December 20, 2012

December 21, 2012

Ngày 17 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Hạ tuần tháng trước, một người đàn ông ở thủ đô Áo đã được các y sĩ của bệnh viện thay cho một cái lưỡi mới sau khi cái lưỡi cũ của ông bị cắt bỏ vì  ung thư.
Người đàn ông 42 tuổi này, sau 14 tiếng đồng hồ trong phòng giải phẫu của bệnh viện, đã có cái lưỡi mới. Các y sĩ cho biết ông sẽ bình thường trở lại, sẽ ăn, sẽ nói được như thường và hiện nay, không thấy có dấu hiệu nào cho thấy cơ thể của ông không thích cái lưỡi mới, đòi vứt nó đi, tống nó ra ngoài, không nhận nó, như một số các trường hợp giải phẫu ghép các bộ phận khác. Có điều là các y sĩ cho biết ông sẽ là người thực bất tri kỳ vị, ăn uống ngon cũng không biết và dở cũng … ăn hết, không phàn nàn chi cả.
Vài ba tuần nữa, khi những vết khâu lành lặn, người ta có thể sẽ biết cái lưỡi mới của ông sẽ ra sao, và đời sống của ông với nó, cái lưỡi mới đó, sẽ như thế nào.
Hãy khoan bàn đến chuyện nói. Vì có thể chuyện đó còn mất một thời gian nữa. Nhưng chuyện ông mất vị giác, đời sống của ông sẽ vui hơn. Ông sẽ không câu nệ về chuyện ăn uống nữa. Nấu gì ăn nấy, không phàn nàn, không chê ỏng chê eo dẫu cho bị quăng cho vài ba món nấu như ma mửa, vẫn ăn như thường. Mì gói do người đàn ông Á châu mời ông ăn cũng không khác gì Cordon Bleu nữa.
Nhưng cách ăn nói của ông chắc chắn sẽ khác. Những cái lưỡi thường, ăn nói tử tế thì phải khác những cái lưỡi át xít, như người Mỹ vẫn nói.
Ðúng như người hàng thịt trong truyện cổ đã lý luận, cái lưỡi là bộ phận quyết định những gì trở thành tiếng nói phát ra từ miệng.

Mồ cha con bướm trắng
Mồ mẹ con ong vàng
Khen ai uốn lưỡi cho nàng nói chua
… (ca dao)

Nói điều chanh chua, độc ác, ngoa ngoắt là do cái lưỡi mà ra. Chẳng thế mà một trong những hình phạt dành cho những kẻ khi quân, khinh thế, ngạo vật, ăn nói bậy bạ là cắt lưỡi. Nhan Cảo Khanh chỉ vì không chịu về hàng sau khi Thường Sơn thất thủ, lại còn trừng mắt mắng chửi An Lộc Sơn nên bị cắt lưỡi rồi giết chết (Chính làm cái lưỡi Cảo Khanh/ Thường Sơn chửi giặc chịu hình cũng ưng: Ngư Tiều vấn đáp)
Chuyện nói năng của ông chắc phải khác. Ông trở thành người mở miệng ra là gẫy cây, gẫy cối hay là toàn những lời dịu dàng dễ nghe tuỳ thuộc vào cái lưỡi mới.
Người Trung Hoa đã từng ví lưỡi như móc, môi như gươm -- câu thiệt, kiếm thần -- để ví lời nói khéo có thể hãm hại được người, hay thiệt kiếm, thần sang, lưỡi như gươm, môi như súng là nói năng ghê gớm mạnh mẽ lắm.
Chuyện này phải đợi khi lưỡi cử động mạnh mới biết được. Nhưng nếu quả thật thay cái lưỡi mới sẽ đổi được cách ăn nói, thì rồi đây, chuyện gắn cho cái lưỡi mới sẽ được ghi nhận thường hơn, không còn là thứ tin tức mà tất cả các hãng thông tấn từ AP đến UPI, Reuters, AFP… mấy ngày hôm nay làm ầm lên như người ta vừa thấy.
Nhiều khi cũng chẳng phải đi đâu xa, vợ chồng trao đổi cho nhau, vết thương lành lặn xong, gậy ông đập lưng ông, lưỡi bà nói bà nghe … thì lúc ấy mới hiểu người kia khổ thế nào.
Lúc ấy, nhờ thay lưỡi, các phụ nữ sẽ không còn mang cái tiếng xấu xa như câu thành ngữ Trung Hoa này nữa: phụ nhân trường thiệt vi tệ chi giai, đàn bà mà lưỡi dài, ăn nói ngoa ngoắt là bậc thang tai hại.
Thành công của các y sĩ Áo ở Vienne sẽ đem lại không biết bao nhiêu là thay đổi cho đời sống chúng ta là như vậy.

Ngày 18 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Câu hỏi làm kinh hồn nhiều người đàn ông trên thế giới cuối cùng có thể đã có được câu trả lời thỏa đáng.
Câu hỏi này, dẫu cho khéo léo cách mấy cũng không thể trả lời làm hài lòng khách đến, vui lòng khách đi được. Nhẹ thì cũng bị giận cho một tuần lễ, nặng thì được nghe một bài diễn văn dài gấp năm bức thông điệp về tình trạng liên bang -- state of the Union -- mà tổng thống Mỹ đọc mỗi năm trước lưỡng viện quốc hội. Diễn văn có thể kéo dài suốt một đêm qua đến sáng là chuyện thường, trong đó, mọi tội ác bị lôi ra đổ hết lên đầu người đàn ông, những cái tên xa lắc, lạ hoắc, đã bị đào sâu, chôn chặt, delete trong bộ nhớ càng ngày càng tồi tệ của người đàn ông cao niên... lại được lôi ra để lăng mạ, gắn cho nó đủ mọi thứ xấu xa trên đời, nào đĩ chó, nào đĩ ngựa vẫn phục kích chiều chiều đi... phá Tam Giang nhà bà vân vân.
Câu hỏi đó là “Tại sao ông không nói ông yêu tôi nữa vậy hở?”
Câu này lúc đầu tôi nghĩ chỉ những người đàn ông Việt Nam bạn của tôi phải nghe nhưng nay, tôi biết những người đàn ông khác của thế giới cũng thỉnh thoảng bị nghe.
Mục Dear Abby trong tờ báo sáng nay cho tôi hiểu như thế khi đọc được bức thư của một người đàn ông Mỹ tên là Arnie Hakkila ở Rio Verde, Arizona. Ông ta kể là bị hỏi như vậy nhiều lần, sau một chuyến đi Phần Lan, ông đem về được câu trả lời từ đó không còn bị hỏi nữa. Ông viết trong thư là lần cuối ông bị hỏi, ông liền mang câu trả lời của một người đàn ông Phần Lan ra dùng, và thoát hiểm. Ông kể chuyện vợ chồng Jussi (chồng) và Kaisa (vợ) lấy nhau đã được 25 năm. Một hôm Kaisa hỏi Jussi tại sao Jussi không bao giờ nói yêu vợ thì Jussi trả lời như thế này: “Anh nói anh yêu em tại đám cưới tụi mình rồi đó thôi, nếu có gì thay đổi, anh sẽ cho em biết (I told you "I love you" when we were married. If anything changes, I'll let you know)”.
Sau đó, Kaisa không bao giờ hỏi nữa.
Con chó đang ngủ, tại sao phải đánh thức nó dậy, tục ngữ Anh đã nói vậy. Ðá nó một cái, nó vùng dậy, nhẹ thì sủa ủng oẳng vài tiếng, nặng nó cắn sứt chân, mang sẹo làm sao mặc mini.
Cho nên không hỏi nữa. Có gì thay đổi, nó sẽ thông báo hoặc bằng cách xách va ly ra đi lặng lẽ hay nhờ luật sư thông báo lại. Cần gì phải ngày nào cũng nói, nói rất nhiều mà ý nghĩa chẳng bao nhiêu. Tổng thống Thiệu cũng đã mô phỏng câu đừng tin những gì mấy ông chồng nói, mà hãy nhìn kỹ những gì mấy ổng làm để nói một câu hay tuyệt về Cộng sản đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy là đúng.
Cứ đóng tiếp vai người Việt trầm lặng -- the quiet Vietnamese -- diễn xuất với vẻ mặt buồn xa vắng mênh mông lại nghiêm một chút đầy nét suy tư là không một thế lực nào dám hạch hỏi nữa.
Còn hơn là trả lời như thế này: “Thì yêu chứ sao lại không? Sao cứ hay hỏi vớ vẩn vậy? Già cốc đế đại vương rồi còn ấm ớ cháu nội cháu ngoại chúng nó cười cho thối mũi ra. Muốn nói hả, nào thì nói. Ðợi chút... để tôi mang cái thùng rác ra cửa rồi tôi vào tôi nói cho mà nghe. Thì chải lại cái đầu chút coi... Muốn romantica thì cũng phải "... đắm xinh đôi môi hồng thắm..." lại một cái chứ... trông nản chí bầu cua thế kia làm sao nói?”
Thế nên lôi bài học Phần Lan ra là có thể yên cái thân già
Ngày 19 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Tôi có cảm tưởng như hồi gần đây, tôi được nghe thấy câu này thường hơn, và thấy nó có lý hơn hồi xưa: life is too short.
Ðời sống ngắn quá. Rồi kế đến, ngay sau câu đó, bao giờ cũng là mấy câu với những toan tính làm cái này, cái nọ, quên đi những bực bội, muộn phiền, sống cho đầy đủ, muốn gì làm nấy vân vân.
Câu này trước đây tôi cũng có nghe nhiều lần, nhưng không thấy ý nghĩa thúc bách như gần đây. Hay bây giờ sự ngắn ngủi của đời sống mới được thấy rõ hơn?
Hôm nay, một người bạn gửi cho xem bức ảnh chụp một tấm quảng cáo ở Chicago, trên tường của một toà cao ốc mỗi ngày chàng đi làm qua. Tấm quảng cáo nghe vừa thúc bách, lại vừa đầy những khuyến khích, mời gọi ở nửa sau.
Nửa trước là "Life’s short", đời sống thì ngắn. Câu tiếp theo sau là "Get a divorce", nghĩa là ly dị đi.
Ðó là quảng cáo của một văn phòng luật chuyên về các vụ ly dị. Phía dưới có số điện thoại để liên lạc.
Chuyện không có gì lạ. Bán xe thì mời mua xe. Bán nhà thì mời mua nhà. Sửa sắc đẹp thì mời bơm, hút, căng, kéo. Tương tự, văn phòng chuyên lo về các vụ ly dị thì quảng cáo, mời ghé vào ly dị một cái là chuyện dễ hiểu.
Bên trái của tấm quảng cáo là bức hình chụp thân hình của một phụ nữ mặc bikini và bên phải là bức hình chụp một người đàn ông cởi trần, bầy ra tất cả những bắp thịt cần có trên một thân hình lực sĩ.
Ðó là những mời gọi, khuyến khích đầy thuyết phục.
Ra đường trông thấy tơ người
Về nhà trông thấy tằm tôi, tôi buồn
Người đàn ông ở nhà có hóp cái bụng lại cũng không thể bằng người đàn ông trong bức hình. Ở ngoài người ta như thế chứ. Trong khi ở nhà, chẳng thấy bắp thịt đâu, nhưng bữa nào cũng hạch sách phải nấu cho đủ ba món, nấu xong bưng lên thì còn chê ỏng chê eo chứ đã chịu ăn ngay đâu.
Life is short!
Ðã vậy, đổ hết cái mâm cơm lên đầu coi có còn kén cá chọn canh nữa không. Rồi gọi điện thoại cho văn phòng luật sư, xin cái hẹn. Không nhịn được nữa. Con giun xéo lắm cũng phải quằn. Bước ra để coi hoạnh họe với ai, cho cơm đường cháo chợ cho biết thân.
Rõ ràng là cái quảng cáo muốn viết ra những điều đó.
Ngó bên tay mặt coi. Cái ngực ấy, cái bụng ấy, bắp thịt cuồn cuộn chứ đâu có bèo nhèo một thùng mỡ gầu, lông mũi một búi, răng cải mả, chân ống sậy còn đánh cái quần shorts, rồi lại còn giở thối ra đi đôi giầy jogging nữa Giời ạ... Phải can đảm. Bước ra, bên ngoài người ta... thế ấy chứ.
Nhưng tấm quảng cáo lập tức bị một số người phản đối, cho rằng nó chỉ làm được một công việc là khuyến khích những cặp vợ chồng có vấn đề giải quyết ngay bằng biện pháp chia tay thay vì tìm cách hòa giải để ở lại với nhau.
Những ý kiến khác thì nói là khi hai phía đã đi tới một khúc quanh không thể hàn gắn được thì cho dù không có những khuyến dụ đó, họ vẫn chia tay như thường.
Tấm bảng quảng cáo có hai bức hình chụp hai cái cơ thể hấp dẫn nhưng thực ra lại là những bức hình chụp hai quả đồi. Ngó xa thì cỏ trên đồi mướt lắm.
Nhưng cứ thử băng đèo, lội suối qua bên kia đồi coi. Ðến nơi mới thấy cỏ ở đó cũng chẳng khác gì cỏ ở đồi bên này. Cũng cháy, cũng cụt, cũng... đắng ngắt.
Lại nữa, cỏ mùa xuân tháng ba trong tiết Thanh Minh thì mới non xanh rợn chân trời, mới cành lê trắng điểm một vài bông hoa chứ cỏ tháng mười, tháng mười một thì chán biết là chừng nào.
Cỏ tháng mười một, mười hai thì ở đâu, ở đồi nào đâu cũng bệu rệu như nhau, cỏ đồi nào trông cũng Việt Nam bi thảm Ðông Dương (bản dịch của Ðường Bá Bổn) cả mà thôi.
Coi vậy mà hổng phải vậy. Qua bên kia đồi là biết nhau ngay.
Có cái ao sao không về mà tắm, trong hay đục thì cũng vậy. Hơn nữa, tục ngữ Anh còn có câu hay đáo để: một con chim (?) trong tay còn giá trị hơn là hai con trong bụi rậm (?): a bird in the hands is worth two in the bush.

Ngày 20 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Tại một bữa tối ở nhà người bạn, chỉ vì dám bênh vực những người đàn ông bị đổ cho đủ mọi thứ tội ác, tôi trở thành người bị ghét nhất tối hôm ấy.
Nội vụ bắt đầu khi một phụ nữ ở bàn tiệc quả quyết rằng đàn ông là những người hư đốn nhất. Theo thống kê (của bà), thì tới 20% những người đàn ông có gia đình phạm tội ngoại tình. Trong khi chỉ có 5% phụ nữ làm công việc đó.
Không biết nàng lấy những con số ấy ở đâu, nhưng nàng quả quyết rằng những con số đó cho thấy đàn ông là những kẻ tệ lậu, xấu xa, trong khi phụ nữ, đại đa số là những người tử tế, đạo đức, chỉ có một số rất ít là làm những chuyện không hay.
Tôi là người dốt toán vào hạng nhất, nhưng nghe những con số ấy thì thấy không ổn và bèn góp ý rằng nếu những con số thống kê ấy đúng, thì phụ nữ dễ sợ hơn đàn ông nhiều.
Người khách ở bàn tiệc nhà bạn tôi buông đũa xuống, quắc mắt ngó sang, yêu cầu tôi giải thích.
Tôi nói là nếu số đàn ông và đàn bà ngang nhau, không chênh lệch như ở Hoa lục, thì số người có vợ và có chồng phải bằng nhau.
Như thế trong 100 người đàn ông có vợ, 20 người ngoại tình, theo thống kê ở bàn tiệc. Và cứ 100 phụ nữ có chồng, thì 5 người có những cuộc phiêu lưu bên ngoài.
Chính vì vậy mà phụ nữ dễ sợ hơn đàn ông.
Ðây nhé, 20 người ngoại tình với 5 người, thì tình trạng chênh lệch ấy phải đưa đến việc “chia sớt” thì mới không có người ngoại tình mà... thất nghiệp.
Nếu không chia sớt, thì 20 người đàn ông ngoại tình chỉ có 5 người có “nơi” ngoại tình. Trong khi đó, có 15 người ngoại tình nhưng thất nghiệp.
Nếu chia sớt để tránh cho 15 người kia khỏi ngoại tình nhưng thất nghiệp, thì 5 người phụ nữ ngoại tình kia phải thu nhận (?) thêm mỗi người 3 người đàn ông.
Chính điều đó là điều đáng sợ.
Chỉ 5 người là đã tương đương với 20 ông. Vậy mà không sợ sao cho được.
Người phụ nữ quăng cái khăn ăn, kéo chồng ra xe đi về sớm. Vì thế tôi không có cơ hội để giải thích rằng lối ngụy biện của tôi chỉ để chọc giận một phụ nữ không đẹp mà lại đầy ác cảm với đàn ông.
Nhưng cả hai phía tại bàn tiệc hôm đó đều sai hết.
Thứ nhất là sự chênh lệch không lớn như thế. Và thứ hai là phụ nữ cũng không ghê gớm hơn đàn ông chút nào.
Một tờ báo phụ nữ ở Ðức vừa thực hiện một cuộc thăm dò thì thấy là trong số 1,427 người, vừa đàn ông lẫn đàn bà từ 25 đến 35 tuổi thì 53% phụ nữ cho biết đã ngoại tình so với 59% đàn ông. (*)
Nhưng đó là những con số thống kê ở Ðức, không phải là ở Hoa kỳ. Và như thế, chúng không hề phản ảnh đời sống ở Mỹ.
Những người Ðức, đàn ông cũng như đàn bà, sau khi xem xong những con số kể trên, thì ai cũng nhận mình là thành phần thiểu số, tức là 47% và 41% cơm nhà quà chồng và vợ.
Ở Mỹ, cứ bắt chước Ðức mà khai là thiểu số thì chỉ có chết. Vì thiểu số ở Mỹ thì tội đầy, nước sông Mississippi làm sao rửa sạch.
Chỉ nên khai là thiểu số để được nâng đỡ khi nại affirmative action ra để xin học luật tại đại học Michigan mà thôi. Không thì cãi không lại đâu! 
(*)Cheating Women Catching Up with Men? Reuters

Ngày 21 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Tuần trước ở Las Vegas, thành phố được mệnh danh là thành phố tội lỗi, Sin City, của Hoa kỳ, đã diễn ra một cuộc hội nghị với chủ trương và mục tiêu hoàn toàn đi ngược lại tất cả những sinh hoạt và hình ảnh của Las Vegas.
Las Vegas là thành phố của cờ bạc và những hoạt động xoay chung quanh những bàn roulette, những bàn blackjack... nơi rượu chẩy như suối và đạo đức, luân lý được tạm bỏ lại ở những lối tiến vào thành phố.
Khoảng 750 người đã tới Las Vegas để tham dự cuộc hội nghị thường niên kỳ 7 của National Abstinence Clearinghouse Conference, tổ chức chủ trương tiết dục hô hào và khuyến khích các nam nữ thanh niên cố gắng hoãn các sinh hoạt tình dục cho đến sau ngày lập gia đình, một khuynh hướng đang càng ngày càng được nhiều người cổ võ và cố gắng noi theo. Chủ đề của hội nghị năm nay là xây dựng một nền văn hóa lành mạnh cho nước Mỹ.
Những người tham dự hội nghị đã xuống đường hồi cuối tuần qua để phổ biến thông điệp True Love Waits, kêu gọi những căp yêu nhau hãy đợi cho đến sau khi cử hành đám cưới.
Trong số những nỗ lực loan truyền thông điệp đó, có việc bầy bán những chiếc quần lót mà nếu chỉ xem bức hình hãng tin AP cung cấp, thì khó biết được đó là những sản phẩm dành cho người nam hay nữ.
Nhưng bản tin AP lại cho biết rõ hơn về những dòng chữ in trên những chiếc quần lót này. Một câu thì khẳng định: “Keep It”. Câu kia thì nguyên văn: “No Trespassing”.
Cả hai đều nghe đầy thẩm quyền, như những mệnh lệnh nghiêm ngặt không thua gì những mệnh lệnh thấy ở những trạm kiểm soát ở giải đất Gaza bên bờ phía tây của sông Jordan, nơi binh sĩ Israel kiểm soát chuyện ra vào, đi đứng của người Palestine.
Keep It” nghĩa là giữ lấy nó (?). Ðừng để mất (?) đi. Mất rồi là thôi đấy nhá. Không có tái thiết, sửa sang, khâu vá lại được đâu. Nghe chưa?
Ðây là một câu đầy khả năng thuyết phục. Nghe xong là phải nỗ lực bảo vệ đến hơi thở cuối cùng. Nhất định không thể cho phép bất cứ một hành động lấn đất giành dân nào diễn ra.
Câu thứ hai còn ngầm đưa ra một lời hăm dọa, một biện pháp trừng phạt, chế tài, nghe rất dễ sợ: “No Trespassing”.
Trespassing” là một việc làm có thể bị trừng phạt nặng. Trespassing nghĩa là xâm nhập, vi phạm. Ði băng ngang sân sau nhà hàng xóm mà không có phép hay sự đồng ý của gia chủ là có thể bị lôi ra tòa kiện nát xương. Leo rào vào vườn hồng của căn nhà số 1600 đại lộ Pennsylvania ở thủ đô Washington là có thể bị bắn tan xác. Cả hai việc làm đều là trespassing.
Từ Ðiển Anh Việt của Nguyễn Ðình Hòa và Patricia Nguyễn Thị Mỹ Hương dịch No Trespassing là Cấm Vào (trang 280).
Nhưng việc in hay thêu dòng chữ “No Trespassing” ở phía trước của chiếc quần lót có thể làm bối rối một số người.
Dòng chữ đó là để cho phía âm mưu xâm nhập đọc thấy mà ngưng mọi toan tính không lương hảo(?).
Nhưng in dòng chữ đó vào chiếc quần lót có phải là một việc làm vô ích không?
Dòng chữ cảnh cáo đó phải được in hay thêu ở những chỗ khác hơn là trên chiếc quần lót.
Thí dụ mở cổ áo, ở cổ tay, ở bít tất, ở thắt lưng, ở mũi giầy... nghĩa là ở phòng tuyến đầu tiên, ở ngay vùng Tam Biên, ở Hạ Lào, ở giữa cầu Hiền Lương... chứ không thể ở xa cảng Phú Lâm chẳng hạn. Chặn là phải chặn ở phòng tuyến đầu tiên ở Maginot chứ chờ quân Ðức leo lên treo cờ ở Khải Hoàn Môn Étoile thì còn gì nữa.
Chặn khi đó thì muộn mất rồi còn gì. Chỉ còn cách làm Pétain đầu hàng, dâng thành cho giặc cho rồi...
Cũng thế, câu cảnh cáo nghiêm khắc đó liệu có làm được nhiệm vụ trao phó trong những điều kiện ánh sáng không lý tưởng không? Ai là người đọc được những lời cảnh cáo đó?
Có nên viết câu cảnh cáo đó bằng chữ Braille không?
Nhưng bao nhiêu người Mỹ biết đọc chữ Braille?
Nhưng “đọc” những chữ Braille này xong thì lệnh cấm có còn hiệu lực không, hay đã bị thu hồi mất rồi?
Thế thì những dòng chữ trên những chiếc quần lót lại vô ích chăng?

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 158)
WHEN NO MEANS YES!
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 158 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại. Tuần qua, QA nhận được thư của một khán giả, cô Hương ở Costa Mesa, California nhờ anh nói lại về trường hợp mà cô gọi là "nói không là có, nói có là không" trong tiếng Anh. Cô muốn được chỉ dẫn cách dùng của TO BE SUPPOSED TO như trong câu "I AM SUPPOSED TO GO HOME AT 6 P.M.". Xin mời anh…
BBT
Thí dụ mà cô Hương đưa ra là một câu xác định (AFFIRMATIVE), nhưng nghĩa lại là phủ định. I AM SUPPOSED TO GO HOME AT 6P.M. không hề có chữ NOT ở trong nhưng nghĩa của câu lại là I DO NOT GO HOME AT 6 P.M. Và đó là trường hợp "nói có mà lại là không".
TO BE SUPPOSED TO nghĩa là không làm một việc gì đó đáng lẽ đã phải làm, hay một chuyện gì đó đáng lẽ đã phải xẩy ra, đáng lẽ đã phải diễn ra, nhưng lại đã không diễn ra. Chuyện không diễn ra đó được hiểu ngầm, không cần phải nói ra. QA cho nghe hai thí dụ của cô và sau đó, Trúc Giang dùng cách đặt câu này trong hai câu của cô coi.
QA
HE WAS SUPPOSED TO COOK DINNER FOR THE FAMILY nhưng chúng ta hiểu ngầm là HE DID NOT COOK DINNER FOR THE FAMILY.
HOUSES ARE SUPPOSED TO SELL FAST THIS SPRING nhưng sự thật là HOUSES DID NOT SELL VERY WELL.
TRÚC GIANG
THE NEW CAR IS SUPPOSED TO HAVE NO PROBLEMS nhưng sự thật thì cái xe mới đó hỏng lên, hỏng xuống hoài. THE CAR HAS A LOT OF PROBLEMS.
THE U.S. IS SUPPOSED TO GET OUT OF RECESSION nhưng THE U.S. IS STILL IN DEEP RECESSION, nước Mỹ vẫn còn bị suy thoái kinh tế trầm trọng.
BBT
Thế bây giờ chúng ta nói KHÔNG mà là CÓ nhé. HE IS NOT SUPPOSED TO SPEND ALL HIS MONEY ON HIMSELF nhưng sự thật thì là thế nào đây Trúc Giang?
TRÚC GIANG
BUT HE DID. HE SPENT ALL HIS MONEY ON HIMSELF. Hôm nay, con gái lớn của cháu mắng con em rằng YOU ARE NOT SUPPOSED TO GET UP SO LATE khi con em dậy muộn suýt nữa lỡ chuyến school bus.
QA
Con gái QA thì thỉnh thoảng lại phải căn dặn anh nó YOU ARE NOT SUPPOSED TO DRIVE OVER SPEED LIMIT. Còn chính QA thì cứ phải tự nhủ mình rằng I AM NOT SUPPOSED TO OVER PROTECT MY CHILDREN nhưng QA thấy mình vẫn làm ngược lại với điều tự nhắc mình.
BBT
Tuy thế, khi dùng TO BE SUPPOSED TO trong thể hỏi (QUESTION FORM) thì ý nghĩa của nó có thể hơi khác. Thí dụ WHAT AM I SUPPOSED TO DO WITH THIS INVITATION? Nghĩa là tôi phải làm gì với cái giấy mời này đây? Câu trả lời có thể là YOU ARE SUPPOSED TO THROW IT AWAY nghĩa là anh nên quăng nó đi, câu ấy không có nghĩa là anh đã làm một việc không nên làm với nó như chúng ta có thể hiểu lầm. Trong trường hợp vừa kể thì nó có nghĩa như SHOULD: WHAT SHOULD I DO WITH THIS INVITATION? YOU SHOULD THROW IT AWAY.
Cũng thế khi nói WHERE AM I SUPPOSED TO SIT? Thì câu ấy chỉ có nghĩa là WHERE SHOULD I SIT? YOU ARE SUPPOSED TO SIT AT THE BACK hay YOU SHOULD SIT AT THE BACK. QA có thắc mắc gì nữa đây?
QA
Thưa anh, có mấy lần QA nói ME TOO đều bị lũ con sửa lưng , nói là QA dùng sai. Tại sao thế thưa anh?
BBT
Cô không đưa ra thí dụ cô nói ME TOO trong trường hợp nào nên tôi phải đoán vậy. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dùng ME TOO được. Chúng ta dùng ME TOO khi đồng ý với điều người kia vừa nói. Nhưng chúng ta chỉ có thể dùng ME TOO khi câu người kia ở thể xác định. Thí dụ một người nói I THINK THE ECONOMY IS GETTING BETTER. Nếu chúng ta đồng ý với điều ông ấy suy nghĩ, chúng ta nói ME TOO thì đúng. ME TOO nghĩa là I ALSO THINK SO. Hay I THINK SO TOO. Nói ME TOO cho nhanh hơn, gọn hơn.
Nhưng khi người kia đưa ra một phát biểu trong thể phủ định (NEGATIVE) thì chúng ta KHÔNG dùng ME TOO được.
Thí dụ câu của người kia là I DO NOT LIKE FAST FOOD. Trúc Giang đồng ý với người nói câu ấy thì cô có nói ME TOO được không?
TRÚC GIANG
Thưa không. Chú vừa nói là câu của người kia là một câu NEGATIVE: I DO NOT LIKE nên không thể dùng ME TOO được. Cháu nhớ hình như phải nói là ME NEITHER thì phải.
BBT
Trúc Giang nhớ rất đúng. Khi đồng ý với câu phủ định, chúng ta không thể dùng ME TOO mà phải dùng ME NEITHER.
Thực ra chúng ta có tất cả BỐN cách để bầy tỏ sự đồng ý của chúng ta với người kia.
Thứ nhất là ME NEITHER.
Thứ hai là I DON’T EITHER.
Thứ ba là NEITHER DO I.
Và thứ bốn là NOR DO I.
QA cho nghe một thí dụ của cô và 4 cách trả lời coi.
QA
THEY DO NOT LIVE IN LOS ANGELES.
ME NEITHER
WE DON’T EITHER
NEITHER DOES SHE
NOR DID HE
BBT
Đúng lắm. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dùng động từ TO DO trong các câu trả lời. Nếu trong câu phát biểu, chúng ta gặp một trợ động từ như TO BE, CAN, MUST, SHALL, SHOULD … thì trong câu trả lời, chúng ta dùng lại các trợ động từ đó. Thí dụ SHE CANNOT SWIM thì nếu Trúc Giang đồng ý thì Trúc Giang sẽ nói thế nào?
TRÚC GIANG
ME NEITHER
I CAN’T EITHER
NEITHER CAN I
NOR CAN I
BBT
Còn QA? THEY SHOULD NOT BUY A HOUSE AT THIS MOMENT.
QA
WE NEITHER
SHE SHOULD NOT EITHER
NEITHER SHOULD HE
NOR SHOULD MISTER LARSON
BBT
Trúc Giang trả lời câu này coi: SHE SHALL NOT LEAVE THE BABY ALONE.
TRÚC GIANG
HE NEITHER
WE SHALL NOT EITHER
NEITHER SHALL THEY
NOR SHALL WE
BBT
Có điều tôi muốn hai cô biết thêm về EITHER và NEITHER. Có khi các cô nghe "AI", có khi các cô nghe người ta nói "EE". Tất cả hai cách đều đúng cả. Người Anh, người Uùc, Người Tân Tây Lan thì nói "AI", người Mỹ nói cả "AI" lẫn "EE" trong EITHER và NEITHER.
QA
QA có câu hỏi về HAVEHAVE GOT. Hai động từ này có giống nhau không thưa anh?
BBT
Giống và không giống.Trong những câu như I HAVE TO LEAVE AT NOON hay SHE HAS TO CATCH THE BUS hay WE HAVE TO BE ON TIME, hay STEVE HAS TO SELL THE MOTORBIKE thì chúng ta cứ việc dùng HAVE hay HAVE GOT TO thoải mái. Hai động từ này giống nhau. QA và Trúc Giang thay TO HAVE bằng TO HAVE GOT TO trong các câu vừa kể coi.
TRUC GIANG
I HAVE TO LEAVE AT NOON
I HAVE GOT TO LEAVE AT NOON
SHE HAS TO CATCH THE BUS
SHE HAS GOT TO CATCH THE BUS
QA
WE HAVE TO BE ON TIME
WE HAVE GOT TO BE ON TIME
STEVE HAS TO SELL HIS MOTORBIKE
STEVE HAS GOT TO SELL THE MOTORBIKE
BBT
Những giống nhau của hai động từ TO HAVE và TO HAVE GOT TO đến đây là hết. Chúng ta không thể dùng TO HAVE GOT TO trong thể phủ định (NEGATIVE). Không bao giờ nói WE DON’T HAVE GOT TO BE ON TIME, cũng không thể nói I DON’T HAVE GOT TO KNOW ALL THE ANSWERS. Chúng ta cũng không dùng TO HAVE GOT TO trong thì quá khứ (PAST) và tương lai (FUTURE
Và như vậy, TO HAVE TO và TO HAVE GOT TO có giống nhau nhưng cũng có khác nhau là thế.
Nhắc hai cô một chuyện là có khi các cô còn nghe người ta nói YOU’VE GOTTA BE HERE AT 4 O’CLOCK.
GOTTA là gì? GOTTA là GOT TO nhưng nói nhanh thì thành GOTTA cũng như WANT TO thành WANNA, GOING TO thành GONNA.
Thế còn MUST và TO HAVE TO có gì khác nhau không? Có. Chúng ta có thể dùng TO HAVE TO trong thì quá khứ và tương lai. WE HAD TO BE HOME BEFORE 11 P.M. Động từ MUST không có quá khứ, cũng không có thì tương lai nên chúng ta phải dùng TO HAVE TO. THEY WILL HAVE TO TRANSFER SCHOOL NEXT YEAR.
Ngoài ra, TO HAVE TO và TO HAVE GOT TO thường xuất hiện trong văn nói. Trong khi đó, MUST thường được dùng trong văn viết nhiều hơn.
Nhân tiện tôi nhắc hai cô rằng MUST nặng hơn SHOULD và HAD BETTER, OUGHT TO. MUST là phải trong khi SHOULD HAD BETTER, OUGHT TO là nên.
Thí dụ HE MUST SEE A DOCTOR thì quan trọng, cấp bách hơn SHOULD, HAD BETTER, OUGHT TO. MUST là nếu không đi bác sĩ anh ấy có thể chết. SHOULD thì không chết nhưng nên đi thì hơn.
TRÚC GIANG
Thưa chú, TO WANT có phải là một cách nói lễ phép không. Cháu thấy động từ này có vẻ nặng lời, có vẻ ra lệnh, đòi hỏi quá đáng khi nói chuyện. Thế thì cháu nên nói thế nào?
BBT
Trúc Giang nói đúng. TO WANT là muốn. Động từ này nghe không được mềm, dịu dàng, lễ phép trong lúc nói chuyện hàng ngày.
Thay vì WANT, chúng ta dùng WOULD LIKE TO nghe lễ phép hơn. Thí dụ I WOULD LIKE TO TALK TO MISTER ROBINSON khi nói qua điện thoại thay thay vì I WANT TO SPEAK TO MISTER ROBINSON.
Khi đề nghị, hay mời ai, chúng ta cũng dùng WOULD LIKE TO: WOULD YOU LIKE SOME SUGAR IN YOUR COFFEE? WOULD YOU WANT TO DANCE? như khi mời ai khiêu vũ. I WOULD LIKE TO SAY A FEW WORDS TO THE NEWLY WEDS là tôi xin nói vài câu với cặp tân hôn…
Nhưng nói thế này thì được: I WANT A NEW TIE FOR THE PARTY nếu đó là câu tự nói với mình khi đứng trước gương sửa soạn đi ra ngoài. Nói với mình thì sao cũng được cả phải không hai cô? Chỉ khi nào nói chuyện với người khác mới cần phải lịch sự và dùng WOULD LIKE thay cho WANT. Nhưng khi vào tiệm bán ca vát, nói với cô bán hàng thì phải nói thế nào, Trúc Giang?
TRÚC GIANG
I WOULD LIKE A NEW TIE FOR THE PARTY.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

CHUYỆN NĂM RẮN


Ký Giả Hạng Bét
Năm nay là năm con rắn, tử vi Đông phương gọi là năm Tỵ. Năm Tỵ đến sau năm Thìn, năm con rồng và đến trước năm Ngọ, con ngựa. Năm Tỵ này là Quý Tỵ. Tỵ xung với Dần, Thân và Hợi.
Trên thế giới có khoảng trên dưới 2 ngàn loại rắn. Rắn là động vật máu lạnh, không có chân, sống trên cạn, trong hang hay những hốc đá, trên cây và dưới nước. Nhưng tất cả đều có thể bơi rất giỏi. Rắn sống ở khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Nam Cực cùng với hai nước Ái Nhĩ Lan ở Âu châu và Tân Tây Lan ở nam Thái Bình Dương. Thực ra, cách đây khoảng 20 triệu năm, Tân Tây Lan cũng có rắn nhưng sau thời đại băng giá (Ice age) và sau khi vùng đất này tách ra khỏi lục địa, thì rắn không quay trở lại Tân Tây Lan nữa. Đó là rắn trên cạn, vì ở vùng biển quanh Tân Tây Lan vẫn có rắn biển. Còn Ái Nhĩ Lan không có rắn là vì theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ 5, thánh Patrick, thánh bổn mạng của Ái Nhĩ Lan đã đuổi chúng ra khỏi đảo quốc này. Sự thực thì không bao giờ có rắn tại hòn đảo này. Khi rắn từ loài thằn lằn tiến hóa thành rắn thì vùng đất nay là Ái Nhĩ Lan hoàn toàn nằm dưới biển. Khoảng 65 triệu năm trước, khi khu vực này trồi lên mặt biển thì loài rắn không xuất hiện tại Ái Nhĩ Lan cũng như ở Tân Tây Lan, Băng Đảo và Nam Cực vì khí hậu băng giá ở những vùng đó. Rắn là loài máu lạnh nên không thể sống ở những vùng quanh năm băng giá.
Rắn có nhiều kích cỡ, có những con nhỏ nhất chỉ dài khoảng 10 cm, trong khi những con lớn nhất như trăn anaconda ở Nam Mỹ hay trăn Miến Điện (Burmese python) 20 mét.
Rắn thích chụp hình hơn cả, vì khi chúng ngồi làm … mẫu cho họa sĩ vẽ truyền thần, thì người ta hay vẽ thêm mấy cái chân cho chúng nên chân dung chúng không chính xác lắm. Ông Trạng Quỳnh là một tay vẽ rắn rất giỏi, một lúc có thể vẽ được 10 con bằng cách nhúng cả hai bàn tay vào nghiên mực rồi … vẽ xuống giấy. Ông vẽ loằng ngoằng mà rất giống … rắn vì ông vẽ rắn không con nào có chân cả. Vẽ xong ông thấy còn thừa giấy nên vẽ mấy con voi vào, và cấm người khác chê ông. Ai chê ông vẽ voi, ông mời ăn một món ghê lắm. Từ đó về sau, ông chỉ toàn vẽ rắn không mà thôi.
Rắn leo cây rất thiện nghệ để bắt chim, cóc nhái. Trong thực tế, rắn nào cũng biết leo cây hết nên không ai dám cho rắn …leo cây bao giờ. Nó tới chỗ hẹn mà không gặp, nó đi tìm nó cắn là chỉ có chết đứ đừ. Có khi rắn còn biết hái táo dụ cho người ăn. Ăn thứ táo này thì phiền lắm. Ăn xong phải vội vàng đi shopping mua quần áo để mặc vào (cho khỏi lạnh) rồi lại còn bị đuổi ra khỏi Eden Center ở Virgina đi lêu bêu rước đèn khắp nơi. Không tin cứ đến thương xá Eden ở Seven Corners, Falls Church, Virginia kiếm luật sư Nguyễn Thế Toàn, chủ tiệm phở Xe Lửa mà hỏi xem có còn ai cởi truồng không là biết ngay.
Rắn nước và rắn biển sống dưới nước nhiều hơn trên cạn, bơi rất giỏi nhưng di chuyển không nhanh trên mặt đất. Rắn nước không có nọc độc nhưng rắn biển thì rất độc. Nọc của nó hiện không có thuốc nào chữa khỏi. May là rắn biển chỉ ở những vùng rất ít dân cư.
Rắn không có chân nên rắn có cách di chuyển riêng. Đó là những cái vẩy ở bụng, khi nhích lên thì đẩy chúng đi về phía trước. Bởi thế, rắn không sang …số de để xù rắn cái được. Loài rắn sidewinder ở sa mạc thì di chuyển bằng cách vặn rồi quăng mình đi theo chiều ngang khiến bụng rắn không phải tiếp xúc nhiều với cát rất nóng ở sa mạc. Những vết di chuyển của chúng để lại trên cát trông như những cánh cung. Mấy con sidewinder gắn trên cánh máy bay (F-86 Saber ) trở thành phi đạn tầm nhiệt không đối không, kẻ thù số một của phi cơ MiG-15 trong những trận không chiến ở Cao Ly hồi thập niên 50 vì những con sidewinder này cứ kiếm chỗ nào nóng như ống phản lực của phi cơ địch bay phía trước để chui vào mà nổ cái đùng.
Ở Việt Nam, rắn có khi lại dùng cách di chuyển riêng của chúng, đó là leo lên lưng bọn Việt gian tay sai rồi ra lệnh cho bọn chó đẻ này cõng chúng đi. Tới chuồng gà, chúng ra hiệu cho bọn Việt gian bỏ chúng xuống để chúng xông vào chuồng gà cắn gà như điên như cuồng. Thí dụ như ở Hoàng Sa năm 1974. Bọn chó đẻ lại cầm cái công hàm của thằng chó già bán nước Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 gửi Chu Ân Lai phe phẩy để cổ võ cho việc cướp đất của Tầu Cộng khiến bọn rắn hăng tiết bắt cõng tiếp vào Trường Sa, rồi thác Bản Giốc, kế đó lại cao nguyên Trung Phần trông cực kỳ khốn nạn. Nay lũ rắn thừa cơ vẽ cái lưỡi bò liếm xuống cả vùng biển của Việt Nam. Người dân trong nước hễ ai đòi đánh rắn thì bọn chó đẻ sai công an bắt bỏ tù, đạp vào mặt, bịt miệng, bóp cổ trông hết sức tàn bạo, đê hèn và cực kỳ chó má.
Thường thì muốn phân biệt rắn độc và rắn không độc thì cứ nhìn cái đầu là biết. Rắn độc có đầu hình tam giác. Rắn không độc thì không. Nhưng coi những con hổ mang (cobra) thì thấy ngay điều vừa nói là không đúng. Đầu cobra không có hình tam giác, nhưng nọc của chúng độc vô cùng.
Làm thế nào rắn chích nọc độc vào… đối tượng cắn của chúng? Các loại rắn độc có hai răng rỗng như kim tiêm, khi không sử dụng thì quặp lại, nằm suôi theo chiều từ ngoài vào trong. Khi cắn thì mở ra, đớp đối tượng, nọc độc từ túi nọc được bơm vào đối tượng. Loài spitting cobra có răng mở ra phiá trước khi cần thì dựng cổ cao lên, há miệng nhắm vào mắt đối tượng, phun nọc độc. Đối tượng không chết vì nọc độc không vào máu mà chỉ bị trúng mắt, gây khó chịu, phải bỏ chạy.
Nọc độc của rắn khi vào máu sẽ làm cho máu bị đóng cục, làm nghẹt mạch không đi nuôi cơ thể được và tàn phá các bộ phận khác như tim, não, phổi.
Rắn có mũi để đánh hơi rất thính. Lưỡi rắn dùng để nếm không khí và qua đó, rắn có thể khám phá ra con mồi. Rắn không có tai nên mấy trò ông Ấn độ thổi kèn cho rắn múa là bịp hết. Rắn đong đưa uốn éo thân mình bắt chước điệu bộ của mấy ông thổi kèn để xin tiền du khách.
Rắn không có dầu (oil), nên những tay bán thuốc rắn, oil snake chỉ là bịp để lừa tiền thiên hạ như trò bán cao dán, bán thuốc dược thảo lăng nhăng đầu đường xó chợ ở Việt Nam. Có nhiều người tự xưng là bác sĩ này nọ để bán thuốc bậy bạ, nhưng thẩy đều là snake oil salesmen, toàn là bịp hết.
Rắn có 2 mắt nhưng không có mi mắt, mà chỉ có một lớp màng để che mắt lại. Rắn một mắt thì dễ sợ lắm. Không tin đem tự điển Mỹ ra tra chữ one-eyed snake là biết ngay.
Mắt rắn không tinh tường bao nhiêu, khi đọc sách phải đeo kính như mấy con rắn kính, một loài cobra mang tên là serpents à lunettes. Có điều mấy anh rắn này chỉ đeo kính làm điệu, sì tin, sì tẩy mà thôi, vì đeo kính không đeo ở mắt như chúng ta, mà lại đeo ở sau … gáy, làm cứ như là iPhone 4 và 5 có camera ở cả hai bên mặt và lưng sau của máy không bằng.
Rắn có thể nuốt những con mồi lớn nhờ hàm dưới không gắn liền vào hàm trên, nhờ đó miệng chúng có thể mở ra rất lớn. Loài trăn có thể nuốt trửng nguyên những con mồi lớn như cá sấu, hươu nai, có khi luôn cả người nữa như đã thấy vài trường hợp ở Nam Mỹ, Malaysia, và Ấn độ. Rắn không nhai, chỉ nuốt. Nhưng truớc khi nuốt, rắn quấn chặt con mồi, sử dụng hơn 13 ngàn bắp thịt để xiết cho con mồi chết hẳn trước khi nuốt, cho xương gẫy nát để dễ tiêu hóa. Bị mắng là "chằng ăn, trăn quấn" thì khó mà toàn thây. Răng của rắn hướng về phía trong nên không nhai được mà chỉ giúp đẩy thức ăn vào dạ dầy. Sau mỗi lần ăn no, rắn có thể không cần phải ăn đến cả tháng.
Nhà văn Anton Chekov có viết một truyện ngắn kể một anh chàng giả bộ không biết tán gái bao giờ. Thế là mấy nàng xúm lại để dậy chàng cách tán phụ nữ. Chàng cứ nhẩn nha cho các nàng làm, chàng chỉ từ từ xiết các nàng lại như những con trăn constrictor quấn lấy mồi rồi xiết cho chết trước khi ăn. Chàng rất thành công nhờ bắt chước loài boa constrictor.
Da rắn được bọc bằng một lớp vẩy. Mỗi năm rắn lột da một lần để lớn nên cha mẹ nhiều khi đem chuyện này ra để mắng con cái: chúng tao không lột da sống mãi (như rắn) để mà nuôi chúng mày nên phải cố học hành nên người mà nuôi lấy thân.
Da trăn gió mầu mốc như Trần Tế Xương có mô tả: Da ông mốc thếch như trăn gió. Các giống rắn khác dùng mầu da của chúng để ngụy trang, đánh lừa kẻ thù cũng như các con mồi của chúng. Có loại rắn mầu như lá úa để tiệp với mầu lá nằm trên mặt đất. Rắn lục mầu xanh như lá trên cành. Rắn mai gầm có mầu như hoa mai. Rắn cạp nong trông giống như viền của những chiếc nong. Có loại rắn không thèm ngụy trang chi hết để cho mọi vật thấy cái đẹp giết người của chúng cho sợ chơi.
Nhìn chung, những con rắn không bao giờ có được hình ảnh tốt. Cứ nhắc tới rắn là bao giờ người ta cũng kèm theo những điều rất xấu. Thí dụ "miệng hùm nọc rắn" là nơi nguy hiểm, miệng rắn độc là miệng nói toàn chuyện độc ác. Khẩu Phật tâm xà là miệng nói điều tốt lành, nhân đức, là "Nam Mô một bồ dao găm" trong khi tâm địa thì vô cùng hiểm độc. Khi mô tả ai với cái lưỡi chẻ đôi (speak with a forged tongue hay langue de serpent / langue vipérine trong tiếng Pháp) tức là muốn nói người ấy mồm miệng toàn nói điều độc địa như rắn độc. Rắn rung chuông (rattle snake) chắc là loại này: đuôi ngúc ngoắc rung cái chuông nhưng miệng thì sẵn sàng đớp. Cũng trong cùng ý nghĩa đó, kẻ tiểu nhân, ti tiện bị coi là còn ở dưới thấp hơn cả bụng của loài rắn, mà bụng rắn thì đã nằm sát mặt đất rồi. Rắn còn tượng trưng cho sự phản phúc, mối nguy tiềm ẩn: a snake in the grass, như con rắn dấu mình trong đám cỏ, hoặc như người Pháp nói serpent caché sous fleurs. Tòa đại sứ Mỹ tại Tehran có lần bị mấy anh thầy tu Hồi giáo sau khi tràn chiếm trụ sở ngoại giao Hoa kỳ thời tổng thống Carter gọi là cái hang rắn, a vipers’s nest, một nơi cực kỳ nguy hiểm.
Trong văn học Anh quốc, rắn xuất hiện trong hai tác phẩm của Rudyard Kipling. Một lần là Kaa, con trăn trong cuốn Jungle Book, bạn của Mowgli, cậu bé rừng xanh. Kaa cùng với gấu Baloo và báo đen Bagheera là bạn của Mowgli đã cứu Mowgli mấy lần khỏi những cơn nguy hiểm. Kaa với tuổi đời hơn một thế kỷ vẫn còn rất khỏe mạnh, có thuật thôi miên để chế ngự kẻ địch muốn hại Mowgli.
Trong truyện ngắn Rikki-Tikki-Tavi cũng của Rudyard Kipling, con chồn moongoose được một gia đình người Anh (sống tại Ấn) cứu sống trong một trận lụt đã quay lại bảo vệ gia đình này chống lại một cặp hổ mang sống trong vườn nhà họ.
Ngoài giống chồn Ấn độ trong truyện của Kipling thích ăn rắn hổ mang , có một giống chim ở Phi châu tên là chim thư ký (secretary birds) rất thích giết và ăn rắn. Giống chim này được gọi là chim thư ký có thể vì đầu của chúng có những chiếc lông dài, mọc vểnh lên trông như mấy cô thư ký giắt những cái bút lên tóc, mà cũng có thể là vì người ta nghe tên gốc Ả Rập của chúng là saqr-et-tair rồi viết xuống thành secretary chăng? Thực ra, loài chim này không chỉ ăn rắn mà còn ăn cả những giống chim, chuột, thỏ, chồn nhỏ. Chúng có cái đầu giống loài đại bàng, hai chân cao, đặc biệt là không sợ rắn, hễ thấy rắn là nhào vào tấn công, cho dù đó là những giống rắn có nọc rất độc của Phi châu.
Rắn không đầu (vô đầu xà) là quân mất chủ tướng làm sao đánh nhau được nên người ta khuyên đánh rắn phải đánh cho nát đầu mới trừ được tuyệt nọc, như nhổ cỏ phải nhổ tận rễ mà Trần Thủ Độ đã dùng để khuyên một ông vua nhà Lý.
Có thể nói là trên thế giới không có một loài động vật nào bị ghét và sợ bằng rắn. Tâm lý sợ rắn có tên khoa học là ophidiophobia hay herbetophobia, là sự sợ hãi, thường là vô lý, đối với loài rắn và các giống bò sát khác. Ophidiophobia là một trong những mối sợ lớn nhất của người ta mặc dù trong thực tế, rất ít người trong chúng ta trực diện với rắn. Trẻ con không sợ rắn nhưng dần dần lớn lên, chúng mới biết sợ. Do đó đây là một tâm lý mà con người học được trong đời sống. Lý do của việc sợ rắn này là vì con người sợ chết. Rắn là sinh vật có thể làm chết người. Người ta sợ rắn là một nỗ lực để duy trì đời sống. Tâm lý này đã có nơi loài người từ nhiều ngàn năm.
Trên thế giới có 6 loài được coi là nguy hiểm nhất. Nguy hiểm vì nọc độc, vì kích cỡ, vì tính hung hãn của chúng. Đó là king cobra ở Ấn độ, spiting cobra ở Nam Phi, taipan ở Úc, fer de lance ở Ấn độ, black mumba ở Nam Phi và trăn anaconda ở Nam Mỹ.
Rắn xấu xa và dễ sợ như thế, nhưng những con rắn cũng đã làm được vài ba việc tốt, như trường hợp chúng cứu được hai cái mông đít của một cậu bé tên là Lê Danh Phương hồi cậu bé này mới 5 tuổi. Sách kể lại một hôm, cậu đang chạy chơi gần nhà ở Diên Hà tỉnh Thái Bình thì có tiến sĩ Vũ Công Trấn, bạn của thân sinh cậu là tiến sĩ Lê Phú Thứ ghé lại hỏi thăm nhà. Cậu trả lời lạng quạng không đúng phép tắc làm cụ Vũ Công Trấn bực quá, mắng cho một trận và ra cho cậu làm một bài thơ để xin cái lỗi tính rắn mặt, tinh nghịch của cậu, nếu làm không xong thì ông kiếm nhà, mách bố cho bố đánh nát đít. Cậu bé nghĩ một lúc và đọc bài thơ cậu vừa làm trong đầu để nhận tội và hứa sẽ ngoan ngoãn:
Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học quyết không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo
Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da
Từ nay trâu lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia
Bài thơ 8 câu 7 chữ đã ghép được vào trong 8 thứ rắn. Ông tiến sĩ rất khâm phục, sau mới biết cậu là con người bạn nên tha cho. Cậu nhỏ học rất giỏi, đi thi toàn đỗ đầu, làm quan lớn, đầu óc như một thứ bách khoa tự điển mang giúp nước, giúp đời. Sau đổi tên thành Lê Quí Đôn vì có một loạn tướng cũng có trùng tên là Lê Danh Phương.
Tên của những con rắn được ghép trong bài thơ là những giống rắn thường gặp nhất ở Việt Nam như rắn liu điu, rắn hổ lửa, rắn mai gầm, rắn ráo, rắn thằn lằn, rắn hổ trâu, rắn hổ mang…
Rắn được dùng làm biểu tượng cho y và dược học hiện đại. Lý do là vì rắn lột da để lớn và cũng để loại bỏ các ký sinh trùng ở da nên rắn lại là biểu hiệu của sự phục hồi quấn lấy chiếc gậy của thần y thuật Asclepius.
Rắn hổ mang có nhiều con sống ở chùa nên còn gọi là sư hổ mang. Loại hổ mang này ăn mặn, láo lếu, bậy bạ còn hơn bọn lưu manh ở ngoài đời, làm xấu cả cửa Phật. Hổ mang bành (cobra) cũng cùng họ. King cobra hay mãng xà vương là loại cobra lớn nhất, dài tới 18 mét, nọc độc đủ giết vài chục mạng người một lúc như chơi. Tại Campuchea và Lào, nơi ảnh hưởng Ấn độ rất mạnh, Đức Phật thường được cho xuất hiện dưới 7 con mãng xà vương (naga) để được những con rắn này che chở. Rắn cũng được thờ tại Ấn độ và xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp, La Mã, tượng trưng cho sức mạnh, tính dũng cảm và cương quyết. Rắn cũng được coi là có tính hay trả thù như trong một số huyền thoại Hy Lạp. Một truyện ngắn của Edgar Allan Poe, truyện The Cask of Amontillado cũng đề cập tới tính báo oán của loài rắn. Nhưng không có chuyện rắn báo oán nào ly kỳ như chuyện Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi đưa tới họa tru di tam tộc cho vị trung thần nhà Lê này. Trong vụ án vườn vải (Lệ Chi Viên), một con rắn bị gia nhân của Nguyễn Trãi đánh chết cùng bầy con của nó khi Nguyễn Trãi ra lệnh phát quang khu vườn quanh nhà, đã báo trước việc nó trả thù khi nó xuất hiện trên xà nhà lúc Nguyễn Trãi đọc sách buổi tối. Một giọt máu của nó (vì bị đập chết hồi chiều) đã nhỏ xuống cuốn sách Nguyễn Trãi đang đọc, thấm qua 3 trang giấy ngay ở chữ " ĐẠI", như báo trước thảm họa bị diệt ba họ của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi lúc đó đã về hưu, có người thiếp xinh đẹp, thông minh, chữ nghĩa được vua Lê Thái Tông gọi vào triều dậy học cho các cung nữ. Vua Thái Tông trong một đêm đến thăm đồn điền Nguyễn Trãi đã được Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Vua thình lình băng hà trong đêm. Nguyễn Thị Lộ bị triều đình gán tội giết vua và Nguyễn Trãi bị phạt tru di tam tộc gồm họ cha, họ mẹ và họ vợ. Đây là mối oan của Nguyễn Trãi mãi đến đời Lê Thánh Tông (1464) mới được tẩy rửa sạch.
Trong một truyện thần thoại của Việt Nam, một con trăn lớn bắt công chúa con vua đã được Thạch Sanh giải thoát nhưng Thạch Sanh lại bị thằng em kết nghĩa phản phúc là Lý Thông cướp công và tìm cách hãm hại. Qua mấy lần gặp nguy, Thạch Sanh vẫn thoát chết, lại cứu được con trai vua Thủy Tề nên được đền ơn rất hậu. Kết cuộc Thạch Sanh thoát nạn, công chúa nói chuyện thật với vua nên vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Lý Thông thoát chết, bỏ sang California sống nên ca dao Mỹ có câu:
Bolsa đất hẹp người đông
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều
Ra đường Bolsa lúc nào cũng thẩy lổn nhổn toàn những Lý Thông cả.
Những chuyện rắn và năm Tỵ còn nhiều lắm. Càng nói càng ra chuyện như người Việt vẫn nói là "nói" (cũng có khi là "uống") tràn Quý Tỵ vậy.
Nhưng tại sao lại "tràn Quý Tỵ"?
Nguyên là năm Quý Tỵ tức là năm 1893 theo Tây lịch, miền Bắc Việt Nam bị một trận lụt kinh hoàng.
Nước sông Hồng tàn phá rất nhiều vùng nên sau đó, tiếng Việt mới có thành ngữ "tràn Quý Tỵ" để mô tả những cảnh hay những việc làm quá mức độ thông thường như nước lụt tràn bờ. Đúng một giáp sau đó, cũng năm Tỵ, năm Ất Tỵ, năm 1905, miền Bắc lại bị một trận lụt nữa như Nguyễn Khuyến đã kể lại trong mấy câu sau đây:
Tỵ trước Tỵ này chục lẻ ba
Thuận dòng nước cũ lại bao la…
Ở Việt Nam có món nhậu này rất đáng thử gọi là món "gắng" như Võ Phiến đã kể trong một tùy bút của ông với tựa đề là " gù, gắng, gụ". Thực ra chỉ là các món rùa, rắn và rượu. "Gắng" mà ăn với cá "" nằm trong cái "gổ" thì ngon … hết biết.
Nhiều người đàn ông tin là rượu ngâm rắn có khả năng giúp vùng lên (?) nên kiếm cho được rượu rắn mà uống lấy uống để, bất kể những con rắn ngâm trong hũ rượu có được móc cho sạch cứt trong bụng ra hay không. Thế mà bao nhiêu người uống rượu pha cứt rắn mà vẫn khen lấy khen để. Chỉ các bà là khôn, cứ lôi rượu pha cứt rắn cho mấy ông uống để giả bộ khen rối rít, cho các ông thưởng thức cứt rắn chơi.
Rắn vừa dọn đến nhà mới sau khi rồng khăn gói ra đi. Truyện kể rằng hai con rắn xem lịch xong thì bảo nhau rằng chúng sợ bị người đánh chết nếu hai con nối đuôi nhau mà đi. Chúng bèn nghĩ mưu để con nọ cõng con kia. Như vậy, theo chúng, mọi người sẽ nghĩ chúng là rắn thần nên sẽ không ai dám giết chúng. Nói xong, cả hai làm đúng như vậy. Quả nhiên mọi người đều tránh đường cho chúng đi vì nghĩ chúng là rắn thần. Nhưng liền sau đó, chúng kiếm được mấy con chó đẻ ở bộ chính trị Hà Nội mời chúng cõng trên lưng cho khỏi mỏi… chân (?) , và vì thế, rồng đã ra đi, lên mây hẹn 12 năm nữa sẽ trở lại. Trong khi các con thú khác thuộc thập nhị chi di chuyển bằng đủ mọi phương tiện như rồng thì bay, khỉ thì leo cây, ngựa thì chạy vân vân duy có rắn thì lại vẫn được bọn chó đẻ cõng về nhà để đớp mấy con gà.
Năm Quý Tỵ chỉ mong sao trò ấy sẽ sớm chấm dứt cho nước Việt Nam nhờ.
Ký Giả Hạng Bét