September 29, 2011

September 30, 2011

Ngày 26 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Hồi thập niên 1960, khi chiến tranh ở Việt Nam đi đến giai đoạn khốc liệt nhất, phe phản chiến ở Hoa kỳ cũng như ở một số nước khác đã đồng loạt đưa ra một slogan hô hào Make Love , Not War, kêu gọi buông súng làm tình, để chấm dứt chiến tranh.

Khởi đầu, slogan này được phổ biến rộng rãi trong một cuộc biểu tình gọi là Mother’s Day Peace March năm 1965.

Hàng ngàn truyền đơn với hàng chữ Make Love, Not War được phân phát cho những người đi biểu tình cũng như những người đứng bên đường nơi đoàn biểu tình đi qua ở Chicago.

Gershon Legman nhận là người nghĩ ra cái slogan này.

Nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục. Lời hô hào chống chiến tranh Make Love, Not War sau đó đã đi sang những con đường khác, luôn cả con đường giải phóng tình dục và những mục tiêu tranh đấu khác.

Tưởng là cái slogan này đã chết đi vì nó cũng chẳng đem lại kết quả hay ảnh hưởng bao nhiêu và chiến tranh vẫn nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng mới đây, nó được phủi bụi lôi ra dùng lại. Có điều lần này, nó rất hữu hiệu.

Ở Mindanao, một hòn đảo thuộc Philippines, nơi một cuộc chiến giữa quân chính phủ và quân của các nhóm Hồi giáo đòi ly khai đã diễn ra từ cả hơn một chục năm nay, làm thiệt mạng hàng ngàn người. Một số bộ lạc trong vùng cũng quay ra chiến tranh với nhau vì những tranh chấp đất đai, những xích mích nhiều khi cũng chẳng nghiêm trọng gì, như ở tỉnh Dado thuộc trung bộ Mindanao. Hai phe kình chống nhau giết nhau không thương tiếc từ mấy năm nay.

Nhưng mới đây, theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì tiếng súng ở Dado đã giảm bớt đi đáng kể. Đường xá mở lại, các sinh họat mua bán trong các làng hồi sinh trở lại, hai bên bắt đầu buôn bán, giao thiệp với nhau. Từ tháng 7 tới nay, hòa bình gần như đã trở lại với khu vực này.

Nguyên do đưa tới hòa bình cho vùng Dado là các phụ nữ ở đây quyết định đồng lòng nói thẳng với các ông chồng, với những người đàn ông trong làng, ở cả hai phía rằng còn cầm súng bắn nhau thì dứt khoát là không có chuyện "ấy".

Nói rõ hơn là các nàng khuyên sớm khuyên trưa, nếu chưa ngưng chiến thì chưa … vào mùng.

Và các nàng làm thật, nhất định bế quan tỏa cảng. Nội bất xuất (?), ngoại bất nhập (?), không có biệt lệ gì hết. Năn nỉ cũng không cho. Hứa một lần thôi, mai ngưng chiến thật cũng không được. Đạn tháo ra, súng cất đi, đi đúng lộ trình hòa bình mới được. Hứa là phải làm cho đúng. Vi phạm là ra chuồng heo mà nằm, đừng có mà héo lánh đến gần cái giường làm ở … Vientianne (?) này của bà.

Thế là các chiến sĩ anh dũng răm rắp buông súng ôm nhau, hòa bình tút suỵt.

Cần quái gì đến lực lượng mũ xanh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Sao không đem trò này tới Darfour, Somalia … vừa trước mua vui, sau đem lại hòa bình cho đám nhân loại khốn khổ ở đó từ mấy chục năm nay chưa có được một ngày hòa bình?

Cũng may là các phụ nữ ở Mindanao rất sòng phẳng, không bán chịu, không cho vay nợ bao giờ. Điều kiện đặt ra, phía bên kia phải tuân theo triệt để, không nhân nhượng, không miễn trừ, không đặc ân gì hết.

Thương anh, em để trong lòng,
Điều kiện phải giữ, vô phòng mới cho


Ngày 27 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Thường thì tôi chỉ mua những tấm thiệp không có in sẵn những lời chúc ở trong để gửi đi trong những dịp cần thiết như sinh nhật hay ra trường của mấy đứa con hay mấy đứa cháu.

Những tấm thiệp với những câu chúc tiền chế do các cây viết nhà nghề được các hãng sản xuất thiệp thuê viết sẵn cho thấy, theo tôi nghĩ, vừa thiếu sáng tạo từ phía người gửi mà nhiều khi lại còn không thích hợp cho người nhận. Ít nhất cũng phải tự nhắc mình như ông Tú:

Nhập thế cục bất khả vô văn tự

Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài … câu viết lấy. Chứ ai đời, là người cũng như ông Tú, từng đỗ tới hai cái tú tài gần nửa thế kỷ trước, lại không viết nổi vài ba câu chúc để viết vào tấm thiệp, đến nỗi phải nhờ người khác viết hộ.

Tôi nhớ chuyện của một người chép lại bức thư mẫu trong cuốn sách dậy viết thư rồi gửi cho người phụ nữ chàng muốn tỏ tình vì không biết viết sao cho hay, cho mùi mẫn. Thư gửi đi vài ngày sau, chàng được hồi âm của nàng với mấy chữ nguyên văn: Xin đọc thư trả lời ở trang 123 của sách dậy viết thư mà ông cũng có.

Không mua nhưng tôi rất thích vào tiệm sách đọc những tấm thiệp tiền chế ấy. Không nghèo nàn như những tấm thiệp Việt Nam , thiệp của Mỹ được sản xuất cho rất nhiều dịp lễ lạc, kỷ niệm trong năm, không thiếu bất cứ dịp nào. Thiệp để chúc Giáng Sinh, năm mới đã đành, còn thiệp sinh nhật, mừng đám cưới, mừng có con, mừng tốt nghiệp đại học, trung học, mừng li dị, mừng khỏi bệnh, chúc mau lành, chia buồn với tang gia, chia buồn với con chó , con mèo vừa bị thiến vân vân.

Lời viết sẵn của nhiều tấm đọc rất lý thú, duyên dáng và hài hước, cảm động.

Mùa nào thức ấy. Tình hình kinh tế không mấy sáng sủa của nước Mỹ trong mấy năm qua đã khiến hàng triệu người thất nghiệp. Phải nói gì với những người bị "Thank you…bye bye" và chỉ cho cái cửa ra?

Thì hãng sản xuất thiệp lớn nhất ở Hoa kỳ đã nghĩ ra điều đó. Tuần qua, Hallmark vừa tung ra thị trường 8 kiểu thiệp mới mà người ta có thể mua để gửi cho những người vừa phải bắt đầu lết tới các văn phòng xin trợ cấp thất nghiệp. Hallmark cho biết Hallmark không thể làm được gì để cải thiện được tình hình công ăn việc làm của nước Mỹ. Chuyện đó đã có ông Obama lo. Nhưng tạo một nụ cười cho người vừa mới mất việc thì Hallmark hy vọng có thể làm được.

Thí dụ một tấm thiệp viết rằng "Bạn đừng nghĩ vừa bị thất nghiệp. Hãy nghĩ đây là lúc tạm nghỉ để khỏi thấy khuôn mặt hắc ám của mấy anh, chị chủ bất nhân, bạc ác."

Hay một tấm khác có hàng chữ "Rồi đây sẽ có lúc nhìn lại những chuyện vừa xẩy ra cho bạn, bạn sẽ thở ra nhẹ nhõm là vừa thoát được một chuyện khốn nạn nhất trong đời"…

Mà thực ra thì sau khi mất việc, người ta thường, đa số, không phải là tất cả, đều kiếm được những việc khác tốt hơn. Nếu không bị "Thank you…bye bye" thì hầu hết đều tiếp tục sống với những việc rất buồn nản, không một lối thoát. Phải bị "Thank you…bye bye" mới ra khỏi được cái công việc không lối thoát đó.

Dans le mal sortira du bien, như ông bố tôi vẫn nói, mượn một câu ngạn ngữ của người Pháp: trong cái xấu thế nào cũng có cái tốt đẹp hiện ra.

Và như một câu khác của Henri Estienne: Dieu mesure le froid à la brebis tondue… Thượng Đế không nỡ thổi giá buốt vào những con cừu vừa bị cạo lông. Người lúc nào cũng nhẹ tay với chúng, thấy chúng vừa bị gọt lông đúng vào lúc mùa đông ập đến, Thượng Đế cũng thương hại chúng, làm cho gió bớt lạnh đi.

Chỉ cần hai câu đó là cũng thấy được an ủi phần nào. Việc gì phải đi mua mấy tấm thiệp để làm giầu cho Hallmark và phí phạm thêm bột giấy khiến vài ba cái cây bị chặt xuống gây thêm tác hại cho môi sinh?


Ngày 28 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Tiểu sử chính thức của Nguyễn Tấn Dũng ghi rõ chàng có bằng cử nhân Luật. Nhưng đọc kỹ những tiểu sử khác của chàng, người ta không thấy nói chàng học ở đâu mà lại có bằng cấp đại học. Chàng tham gia cách mạng, trong bưng biền chàng làm y tá, làm lâu, chàng được cho lên chức bác sĩ, lại còn cầm dao giải phẫu nữa mới ghê. Nhưng còn luật thì chàng học ở đâu mà lại có bằng cử nhân?

Trong Wikipedia, người ta thấy ghi chàng tốt nghiệp cử nhân luật tại đại học trong rừng sau khi chiến tranh chấm dứt. (He graduated with a bachelor’s degree in law in the forest university following the end of the war.)

À ra thế. Như vậy, chàng có bằng luật rừng.

Nhưng hết chiến tranh thì tại sao tiếp tục ở lại trong rừng để học đại học? Rừng đó ở đâu mà nay không thấy nói tới nữa? Chiến tranh kết thúc, đất nước cũng thống nhất thành một thì về cha nó thành phố mà học chứ ở rừng học với đười ươi hay sao? Chê đại học Luật Sài Gòn, đại học Huế và các đại học miền Nam khác thì sao không về Hà Nội mà học?

Như vậy là nói phét. Làm chó gì có bằng cử nhân Luật.

Thế là thừa thắng xông lên, các giống sâu bọ khác cũng nhao nhao lên khoe có bằng đại học.

Thuyền đua thì lái cũng đua
Con cá cũng lội, con cua cũng chèo…

Y tá trong rừng về thành khoe là có bằng cử nhân nên sâu bọ liền khoe nhắng lên là có bằng đại học hết. Không thèm đại học rừng nữa, phải có bằng đại học Mỹ mới hung.

Có những thứ cả đời chưa vác xác ra khỏi Việt Nam một lần, một chữ tiếng Anh không biết, chỉ sau vài tháng đã có ngay bằng MBA do một đại học Mỹ cấp.

Làm thủ tướng rồi ai mà còn dám hỏi bằng của chàng nữa. Các đàn em cũng vậy. Chức vụ cần tốt nghiệp trung học là có bằng tốt nghiệp ngay. Muốn có bằng cử nhân, tiến sĩ gì cũng có. Các lái buôn bằng cấp giả kiếm được rất nhiều tiền qua những trò mua bán bằng như thế. Có người không biết bằng cấp thế nào ở bên Mỹ cũng về Việt Nam đứng ra phát bằng cao học cho mấy cậu mua bằng ở Việt Nam.

Một địa chỉ ở Sài Gòn quảng cáo nhận làm các thứ bằng cao học, đại học, cao đẳng, trung cấp, cấp 3, học bạ … các chứng chỉ nghề, Anh văn, vi tính … giá rẻ, uy tín, làm nhanh trong ngày, giống thật 100% có bảng điểm, học bạ của trường… có cả dấu nổi … điện thoại 0973-255-092.

Với những thứ bằng như thế, đem nộp là được nhận vào đủ các chức vụ cao cũng có, thấp cũng có nên đất nước mới ra nông nỗi này. Ngay cả các chức vụ cần kiến thức chuyên môn về kinh tế, tài chính, ngân hàng cũng đã bị phanh phui trên báo là nhờ bằng cấp giả mà có. Nhưng tới nay, những "quan chức" đó vẫn tiếp tục ngồi ở các chức vụ có được nhờ bằng cấp giả mà không ai dám đụng vào.

Tuy vậy, nói đi phải nói lại mới công bằng. Ở Mỹ này cũng thiếu gì bằng cấp giả. Nhiều khi chẳng phải mua ở đâu, cứ nhận phứa là tiến sĩ, bác sĩ là xong. Thế là tiến sĩ mở văn phòng di trú, bác sĩ bán thuốc của Tầu chế tầm bậy tầm bạ lia chia, lại còn giảng về các thứ bệnh, khoe mỗi năm đi Á châu nghiên cứu, chế thêm các thuốc mới, không bao giờ nhận là chỉ bán thuốc cho mấy anh Tầu Hoa lục. Chỉ cần nghe vài ba chữ tiếng Anh là thấy ngay có đi học hay không.

Đến khổ.

Tôi bỗng nhớ một người bạn khi nghe một ông nọ bỗng nhiên một bữa khoe có bằng Ph.D. liền chép miệng chửi thề Ph.D. cái con mẹ gì… Pizza Hut Deliverer thì có ấy chứ, hay nếu không thì cũng là Phở Deliverer chứ Philosophy Doctor con chó gì.

Tội cho cụ Nguyễn Khuyến, giùi mài kinh sử bao nhiêu năm mới đỗ đạt làm ông nghè, ông tiến sĩ. Trung thu, mấy chú hàng mã đem tiến sĩ làm bằng giấy đem bán làm đồ chơi cho trẻ con, cụ Nguyễn ngao ngán:

Rõ chú hoa man khéo vẽ trò
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu
Mày râu mặt đó bao nhiêu tuổi
Giấy má nhà bay đáng mấy xu…

Mấy ông tiến sĩ giấy gây ngao ngán cho cụ Nguyễn tuy thế cũng vô hại. Nhưng thứ cử nhân, tiến sĩ giả thời nay ở Việt Nam mới đang thực sự làm cho cái đất nước của cụ càng ngày càng lụn bại sập tiệm vì những thứ bằng cấp giả đó.

Không biết đến bao giờ mới hết những trò khốn nạn và chó má của chúng đây?

Mấy cái bằng cấp da (?) vậy ra lại giá trị hơn là những cái bằng cấp trong nước bây giờ.

Đúng là "một cái bằng cấp da (?) bằng ba cái bằng cấp giấy".


Ngày 29 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Tôi rất thích câu này của người Mỹ: When someone gives you a lemon, make some lemonade and enjoy it.

Quả chanh nào cũng chua. Tặng nhau quả chanh để ăn chơi cho … bổ là xỏ lá kềnh. Nhưng tại sao phải ăn quả chanh ấy để chua méo mặt, lè lưỡi ra? Tại sao phải nhăn nhó mặt mày cho nó xấu trai, xấu gái đi?

Lỡ có ai mang cho một quả chanh thì tương kế, tựu kế, đem pha lấy ly nước chanh mà uống cho khỏe cái người.

Hôm qua trong chương trình tin tức của ABC, tôi được biết có một dịch vụ đang có nhiều người chiếu cố hết mình, đó là dịch vụ bán lại "đồ tế nhuyễn, của riêng tây" của những người sống sót sau những vụ li dị. Không phải là những căn nhà, những chiếc xe đắt tiền, mà là những quần, những áo, những ví tay, giầy dép, đồng hồ, vòng vàng xuyến bạc, kim cương của cuộc sống trước khi đưa nhau ra toà, đánh nhau bằng những thứ võ khí chiến lược có khả năng sát hại hàng loạt qua những lời xúi bẩy của các ông bà luật sư nhân từ mà kho võ khí của ông Saddam Hussein cũng không thấm tháp gì.

Divorcee Sale. Đọc cái tên là biết ngay là dịch vụ bán đồ (?) của các bà, các phụ nữ. Đồ của các nàng toàn là những thứ rất đẹp, mang tên hiệu của các nhà vẽ kiểu thời trang đắt tiền. Gần như tất cả đều chỉ mặc qua một lần là nhiều. Những đôi giầy gót chưa kịp lấm bụi trần, mới chỉ từ những chiếc xe sang trọng bước xuống là lại đạp lên những tấm thảm dầy lún chân… Tất cả đều được bán với giá khoảng dưới một nửa giá khi mới mua.

Những người chủ của chúng nói là nay đã có những đời sống mới nên không muốn nhìn thấy những thứ chỉ gợi ra những chuyện không vui của đời sống cũ nữa.

Thôi nghe như thế cũng thấy đỡ đau cho những người đàn ông vừa bị các nàng quăng đi. Ít nhất thì cái áo ấy mình mua tặng không bị một đứa khác vuốt ve hay đặt tay lên nữa. Mùi nước hoa mình mua cho nhân ngày sinh nhật không bị những cái mũi thô bỉ khác hít hà…

Bán đi là phải.

Còn gì đau bằng chiếc áo lông đắt tiền mua trong chuyến đi Luân Đôn nàng vừa cởi ra đã được một thằng cha xấu trai đi bên cạnh nhanh tay đỡ lấy? Trông thấy như thế, chạy theo đòi xác nhận chủ quyền thì không được. Mà không làm thì đau thắt ruột lại. Thôi nàng bán đi là phải…

Bài hát cho anh giờ đã hát cho mọi người …. Để rồi lãng quên

Nhưng còn các chàng thì sao?

Tội gì mà phải lôi các thứ ra bán? Đôi giầy Bostonian không còn mới nhưng đi còn được vài năm nữa. Bán chẳng ai mua mà vứt đi thì phí. Những chiếc ca vát vẫn còn rất hợp với những chiếc sơ mi có cả chục năm nay. Thì thôi, cứ giữ lại dùng tiếp. Có khi lại còn làm cho phía bên kia tức ứa gan ra thì sao? Càng vui chứ sao nữa?

Ừ đấy, chiếc ca vát mua ở New York lại được một chị khác khen lấy khen để là đẹp, là có "gu", chiếc sơ mi cái cổ sao mà đẹp thế…

Chiếc áo bà mua độ nào
Con nào mở tủ mặc vào cho mi

Thế thì phải giữ lại mà mặc cho phía bên kia điên lên chứ bán đi làm gì, mà bán đi thì chó nó mua à?


Ngày 30 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Bài Những Con Mắt Trần Gian của Trịnh Công Sơn có mấy câu nghe rồi không làm sao quên nổi:

những con mắt tình nhân nuôi ta biết nồng nàn

những con mắt thù hận cho ta đời lạnh cămnhững con mắt bạc tình… những con mắt trần gian… những con mắt muộn phiền… những con mắt quầng thâm… những con mắt lo âu

Tác giả đã gặp đủ những loại mắt trên đời. Sống như vậy là sống đủ. Tôi chưa thấy được tất cả các kiểu mắt như chàng đã thấy, đã kinh nghiệm. Thí dụ những con mắt cho đời lạnh căm thì quả thật là chưa thấy.

Cho mãi tới hôm nay, khi được xem một đoạn video thu tại sân vận động ở Đài Bắc tôi mới thấy đời có thể lạnh căm như thế nào.

Đoạn video của đài ABC cho thấy một người đàn ông cùng với vợ và hai con nhỏ ngồi xem một trận bóng chầy. Người vợ bế một đứa con còn nhỏ, khoảng 1 tuổi. Người chồng ôm con gái khoảng ba tuổi. Đang ngồi xem thì một quả banh bay từ dưới cầu trường vào khán đài. Người đàn ông nhoài người ra để định bắt lấy quả banh nhưng không bắt được. Quả banh rơi xuống hàng ghế trước. Nhưng khi nhoài người ra bắt quả banh thì người đàn ông suýt làm rơi đứa con đang bế trong tay xuống hàng ghế trước. Đứa bé không rơi hẳn xuống, người đàn ông túm được chân con kéo lên. Máy thu hình lúc ấy đang hướng về chỗ cặp vợ chồng ngồi trên khán đài và thu lại được đầy đủ cảnh người chồng bắt hụt quả banh.

Nhưng đó không phải là đoạn đáng xem nhất. Đoạn đáng xem và được chiếu đi chiếu lại mấy lần và đưa lên mạng mà là cảnh người vợ quay sang nhìn người chồng vừa suýt nữa làm rơi con vì mải nhoài người ra bắt quả banh.

Người phụ nữ không nói gì…

Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói

Và cái nhìn đó, chính là cái nhìn "cho đời lạnh căm" như trong câu nhạc của Trịnh Công Sơn. Tất cả các bản tin tiếng Anh trong internet đều dùng những chữ kinh khủng hơn để mô tả cái nhìn của người vợ: the death stare, ánh mắt giết người.

Với đôi mắt nhìn như thế thì cần gì phải nói nữa. Nhiều khi chỉ cần im lặng thở dài là cũng đủ chết người rồi. Khi cần nói thì nói, khi không cần nói thì chỉ nhìn thôi. The sound of silence mới là ghê khiếp.

Trận banh chấm dứt. Hai người bế con ra xe về nhà. Vẫn một sự im lặng chát chúa. Người chồng đặt con vào ghế sau. Người vợ lên ngồi phía trước. Người chồng lái xe về nhà. Đoạn đường dài hơn mọi lần. Người chồng tìm cách làm cho không khí bớt ngột ngạt bằng mấy câu hài hước "… thằng Lấng Dzủng ngu góa là ngu… lủ mẻ mấy sếnh sáng ở Bế Gình dzẻ cái lưởi pò mà léo có thằng lào dám lói con kiệc gì, công ang vẫn pắc mấy thằng piểu tình oắn thấy tía luông… dzui kể số gì…"

Người vợ vẫn không nói gì. Không khí lạnh người tuy Đài Bắc chỉ mới chớm thu. Người đàn ông lái xe về đến nhà, đậu xe vào ga ra, bế con vào nhà, đóng cửa cho vợ, ngồi xuống ghế vặn ti vi lên coi phim Tầu (không chuyển âm) thì chiếc remote control bị giằng lấy, bàn tay bấm cái toách, tắt cái ti vi, và lúc đó, đài phát thanh mới ra rả phát thanh.

Chao ôi là … những con mắt thù hận lúc ấy mới cho ta đời lạnh căm.

Chỉ có chết.

September 22, 2011

September 23, 2011

Ngày 19 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Tần Hoài là tên một con sông ở tỉnh Giang Tô, chẩy lên phía bắc vào sông Trường Giang. Đỗ Mục, một nhà thơ lớn của đời Đường, trong một đêm neo thuyền trên con sông này có viết một bài tứ tuyệt mà ông đặt tựa cho là Bạc Tần Hoài, nghĩa là đậu thuyền ở sông Tần Hoài. Một tựa khác của bài thơ này là Tần Hoài Dạ Bạc, đêm neo thuyền trên sông Tần Hoài.

Bài thơ gợi lên nỗi đau sót của họ Đỗ khi nghe tiếng nhã nhạc, giọng ca nữ vọng sang từ một quán rượu ở phía bên kia sông, ca khúc (…"được mang tên là…", theo cách giới thiệu nghe đã mòn nát ra của các ca sĩ trước khi hát) Hậu Đình Hoa (hoa ở sân sau) mà người ta tin là một trong những nguyên nhân đưa tới việc nhà Hậu Trần mất vào tay nhà Tùy:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Ban đêm khói phủ trên dòng sông lạnh, trăng chiếu lung linh trên cát. Buổi tối thuyền neo lại trên sông Tần Hoài, gần một quán rượu. Người ca kỹ trong quán không biết đến hận mất nước nên vẫn cất tiếng hát bài Hậu Đình Hoa, bài hát thường được cất lên trong những bữa tiệc của vua Trần Hậu Chủ để mua vui cho Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần thời Nam Bắc Triều.

Nỗi buồn của Đỗ Mục là bài hát gây cảnh quốc phá gia vong, cảnh đổ nát của nguyên một triều đại, thế mà người ca kỹ không biết đến cái đau mất nước nên vẫn hát bài Hậu Đình Hoa trong quán rượu:

Khói lan mặt nước, trăng trên cát
Trên bến Tần Hoài cạnh tửu gia
Ca nhi đâu biết buồn vong quốc
Bên sông vẫn hát Hậu Đình Hoa

Thỉnh thoảng xem những video ca nhạc sầu thảm lãng mạn, nghe những bài hát viết rất dở, hát bằng những giọng hát tệ không kém, là bài thơ của Đỗ Mục lại trở về với tôi, nhất là trong những ngày chuyện biển Đông, chuyện biên giới miền Bắc đang sôi động, đe dọa sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam . Những lời ca vô ý nghĩa, những âm thanh cố gắng viết ra không một cảm xúc, không tạo nên bất cứ một ấn tượng nào cho người nghe, nếu chúng có tình cờ lọt vào tai thì đành bỏ đi chỗ khác vậy.

Tuần trước, tại một cuộc tụ họp để bầy tỏ thái độ trước những chuyện đang xẩy ra ở Việt Nam, ở trên đất liền, trên biển Đông, chắc chắn một số người cũng phải cảm thấy như Đỗ Mục trong bài Bạc Tần Hoài của ông.

Tuy bài Hậu Đình Hoa không được hát lên, vì thực ra, không có bao nhiêu người biết được bài hát ấy, kể cả những chuyên gia về văn học Trung quốc, nhưng người nghe chắc cũng phải thấy như Đỗ Mục, nhẹ ra là ngỡ ngàng, xúc động hơn thì phải nổi giận.

Một giọng ca nam, trong phần phụ diễn cho cuộc tụ họp, đã hát một bài ca với lời kêu gọi một cô em nào đó hãy ngủ đi.

Trời còn sáng, chiều chưa đến, tối còn lâu mới tới mà đã bảo người ta ngủ đi là không được. Hơn thế nữa, tại một cuộc tụ họp để nói lên quyết tâm vì quê hương đất nước đang lúc lâm nguy thì bài hát đó lại càng không thích hợp chút nào.

Đáng lẽ phải là những lời kêu gọi mọi người thức tỉnh … (… nước Việt bừng ngàn sống, thanh niên tung gông phá xiềng…) hô hào đứng lên (…liều thân sống giữ gìn non sông…) thì bài hát cất lên tại cuộc tụ tập kêu gọi "người em bé bỏng" ngủ đi.

Tại sao lại có thể hát một ca khúc hoàn toàn không thích hợp như thế trong một cuộc tụ họp để kêu gọi lòng yêu nước, tạo ý thức về hiểm họa mất nước như vậy? Tôi chỉ nghe thấy đoạn cuối của bài hát ấy trong phóng sự truyền hình về buổi tụ tập nên không biết đích xác đó là ca khúc của ai, tựa bài hát là gì. Nhưng lời kêu gọi dỗ dành ngủ đi thì tôi nghe rất rõ. Tôi nhớ cái mặt đờ đẫn của giọng hát ấy, vì người có giọng hát đó cũng đã từng đóng giả làm người lính Việt Nam Cộng Hòa trong một cuốn DVD làm cách đây không lâu. Cũng mũ sắt, áo trận, phía sau còn có mấy người mặc quân phục đi lớ ngớ (?) trông rất oai hùng… giả.

Tại cuộc tụ họp, chàng không mặc quân phục, hát bài ru một phụ nữ ngủ đi.

Tại sao ban tổ chức lại để cho điều đó xảy ra? Tại sao không giật lấy cái microphone, đuổi phắt người đàn ông ấy xuống, xin lỗi những người tham dự cuộc tụ họp, thay thế bằng những bài hát khác.

Tôi không kỳ vọng giọng hát đó ý thức về việc đem bài hát hoàn toàn không thích hợp ra hát trong một dịp như thế. Kỳ vọng như vậy là chờ đợi quá nhiều nơi người ca nhân ấy.

Nói là không có những bài hát khác chăng? Vậy thì chắc chưa nghe "Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nói giống Tiên Rồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung…" hay "Trên sông Bạch Đằng, quân Nam hò reo, sóng nước vang đưa bao con thuyền mành trôi theo, cờ bay gươm tuốt ra quân vùng lên…" hay "Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến… Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? Quyết chiến. Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh..." hay "…lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông…" hay "Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu, dấy binh lấy lau làm cờ, quên mình, liều mình giúp nước…"

Phải là những bài hát như thế chứ sao lại đứng trên sân khấu léo nhéo, thều thào bảo em bé ngủ đi?

Tại sao ban tổ chức không đề nghị những bài hát như đã kể ở trên, mà lại để cho giọng hát giúp vui (?) đó hát một bài nhảm nhí như thế?

Đồng ý là cũng có những lúc để hát "Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung…", và có lúc để "… Ngủ đi mộng vẫn bình thường…" rồi cũng như có lúc để "Em đến thăm anh một chiều mưa…" để "hò hẹn muôn chiều ta có nhau…" …

Nhưng tại cuộc tụ họp hô hào chống Việt Cộng và Trung Cộng mà hát bài ru ngủ cục cưng thì không được.

Lỗi là của ai đây?

Lỗi nơi người ca sĩ "bất tri vong quốc hận" hay lỗi nơi ban tổ chức không có ai bước lên giật cái microphone, đá cho cậu ca sĩ ấm ớ kia một phát vào đít, đuổi xuống khỏi sân khấu và dậy cho cậu ta một bài học về chuyện hát xướng?


Ngày 20 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Tuần trước ở Fort Worth thuộc tiểu bang Texas đã xảy ra một chuyện mà tôi nghĩ có thể từ đây sẽ trở thành một chiều hướng mới cho nước Mỹ.

Tại một công trường sửa sang đường xá của thành phố, các công nhân dựng lên tấm bảng với hàng chữ MEN AND EQUIPMENT WORKING để nhắc người đi đường và xe cộ cẩn thận để tránh tai nạn.

Nhưng lập tức một số, chắc gần hết là phụ nữ, đã lên tiếng phản đối, đòi phải dẹp tấm bảng đó đi.

Lý do khiến các phụ nữ ở Fort Worth nổi giận là vì tấm bảng bầy ra một thái độ kỳ thị nhắm vào phụ nữ. Trong số các công nhân làm việc tại công trường, có cả các phụ nữ. Nhưng tấm bảng dùng chữ MEN WORKING, làm như thể không có ai là phụ nữ làm việc ở đó.

Thực ra thì gần đây, phụ nữ có làm rất nhiều công việc trước đây chỉ do đàn ông đảm trách. Đó là những công việc nặng mà người ta thường cho là chỉ có những người đàn ông mới làm được. Thí dụ những việc như lái xe vận tải 18 bánh, xe cần trục, xe ủi đất, xe trải nhựa đường…

Bởi thế, tấm bảng MEN WORKING là một phủ nhận những đóng góp của phụ nữ trong nhiều công việc của xã hội hiện nay.

Những phụ nữ làm những công việc nặng nhọc này, có lúc thường được thấy trong những bức ảnh chụp cảnh quét đường ở Mạc Tư Khoa nhiều hơn. Những người đàn bà mặc quần áo lam lũ trông bà nào cũng như bà nào, mặt mũi rất giống Nina, vợ của đồng chí tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô Nikita Khruschev và các phu nhân của mấy anh lãnh tụ gốc nông dân hồi ấy.

Những loại công việc đó thường ít khi được trao vào tay của các phụ nữ Mỹ. Trong các công xưởng thì có, như tấm bích hương vẽ một phụ nữ (Rosie the Riveter) đang sắn tay áo phô bắp thịt và nói lớn câu "We Can Do It!" .

Ngày nay, phụ nữ ở Mỹ đã được trao cho đủ mọi thứ công việc trước kia chỉ dành cho nam giới. Mới đây các nữ quân nhân hải quân Mỹ đã được cho phục vụ trên các tiềm thủy đĩnh với các nam quân nhân. Nhiều phụ nữ cũng lái chiến đấu cơ và trực thăng võ trang tại hai chiến trường Afghanistan và Iraq.

Vì thế, tấm bảng MEN AND EQUIPMENT WORKING rõ ràng là kỳ thị, là sexist, theo cách nói bây giờ.

Sau mấy ngày, tấm bảng đó đã bị dẹp. Thành phố chắc chưa làm xong những tấm bảng khác để thay thế, ghi rõ MEN AND WOMEN WORKING cho yên lòng các phụ nữ.

Nhưng rồi người ta cũng phải đổi tên gọi những chiếc cửa để leo xuống những đường ống ngầm đặt ống nước, dây điện trong thành phố, những cái MANHOLE. Gọi chúng là MANHOLE bay giờ không còn được nữa. Phải đổi thành WOMANHOLE chăng? Nhưng gọi như thế có kỳ không?

Hay là đổi thành PERSONHOLE để khỏi bị phản đối như người ta đã phải bỏ danh từ CHAIRMAN để thay bằng CHAIRPERSON?

Còn nhiều tiếng khác cũng cần phải đổi nếu muốn chỉnh về mặt chính trị, như MANIFEST, MANICURE, MANAGEMENT, MANEATER (cọp ăn thịt người) vân vân, như các phụ nữ trong phong trào phụ nữ giải phóng (Women Liberation Movement) đã than phiền lâu nay.

Nhưng khi nói rằng bọn đàn ông cái gì cũng muốn dính vào, và chính bọn đàn ông đã mở đầu (?) cho cả chuyện MENOPAUSE của các nàng vì danh từ này có ngay chữ MEN đứng ở đầu thì quả là đã đi quá đà. Đúng là bất khả thuyết.


Ngày 21 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Trong các tác phẩm văn học cổ điển, người ta đọc thấy không biết bao nhiêu là gương hiếu học.

Từ chuyện người thiếu niên chăn lợn đứng lấp ló ngoài cửa lớp được thầy gọi vào cho học, đến người học trò bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để lấy ánh sáng học bài, rồi Châu Trí đốt lá lên học, người khác thì cột tóc lên xà nhà để khỏi ngủ gật. Tất cả đều thành công nhờ bản tính cố gắng và ham học.

Những chuyện ấy, có những chi tiết tin được và có những chi tiết không mấy khả tín. Bắt đom đóm làm đèn học thì hơi cường điệu. Đom đóm không phải là một nguồn sáng liên tục, lại bị nhốt trong cái vỏ trứng dầy thì làm sao đủ sáng cho người học trò hiếu học.

Viết bài học lên lá chuối thì tạm tin được, vì chính Abraham Lincoln trong thời niên thiếu cũng phải đi bộ một quãng dài đến trường rồi còn phải dùng than viết lên chiếc xẻng để làm bài tập.

Nhưng xem bức hình của VNExpress chụp mấy em bé đi học thì người ta thấy gương hiếu học của các em vượt xa những điển cố chúng ta đọc được trong những tác phẩm cổ điển.

Bức ảnh có kèm một bài viết ngắn kể rằng tại huyện Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình, vì không có cầu bắc ngang qua đoạn sông Khe Rào nên các em học sinh , có những em còn rất nhỏ, 8 hay 9, 10 tuổi mỗi ngày phải bơi qua khúc sông từ bờ bên này sang bờ bên kia đo được khoảng 20 mét để đến trường. Các em mỗi ngày phải bơi qua sông hai lần như thế để tới trường và về nhà.

Bài báo cho biết khoảng 20 em theo học tại các trường tiểu học hoặc trung học ở Trọng Hóa thường phải dậy rất sớm, đi bộ khoảng 7 km mới đến bờ sông. Tại bờ sông, các em phải cởi hết quần áo, túm lại cùng với sách vở bỏ vào những bao plastic trước khi lội xuống sông. Bức hình của VNExpress cho thấy nước sông gần ngập đầu các em, có em phải ngửa cổ lên để thở trong khi tay giơ cao khỏi đầu những túi plastic quần áo và sách vở cho khỏi ướt.

Bức hình chụp 5 em cả trai lẫn gái đang lội dưới sông. Có một điều người ta thấy ngay, đó là tất cả đều tươi cười, vui vẻ. Các em là con em của dân bản Ông Tú và bản Ka Óc. Mỗi ngày, để đến trường các em đều phải trải qua những kinh nghiệm gian khổ như vậy. Trong mùa mưa bão, nước sông chẩy siết, các em phải nghỉ học đến cả tháng.

Dân chúng đã xin với chính quyền cho xây một cây cầu nhưng đến nay, lời yêu cầu này vẫn chưa được thỏa mãn nên các em vẫn phải bơi qua sông để đi học.

Con đường đến trường của các em không có lá vàng rơi trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, không có những đám mây bàng bạc, không có lá ngoài đường rụng nhiều, không có bàn tay người mẹ âu yếm dẫn đi trên con đường tới trường. Các em lội bộ, băng sông một mình để đi học mà vẫn vui vẻ mặc dù chuyến lội sông có thể trở thành thảm họa bất cứ lúc nào.

Đó mới là gương hiếu học chứ những Trác Giận, Uất Trì Cung, Châu Trí … thì đã thấm tháp gì.

Những ngươi vừa kể tên ở trên thì ít ra, sau những vất vả như thế, tất cả đều thành công trong đường đời.

Nhưng các em thì sao? Các em còn tiếp tục đi học trong tình thế và hoàn cảnh ngặt nghèo như thế đến bao giờ?

Dẫu sao những gương hiếu học của Uất Trì Cung, Trác Giận, Châu Trí cũng xẩy ra cả mấy trăm năm hay cả ngàn năm trước, khi mà xã hội còn rất nhiều khó khăn, tổ chức chưa được qui mô. Nhưng những chuyện ở Quảng Bình thì đang xẩy ra vào lúc này, ở một cái nước lúc nào cũng phét lác thành tích này nọ.

Mẹ kiếp hay như thế mà những em bé ở Quảng Bình còn khổ như cách đây hàng trăm, hàng mấy trăm năm trước, nghe không khác gì những cảnh nghèo khổ qua cách cực tả của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Khái Hưng, Thạch Lam… Trong khi bọn lãnh đạo thì cứ sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Xem căn nhà của Lê Khả Phiêu là lại muốn phạm tội đốt nhà và sát nhân là thế.

Thật là khốn nạn hết chỗ nói.

Sao các em không ngồi nhà, như một thằng chó ở Phú Thọ, tiếng Anh không biết một chữ, chưa ra khỏi nước bao giờ mà vẫn có bằng BA của Mỹ.

Lội sông làm gì cho mệt?


Ngày 22 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Tôi có một chiếc sơ mi treo trong tủ đã gần một chục năm không lôi ra mặc lại. Thực ra, tôi chỉ mặc nó có đúng một lần duy nhất.

Tôi không bao giờ mặc lại nó sau khi lấy từ tiệm giặt khô về. Mỗi lần mở tủ kiếm quần áo mặc đi làm, tôi lại thấy nó. Đổ vật tư nhân. Trông thấy nó là lại nhớ người cho tôi cái áo ấy.

Hôm đó, sau khi pha cho mình ly cà phê, tôi một tay cầm ly cà phê, một tay cầm tờ báo định đi tới chiếc ghế cạnh cửa sổ để ngồi đọc tờ báo, chờ đến giờ đi làm thì tôi đạp phải một chiếc giầy cà chớn nằm giữa phòng. Ly cà phê trên tay đổ hết vào chiếc áo mới. Đúng là đụng cái gì cũng đổ (chỉ thi là không đổ như lời chọc quê của một người bạn Nam Kỳ) hay đồ hậu đậu (như lời trách mắng của ông bố tôi).

Chỉ còn có cách cởi nó ra, ném vào đống quần áo góc nhà, đợi cuối tuần đem đi giặt khô. Tuần lễ sau đó, tôi lấy nó về nhưng cũng không mặc được nữa. Ly cà phê Ethiopa đổ trên ngực áo giặt không sao hết. Một miếng giấy của tiệm giặt cho biết đã làm hết cách mà vết loang mầu nâu chỉ nhạt đi một chút.

Thế là nó được treo vào tủ, ở phía tận cùng với mấy thứ quần áo ít khi mặc đến. Tôi không nỡ quăng nó đi, mà mặc nó thì không được.

Nhưng có thể tôi sắp lôi nó ra mặc. Và lần này, tôi sẽ không cần phải che phần ngực áo bị cà phê đổ vào nữa. Không cần phải mặc chiếc jacket ra ngoài để che lại. Tôi sẽ là một tay thời trang lịch lãm với chiếc áo cũ dính cà phê đó.

Sáng hôm qua, bản tin của AP cho biết để kỷ niệm 40 năm hoạt động, công ty cà phê Starbucks đã nhờ Alexander Wang, một nhà vẽ kiểu từng đoạt giải thưởng của CFDA/ Vogue Fashion Fund vẽ một mẫu áo T-Shirt cho Starbucks. Trong tuần này, Starbucks và Nordstrom đã bắt đầu bán những chiếc T-Shirt này với giá $85 mỗi cái. Một bức ảnh chụp một nữ kiểu mẫu mặc chiếc T-Shirt này cho thấy trên ngực áo có một khoảng mầu nâu hệt như chiếc sơ mi của tôi, chiếc sơ mi bị ly cà phê đổ vào giặt không đi. Khác một chút là trên chiếc T-Shirt, cà phê được cho chẩy ngoằn ngoèo xuống phía dưới để tạo thành cái logo của Starbucks.

Vậy mà nó được bán với giá $85 một chiếc. Bộ Starbucks không biết là nước Mỹ đang trong cơn suy thoái kinh tế hay sao?

Nhưng chiếc T-Shirt của Starbucks đã gợi ý để tôi cứu chiếc sơ mi ra khỏi cuộc sống tăm tối của nó từ gần mười năm nay. Nó đã không thấy được ánh mặt trời suốt bằng ấy năm.

Nó không là "áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong / hôm xưa em đến mắt như lòng". Nó chỉ là cái áo gần mười năm không mặc, nay bỗng trở thành thời trang mà không mất một đồng bạc nào cho Starbucks.

Muốn có chiếc T-Shirt không phải là chuyện khó làm. Pha một ly cà phê. Uống gần hết thì đổ chỗ cà phê còn lại, cặn cũng được, lên mặt bàn. Lấy chiếc T-Shirt mới đặt lên chỗ cà phê đổ, đè nhẹ xuống để cà phê thấm vào những sợi cotton. Nhấc chiếc áo lên, dùng bàn ủi nóng ủi cho cà phê chết vào các thớ vải, đem đi giặt khô, lấy về mặc vào là tiết kiệm được $85.

Tại sao phải chi $85 cho một công ty, mà theo một báo cáo mới đây, đã bóc lột tàn tệ những đứa bé Ethiopia da bọc xương ở những đồn điền cà phê để Starbucks càng ngày càng giầu thêm? Làm đúng theo lời chỉ dẫn ở trên là có ngay một chiếc T-Shirt rất thời trang mà không một luật sư tài giỏi và đắt tiền nào của Starbucks có thể kiện để đòi bồi thường.

Còn chiếc sơ mi treo trong tủ thì lấy ra mặc vào, khoác thêm chiếc jacket là đủ bộ để chào mùa thu vừa trở lại.

Bao giờ Harrison Ford và Calista Flockard bán những chiếc sơ mi có đổ một ly Merlot thì trong tủ áo của tôi cũng lại đã có sẵn ít nhất là ba chiếc sơ mi bị đổ rượu giặt không ra. Chúng sẽ được mang ra mặc như chiếc sơ mi của Harrison Ford bị Calista Flockard cầm ly rượu té cái rầm vào người và đưa tới việc hai người lấy nhau.

Có tới ba chiếc áo bị đổ rượu mà vẫn không thấy thay đổi gì trong đời sống như Harrison Forfd. Hay là tại đó là những vết rượu đỏ do chính sự vụng về của mình tạo ra?


Ngày 23 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

The Animal Farm, cuốn ngụ ngôn của George Orwell viết về những con vật trong một nông trại nổi lên đánh đuổi người chủ trại tàn ác, thiết lập một xã hội mới, nơi không một con vật nào còn bị những con vật khác bóc lột, ngược đãi, đối xử bất công nữa.

Nhưng chỉ một thời gian sau, chính những con vật lãnh đạo mới của trại lại quay sang hợp tác, buôn bán, làm ăn với các trại bên cạnh. Mấy con heo, những lãnh tụ mới của trại, bắt đầu đi lại với các trại chủ khác và hành xử hệt như bọn người, khi chúng cũng bắt đầu giở trò bóc lột ngược đãi những con vật trong trại. Chúng tụ tập ăn nhậu với bọn người ở các trại kế bên, và tại bàn tiệc, những con heo lãnh tụ mới của trại trông không khác gì lũ người đi hai chân chuyên bóc lột, hành hạ những con vật nuôi trong trại.

Bọn heo cũng mặc quần áo, đi hai chân khi giao tiếp với bọn trại chủ. Những con vật nuôi trong trại một hôm lén nhìn thấy cảnh những con heo tiệc tùng với lũ người đã không nhận ra đâu là bọn heo đâu là bọn người nữa.

Tôi nhớ đến một bức hình trong cuốn sách của Tiziano Terzani, một nhà báo người Ý viết về biến cố tháng Tư năm 1975. Bức hình chụp một phụ nữ trẻ nhưng mặt mũi vẩu viu, đôi mắt đầy hãi hùng, đầu quấn chiếc khăn rằn , tay cầm một khẩu AK đứng ở góc đường Tự Do và Lê Lợi. Người nữ du kích này còn chưa định thần lại được sau khi tiến vào Sài Gòn. Nét rừng rú trên mặt chưa kịp bay đi. Quần áo đúng là vừa từ rừng về.

Nhan sắc ấy được coi là vẻ đẹp của cách mạng. Và cách ăn mặc của cô em du kích được đem ra áp dụng ngay tại Sài Gòn và các thành phố miền Nam. Áo dài là không được nữa. Tóc tai không còn được chải bới như trước nữa. Phụ nữ miền Nam muốn được yên thân đã phải dẹp bỏ những cách ăn mặc, trang điểm của những ngày trước khi bọn người rừng tiến vào.

Những chiếc áo dài bỗng biến mất. Chúng bị cắt hai vạt trước và sau để không còn là áo dài nữa.

Nhưng rồi thỉnh thoảng trong những hình chụp trên báo Nhân Dân, người ta lại thấy những chiếc áo dài trong những buổi lễ ở Hà Nội, khi thì đón tiếp vài vị khách ngoại quốc, khi thì tại những buổi liên hoan của nhà nước.

Nhìn kỹ thì những chiếc áo dài đó được may theo kiểu áo dài miền Nam. Thí dụ cái cổ cao là một. Hai tay raglan là hai, và tà áo thì dài hơn những cái áo dài trước năm 1954 ở Hà Nội của mấy bà cô bà dì tôi.

Như vậy là làm sao? Là các đồng chí thấy vẻ đẹp cách mạng thực ra cũng không đẹp lắm. Vẻ đẹp đồi trụy của Ngụy thực ra có đẹp hơn thì phải. Sau một thời gian, thì nhiều người cũng thấy quần áo, y phục của phụ nữ miền Nam có đẹp thật. Vẻ đẹp cách mạng dần dần được dẹp bỏ. Áo dài trở lại.

Mấy chị vợ của mấy anh cao cấp là những thành phần từ bỏ lối ăn mặc cách mạng sớm nhất. Các chị cũng được cho đi theo mấy anh chồng tại các buổi tiếp tân, rồi trong những chuyến đi ra nước ngoài. Các chị không bà ba, áo ngắn, quần kaki Nam Định, dép râu nữa. Các chị cũng quần chùng áo dài mầu sắc rực rỡ hệt như các phụ nữ miền Nam trước đây.

Mấy tuần trước, một tờ báo ở đây có đăng hình vợ chồng của một nhân viên ngoại giao Hà Nội đến Los Angeles. Chị vợ trông không có vết nước phèn nào. Cũng áo dài mầu sắc sặc sỡ, anh chồng mặc veste, ca vát điệu đà trông khác xa hình ảnh người nữ du kích trong cuốn sách của Terzani.

Không biết người nữ du kích đó nay ở đâu. Hơn ba chục năm, cô đã thành một phụ nữ lớn tuổi. Nhan sắc không có bao nhiêu, lại thêm lam lũ tất bật với đời sống, mặt mũi cô bây giờ ra sao. Cô nghĩ thế nào khi cái đẹp cách mạng của cô đã bị dẹp đi và thay thế bằng cách ăn mặc mà chính cô đã góp phần vào việc nạt nộ các phụ nữ ở Sài Gòn bắt họ phải từ bỏ.

Bây giờ thì vợ con của bọn lãnh tụ lại lôi chính những thứ quần áo và cách ăn mặc đó ra dùng mới đau.

Đúng là nhìn lại mình, đời đã xanh rêu cô ạ.

September 15, 2011

September 16, 2011

Ngày 12 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Ông Trạng Quỳnh là người không ít người nghe tên nhưng cũng không nhiều người biết rõ ông bao nhiêu. Chỉ biết ông là nhân vật có thật, sống vào thời vua Lê chúa Trịnh.

Có nhiều giai thoại về ông nhưng mức độ thực hư thì vẫn còn rất mù mờ. Gần như tất cả đều có vẻ truyền thuyết hơn là sự thực.

Có một chuyện có lẽ được bịa đặt ra để diễu vua Lê mà thực ra cốt để mua vui thì nhiều hơn.

Chuyện kể rằng không biết ông Trạng làm gì mà nhà vua rất bực ông nên vua sai lính đến tận nhà ông để trả thù. Toán lính được lệnh vua tới đại tiện vào nhà ông. Ông Trạng ra gặp lính, đồng ý để cho đám lính đại tiện vào nhà ông như lệnh của vua. Nhưng ông nói với đám lính rằng nhà vua chỉ sai họ đến nhà ông để đại tiện mà không nói là cả đại lẫn tiểu tiện nên ông không cho toán lính tiểu tiện ra nhà của ông. Đại tiện thì được. Tiểu tiện thì nhất định là không được. Toán lính cố làm theo lời của ông Trạng nhưng thông thường thì hễ có đại thì phải có tiểu. Không có tiểu thì không thể có đại được. Đám lính của vua Lê đành phải ôm bụng ra về tâu lại với vua. Vua công nhận nhận là Trạng Quỳnh có lý. Biện pháp đại tiện vào nhà Trạng Quỳnh phải thu hồi.

Chuyện này có thật hay không thì khó biết được. Người ta nghi chuyện được bịa ra để nghe chơi cho vui. Vua chúa ai lại làm việc mất dậy như thế.

Nhưng ngày nay, luật lệ, đạo đức của nhà cầm quyền nước ta đã đã suy đồi đến mức không chữa được nữa.

Bọn chó ở Hà Nội không chừa bất cứ một trò lục sở nào để đối xử với những người chúng không ưa. Ít nhất cũng có một nhà văn có đường lối chống lại bọn chó đã bị bọn chó sai lũ côn quang đến tận nhà của nhà văn này ở Hà Nội và liên tiếp trong nhiều ngày, ném phân vào sân nhà của bà. Đó là chuyện có thật, nhờ có những bức hình chụp chuyển ra nước ngoài người ta mới biết được trò mọi rợ và mất dậy của bọn chó.

Cưỡng chế dẹp chợ : Chính quyền phun nước thải toilet vào người dân

Tưởng đó chỉ là trò làm lén trong đêm, sáng ra thì bọn đầu trâu mặt ngựa trốn biệt. Nhưng một video thu được cảnh đàn áp ngươi dân diễn ra ngày 7 tháng 12 năm 2009 cho thấy bộ mặt đểu giả của bọn thú vật tại Hạ Long giữa ban ngày ban mặt đã khiến cho người xem không còn hiểu lũ thú đội lốt người có còn được một nhất điểm lương tâm nào không nữa. (Bạn có thể xem đoạn video thu đầy đủ cảnh thương tâm này ở địa chỉ: http://www.youtube.com/user/nguoiHN#p/a/u/2/Vcw8I5cotr0

Nhà cầm quyền Hạ Long tìm cách giải tỏa chợ Hạ Long 2 để lấy chỗ xây Trung Tâm Thương Mại mà không chịu đền bù gì cho những người buôn bán ở chợ. Khi người dân không chịu di chuyển đi nơi khác để buôn bán, chính quyền đã dùng một chiếc xe bồn, loại xe hút bồn cầu tiêu, đến tận nơi , phun nước tiểu và phân thẳng vào hàng hóa, rau trái, và luôn cả vào người dân buôn bán ở chợ.

Những người dân, có người chỉ có một khay vài cái bánh đem bán để kiếm sống, cùng với những rau trái, hàng hóa bầy trên lề đường đều bị nước phân từ chiếc xe bồn của 1 cơ quan nhà nước phun thẳng nước bẩn vào. Nào có phải là những quầy hàng sang trọng gì cho cam. Tất cả đều là những thành phần buôn thúng bán bưng độ nhật qua ngày, đóng thuế chỗ đầy đủ. Phải nhìn thấy những khuôn mặt méo xệch, gào lên như khóc, kể những oan khuất và những bất công phải gánh chịu người xem mới thấy được phần nào hậu quả của những hành động đê tiện của bọn côn quang. Người ta cũng nghe thấy rất rõ những câu chửi rất thô tục nhắm vào những tên công an có mặt.

Tôi bỗng nhớ lại căn nhà mấy tầng của Lê Khả Phiêu, trong nhà bầy cả trống đồng, trên sân thượng có một vườn rau xanh tưới bằng nước sạch để những cái mõm chó không phải ăn những thứ rau trái tưới bằng nước ô nhiễm, rồi nhìn những quầy bán rau của người dân bị phun nước phân vào để giải tỏa chợ thì người ta thấy những trò khốn nạn ở Hạ Long chỉ có thể là việc làm của bọn đầu trộm đuôi cướp, vô giáo dục ở mức cùng cực mới có thể làm được.

Người ta không biết bọn chó má sẽ còn tiếp tục tác yêu tác quái, đè đầu bóp họng những người dân khốn khó của nước Việt cho đến bao giờ.

Mãi mà sao lũ chó bọ chưa chịu lao đầu vào hố xí chết hết đi cho rồi?

Sao mà ông Trời bất công đến như thế này!


Ngày 13 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Hồi mới sang Canada, trong một bữa đi mua sắm, lần đầu tiên tôi trông thấy những chiếc quần jeans làm tại Trung quốc trong một tiệm bán quần áo ở đường Yonge, Toronto.

Những chiếc quần có cái nhãn Made In China gắn ở bên trong lưng quần. Tôi nghĩ ngay là bác Mao cuối cùng đã phải nuốt tự ái để may những chiếc quần jeans, thứ quần đặc biệt của đế quốc để o bế những cái đít của đế quốc.

Thế là hết huênh hoang chống Mỹ, con cọp giấy đáng khinh bỉ nữa nhé. Từ nay phải cúc cung gò lưng may mấy cái quần jeans bán sang Canada, sang Mỹ để kiếm sống.

Nhưng bảo rằng may những cái quần jeans này là o bế những cái đít của đế quốc thì cũng chưa đúng hẳn. Bề gì những cái quần jeans cũng mặc ở ngoài, phải qua cái quần lót mới đến cái đít của đế quốc.

Nhưng mới đây, một bản tin từ Việt Nam cho biết những món quần áo lót làm tại Trung quốc bán sang Việt Nam rất nhiều đang làm khổ những cái đít của người tiêu thụ. Nhiều phụ nữ Việt Nam nói rằng những chiếc quần lót sản xuất tại Trung quốc mà nhiều phụ nữ mua về để cải thiện vùng hậu cần đã gây ngứa ngáy khó chịu cho người mặc chúng. Người tiêu thụ than phiền là những sản phẩm này còn làm nhiễm trùng các khu vực miền dưới. Bản tin không cho biết nhà cầm quyền có ý kiến gì về những sản phẩm ấy không.

Có thể là không. Hàng Trung quốc vẫn được bán sang Việt Nam ào ạt. Trung Thu thì bánh dẻo bánh nướng làm ở Trung quốc không hề qua bất cứ một biện pháp kiểm tra hay xét nghiệm nào trước khi chúng được tung vào thị trường cho người tiêu thụ. Tuần qua, nhà cầm quyền Trung quốc đã tịch thu 100 tấn dầu ăn làm từ dầu thải đáng lẽ phải đem đi hủy. Khi người ta sẵn sàng tung ra những thứ sản phẩm độc hại để tiêu thụ ngay tại Trung quốc thì tại sao phải cẩn thận với những sản phảm bán sang Việt Nam? Lượng dầu ăn bị tịch thu có chứa những độc chất như carcinogenaflatoxin có thể gây bệnh ung thư được tung ra bán tại 14 tỉnh của Trung quốc. Đọc bản tin này, người ta có lý do để tin là những sản phẩm này cũng được đem sang bán tại Việt Nam. Trước đó, sữa cho trẻ em sản xuất tại Trung quốc cũng làm cho mấy chục em thiệt mạng trước khi nhà cầm quyền ra lệnh cấm tiêu thụ tại Trung quốc.

Nước Mỹ cách đây mấy năm đã cấm nhập cảng nhiều sản phẩm chế tạo tại Trung quốc, từ đồ chơi như mấy cái vòng đeo tay cho các trẻ gái, những chiếc xe sơn bằng sơn có pha chì, đến một số thực phẩm, luôn cả lốp xe hơi không thỏa mãn những tiêu chuẩn an toàn của Mỹ cũng bị cấm nhập cảng. Cả những tấm vách sản xuất tại Trung quốc dùng trong việc xây cất nhà cửa, nhất là trong các chương trình tái thiết sau trận bão Katrina cũng bị coi là gây nguy hiểm cho những căn nhà dùng các vật liệu này.

Người Mỹ rất cẩn thận về các tiêu chuẩn an toàn nên mới ghé mắt vào những sản phẩm nhập cảng từ Trung quốc tung vào thị trường Mỹ. Những thứ không bán trong thị trường Mỹ thì người Mỹ hình như không mấy quan tâm.

Những gói kẹo, những món đồ chơi rẻ tiền ở quầy tính tiền tại các siêu thị Á châu đều dễ dàng tiêu thụ khi các trẻ em theo cha mẹ đi chợ đòi mua chúng. Cha mẹ muốn khỏi bị làm phiền, liền mua ngay cho các em.

Nghĩ đến những thứ này mà phát sợ.

Ảnh hưởng độc hại của chúng có thể không thấy ngay, nhưng vài ba năm, năm bẩy năm, những cái đít của phụ nữ Việt Nam sẽ như thế nào sau khi được Trung quốc o bế bằng những món quần lót bán đầy ở Việt Nam? Và những đứa bé chơi những món đồ chơi rẻ tiền chế tạo bằng những hóa chất độc hại sẽ ra sao? Mấy năm trước, trong những cuộc biểu tình chống những người liên lạc với nhà cầm quyền Việt Nam, một phụ nữ tham dự biểu tình nói rằng bà không để cho người y sĩ thân Cộng sản khám phụ khoa cho bà, và bà không cho người y sĩ ấy đụng vào phần cơ thể đó của bà. Thế thì tại sao lại đem đít của mình cho Tầu o bế?

Đó là chưa kể tới chuyện những người lớn sẵn sàng mua vui bằng những cuốn phim truyền hình với những tuồng tích do Tầu sản xuất sẽ suy nghĩ thế nào về cái quốc gia đang tìm cách nuốt nước Việt Nam bằng đủ mọi cách từ ngoài biển tiến vào đất liền?

 


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 114)

SOME COMMON MISTAKES IN ENGLISH

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 114 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, có mấy chữ này Thúy thấy là rất gần nhau, nhưng rất nhiều lần, Thúy cứ có cảm tưởng không dùng chúng một cách chính xác nên yêu cầu anh dùng nguyên một bài để nói về chúng. Đó là những chữ MANY, FEW, MUCH, LITTLE và một số mấy tiếng khác để Thúy kể ra tiếp sau khi anh giải thích hai cặp vừa kể trên đã.

BBT

Cô Thúy chia chúng thành hai cặp là rất đúng. MANY và MUCH đều có nghĩa là nhiều. FEW và LITTLE cùng nghĩa là ít. Trước hết, hãy nói về MANY và MUCH.

Như hai cô đã biết, các danh từ trong tiếng Anh có hai loại. Một là các danh từ đếm được, gọi là COUNTABLE NOUNS. Hai là các danh từ không đếm được, gọi chung là UNCOUNTABLE NOUNS. QA thử cho vài danh từ có thể đếm được coi.

QA

Đây là mấy danh từ có thể đếm được: BOOK , CAR , PHONE , HOME , MONEY…

BBT

Cô kể ra 5 danh từ thì 4 danh từ có thể đếm được là BOOK, CAR, PHONE, HOME. Danh từ MONEY không đếm được. Chúng ta đếm DOLLARS, POUNDS, LIRAS, PESOS… nhưng chúng ta không thể đếm ONE MONEY, TWO MONEYS, THREE MONEYS.

Cô Thúy cho mấy thí dụ về danh từ không đếm được coi.

LÃM THÚY

Đây là mấy thí dụ UNCOUNTABLE NOUNS: RICE, WATER, AIR, KINDNESS, HAPPINESS…

BBT

Trở lại với MANY và MUCH, chúng ta dùng MANY với các danh từ đếm được và MUCH với các danh từ không đếm được. Mời hai cô, mỗi cô cho nghe hai thí dụ với MANY và MUCH.

QA

THERE ARE MANY CARS ON THE ROADS BEFORE THE HOLIDAY.

MONEY CANNOT BUY MUCH HAPPINESS.

LÃM THÚY

NOT MANY HOMES ARE FOR SALE IN MY NEIGHBORHOOD.

THERE IS NOT MUCH FOOD IN NORTH KOREA.

BBT

Vừa rồi là cách dùng MANY và MUCH. Cứ nhớ MANY dùng với danh từ đếm được và MUCH với các danh từ không đếm được. Nhưng cũng có một cách để dùng thay cho MANY và MUCH khi chúng ta không biết danh từ đi sau là danh từ đếm được hay không đếm được. Chúng ta dùng A LOT OF hay LOTS OF cho cả hai loại danh từ COUNTABLE và UNCOUTABLE. Thí dụ nói A LOT OF CARS hay LOTS OF CARS, A LOT OF HAPPINESS hay LOTS OF HAPPINESS để khỏi phải thắc mắc danh từ đi sau là đếm được hay không đếm được.

Bây giờ qua hai chữ FEW và LITTLE. Chúng ta dùng FEW với danh từ đếm được và LITTLE với danh từ không đếm được.

QA cho nghe thí dụ với FEW và LITTLE.

QA

HE HAS FEW FRIENDS AT SCHOOL.

THEY STILL HAVE LITTLE MONEY AFTER THE TRIP.

LÃM THÚY

FEW STUDENTS LIKE HOMEWORK.

VERY LITTLE RAIN FALLS IN ARIZONA.

BBT

Tại một thư viện gần nhà tôi, ở quầy mượn sách có một tấm poster với hàng chữ này: TOO MANY BOOKS, TOO LITTLE TIME. Mấy chữ này làm tôi nhớ một người bạn đã nói một câu mấy chục năm trước là TOO MANY GIRLS, TOO LITTLE TIME. Tôi nhớ mấy câu này để không bao giờ quên cách dùng MANY và LITTLE, nay xin bầy lại cho hai cô.

Nhưng hai cô để ý những trường hợp này: A FEW khác với FEW. A FEW là vài, mấy. FEW là ít.

Thí dụ tôi nói THERE ARE A FEW APPLES IN THE FRIDGE. THERE ARE FEW APPLES IN THE FRIDGE. Hai câu này rất khác nhau. Một câu có thể hiểu là vẫn còn vài quả táo trong tủ lạnh. Câu kia là còn ít táo trong tủ lạnh. Câu nào là câu nói xong tôi phải đi chợ mua táo ngay?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ THERE ARE FEW APPLES sẽ khiến anh phải đi chợ mua táo. THERE ARE A FEW APPLES thì không cần phải đi chợ mua thêm.

BBT

Đúng vậy. Hai cô cũng nên biết QUITE A FEW lại có nghĩa là nhiều. QUITE A FEW PEOPLE IN MEXICO STILL WANT TO COME TO AMERICA.

Đã có A FEW và FEW rồi thì cũng phải biết thêm A LITTLE và LITTLE nữa cho đủ. Lại đố hai cô hai câu này có khác nhau không: THERE IS A LITTLE MONEY LEFT và THERE IS LITTLE MONEY LEFT. Câu nào nghĩa là còn đủ tiền, không cần ra ngân hàng, câu nào cần phải dùng thẻ ATM lấy tiền ngay bây giờ ?

QA

QA nghĩ câu THERE IS A LITTLE MONEY LEFT nghĩa là vẫn còn một ít tiền , nghĩa là … còn đủ cả ba trái dừa, đu đủ và xoài, nên không cần ra ngân hàng ngay vì vẫn còn dzừa đủ xài. THERE IS LITTLE MONEY LEFT nghĩa là chỉ còn ít tiền nên phải mau ra mấy cái Automatic Teller Machine mới đủ tiền đi chơi weekend.

BBT

Có một câu của Winston Churchill, thủ tướng Anh nói hồi đệ nhị thế chiến để ca ngợi các phi công hoàng gia Anh đã cứu được nước Anh trong những trận mưa bom của không quân Đức. Ông Churchill chơi chữ, dùng đúng mấy chữ cô Thúy hỏi. Câu đó là NEVER WAS SO MUCH OWED BY SO MANY BY SO FEW. Đại khái nghĩa là chưa bao giờ trong lịch sử lại có quá nhiều người mắc nợ quá nhiều một số người ít ỏi như vậy. Nước Anh, theo câu nói này, đã phải mang ơn rất nhiều các phi công hoàng gia, lực lượng chỉ có vỏn vẹn hơn 2 ngàn phi công. Về sau THE FEW trong lịch sử Anh có nghĩa là các phi công Hoàng Gia Anh trong thời đệ nhị thế chiến.

LÃM THÚY

Bây giờ Thúy xin anh cho biết sự khác biệt giữa FOR và SINCE.

BBT

Chúng ta dùng FOR với chiều dài thời gian như 1 giờ, 2 ngày, 3 tuần, 6 tháng, 10 năm . QA cho nghe một hai câu với FOR coi.

QA

WE STAYED IN THE HOTEL FOR 1 WEEK.

MISTER BUSH WAS PRESIDENT FOR 8 YEARS.

BBT

SINCE được dùng với một mốc thời gian, thường là trong quá khứ. Thí dụ SINCE LAST WEEK, SINCE 1999… Cô Thúy thử dùng SINCE với những mốc thời gian coi.

LÃM THÚY

MY COUSIN CAME TO VISIT US SINCE AUGUST.

MISTER OBAMA MOVED TO THE WHITE HOUSE SINCE 2008.

Thưa anh còn chữ AGO thì dùng như thế nào?

BBT

Chúng ta dùng AGO để trả lời những câu hỏi bắt đầu bằng WHEN. Trước AGO là chiều dài thời gian . Thí dụ HALF AN HOUR AGO; TEN YEARS AGO; A WEEK AGO. Thí dụ câu hỏi WHEN WAS NEW YORK ATTACKED BY AL QAEDA? Câu trả lời là gì, QA?

QA

NEW YORK WAS ATTACKED BY AL QAEDA 10 YEARS AGO.

BBT

Còn cô Thúy WHEN WAS VIETNAM DIVIDED INTO TWO PARTS?

LÃM THÚY

MORE THAN HALF A CENTURY AGO.

BBT

Khi câu hỏi bắt đầu bằng HOW LONG , chúng ta có dùng AGO được không?

QA

Như anh vừa nói, chỉ khi câu hỏi bắt đầu bằng WHEN chúng ta mới trả lời bằng AGO. QA nghĩ với câu hỏi bắt đầu bằng HOW LONG, chúng ta phải dùng FOR và theo sau là chiều dài thời gian.

BBT

Đúng rồi. Cô Thúy trả lời câu hỏi này coi: HOW LONG HAVE YOU LIVED IN YOUR HOUSE?

LÃM THÚY

I HAVE LIVED IN THIS HOUSE FOR 8 YEARS. I HAVE LIVED IN THIS HOUSE SINCE 2004.

BBT

Đúng rồi. Cám ơn cô đã cho cả thí dụ với SINCE. Sau SINCE chúng ta đưa ra một mốc thời gian.

QA

QA có câu hỏi này: EVERY DAY viết thành HAI chữ và EVERYDAY viết liền thành MỘT chữ. EVERY DAY và EVERYDAY có khác nhau không?

BBT

Có chứ. EVERY DAY, viết rời, nghĩa là tất cả mọi ngày, không chừa một ngày nào cả. Thí dụ HE COMES HOME EVERY DAY AT 6 P.M.

Nhưng EVERYDAY khi viết liền thì lại là một tĩnh từ có nghĩa là thông thường, không có gì đáng nói, không có gì đặc biệt. Thí dụ IT IS MY EVERYDAY WORK AT THE OFFICE.

Hai cô cho nghe thí dụ về những chữ này coi.

LÃM THÚY

EVERY DAY, I OPEN FOR BUSINESS AT 9 A.M.

IN THE AFTERNOON, THE KIDS MUST FINISH THEIR EVERYDAY HOMEWORKS.

QA

I STILL HAVE TO REMIND MY SON TO TAKE A BATH EVERY DAY.

MY EVERYDAY WORK AT THE OFFICE BEGINS AT 10 A.M.

LÃM THÚY

Thưa anh, LOOSE và LOSE khác nhau như thế nào?

BBT

Rất khác nhau, và không hề liên quan hay gần gũi gì với nhau hết.

LOOSE là tĩnh từ nghĩa là không vừa, không liền lạc với nhau, nghĩa là lỏng lẻo, không dính liền với nhau. Thí dụ AFTER THE DIET, HER CLOTHES ARE LOOSE. LOOSE CHANGE là tiền lẻ. ON THE LOOSE là tại đào, chưa bị bắt thí dụ OSAMA BIN LADEN WAS ON THE LOOSE FOR ALMOST 10 YEARS.

LOSE là động từ, động từ TO LOSE, LOST, LOST nghĩa là mất, đánh mất, làm mất, không còn trong tay nữa.

Thí dụ I LOST 3 CELL PHONES SINCE THE BEGINNING OF THIS YEAR.

LÃM THÚY

Thưa anh, có thể nói SHE IS TRYING TO LOSE SOME WEIGHT được không?

BBT

Được chứ. TO LOSE WEIGHT là xuống cân. TO LOSE MONEY IN STOCKS là mất tiền vì chứng khoán.

QA

QA muốn anh nói rõ hơn về TO LOOK FORWARD và LOOK FORWARD TO, cách dùng chúng như thế nào.

BBT

TO LOOK FORWARD nghĩa là nhìn về phía trước mặt. Thí dụ khi chỉ đường cho ai đó : IF YOU LOOK FORWARD, YOU WILL SEE THE WHITE HOUSE. Trái với TO LOOK FORWARD là TO LOOK BACKWARD là ngó, nhìn lại phía sau.

TO LOOK FORWARD TO theo sau luôn luôn là một danh từ hay một danh động từ tức là VERB+ING. TO LOOK FORWARD TO được dùng để nói về một việc mà chúng ta mong nó diễn ra hay việc nó diễn ra sẽ tạo vui mừng cho chúng ta. QA cho nghe mấy thí dụ với TO LOOK FORWARD TO coi.

QA

MY SON IS LOOKING FORWARD TO GOING OFF TO COLLEGE.

SHE IS LOOKING FORWARD TO STARTING HER NEW JOB.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

ALTHOUGH THE MONEY IS TIGHT, I STILL LOOK FORWARD TO CHRISTMAS.

THINKING OF THE SNOW OF LAST YEAR, MANY PEOPLE DO NOT LOOK FORWARD TO THIS YEAR’S WINTER.

BBT

AS FOR ME, I LOOK FORWARD TO THE END OF THIS LESSON.

QA

MISTER BUI, AS YOU WANT IT, THE LESSON ENDS HERE AND NOW. Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

September 8, 2011

September 9, 2011

Ngày 6 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Anatole France, trong cuốn Le Livre de mon Ami, viết rằng càng về già, ông càng hay nhớ lại ngày tựu trường của những năm thơ ấu.

Tôi nghĩ tới đoạn văn ông viết về ngày trở lại trường sau những tháng hè được dùng làm bài học thuộc lòng của lớp đầu bậc trung học nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên trong trí nhớ… Bài học thuộc lòng bằng tiếng Pháp sau nửa thế kỷ đã trở thành một đoạn văn bằng tiếng Việt trong óc của tôi hồi nào không hay. Nó không còn là nguyên văn tiếng Pháp nữa …

Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers diners à la lampe, et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais , car c’est le temps ou` les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues…

Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì tôi còn nhớ mỗi năm khi bầu trời đầy xao động của mùa thu, những bữa chiều đầu tiên dưới ánh đèn và những chiếc lá vàng trên những cành cây run rẩy; tôi sẽ kể cho bạn nghe về những gì tôi nhìn thấy khi tôi đi ngang qua vườn Lục Xâm Bảo trong những ngày đầu của tháng 10, trời lúc ấy hơi buồn nhưng đẹp hơn bao giờ vì đó là lúc những chiếc lá từng chiếc rơi rụng xuống những chiếc vai trắng của những pho tượng … Điều tôi trông thấy lúc ấy trong vườn, là một cậu bé, tay trong túi quần, chiếc cặp sách đeo trên lưng, trên đường đến trường, những bước chân nhẩy như một con chim sẻ. Chỉ trong óc tôi mới nhìn thấy cậu, vì cậu bé đó là cái bóng, cái bóng của chính tôi cách đây 25 năm… Cậu bé đi nhanh, chiếc cặp sách đeo trên lưng và con quay nằm trong túi. Ý tưởng gặp lại những tên bạn làm cậu vui hẳn lên. Có biết bao nhiêu điều để nói và để nghe…

Anatole France nhớ lại hình ảnh của 25 năm trước. Nếu chú bé lúc ấy 9 hay 10 tuổi thì khi ngồi viết những giòng trên, tác giả Anatole France khoảng ngoài 30.

Còn tôi, khi ngồi nhớ lại chú bé lên 10 ấy, tôi đã gấp đôi số tuổi của Anatole France.

Chúng ta, ai cũng có những ngày khai trường trong đời sống. Nhưng vẫn chỉ có một ngày khai trường chúng ta nhớ nhất. Không phải là tất cả những ngày khai trường. Mà chỉ có một ngày khai trường đáng nhớ nhất

Ngày đó không phải là ngày khai trường của Thanh Tịnh. Ngày khai trường như Thanh Tịnh viết là ngày khai trường đầu tiên, đầy những lo âu, sợ hãi của đứa bé khi được mẹ dẫn đến trường. Chiếc bàn học đầu tiên trong lớp. Tên bạn nhỏ ngồi bên cạnh lạ hoắc, dễ ghét hơn đứa em ở nhà nhiều. Đứa em nhỏ lúc ấy bỗng trở thành đáng yêu hơn bao giờ. Ông thầy giáo trông dữ tợn lạ thường. Ngoài cửa sổ, người mẹ đã đi khuất ở cuối đường, sau bức tường của trường học.

Ngồi lại trong lớp chỉ muốn khóc, đòi về. Nhất định không thèm đi học nữa.

Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi… Bầu trời cuối thu, những đám mây bàng bạc, lá ngoài đường rụng nhiều … lòng nao nao nhớ lại những kỷ niệm của ngày khai trường. Không phải là ngày tựu trường. Chưa bao giờ đến trường làm sao nói trở lại trường…

Nhưng hai ba lần tựu trường sau đó, ngày đầu trở lại lớp hào hứng hơn nhiều.

Cũng như Anatole France có con quay trong túi quần. Cái cặp sách đeo trên lưng cho có. Con quay trong túi mới là chính. Sợi dây để quất con quay trong túi quần kia chờ đến giờ ra chơi mới lôi ra. Bản cửu chương đã thuộc lòng. Những bài tính chia có nhớ cũng đã được mẹ dậy suốt mấy tháng hè. Những bài toán đố động tử, vòi nước, con sên leo từ dưới giếng lên, ban đêm ngừng lại để nghỉ bao giờ lên đến miệng giếng … được dậy kỹ để sửa soạn cho lớp mới. Không còn gì để lo lắng nữa. Chỉ còn một mối lo là ông thầy hay bà giáo nào sẽ dậy lớp mới, có dữ đòn như mấy đứa bạn đã dọa không, hai tên ngồi bên cạnh có tử tế không. Đó mới là những quan tâm lớn nhất sau con quay trong túi quần…

Những ngày tựu trường sau đó đều không có gì đáng nhớ.

Đó là mùa hè cuối cùng ở Hà Nội, những trưa nắng trốn nhà vào Văn Miếu bắt những con chuồn chuồn ngô, những con chuồn chuồn ớt, những con chuồn chuồn kim… chuồn chuồn có cánh thì bay, có thằng kẻ trộm thò tay bắt mày, những trang Tâm Hồn Cao Thượng của De Amicis do Hà Mai Anh dịch, những An Di, Phan Tín, cô giáo Đan Cát Tiên … đọc say sưa trên căn gác xép, tiếng gọi của những tên bạn nhỏ rủ xuống chơi đánh bi, những đồng tiền cạnh được mài kỹ để đánh đáo bật tường, những buổi sáng ngồi sau xe ông bố đi lên Nghi Tàm, ghé lại sân chùa Trấn Quốc có tượng ông hộ pháp trông phát khiếp trong hơi sương mát lạnh, vòng xuống bách thú, khúc bánh mì mua ở chiếc xe cạnh núi Nùng sao mà ngon đến thế, rồi sau đó, chuyến đi nửa đêm từ Hà Nội vào Sài Gòn và một ngày khai trường khác với bao nhiêu điều mới ở cái trường tiểu học gần nhà…

Những cuốn vở bìa vẽ người lực sĩ Olympic, chiếc ngòi bút lá tre xanh mầu thép, hộp bút chì mầu Staedler thơm mùi gỗ thông, lọ mực tím cuối cùng của thời đi học, nhất định nghĩ chỉ một vài năm sẽ lại quay về ngôi trường nằm giữa phố Sinh Từ và phố hàng Đẫy…

Từ cái lớp học treo bức ảnh chụp của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại tới cái lớp treo ảnh Ngô Tổng Thống rồi những đổi thay kéo đến sau đó , những ngày khai trường không còn những hào hứng nữa.

Và bây giờ, ngày khai trường ở đây lại càng khác nữa. Mấy đứa cháu trong cái back pack có những cái iPad và cái laptop của những bàn tay thoăn thoắt trên bàn phím hoàn toàn xa lạ so với ngày khai trường cách đây hơn nửa thế kỷ của chú bé lên 10 nhà gần Quốc Tử Giám Hà Nội. Thay vào đó, là những hình ảnh của những đứa cháu gái nhỏ , quần áo mới, đống sách trĩu trên lưng đứng chờ xe bus đến trường…

Ngày khai trường nay đã khác xa với ngày khai trường của giữa thế kỷ trước.


Ngày 7 tháng 9 năm 2011

Bạn ta,

Một cuốn sách tô mầu cho trẻ em nhan đề We Shall Never Forget 9/11 vừa phát hành cách đây hai ba tuần thì liền bị một tổ chức Hồi giáo ở Mỹ đả kích dữ dội.

Cuốn sách do một nhà xuất bản ở Missouri ấn hành có một mục đích rõ ràng. Không phải chỉ để cho trẻ tô mầu, mà là để dậy cho các em ra đời sau vụ khủng bố 9/11 biết về biến cố kinh hoàng đã đổ xuống nước Mỹ, ảnh hưởng đến đời sống của hàng tỉ người trên thế giới.

PHOTO: We Shall Never Forget 9/11 coloring book

Cuốn sách có hình vẽ cảnh hai tòa cao ốc của Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới ở Manhattan bốc cháy sau khi bị hai phản lục cơ do khủng bố cưỡng chiếm lao vào cùng với những hình vẽ Osama Bin Laden và những tên không tặc, ở trang cuối cùng là hình vẽ cảnh Osama bị biệt kích Hoa kỳ bắn chết trong khi đang núp sau một phụ nữ mặc niqab ở một căn nhà tại Pakistan.

Chính bức vẽ ở trang cuối đã khiến cho một tổ chức có tên là Hội Đồng Liên Lạc Hồi giáo Hoa kỳ phản đối dữ dội. Dưới bức vẽ có một đoạn viết rằng những hoạt động khủng bố này là do tay của những thành phần cực đoan Hồi giáo thực hiện, họ là những người thù ghét lối sống của người Mỹ vì xã hội của chúng ta là một xã hội tự do và người dân Mỹ là những người được hưởng tự do.

Tổ chức Council on American-Islamic Relations phản đối những chữ dùng trong cuốn sách, những chữ "radical Islamic Muslim" nghĩa là những thành phần Hồi giáo cực đoan. Theo tổ chức Hồi giáo này thì những chữ "radical Islamic Muslim" được dùng tới 10 lần tất cả trong cuốn sách. Chi tiết đó xúc phạm toàn thể người Hồi giáo, theo tổ chức Hồi giáo đã kể ở trên.

Dựa trên những chứng cớ có được, thì tất cả những tên cướp máy bay trong loạt khủng bố 9/11 không có người nào theo đạo Phật hay đạo Chúa. Tất cả đều là những người theo đạo Islam.

Thế thì gọi họ là người theo đạo Islam có gì sai quấy?

Thêm vào đó, tất cả đều được ghi rõ là những thành phần cực đoan, quá khích. Nếu không có chữ "radical" đi phía trước thì còn có thể nói là nhà xuất bản đã vơ đũa cả nắm, qui lỗi cho tất cả các tín đồ Islam. Đằng này, cuốn sách ghi rõ đó là những thành phần "radical", chứ không phải là tất cả các tín đồ Hồi giáo, tôn giáo mà những người Hồi giáo nói là rất yêu hòa bình, chỉ chủ trương giết tất cả những người không theo Islam, những thành phần ngoại đạo mà họ gọi là infidels mà thôi.

Viết những dòng chữ như trên để đi kèm những trang sách tô mầu như thế là quá cẩn thận rồi còn gì. Bức vẽ Osama Bin Laden núp sau một phụ nữ mặc niqab bị chỉ trích là đã trình bầy một hình ảnh khác không tốt đẹp về Hồi giáo. Không đẹp ở đâu? Ở nơi Osama Bin Laden được vẽ mặc chiếc áo của những người đàn ông Hồi giáo và người phụ nữ khoác chiếc niqab trên người hay sao? Không cho họ mặc những thứ ấy thì y phục phải như thế nào? Hay phải cho cả hai mặc cà sa, y phục của các nhà tu Phật giáo để tránh nhắc tới chi tiết họ là những người Hồi giáo?

Sao mà khó thế?

Để cho mặc quần áo Hồi giáo cũng phản đối. Không cho mặc y phục bưng bít từ đầu đến đuôi như ở Pháp cũng chống. Sao ở Pháp thì đòi được mặc niqab, hijab, chador mà ở Mỹ, cuốn sách tô mầu vẽ lại đúng cảnh Osama Bin Laden bị bắn mặc đầy đủ quần áo theo kiểu Hồi giáo thì bị phản đối?

Thế thì cuốn sách tô mầu cho trẻ em về vụ 9/11 phải như thế nào? Phải có những bức vẽ Osama Bin Laden mặt mũi thánh thiện như thiên thần, vây quanh là những em bé đang phủ phục trước mặt ngợi ca lòng thương người của Osama, đại khái:

Áo ông trắng giữa mây hồng
Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười…

Không được. Không có thứ thi sĩ nào còn làm những câu thơ như thế nữa nên đành phải phụ đề vài câu làm buồn lòng mấy ông Hồi giáo của cái tổ chức kia vậy.

Đứa làm hai câu thơ thối tha trên đã chết rồi. Đó là cậu Tố Hữu viết để ngợi ca Stalin chứ còn thằng chó nào nữa.

 

 


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 113)

EXCLAMATORY WORDS AND PHRASES

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 113 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, con gái của cháu, năm nay 7 tuổi, ngay từ lúc chưa đi học, không biết học ở đâu đã luôn miệng hết WOW lại WOW suốt ngày. Bây giờ nó đã đi học, và gần như mỗi ngày, nó lại có thêm những chữ mới đem về nhà nói với cả nhà. Thực ra, những tiếng mới nó học được ở trường cũng không phải là những tiếng tục tĩu gì, nhưng cháu rất ngạc nhiên thấy nó học nhanh và học được nhiều như thế.

BBT

Chuyện con gái của cô ra trường, học được những tiếng mới không phải là điều đáng ngại. Ngay cả khi nó học được những tiếng tục tĩu cũng vậy. Đó là chuyện thường trong tiến trình phát triển ngôn ngữ. Có điều chắc chắn nó có thể biết nhiều hơn thế nữa nhưng đã biết tự kiểm duyệt để không đem dùng ở nhà mà thôi. Thế Trúc Giang muốn hỏi gì đây?

TRÚC GIANG

Cháu không biết GEE WHIZ là gì nên muốn nhờ chú giải thích thôi.

QA

Vâng, thưa anh, xin anh giải thích luôn cả chữ WOW mà QA cũng thường hay nghe thấy .

BBT

WOW! Đây là một tiếng dùng để hô thán, tiếng Anh gọi là EXCLAMATORY WORDS. Người học tiếng Anh cũng nên biết một số những tiếng này. Không lẽ đang nói tiếng Anh, tiếng Mỹ tự nhiên bị ai dẫm lên chân một cái đau điếng lại kêu lên UI GIA! IT HURTS… thì … kỳ quá.

Có một cô xướng ngôn viên truyền hình ở đây, nói tiếng Việt từ đầu đến cuối nhưng cứ một hồi lại WOW! một cái, nghe kỳ lắm.

Những tiếng hô thán này khi dùng, phải biết cách diễn tả mới có ý nghĩa. Không ai nói bằng một giọng đều đều, không lên giọng hay xuống giọng… ouch… it hurts… Nói như vậy thì hô thán cái gì! Cũng hệt như nói ui gia… đau quá … Phải hét lên OUCH! IT HURT MAN!

WOW là tiếng tương đương với ÔI hay ÚI… ÚI CHÀ…ÁI CHÀ… ÚI CHAO ÔI!

WOW được dùng trong những trường hợp vui cũng như buồn, bực bội cũng như mừng rỡ, thường là trước những chuyện có thể gây kinh ngạc hay sợ hãi, tốt đẹp hay xấu xa. Thấy ông hàng xóm lái cái xe mới, nhìn con trai mang phần thưởng của trường về, nghe người bạn trúng số, đọc thấy ông Obama mua cho vợ cái áo mới ở K-Mart… chúng ta đều có thể WOW! một cái rồi mới nhắc đến các chi tiết vừa kể trên.

Thế còn GEE! hay GEE WHIZ! Thì hơi khác một chút. Đạo Ki Tô, trong lời răn thứ 3 có nói không được kêu tên của Thiên Chúa một cách vô cớ. Thế nên, thay vì nói JESUS! hay CHRIST! người ta nói trại ra thành GEE! hay GEE WHIZ! cũng như một số người hay nói Giê Su, lạy Chúa tôi! trong tiếng Việt vậy.

QA

Thế thưa anh, nói thế nào đúng… OH MY GOD! hay OH MY GOSH!

BBT

Cả hai đều đúng. Nói GOSH để tránh không dùng GOD. Người ta cũng viết tắt thành OMG trong khi viết e-mail hay gửi text cho nhau.

Cũng có khi người ta nói OH MY GOODNESS, OH MY GAWD, OMIGOD, HOLY COW…

TRÚC GIANG

Cháu cũng có nghe DANG! Chữ này nghĩa là gì?

BBT

DANG hay cũng có khi là DARN là tiếng để dùng thay cho DAMN, tiếng bị coi là tục tĩu. DANG hay DARN có thể được dùng trước một tĩnh từ cho nghĩa mạnh hơn. Thí dụ nói HE IS A GOOD STUDENT thì người ta cũng có thể nói HE IS A DANG GOOD STUDENT hay HE IS A DARN GOOD STUDENT. Có khi người ta cho nó đứng một mình như khi đóng cái đinh lại nhắm ngón tay của mình mà đập cái búa vào thì ít ra cũng phải hét lên DANG! MY FINGER…

QA

Hôm cuối tuần, đang đứng trong bếp, QA nghe con trai đóng cái búa vào tay thì hét lên, nghe hơi khác một chút, là SHOOT! I HIT MY FINGER! Vậy SHOOT là gì thưa anh?

BBT

SHOOT là để thay cho một chữ khác thô tục hơn, nghĩa là chất phế thải trong người bài tiết ra. Nhưng ở nhà, cháu nó không dám văng ra trước mặt mẹ. Chữ kia nghe gần giống như cái khăn trải giường. Khác nhau là một chữ có âm "I" dài, chữ kia có âm "I" ngắn.

Hồi nẫy tôi có nhắc chữ OUCH là ÚI hay ÔI CHA để hét lên cho … đỡ đau một chút. Nhưng OOPS thì khác. Chữ này dùng để khi làm một lỗi lầm nào đó, hoặc lỡ tay, lỡ chân, hay lỡ miệng đều dùng được cả. Thí dụ nói OOPS! I JUST BROKE IT…

TRÚC GIANG

Có thể dùng OH NO! để thay cho OOPS! không thưa chú?

BBT

Được, nhưng đó là trong trường hợp chuyện đáng tiếc xẩy ra rồi, chúng ta lấy làm tiếc, không muốn nó xẩy ra. OH NO! I FORGOT TO BRING YOU THE BOOK AGAIN… OH NO! IT’S YOUR BIRTHDAY TODAY… I DID NOT KNOW THAT…

Còn chữ này nữa tôi cũng muốn hai cô biết… Đó là YIPPIE hay HURRAH để dùng trong những trường hợp vui mừng như YIPPIE! WE WON THE LOTTERY, hay HURRAH! OUR TEAM SCORE ANOTHER GOAL… HURRAH có thể hiểu như HOAN HÔ trong tiếng Việt HIP HIP HOORAY! hay HIP HIP HURRAY! thì cũng vậy. Như khi đội thể thao của chúng ta vừa ghi một bàn thắng như ở trên. Hồi còn bé, tôi còn nghe câu này nữa: LÍP LƠ hay HÍP HƠ … CON GÀ MÁI TƠ cũng tương đương như hoan hô nhưng hơi diễu một chút. Con gà mái tơ được cho vào trong câu này là để vần với HÍP HƠ ở trên mà thôi. Những chữ khác là BRAVO, hay BINGO cũng thế.

BRAVO thường đi trước một chuyện vui. Như BRAVO! WE COME TO THE AIRPORT ON TIME!

BINGO được dùng để dẫn vào một điều bất ngờ, một điều có thể gây kinh ngạc nhưng thường là một sự kinh ngạc thích thú hơn là một kinh ngạc không tốt đẹp. Thí dụ tôi để lạc mất chùm chìa khóa, tìm khắp nơi suốt cả buổi sáng không thấy, thì trong lúc đang quăng đống quần áo vào máy giặt thì tự nhiên nghe tiếng cạch cạch, ngó lại thì BINGO! THE KEYS FELL OUT FROM THE SHIRT POCKET.

QA

Một nhân vật trong loạt truyện bằng tranh Peanuts là Charlie Brown hay nói hai chữ này GOOD GRIEF! Vậy GOOD GRIEF là gì thưa anh?

BBT

Charlie Brown dùng hai chữ đó để than thở mỗi khi gặp những chuyện không hay, như khi cái diều mắc vào cành cây, hay khi bị Lucy Van Pelt lừa để cho Charlie Brown đá hụt quả bóng, hay khi Charlie Brown quét được đống lá vàng gọn vào góc vườn thì con chó Snoopy nhẩy vào quậy lung tung làm đám lá tung tóe ra vườn. GRIEF nguyên nghĩa là nỗi buồn gây ra bởi một mất mát lớn. Nhưng GOOD GRIEF chỉ chỉ là những tiếng để nói bực quá, chán quá mà thôi. Người ta nói GOOD vì muốn kiêng không dùng chữ GOD như chúng ta đã nói ở trên.

Nhân nhắc đến Charlie Brown, có một nhân vật khác cũng được rất nhiều người yêu mến là Steve Irwin, anh chàng chuyên săn cá sấu (CROCODILE HUNTER) người Úc. Steve Irwin hay nói chữ CRICKEY! Chữ này là tiếng Úc, có từ cuối thế kỷ 19. Lúc ấy, người ta ăn nói tử tế hơn bây giờ, không mở mồm ra là chửi thề ỏm tỏi luôn miệng. CRICKEY không có nghĩa gì hết, nó chỉ được dùng để thay cho CHRIST, để khỏi kêu tên đức Chúa Trời ra như điều răn thứ 3 đã nói mà thôi. CRICKEY được coi là một tiếng trong ngôn ngữ bình dân, thất học ở Úc. OKEY DOKEY trả lời xong hết thắc mắc của hai cô chưa?

QA

Thưa thầy chưa. Vì hai chữ thầy vừa nói QA lại muốn biết nó nghĩa lý thế nào.

BBT

OKEY DOKEY chỉ có nghĩa là OKAY mà thôi. Thêm DOKEY vào để cho có vần có điệu. Cũng như hai chữ RIGHT O! mà tôi nghe rất nhiều ở Úc và Tân Tây Lan cũng chỉ là RIGHT mà thôi. RIGHT hay RIGHT O được dùng để bầy tỏ sự đồng ý, cũng tương đương như chúng ta nói tiếng Việt là RỒI… RIGHT O THEN, LET’S CHANGE THE SUBJECT…

TRÚC GIANG

Bữa nọ vào chợ, cháu đi kiếm mấy miếng steak để làm barbecue, cháu hỏi một nhân viên trong chợ: WHERE’S THE BEEF? Cháu không ngờ câu hỏi của cháu lại có nghĩa khác khiến người nhân viên ấy cười lớn rồi mới chỉ cháu lối ra quầy thịt bò. Thưa chú, câu cháu hỏi có nghĩa gì khác không, ngoài cái ý cháu dùng để hỏi thăm quầy bán thịt?

BBT

WHERE’S THE BEEF là câu nguyên của công ty hamburger Wendy’s dùng để quảng cáo cho món hamburger của họ hồi năm 1984. Quảng cáo dùng hình ảnh ba phụ nữ lớn tuổi cầm một chiếc hamburger vơÙi cái bánh kẹp rất to, nhưng mở ra, miếng thịt bò lại rất nhỏ. Một cụ hỏi lớn WHERE’S THE BEEF? ý muốn xỏ xiên ám chỉ hamburger của các công ty khác, miếng bánh kẹp thì to, miếng thịt bò thì lại quá nhỏ. Câu nói lập tức trở thành câu ai cũng biết, ở Mỹ cũng như ở Canada. Nhưng mấy tháng sau , câu đó không còn chỉ có nghĩa là miếng thịt bò đâu rồi nữa, mà nó mang một ý nghĩa khác là thực chất của vấn đề ở đâu? cốt lõi, phần quan trọng là gì? như khi ông Mondale tranh cử tổng thống hỏi vặn ứng cử viên Gary Hart rằng khi nghe ông Hart nói về chương trình hoạt động, ông Mondale chỉ muốn hỏi ông Gary Hart rằng WHERE’S THE BEEF? ý nói chương trình của ông Gary Hart không có gì đáng nói cả, không thực tế, không có thực chất.

QA

Thưa anh, tại sao không hỏi WHAT’S THE BEEF? vấn đề quan trọng là gì? Cốt lõi là gì?

BBT

Cô QA hỏi một câu khá lý thú. Xin trả lời rằng không hỏi như thế được, vì WHAT’S THE BEEF? lại có nghĩa hoàn toàn khác. WHAT’S THE BEEF? có nghĩa là điều phàn nàn, điều bực bội, điều bất mãn của ông, của bà là gì? Người cha thấy đứa con lầu bầu luôn miệng liền nói STOP BEEFING! nghĩa là đừng có than van nữa.

TRÚC GIANG

Thưa chú, câu chú vừa giảng có phải là một câu idiom không? Hay đó là một câu tục ngữ?

BBT

Không phải idiom mà cũng không phải là một câu tục ngữ. Tiếng Anh gọi nó là CATCH PHRASE, một câu nói được nhắc đi nhắc lại, được dùng nhiều lần và trở thành phổ biến rộng rãi mà nhiều khi ý nghĩa bị đổi khác hẳn đi, không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu nữa.

Thí dụ câu GO AHEAD, MAKE MY DAY chẳng hạn. Đây là câu Clint Eastwood trong vai thám tử Harry Callahan nói trong phim Sudden Impact với một tên cướp khi tên này định bắn một con tin trong vụ cướp ở một quán ăn. GO AHEAD MAKE MY DAY nghĩa là cứ làm điều đó đi ( cứ bắn con tin đi), để tôi có một ngày đẹp (vì sẽ bắn chết cậu), cứ làm trái ý tôi đi, tôi sẽ vô cùng sung sướng vì sẽ có lý do để trừng phạt cậu...

Sau đó, tổng thống Reagan dùng câu này để chọc quốc hội rằng quốc hội nếu muốn thì cứ chống lại ông bằng cách bác dự luật ông chuyển qua đi, ông sẽ có biện pháp để đối phó. Những câu CATCH PHRASES như thế khá nhiều trong các sinh hoạt hàng ngày. Một câu CATCH PHRASE khác nữa là câu STAND BY YOUR MAN, tựa đề một bài ca của Tammy Wynette mà bà Clinton đem ra dùng nhưng lại bị phản ứng ngược vì bị coi là một câu coi thường phụ nữ.

QA

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.


CHIỀU NHẠC THU


Một thời gian, khoảng những năm 1967, 1968, những tối, sau khi ngồi với X. và mấy người bạn ở La Pagode, lúc ra về là gần như bao giờ bài hát ấy cũng trở lại với tôi.

Những buổi tối trời chưa hẳn khuya, nhưng không khí của thành phố đã mát. Sau trận mưa buổi chiều, những giọt nước mưa vẫn còn đọng trên xe. Những chiếc lá của hàng me hai bên đường dính trên kính. Ánh đèn của xe không đủ làm sáng đoạn đường đầy bóng đêm.

…Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút hương thầm khi mới quen…

Bài Một Tiếng Em của Đinh Hùng mà Nguyễn Hiền phổ thành Mái Tóc Dạ Hương lại trở về. Giọng hát bài ấy là của Lệ Thu.

Tiếng hát ấy tôi nghe lần đầu từ hồi ở năm cuối trung học, bài Tình Khúc Thứ Nhất bằng giọng contralto của cô.

Trong chuyến đi ra khỏi Việt Nam năm 1962 tôi có mang theo một cuộn băng nhỏ thu có độc một bài hát có giọng Lệ Thu. Tôi nghe cuộn băng ấy suốt mấy năm trong thời gian ở căn phòng trong học xá đến khi cuộn băng đứt mới thôi.

Mãi đến khi trở lại Việt Nam mấy năm sau đó, tôi mới lại nghe lại tiếng của Lệ Thu.

Mái tóc ngắn, những chiếc áo dài rất đẹp ở Ritz, ở Queen Bee, ở Tự Do giúp làm mới lại Ngậm Ngùi, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Hạ Trắng,… và cho những ca khúc này những đời sống mới mặc dù đã nhiều người hát chúng.

Lệ Thu là người hát đầu tiên một số ca khúc của Trịnh Công Sơn. Ít người biết chi tiết ấy.

Nhưng giọng Lệ Thu không ở lâu hay chỉ ở riêng với một nhạc sĩ nào. Lệ Thu hát nhạc Đoàn Chuẩn, rồi Lệ Thu hát Cung Tiến , Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9 … và nhiều nhạc sĩ khác.

Bài Hoài Cảm của Cung Tiến là một trong những ca khúc cô hát hay nhất. Có phải vì Cung Tiến đề tặng ca khúc này cho Lệ Thu trong tập nhạc in ở Sài Gòn năm 1974 mà Lệ Thu hát hay hơn những giọng hát khác cũng hát bài hát đó hay không?

Thực ra, nếu khó tính đi tìm những toàn bích của giọng hát thì người ta vẫn thấy những cái faux trong giọng của Lệ Thu. Giọng Lệ Thu đầy nhưng không dài. Một số nốt quá cao không lên được. Nhưng người nghe Lệ Thu đã chấp nhận rồi yêu luôn những cái faux nhỏ đó.

Khoảng giữa thập niên 60, Lệ Thu đã tìm cho giọng hát của mình những bài hát mà cô hát hay hơn nhiều ca sĩ khác. Giọng hát đó lên đến cao điểm và được ái mộ nhiều nhất là khoảng cuối thập niên 60, qua đầu thập niên 70.

Nghệ danh Lệ Thu chọn cho mình cũng kéo những bài hát có những hơi thở, những hình ảnh của mùa thu, cái mùa đẹp nhất và cũng buồn nhất trong năm đến với giọng hát của mình.

Giọng hát ấy khi hát những ca khúc đó tự nhiên nghe như những tiếng nức nở buồn thảm. Rõ nhất là khi Lệ Thu hát bài Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa.

Lệ Thu vẫn giữ được giọng hát mà tôi nghe lần đầu mấy chục năm trước.

Đầu tháng 9 ở California vẫn còn những ngày rất nóng. Nhưng mùa thu đã chớm, đã bắt đầu trở lại từ miền bắc đang lan xuống chầm chậm xuống miền nam.

Chương trình nhạc của Lệ Thu ngày 17 tháng 9 đã được cô đặt cho cái tên là Chiều Nhạc Thu. Nhưng có gọi là Nhạc Chiều Thu, hay Thu, Nhạc Chiều cũng vẫn là những cái tên thích hợp cho một chương trình để người nghe nhạc nghe lại giọng hát đã ở với âm nhạc gần nửa thế kỷ.

Giọng hát ấy sẽ còn mãi trong những buổi chiều khi lò hương cũ được đốt lên, cây đàn được so lại những dây chùng cho dẫu có là mai sau..

Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương cũ, se tơ phím này (Kiều)

Thì sẽ mãi mãi còn tiếng hát này trong những buổi chiều nhạc thu.

Bùi Bảo Trúc
Tháng 9 năm 2011