không phải nhiều lời nữa, chút xíu nữa mẹ làm cho. Nhưng khi nói câu I HEAR WHAT YOU SAY thì người Anh lại thực sự muốn nói là tôi hoàn toàn không đồng ý với anh và không muốn nói thêm gì về chuyện ấy nữa… Cút xéo đi chỗ khác cho tôi nhờ.

Và cũng để nói lên sự bất đồng ý, người Anh con hay nói câu này nữa: IT IS INTERESTING. Câu này rất thường được dùng để thay thế cho câu không tiện nói ra: I DO NOT AGREE WITH YOU, hay I DON’T BELIEVE YOU.

QA

QA có hôm nghe mấy đứa con nói chuyện với nhau trong nhà, một đứa nói: I WAS A BIT DISAPPOINTED THAT YOU SAID SO.Có phải là nó hơi thất vọng về việc em nó làm hay không?

BBT

Có thể đúng ở nước Mỹ này. Nhưng câu này trong lối nói của người Anh thì lại có nghĩa là tôi rất bực mình, tôi tức giận lắm rồi đấy nhé, I AM MOST UPSET AND CROSS.

LÃM THÚY

Vậy thì người Anh có bao giờ nói thật không?

BBT

Họ cũng nói thật chứ. Chỉ có điều là họ tìm cách giảm bớt mức độ nghiêm trọng đi mà thôi. Đó là nét đặc biệt của người Anh, trong lối nói đó của họ có rất nhiều nét mỉa mai ở trong. Thí dụ I’M SURE IT’S MY FAULT thì cũng giống như chúng ta thỉnh thoảng cũng mỉa mai rằng vâng thưa ông, tôi biết rằng tôi thì sai lè ra rồi, chỉ có ông mới là người đúng mà thôi.

QA

Thế thì thưa anh, khi nói câu I’M SURE IT’S MY FAULT thì thực sự người Anh muốn nói gì?

BBT

Họ muốn nói rằng I KNOW IT IS YOUR FAULT. PLEASE APOLOGISE. Nhẹ nhàng thôi. Vẫn nhận là mình đúng, hệt như câu này: THAT IS AN ORIGINAL POINT OF VIEW nghĩa là đó là một quan điểm rất mới, khác hẳn những ý tưởng nhàm chán khác. Thực ra nó chỉ có nghĩa là đó là quan điểm của tôi…quan điểm hay nhất đó ông ạ, còn ý kiến của ông thì hoàn tòan ngớ ngẩn.

LÃM THÚY

Thúy nhớ đọc thấy câu này một lần ở đâu đó nhưng không biết câu ấy có phải là một câu understatement không. Câu ấy như thế này: I’LL BEAR THAT IN MIND.

BBT

Câu này, hiểu đằng thẳng ra thì có nghĩa là tôi sẽ suy nghĩ thêm về ý kiến đó, về đề nghị đó. Nhưng thực ra theo tôi thì ý kiến đó vớ vẩn lắm, đừng có hy vọng là tôi sẽ chấp thuận.

Còn một câu này nữa hai cô cũng nên biết: I’M SURE YOU’LL GET THERE EVENTUALLY nghĩa là tôi tin rằng rồi đây, cuối cùng thì ông cũng đi được đến đích, làm được điều ông muốn làm.

QA

Nhưng thực ra thì phải hiểu như thế nào, thưa anh?

BBT

Thực ra thì phải hiểu là ông sẽ thất bại hoàn toàn… Sức mấy mà ông dọn được vào tòa Bạch Ốc.

Cái lối nói đó có thể phản ảnh thái độ khiêm tốn, mà cũng có thể là thái độ cao ngạo, khinh người mà người Anh không bao giờ thiếu.

Nếu nói là ít thì phải hiểu là nhiều. Nói là nhiều thì phải hiểu là ít. Nói A BIT CROWDED là hơi đông, hơi nhiều người thì phải hiểu là rất đông. VERY INTERESTING không phải là rất hay, rất lý thú mà lại nghĩa là thường thôi, xoàng thôi, không có gì hay cả. Nữ hoàng Victoria có bực lắm thì cũng chỉ nói I AM NOT AMUSED. Câu I AM NOT AMUSED nghĩa đen là tôi không vui đâu nhé. Nhưng người nghe phải hiểu ngay nữ hoàng muốn nói rằng bà rất bực bội. Thủ tướng Anh Winston Churchill tuyên bố hồi đệ nghị thế chiến rằng nước Anh thua những trận đầu nhưng bao giờ cũng chỉ thắng có một trận cuối. Tuyên bố khi nhận chúc thủ tướng, ông Churchill nói tại quốc hội rằng ông không có gì để dâng hiến cho nước Anh ngoại trừ máu, công khó, nước mắt và mồ hôi, thì đó cũng là một câu understatement. Dâng hiến đủ bằng ấy thứ rồi còn gì hết lòng, hết sức hơn được nữa. Đó là understatement vậy.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

January 11, 2012

Jan 13, 2012

Ngày 8 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Sau nhiều năm áp dụng những luật lệ hết sức nghiêm ngặt để hạn chế sinh sản, kiểm soát mức gia tăng dân số, trừng phạt nặng những cặp vợ chồng có nhiều con hơn là số mà chính phủ cho phép, Singapore đã bắt đầu thấy hậu quả của những biện pháp đó: mức tăng trưởng dân số hạ giảm, và điều đó sẽ tạo ra những khó khăn cho nền kinh tế trong những năm sắp tới.

Sinh suất của Singapore đã xuống thấp tới mức phải báo động, và một số biện pháp nhắm đảo ngược chiều hướng hiện nay đã được đem ra áp dụng để gia tăng mức sinh sản cho người dân đảo quốc này.

Một trong những cơ sở lớn và quan trọng tại Singapore là DBS Group Holdings, một ngân hàng đầu tư với 8,000 ngàn nhân viên đã có một quyết định để ủng hộ cho mục tiêu gia tăng số sinh để giúp dân số Singapore tăng thêm ngõ hầu đáp ứng nhu cầu nhân công trong tương lai, khỏi bị bỏ lại đằng sau, khi việc toàn cầu hóa kinh tế đi tới khắp ngang cùng ngõ hẻm trên thế giới.

Ngân hàng DBS Group Holdings quyết định cắt ngắn giờ làm việc của các nhân viên, đang từ năm ngày rưỡi mỗi tuần, xuống còn năm ngày. Nửa ngày này các nhân viên được nghỉ để giúp cho chương trình Focus On The Family Programme nhắm gia tăng mức sinh sản của Singapore. Tờ Far Eastern Economic Review đã cho biết như thế.

Ngân hàng khi đã nói khá rõ với các nhân viên về cách tiêu nửa ngày không phải đi làm đó. Ngân hàng muốn nhân viên dùng nửa ngày được nghỉ vào việc giúp gia tăng số sinh của Singapore.

Như vậy, Singapore không hoàn toàn là nơi không đáng để sống như một vài người bạn của tôi đã nói. Nước gì mà cấm nhập cảng chewing gum, không giật nước trong nhà cầu bị phạt cả trăm Mỹ kim, ném mẩu thuốc lá đã hút xuống đường cũng bị phạt, đi qua đường không đúng chỗ cũng bị phạt, đi tiểu trong thang máy cũng bị phạt rất nặng. Ông kẹ Lý Quang Diệu tuy không còn nắm quyền, nhưng ảnh hưởng của ông với chính phủ Singapore vẫn không giảm bớt. Ông vẫn lấp ló đằng sau, đối lập không dám hó hé gì hết.

Nhưng Singapore lại có cái ngân hàng thật là dễ thương: cho nhân viên nghỉ nguyên nửa ngày để giúp gia tăng dân số.

Nhân viên được nghỉ ở nhà là phải làm đúng như ngân hàng đã nói. Không có chuyện nằm nhà chơi ô chữ, hát Karaoke, đọc sách, nuôi cá, đi câu hay làm bất cứ chuyện gì khác.

Vợ của các nhân viên ngân hàng sẽ nhắc nhở các ông chồng phải làm đầy đủ công việc mà ngân hàng DBS Group Holdings đã trao phó khi cho nghỉ một nửa ngày, khỏi phải đến sở. Như vậy, chuyện nài nỉ không còn cần thiết nữa, cứ lôi ngân hàng ra dọa là phía bên kia bỏ cả lồng chim, chậu cá, ô chữ... vào tuân lệnh răm rắp. Các ông không làm, các bà có thể khiếu nại với sở, tố cáo các ông không tuân lệnh của sở, tiêu phí nửa ngày vào những chuyện vô bổ khác thì mất việc là cái chắc. Ở một nước kỷ luật nghiêm ngặt như Singapore, chuyện vặn cái radio quá to còn bị phạt lè lưỡi ra thì hình phạt cho những người không tuân lệnh không thể coi thường được.

Tờ Far Eastern Economic Review không cho biết là các nhân viên được nghỉ mà không có hoạt động gì để giúp gia tăng dân số của Singapore sẽ bị những hình phạt gì, nếu có lý do chính đáng có được ân miễn không, làm thế nào để chứng minh là có làm đủ công việc trao phó vân vân.

Nhưng như vậy thì đâu còn được gọi là cho... nghỉ nữa? Ngân hàng gì mà ác quá vậy?

Có phải vì thế mà nhiều người không dám về hưu không? Sức người có hạn thôi chứ!


Ngày 9 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Phải thú thật với bạn rằng cho đến nay, tôi vẫn chưa gặp, chưa thấy, và lại càng không biết nó là cái gì. Hay là đã gặp, đã quen, đã biết mà không biết, không ngờ?

Nhưng như bạn, tôi cũng nghĩ là chắc nó phải đẹp lắm.

Không biết nó là cái gì là vì sau khi nhờ mấy cuốn tự điển dẫn đi, tôi vẫn ở nơi khởi đầu của chuyến đi. Nghĩa là không biết thêm gì hơn về nó hết.

Nó đây là cái "dáng huyền", hay cái "bóng huyền" mà chúng ta đã nghe bao nhiêu lần trong lời của vài ba bản nhạc. Nhưng có lẽ nếu hỏi ngay những người viết những bài nhạc có nhắc đến nó ở trong, tôi cũng không nghĩ là sẽ có được những giải thích thỏa đáng.

Bởi vì những chữ đó không hề có trong các tự điển.

Bóng hồng thì có, như đoạn Kim Trọng nhìn thấy Kiều lần đầu tiên: bóng hồng nhác thấy nẻo xa...

Nhưng đây là bóng huyền và dáng huyền.

Tự điển có tất cả những chữ huyền khác, ngoại trừ dáng huyền, bóng huyền.

Những chữ huyền trong tự điển thì có nghĩa là sắc tím đen, là nghĩa lý sâu kín, là thanh tịnh, là dây đàn, là treo lên.

Tất cả những nghĩa vừa kể đều không thể đi với hai danh từ dáng hay bóng. Không lẽ đó là cái bóng... đen, tím rịm. Hay cái dáng của sợi dây đàn? Hay cái bóng của người được... treo lên?

Những cái bóng hay dáng như thế thì hà tất phải đau khổ, hạnh phúc như trong lời mấy ca khúc:

... ngây thơ dáng huyền...(Ngọc Bích)

Huyền vi thì có: ôi phút huyền vi môi sát môi / kề vai nghe tiếng gọi luân hồi (Ðinh Hùng)

Nhưng dáng và bóng huyền thì không.

Huyền đi với châu là đeo hạt châu. Huyền châu nghĩa bóng là mắt đẹp. Từ đó, chúng ta có mắt huyền. Rồi mắt mơ huyền, hay mắt huyền mơ để mô tả đôi mắt đẹp. Rồi đến mắt huyền nhung hay mắt nhung huyền. Tất cả đều dùng để tả đôi mắt rất đẹp.

Dáng huyền hay bóng huyền không lẽ chỉ để nói đến đôi mắt? Chúng tôi mất công đi sửa sang kỹ như thế, tốn không biết bao nhiêu tiền để các ông nhớ có mỗi đôi mắt thôi... á? Sao lại bất công như thế?

Hay dáng huyền, bóng huyền là cái dáng... đen, cái bóng đen thùi lùi?

Trắng da là bởi phấn nhồi
Da đen là bởi em ngồi chợ trưa...

Chắc không đúng, nghe chung toàn lời bài hát thì thấy em trắng bốp chứ đen hồi nào đâu.

Có thể từ mắt huyền, nghĩa là mắt đẹp: đôi mắt huyền ơi, xinh xinh cô em đôi mắt dịu dàng, hồn đắm mơ say, tim tôi rộn ràng tình cô thờ ơ...(Thông Ðạt)

Từ mắt huyền, là mắt đẹp do danh từ huyền châu ra, đẩy thêm một chút thì vẫn giữ được ý nghĩa đẹp, nhưng cái đẹp được chuyển sang một khu vực khác, không còn ở đôi mắt nữa, mà là toàn thể con người nhan sắc đó... hỡi người nhan sắc đa tình ấy, ta đã lòng son cháy ước mơ (Vũ Hoàng Chương).

Thế rồi chúng ta có dáng huyền và bóng huyền chăng?

Nhưng hai cái bóng này nó ra làm sao? Nghe nói hoài rồi đấy chứ, mà có biết nó to béo, cao hay lùn bao giờ đâu?

Mà bóng với dáng huyền thì có... dữ không? Biết hỏi ai cho ra điều đó bây giờ?


Ngày 10 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Một nhân vật phụ nữ của tiểu thuyết Lê Xuyên, trong những lúc tình tứ nhất, thỉnh thoảng lại vùng dậy hỏi người đàn ông: "Mà có thương tui hôn?" Người đàn ông trả lời, bao giờ cũng bằng giọng miễn cưỡng, là có thương. Những lúc khác, cô bắt người đàn ông phải thề bồi đủ thứ. Nhưng có vẻ cô còn rất nhiều nghi ngờ những lời thề cho qua chuyện của chàng nên thỉnh thoảng lại phải hỏi, để được trấn an bằng câu trả lời mà sự thực cô không tin lắm. Những khẳng định của chàng, tuy thế, cũng giúp để tiếp tục những cuộc hẹn hò mà tác giả Lê Xuyên có biệt tài kéo hàng mấy tuần lễ trên mặt báo.

May cho chàng, mà cũng may cho cô. Cô không biết chàng thực sự nghĩ sao về cô, chàng có yêu cô thật lòng không. Cô không biết nên vẫn hạnh phúc với chàng, mặc dù thỉnh thoảng lại phải hỏi để được nghe câu trả lời cô đã nghe bao nhiêu lần trước đó.

May cho chàng vì cô không thể có cách nào biết được là chàng có yêu cô không. Chàng có thể có, có thể không, cô không có cách nào biết được. Nên chàng thoát hiểm, nếu chàng không thực sự yêu cô.

Nhưng đó là mấy chục năm trước. Thời gian đã quá lâu, trước những khám phá mới trong lãnh vực khoa học, những khám phá có thể khiến cho chàng không cách gì dấu được tình cảm đích thực về cô. Hơn nữa, không gian nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ giữa hai người thì cũng tiện cho cả hai. Không gian không phải là một phòng thí nghiệm để máy móc có thể theo dõi và đưa ra kết luận là chàng nói thật hay không nói thật.

Hai người chắc cũng biết lơ mơ rằng khi người ta yêu, đôi mắt sẽ sáng lên, khuôn mặt rực rỡ, hào quang chói lọi.

Nhưng cũng có khi đang cơn đói, mùi thức ăn từ bếp đưa lên, phản ứng ghi nhận trên mặt cũng không khác khi người ta yêu nhau là mấy. Những khám phá mới đây của Andreas Bartels, một sinh viên ban tiến sĩ tại đại học Luân Ðôn, vừa được đem thuyết trình trong cuộc họp của Society for Neuroscience ở New Orleans tuần trước, có thể soi sáng những xó góc còn khá tối tăm mà hiểu biết của con người chưa đến được.

Những bức hình chụp não bộ (MRI) có thể giúp tìm ra được câu trả lời thực cho nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết của Lê Xuyên. Những phản ứng ở một số khu vực trong óc con người, từ 6 đến 20 khu vực, có thể cho biết câu trả lời của người đàn ông trong tiểu thuyết Lê Xuyên nói thật hay không khi bị người phụ nữ hỏi có yêu cô không. Trong số những khu vực ấy, có 4 nơi các khoa học gia thấy là cùng có những phản ứng giống nhau khi 11 phụ nữ và 6 người đàn ông tham dự cuộc thí nghiệm có những tình cảm mãnh liệt về đối tượng tình yêu của họ. Những phản ứng đó có thể đo được và chụp thấy rõ trên não động đồ.

Những khu vực cho thấy hoạt động bất thường nằm ở anterior cingulate cortex, gần đường chia giữa bộ óc, cùng với những khu có tên là putamencaudate.

Rồi đây, người ta có thể kèm với bó hoa cái não động đồ do một phòng thí nghiệm cung cấp và chứng thực là đương sự không nói... ghét thành yêu.

Hay phía bên kia cũng có thể đưa phía bên này tới phòng thí nghiệm chụp một cái coi thực hư ra sao.

Lúc ấy, chuyện thề bồi sẽ không còn cần thiết nữa. Lôi nhau đi chụp bức hình óc là biết ngay. Yêu cái trương mục với sáu hàng số của phía bên kia hình chụp cũng cho biết ngay. Cuộc đời sẽ bớt đi bao nhiêu là phiền toái.

Bấy giờ thử hỏi bao nhiêu người làm được như ông thân sinh của nhà thơ Phùng Quán vẫn dậy ông từ lúc còn rất nhỏ:

...Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...

Mà nói ghét thành yêu là máy chụp hình não biết liền.

Vừa không thể nói dối được, và cũng không cần nói dối nữa.

Nhiều người có thể không thích nó vì coi nó là một sự vi phạm tự do tư tưởng của con người.

Nhưng một số thì lại rất thích nó, vì nó có thể được dùng như một biện pháp răn đe như võ khí nguyên tử đã được dùng một cách hữu hiệu trong mấy chục năm chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ. Không phe nào có thể nói dối mà bên kia không biết được nữa.

Nhưng hay nhất, là nhờ nó, không cần phải nói dối, cũng chẳng cần cầm dao dọa giết.

Thế giới sẽ dễ sống biết là chừng nào!


Ngày 11 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Bài hát ru nghe mấy chục năm trước bỗng nhiên trở lại lẩn quẩn trong đầu, ám ảnh tôi từ mấy ngày hôm nay:

...

Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò
Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Ðêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương

...

Người đàn ông có một đời sống không lấy gì làm mực thước, khuôn mẫu, đi hết Ðồng Ðăng, Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh, Lạng Sơn... vui thú sông hồ kiểu ông Tản Ðà cứ "túi thơ đi khắp ba Kỳ, lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng"... mà tại sao lại là nhân vật chính trong bài hát ru, để những hình ảnh của ông ta cứ ở lại mãi trong đầu của những đứa bé Việt Nam?

Mấy câu cuối là những trách móc rất nhẹ nhàng, bầy ra một sự chịu đựng, nhẫn nhục suốt đời của những người phụ nữ.

Anh đi nhậu, ngất ngưởng tay chai đế, tay gói nem, anh quên hết lời em dặn dò...

Bao nhiêu năm rồi cũng vẫn thế. Trong ca dao thì dịu dàng hơn: mảng vui quên hết lời em dặn dò...

Ngoài đời thật thì: tại sao anh không nhớ tôi nói gì? Bộ anh không nghe tôi nói gì sao? Anh có thèm nghe tôi nói bao giờ đâu! Nói với anh thì vào tai này ra tai kia, thà vạch cái đầu gối của cái chân rất đẹp này để mặc mini jupe (hồi xưa) của tôi ra nói với nó còn hơn là nói với anh...

Nhưng có lẽ bây giờ thì tôi bắt đầu hiểu tại sao mấy câu hát ru cứ lẩn quẩn trong đầu từ mấy hôm nay. Lý do có thể là bài báo tôi đọc được về hai cách nghe của đàn ông và đàn bà, theo đó, đàn ông và đàn bà có hai lối nghe khác nhau hoàn toàn, mà mấy câu ca dao có cả trăm năm nay cũng đã nhận ra.

Tôi không còn thắc mắc vì sao không có một câu ca dao nào than thở, phiền trách người phụ nữ không nghe những lời dặn dò của những người đàn ông, mà chỉ thấy có những lời thống trách của phụ nữ về chuyện nghe ngóng của người đàn ông.

Theo một khám phá mới của trường y khoa Indiana tại Indianapolis, thì đàn ông chỉ dùng có một nửa bộ não để nghe, phần bên trái, phần có tên là temporal lobe, khu vực được coi là liên hệ tới nghe và nói. Cuộc thí nghiệm của đại học dùng 10 người đàn ông và 10 người đàn bà, tất cả đều được cho nghe vài ba đoạn của một cuốn tiểu thuyết. Những hình chụp quang tuyến cho thấy là ở những người đàn ông, chỉ có khu vực temporal lobe là có hoạt động trong khi nơi các phụ nữ, cả hai phía của não bộ đều có những hoạt động. Cuộc nghiên cứu cho thấy là việc tiếp thu ngôn ngữ của đàn ông và đàn bà khác nhau và hiện nay, khoa học chưa thể nói chắc đó là vì cách nuôi dậy trẻ trai và trẻ gái khác nhau, hay vì những đường dây... được cho chạy khác nhau ở não người nam và người nữ.

Có điều là cùng một chuyện, hai người tiếp thu, hiểu, ghi nhận và hoài ức rất khác nhau.

Những người đàn ông chỉ nghe bằng nửa bộ óc thì dĩ nhiên không thể ghi nhận được nhiều như những người đàn bà. Không thể ghi nhận được nhiều thì hồi ức cũng thua kém. Hồi ức thua kém thì không thể nhớ được những gì đã nói, đã xẩy ra mười năm, hai mươi, ba mươi năm trước, nên khi bị lôi những chuyện cũ ra thì các chàng ú ớ thảm hại. Lúc ấy, các nhà khảo cổ mới ra tay làm việc. Cái tội mảng vui, không tay súng tay cầy mà tay chai, tay đĩa đồ nhậu thì chỉ có chết.

Lúc ấy, những cái tên cũ (cho dù rất đẹp ấy) làm sao nhớ cho hết được, những nơi chốn, những chuyện đã làm hay không làm... sẽ được lôi ra, đào bới, khai quật và hỏi cung thì ai mà toàn thây cho được?

May ra thì đức Ðạt Lai Lạt Ma mới có một quá khứ ngoài chuyện tranh đấu cho Tây Tạng thì mới không có gì để nói. Nhưng thế giới có được bao nhiêu người như Tenzin Gyatso, Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng?

Trong khi "chúng tôi" nghe bằng hai bên não, và "chúng nó" thì chỉ nghe bằng một bên nên mới khốn khổ đời trai.


Ngày 12 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Những con guinea pig, tiếng Pháp là cobaye hay cochon d'Inde, tiếng Việt, theo Ðào Duy Anh, là con chuột bạch hay chuột tầu, chưa bao giờ bị đưa vào danh sách những con vật có thể gặp nguy cơ tuyệt chủng, nhưng điều này không còn có thể nói chắc được nữa.

Gọi nó là chuột thì miệt thị nó quá. Nó sạch sẽ, trông không có vẻ du côn, mất dậy như chuột, mặt mũi không thể bị đem ra so sánh với bộ mặt quắt queo, không đẹp trai của người (mặt chuột kẹp) bao giờ. Trông nó giống thỏ hơn, chỉ khác là tai ngắn. Có lẽ gọi nó bằng một cái tên khác, con bọ, thì hơn.

Loài gậm nhấm gốc Nam Mỹ này thường được dùng trong phòng thí nghiệm, và cũng còn được nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, cá...

Ở trong nhà, nó sống lặng lẽ trong chuồng với cóng nước, vài ba thứ hạt và một cái bánh xe lồng để thỉnh thoảng leo vào chạy chơi cho đỡ cuồng cẳng.

Người ta vẫn nghĩ là nó hiền lành như thế, đời sống không có gì hào hứng, tẻ nhạt hết ăn rồi ngủ. Nhưng những điều một con bọ ở Pontypridd, South Wales thuộc miền nam nước Anh vừa làm mới đây có thể trở thành tai họa cho cả loài bọ không chừng. Nếu không may, chúng sẽ bị săn bắt cho đến khi tuyệt chủng.

Con bọ đực Sooty được nhốt riêng trong một cái chuồng cạnh chuồng của 24 chị bọ khác. Một đêm nó làm thế nào, đến nay, nhân viên của phòng thí nghiệm vẫn không biết, trốn được ra ngoài chuồng, rồi làm cách nào, cũng không ai rõ, chui được vào chuồng của các chị bên cạnh.

Sáng hôm sau, nhân viên không thấy nó trong chuồng, tưởng nó trốn ra ngoài đi bụi đời luôn. Nhưng có người đếm lại số bọ cái ở chuồng bên thì thấy thừa một con. Chính là nó, đang lăn ra ngủ ở góc chuồng. Người ta bắt nó đưa về chuồng của nó trở lại. Nó ngủ li bì suốt hai ngày sau, không ăn uống gì hết.

Rồi nó thức dậy, sinh hoạt bình thường. Nhân viên trong phòng thí nghiệm không có lý do gì để thắc mắc về chuyến đi bụi đời của Sooty nữa. Cho đến hơn một tháng sau, thì thình lình tất cả 24 chị bọ ở chuồng bên cạnh đều làm... mẹ cùng một lúc.

Tổng cộng số bọ con là 43 con. Như thế, nếu suy nghĩ theo lối thường tình nhất, thì có 19 chị đẻ đôi ra 38 con bọ con. Còn 5 chị kia mỗi chị 1 con. Tất cả là 43 con bọ nhỏ.

Vì không còn một con bọ đực nào khác ở phòng thí nghiệm nên mọi người nghĩ ngay thủ phạm là Sooty. Nếu đúng như vậy, thì trong đêm đi bụi đời đó, Sooty đã ghé vào thăm các chị, và lần lượt, các chị bọ xếp hàng nhờ Sooty giúp cho đời sống trong phòng thí nghiệm đỡ buồn tẻ.

Nghĩ đến cảnh ngày mai, ngày mốt bị lôi ra cấy cho đủ mọi loại vi khuẩn, vi trùng, chích cho đủ mọi loại thuốc để xem phản ứng, rồi chết thảm thương, xác bị mổ, cắt nát bấy trước khi quăng vào thùng rác, thì các chị, trong khung cảnh ấy, chắc dễ dãi hơn những lúc khác, không làm bộ làm tịch, khoe con nhà trâm anh, thế phiệt, quần áo toàn St John (không sale) nước hoa nước hoét thơm lừng, ỏn ẻn, đòi anh bọ phải Ph. D. từ mấy trường Ivy League mới cho cầm tay, cầm chân vân vân.

Các chị cứ thế "l'amour c'est pour rien... tình cho không biếu không" lia chia suốt đêm chơi tới cùng, giăng mùng chơi tới... sáng luôn.

Và sau đêm đó, mỗi chị vác 1 cái bầu kỷ niệm đêm yêu cuồng sống vội với anh bọ.

Chuyện anh bọ Sooty làm quá, nếu chỉ trong phòng thí nghiệm biết với nhau thôi thì không sao, nhưng những chi tiết về chuyến giang hồ của anh được phổ biến trên khắp các báo. Thông tấn xã Reuters còn đăng hình của anh trong bản tin sáng hôm qua nữa mới là phiền nặng.

Các ông Tầu săn cọp đến nỗi giống thú này gần tuyệt chủng, thế giới chỉ còn trên dưới 8 ngàn con chỉ để lấy một vài bộ phận đem nấu nướng ăn cho bổ khúc chiến lược của các ông. Cọp sắp hết, hải cẩu, tê giác cũng khốn đốn thì nay có chuột tầu, có bọ. Thuốc bổ có kinh hồn lắm, Ðường Minh Hoàng cũng chỉ rượt được Dương Quí Phi một... cái, trong khi ăn uống kham khổ như trong phòng thí nghiệm, thì Sooty rượt 24 chị chạy có... bầu luôn. Thế thì giống bọ này giỏi thật. Phải nấu mới được. Cái này thì chồng ăn, chắc chắn vợ phải khen rối rít mới đúng.

Và như thế, giống gậm nhấm này sắp khổ thân đời đến nơi. Bộ phận giúp vui các chị bọ sẽ được thu mua về, các tay đầu bếp sẽ nghĩ ra đủ cách để nấu phục vụ các Ðường Minh Hoàng tân thời. Của con cọp, thì nấu được mấy bát mà nay cọp cũng bị săn gần tuyệt giống. Của mấy con bọ thì bao nhiêu mới đủ một tô? Phải bao nhiêu con hy sinh mới giúp cho Dương Quí Phi vui được mấy phút?

Do đó, giống bọ sắp sửa phải đếm những ngày cuối cùng trên thế giới trong một tương lai rất gần chỉ vì tài của Sooty.

Sinh nghề, tử nghiệp là thế.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 127)

CLICHÉS

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 126 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Ðây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

BBT

"Ðể thay đổi không khí", lần này tôi KHÔNG muốn hai cô học thêm những điều tôi sẽ đem ra nói và giải thích trong bài học hôm nay. Tôi không muốn các cô giữ lại những điều này trong đầu. Nghe có " buồn năm phút không"? Lý do là vì tôi rất ghét những cách nói này. Cũng chẳng phải tôi mới ghét, mà chính người Anh và người Mỹ cũng rất ghét chúng.

LÃM THÚY

Tại sao vậy, thưa anh?

BBT

"Một ngày đẹp trời" hai cô sẽ biết. Thôi để tôi nói ngay bây giờ vậy. Hai cô vừa nghe tôi dùng mấy câu ở trên mà tôi tin chắc hai cô cũng đã nghe nhiều lần. Có thể hai cô cũng không ưa chúng lắm. Chúng bị đem ra dùng nát bươm, những câu nam phụ lão ấu đều dùng được, trị bá bệnh, one size fits all. Ðó là những câu "để thay đổi không khí", "buồn năm phút", "một ngày đẹp trời", "xấu đẹp tùy người đối diện", "xin quí vị một tràng pháo tay", "từ A đến Z"…

QA

QA cũng thấy như vậy. Những câu anh vừa nói mỗi lần nghe, QA thấy chúng không còn ý nghĩa gì nữa. Bộ trong tiếng Anh cũng nói to change the air, feel sorry for 5 minutes on a beautiful day hay sao anh?

BBT

Không, đó là cách dịch đùa giỡn của tôi mà thôi, nhưng trong Anh ngữ cũng có những câu bị dùng nát ra, dùng rách bươm ra như thế khiến nhiều người ghét chúng không ít. Tiếng Anh gọi chúng là clichés, là những chữ, những câu bị đem dùng quá nhiều đến độ chúng trở thành nhàm chán, mất hẳn ý nghĩa ban đầu, ý nghĩa nguyên thủy của chúng, và đôi khi chúng không còn ý nghĩa gì nữa. Người nghe thấy khó chịu vì phải nghe đi nghe lại chúng quá nhiều lần từ những người lười biếng trong cách sử dụng ngôn ngữ.

LÃM THÚY

Thúy không biết người ta lại ghét những câu đó, những cách ăn nói đó, những cái clichés đó đến như vậy. Anh kể cho nghe một thí dụ.

BBT

Năm 2008, Caroline Kennedy, con gái cố tổng thống Kennedy được một số người tìm cách đưa vào điền khuyết ghế thượng nghị sĩ New York mà bà Hillary Clinton bỏ trống để tham gia nội các Obama. Nhiều người tin chắc vì tên tuổi của gia đình, vì cảm tình dành cho người duy nhất con sống trong gia đình của tổng thống Kennedy, Caroline Kennedy, sẽ được trao chiếc ghế nghị sĩ New York này, nhưng cô mất đi nhiều mỹ cảm của người dân New York phần lớn cũng vì hai chữ YOU KNOW, cái cliché bị dùng nát bấy khi cô tiếp xúc với báo chí. Trong mấy cuộc phỏng vấn, Caroline đã dùng hai chữ "YOU KNOW" tất cả mấy trăm lần. Theo tờ New York Daily News, Caroline Kennedy dùng hai chữ "YOU KNOW" hơn hai trăm lần với báo Daily News, 130 lần với tờ New York Times và 80 lần với đài truyền hình số 1 ở New York. Những chi tiết này đã đóng góp nhiều nhất vào việc Caroline Kennedy bị mất đi sự ủng hộ và kỳ vọng của người dân New York. Người ta nghĩ ăn nói như thế thì làm sao làm thượng nghị sĩ cho được. Như vậy, việc sử dụng quá nhiều những clichés có thể tạo ra nhng phản ứng không tốt đối với người dùng nó.

QA

QA nhớ lại thì thấy chính QA cũng dùng hai chữ "YOU KNOW" này hồi gần đây khi nói chuyện với con cái . Nhưng QA có thể biện hộ việc làm này, vì QA nói tiếng Anh không thạo lắm, nên trong lúc tìm chữ để nói thì QA điền vào chỗ trống bằng hai chữ "YOU KNOW".

BBT

Vậy thì … tòa tạm tha. Nhưng hai cô đã dùng cliché này chưa… "FROM A TO Z"?

LÃM THÚY

Thúy nhớ là Thúy cũng đã dùng nó rồi. Trong tiếng Việt, Thúy cũng thấy có người nói "TỪ A ÐẾN Z" nhưng bộ mẫu tự quốc ngữ làm gì có chữ ZEE, hay chữ ZÉT. Thế nếu không muốn nói "FROM A TO Z" thì nói thế nào trong tiếng Anh?

BBT

Thì nói WE DO EVERYTHING, FROM START TO FINISH nếu muốn nói chúng tôi làm mọi việc, từ đầu đến cuối. Tôi chắc hai cô cũng đã nghe cái cliché này: "IT TAKES 2 TO TANGO."

QA

QA có nghe câu này mấy lần. Hình như ý của nó không tốt đẹp lắm phải không anh. Ðó là vụ hai vợ chồng người bạn của QA bỏ nhau. Mấy người quen cặp này nói rằng "IT TAKES 2 TO TANGO." Tức là hai người mê nhẩy đầm rồi bỏ nhau phải không?

LÃM THÚY

Thúy hiểu "IT TAKES 2 TO TANGO" là tại anh, tại ả, tại cả đôi đường. Cả hai đều có lỗi đều đã có những sai lầm để đưa tới chuyện tan vỡ, chứ chẳng phải tại một mình chồng hay một mình vợ mà gây ra chuyện không hay.

BBT

Ðúng rồi cô Thúy, "TO TANGO" chỉ là một cách nói. Nghĩa đen là phải có hai người mới nhẩy Tango được. Một người thì không được. Không lẽ ôm cái ghế mà tiến lui vài bước để thành Tango hay sao. "IT TAKES 2 TO TANGO" thường hàm ý không tốt. Chuyện xẩy ra không tốt, không hay là vì tại cả hai bên chứ chẳng tại riêng có một người.

Khi nói một việc không quá khó khăn, chẳng cần phải trèo non, lặn biển, phải bằng cấp đầy mình mới làm nổi, thì tôi hay nghe câu này: "IT DOES NOT TAKE A ROCKET SCIENTIST TO DO IT" nghĩa là làm việc đó không cần phải là một nhà bác học, không cần phải là khoa học gia chuyên về hỏa tiễn, phi thuyền, không cần phải tốt nghiệp đại học Harvard mới làm được "IT DOES NOT TAKE A HARVARD GRADUATE TO DO IT."

QA

QA còn hay nghe câu này nữa: "CAN’T COMPLAIN." Câu này nghĩa là gì thưa anh, và dùng nó trong trường hợp nào?

BBT

Thực ra phải nói đầy đủ hơn là "I CAN’T COMPLAIN" nghĩa là tôi không có gì để phàn nàn cả. Thí dụ được giàn xếp để làm một việc gì, nhận được phần thưởng, ân huệ nào đó mà chúng ta hoàn toàn vui vẻ thì đó là lúc dùng câu "I CAN’T COMPLAIN." Nhưng nói như vậy nhiều khi cũng lại bị hiểu là không có gì phàn nàn nhưng cũng chưa hoàn toàn vui vẻ. Chi bằng nói thẳng ra là THANK YOU SO MUCH FOR… có phải là rõ ràng hơn không?

LÃM THÚY

Câu này là câu cliché Thúy cũng ghét lắm, ghét từ lúc anh chưa nói về những clicheù trong bài hôm nay: "TO BE PERFECTLY HONEST". Câu này là câu Thúy nghe của con trai. Thúy thấy là khi nó nói câu này, thì đích thị là nó không nói thật. Thí dụ Thúy muốn nó học y khoa, nó muốn học luật. Ðể thuyết phục Thúy, nó bắt đầu bằng câu "TO BE PERFECTLY HONEST " thì hóa ra những lần trước nó không thành thật hoàn toàn với Thúy hay sao? Mà câu này lại là câu nó dùng rất nhiều. Cả trong những lúc nói chuyện bằng điện thoại với bạn gái của nó cũng thế. Thúy bảo nó đừng dùng câu ấy nữa, thì nó cười và nói "TO BE PERFECTLY HONEST WITH YOU, IT’S A HABIT I CAN’T KICK". Thế thì còn nói được gì nữa. Thúy phải nói là Thúy rất khó chịu với những cái clichés mà anh đã đề cập từ đầu giờ đến giờ.

BBT

Cô nói rất đúng. Tôi nhớ đài BBC mỗi năm, vào dịp đầu năm đều đưa ra một danh sách gồm những cái clichés bị ghét nhất. Cái danh sách đó gọi chung là THE MOST HATED CLICHÉS, trong đó có cả câu "TO BE PERFECTLY HONEST" mà cô Thúy ghét.

QA

Thế còn ông thầy, ông thầy ghét câu nào?

BBT

Kể ra thì nhiều lắm. Ngang ngửa với câu "YOU KNOW" là câu "YOU KNOW WHAT I MEAN?"Tương đương với câu này là "SEE THE POINT?" hay "GET IT?" hay "GET THE IDEA?"Mỗi lần nghe ai nói câu này vào mặt thì tôi lại muốn dùng một câu khác cũng đã bị dùng nát ra từ lâu rồi, để đáp lại, đó là câu "YOU INSULT MY INTELLIGENCE!" Ai đời cứ thỉnh thoảng lại hỏi anh hiểu tôi nói gì không thì đó không là câu lăng mạ trí thông minh của tôi hay sao?

Danh sách những cliché bị ghét nhất của đài BBC còn có 4 câu này nữa: THE FACT OF THE MATTER IS; AT THIS POINT IN TIME; HAVING SAID THAT; AT THE END OF THE DAY.

LÃM THÚY

Người Mỹ có ghét chúng như người Anh ghét chúng không?

BBT

George Bernard Shaw, một nhà soạn kịch người Anh có lần viết rằng nước Anh và nước Mỹ là hai nước bị chia cách bởi cùng một ngôn ngữ. Trước đây người ta vẫn nói hai nước bị ngăn cách nhau bằng Ðại Tây Dương. Nhưng Bernard Shaw thì nói là người Anh và người Mỹ nói chung một ngôn ngữ là tiếng Anh, nhưng có những lúc hai bên cũng khó hiểu được nhau. Trong trường hợp 4 cái cliché ở trên thì người Mỹ cũng ghét chúng hệt như người Anh vậy.

QA

Thưa anh, "THE FACT OF THE MATTER" là gì?

BBT

Câu này nghĩa là sự thật của vấn đề là, nhưng nghe kỹ thì những điều được nói ra sau đó không phải là chân lý, không bao giờ là sự thật, mà chỉ là ý kiến rất sai lệch của người nói. Thí dụ nghe ai nói "THE FACT OF THE MATTER IS THAT HANOI DOES NOT NEED CHINA." Thì chúng ta phải hiểu là Hà Nội rất cần Trung quốc. Ðừng tin những gì câu ấy nói, hãy nhìn kỹ những chuyện đang xẩy ra ở Ba Ðình.

LÃM THÚY

Thưa anh, theo dõi những cuộc vận động tranh cử, người ta nghe ông Romney dùng cliché này hơi nhiều "AT THIS POINT IN TIME", nhưng ý ông ấy định nói là gì?

BBT

Câu ấy chỉ có nghĩa là vào thời điểm này. Nhưng theo sau nhất định phải là những lời đả kích, chỉ trích nhắm vào chính phủ Obama. Toàn câu không có ý nghĩa gì đặc biệt cả, chỉ là những từ ngữ rõng tuếch được dùng để lôi kéo sự chú ý của người nghe mà thôi. Cũng hệt như câu "HAVING SAID THAT" vậy. Tại sao không nói là "AS I HAVE SAID BEFORE". Nhưng đó là thói quen của nhiều người. Khó mà một sớm một chiều mà bỏ được. Bởi thế nên ngay ở đầu bài, tôi đã nói là tôi không muốn hai cô nhớ những điều đề cập trong bài. Học thì dễ, nhưng làm cho quên đi thì rất khó. Cũng như thay vì nói LAST OF ALL hay IN THE END, hay IN ALL nghĩa là cuối cùng thì… tại sao phải dùng "AT THE END OF THE DAY"?

QA

QA nghĩ có thể người ta dùng những cliché này để cho người nghe thấy là mình cũng cập nhật về ngôn ngữ, để cho có vẻ bớt xa cách, để lại gần với người nghe hơn. Nhưng tiếc là nhiều khi nghe thứ ngôn ngữ ấy, người nghe lại thấy khó chịu như việc thảo một cái danh sách những câu cliché bị ghét nhất mà đài BBC đã làm vậy.

BBT

Ðúng vậy. Cũng có một list khác ghi một số tiếng cần phải đào sâu chôn chặt, không bao giờ đem dùng nữa hai cô cũng nên biết. Nhưng người ta thấy là nếu dẹp những tiếng này đi thì người Anh và người Mỹ còn nói năng thế nào được nữa: Ðó là 3 chữ … vàng AMAZING là kỳ diệu, WHATEVER là gì cũng được, và AWESOME là tuyệt vời. Hai cô về nhà nghe thử mấy đứa con nói chuyện với nhau mà coi. Hai cô sẽ thấy chúng không thể nào mở miệng ra được nếu không có 3 chữ vừa kể. Nhưng WHATEVER nghĩa là sao cũng được, gì cũng được là tiếng bị ghét nhiều nhất, đứng đầu danh sách những tiếng bị ghét nhất từ ba năm nay của đài BBC và của nhật báo USA TODAY.

LÃM THÚY

Cám ơn ông thầy…

BBT

WHATEVER…

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới. Bài hôm nay quả là AMAZING, AWESOME! I CAN’T COMPLAIN!