April 21, 2011

April 22, 2011

Ngày 18 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Hôm qua, ở một tiệm ăn quen thuộc, đã mấy lần tôi định đứng dậy đi đến cái bàn gần bàn của tôi để nói vài ba lời cám ơn với mấy người đàn ông đang ngồi ở đó.

Tôi thầy cần phải cám ơn những người ấy. Không lẽ họ mất công giúp vui cho bàn chúng tôi như thế mà chúng tôi lại không một lời nào với các ông.

Họ vào sau chúng tôi khoảng mấy phút. Và khi họ ngồi xuống bàn, thì buổi sáng thanh bình của chúng tôi không còn nữa. Bàn có năm người, nhưng chỉ có hai ông đại diện lên tiếng. Hai ông thay phiên nhau. Nhiều khi không thay phiên, mà cùng lên tiếng một lúc. Không ông nào chịu nhường ông nào. Diễn đàn bị chiếm và không ai chịu bước xuống.

Nghe chuyện thì chúng tôi biết hai ông vừa đi Việt Nam về. Hai người cùng mở điều trần để nói về chuyến đi. Từ lúc bước chân xuống phi trường cho đến lúc trở lại Mỹ. Hai ông kể những chi tiết mà ngồi ở xa, chúng tôi cũng đếm được một ông ba lần với ba người phụ nữ, người kia được năm lần từ Nam ra Bắc cho đủ Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Hai ông không ông nào chịu thua ông nào, hễ một ông đưa ra một chi tiết lý thú thì ông kia phải có một chi tiết hấp dẫn hơn. Thân xác của mấy người phụ nữ trẻ ở Việt Nam được các ông đem ra để minh chứng cho chuyến về đầy kỳ thú đó.

May cho chúng tôi, ngó đi ngó lại không thấy ông Bá Dương, tác giả viết cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí ngồi đâu đó trong tiệm. Chỉ sợ ông Bá Dương nghe được cuộc đối thoại trong tiệm rồi về nhà kiểm thảo phê bình, rút lại chương viết về cái tính hay to tiếng của người Hoa, vì người Hoa của ông nói chưa chắc đã to hơn hai người đàn ông ở trong quán. Người Hoa của ông Bá Dương thua nặng. Ông Bá Dương cho rằng cấu trúc của những câu văn nói khiến người Hoa phải nói lớn mới hiểu được nhau. Ông Bá Dương sẽ thấy là ông sai bét. Hai người đàn ông trong quán phở không hề nói tiếng Hoa mà sao vẫn như lệnh vỡ thì không ai hiểu được.

Tôi định sang bàn của hai ông, cám ơn hai ông đã tường trình về chuyến đi khiến những người chưa về Việt Nam bao giờ như tôi và người bạn có thể ghen tức đến chết ngay tại chỗ.

Thưa hai ông… Chúng tôi xin cám ơn hai ông đã chia sẻ (?) về chuyến đi Việt Nam của hai ông. Hai ông thật tử tế, đem tiền ở Mỹ về để tiêu cho những phụ nữ khốn khổ ở trong nước. Vài ba trăm hai ông quăng ra chắc chắn đã giúp nhiều cho các phụ nữ này. Nếu hai ông kẹt lại ở Việt Nam, không chạy được sang Mỹ, con trai phải đi làm lao động, con gái phải đi bán bia ôm, bắt được cái mối đi cùng với hai ông để du lịch thì gia đình ông chắc phải biết ơn mấy ông Việt kiều này biết là bao nhiêu. Hai ông chắc hài lòng về những người phụ nữ trẻ này lắm nên đã kể ra rõ ràng từng chi tiết của những cuộc vui. Hai ông mà kể rành rẽ như thế, biết đâu các cháu ở nhà lại chẳng xin đi theo cùng hai ông về Việt Nam, kiếm vợ cho gia đình có con dâu Việt… Mừng cho hai ông, chi có vài trăm bạc mà mua được bằng ấy chuyện vui thì … vui là phải. Phen này, bà nhà có hó hé nói nặng nhẹ gì hai ông, thì hai ông đã có một nơi để đi về cho bõ ghét. Vừa được chiều chuộng, vừa … hay tuyệt để về Mỹ còn có chuyện nói cả tháng chưa hết. Hai ông mà kể những chi tiết chúng tôi nghe được trong tiệm phở để các bà, các công tử và tiểu thư nghe trong những bữa cơm tại nhà thì còn chi vui bằng.

Chỉ xin hai ông giữ những chuyện đó kể cho nhau nghe. Ðừng phí hơi cho những người khác nghe cùng. Thôi, đã vui như thế thì đem kể cho con cháu nghe cho chúng thêm phục tài của bố, của ông nội, ông ngoại chứ kể cho chúng tôi nghe làm gì cho phí hơi.

Nhưng nghĩ thêm một chút nữa thì tôi lại thấy không cần đến gặp hai ông nữa. Cứ để hai ông kể chuyện cho cả tiệm phở nghe cũng chẳng sao.

Cầu mong cho con cháu ông không phải làm cái công việc đem lại niềm vui cho những người đàn ông giống như hai ông. Những người đàn ông mà hai ông khi tỉnh táo, chắc cũng ghê tởm họ như chúng tôi ghê tởm hai ông vậy.


Ngày 19 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Ông Trời vậy mà nhiều khi cũng vẫn còn dở. Ông chế ra cái gì cũng hay, mà có một cái thì dở quá là dở. Dở không biết để đâu cho hết dở.

Con người dở thì đã đành. Thí dụ những cái máy chụp hình mà người ta vẽ kiểu chẳng hạn. Mấy chục năm qua, người ta vẫn có thể chế những chiếc Leica tốt hơn, dễ dùng hơn, chụp đẹp hơn cái đầu tiên. Hay những chiếc xe hơi cũng thế. Năm nào cũng có vài ba chục kiểu xe mới, mà những chiếc mới bao giờ cũng đẹp hơn, tốt hơn, sử dụng dễ dàng hơn và ngồi bên trong cũng đã đời hơn những chiếc của năm trước.

Ông Trời nặn ra con người, ném xuống địa cầu là thôi, không cần sửa sang, vẽ lại bất cứ một cái gì nữa.

Cái mắt làm đúng những gì chúng ta cần. Không cần phải sửa sang lại nữa. Cần lắm thì cắt bỏ đi vài miếng mỡ ở mí mắt, đêm nằm ngủ mở mắt thao láo nhìn trần nhà cho vui, nhưng cũng không cần thiết lắm. Tim có nghẹt vài ba chỗ vì những miếng mỡ gầu, những miếng vè dòn vui anh, vui em thì by-pass vài ba cái là lại kéo dài thêm được những ngày trên trần thế. Ðó là cần lắm thì mới phải sửa sang lại chút ít.

Nhưng những thứ ông Trời cho chúng ta thì không cần sửa sang, tu bổ gì hết.

Lấy những cái ngón tay làm thí dụ coi. Những cái ngón tay giúp chúng ta làm được tất cả mọi việc cần trong đời sống. Bàn tay của người khác bàn tay của khỉ nên người thông minh hơn khỉ. Chính Aristotle đã nói không phải vì có bàn tay mà người ta là sinh vật thông minh nhất, mà con người thông minh nhất vì con người có hai bàn tay (…c’est parce qu’il est le plus intelligent qu’il a des mains…).

Hai bàn tay làm được rất nhiều việc, không việc gì mà bàn tay không làm được cho cơ thể con người. Từ ngoáy tai, móc mũi, khều miếng thịt kẹt giữa những cái răng, kiểm soát đốt xương sống cuối cùng , rồi lại đếm được số răng của mình… như Ðông Phương Sóc lừa được vua để vua thò tay vào đít rồi lại thò tay vào mồm…

Có bàn tay mới gãi được. Gãi được mới ra thơ như cụ Hương trong một bài thơ sáng tác trong tù.

Tưởng tượng bàn tay không mò tới được những nơi cần gãi thì khổ biết là chừng nào.

Ông Trời quả là giỏi. Gãi đầu cũng được. Lừa lừa vồ con chấy ném ra sân cũng làm được. Rồi lại gãi cho cơ thể lăn tăn cái thân già cũng hay.

Nhưng ông Trời cũng có khi dở. Ðó là ông cho con người đeo cái bộ phận chiến lược rất quan trọng trong người ở một chỗ hiểm yếu. Nhưng ông không chế nó như cách ông đã chế cái đầu gối của chúng ta. Cái đầu gối bị hành hạ đủ cách mà vẫn không sao. Quì mài, bái lễ cũng nhờ cái đầu gối. Không có gì để nói, lôi nó ra, nói với nó những chuyện vô duyên đến đau chăng nữa, đầu gồi vẫn chẳng buồn hay giận gì hết.

Nhưng cái bộ phận chiến lược của đàn ông thì hễ bị đụng nhẹ một chút là nó cũng có thể làm cho người ta đau chết được. Sợ quá là nó teo lại. Nhiều khi nó chạy tuốt lên đến cổ , không sao dỗ dành để nó xuống trở lại được.

Biết được điều đó, các chuyên gia về tra tấn cứ nó mà hành hạ. Bóp bằng tay, quất bằng roi, lấy kìm kẹp … là hỏi gì cũng khai hết, trong khi rút vài ba cái móng tay thì không khai cũng chẳng sao. Ðụng tới khu chiến lược ấy là chịu thua. Phải chi ông Trời đưa nó vào một nơi khác kín đáo hơn có phải đỡ cho nhân loại được bao nhiêu khó khăn không.

Tuần qua, bộ quốc phòng Hoa kỳ mới nhìn thấy điều đó nên đã quyết định gửi sang chiến trường Afghanistan một ngàn chiếc quần lót có thể chống được đạn của khủng bố Taliban. Những chiếc quần này được chế tạo bằng một loại vật liệu đủ sức chống lại những viên đạn, những mảnh bom của những lượng chất nổ gài bên lề đường. Lính Anh đã đươc phát từ mấy tháng trước. Nay tới lượt lính Mỹ.

Người ta tin là một thời gian nữa, những chiếc quần kỵ đạn này sẽ được bán cho người dân dùng. Hệt như trước đây, xe Humvee được chế cho quân đội thì nay, ai cũng có thể mua về lái nghênh ngang, hung hãn trên đường phố.

Lý do là nhiều người đàn ông, sau khi rời chiến trường Afghanistan vẫn chưa thể biết chắc là chiến khu D (?) không bị đe dọa. Mua những chiếc quần lót chống đạn này, những người đàn ông Mỹ này sẽ yên trí nằm ngửa khi ngủ, không phải nằm sấp, tay ôm lấy bác Hồ kính yêu nữa. Sáng dậy chạy thẳng xuống bếp pha ly cà phê uống cho bõ ghét, khỏi phải ngó xuống, kiểm soát lại các khu vực trên cơ thể như Công Dã Tràng, học trò của Khổng Tử phải làm mỗi sáng để biết chắc thân thể cha mẹ cho vẫn còn nguyên, không có khúc nào bị cho ra nằm ở bãi cỏ như chuyện Wayne Bobbit hồi mấy chục năm trước bị "một nhát dao bay nghìn thuở đẹp" của vợ mà khốn khổ đời trai nữa.

Bạn thấy ông Trời dở không?

Trong khi Trời lại rất tử tế, ân cần và chu đáo với phụ nữ là thế nào?


Ngày 20 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Bộ trưởng giao thông và vận tải của chính phủ Obama, ông Ray LaHood đã rất nghiêm khắc với các nhân viên kiểm soát không lưu trong mấy ngày qua. Những người này vì ngủ trong khi làm việc nên bị cơ quan an ninh không lưu cho nghỉ việc lập tức.

Tất cả đều bị một hoàn cảnh chung của rất nhiều người Mỹ: sleep deprivation, thiếu ngủ. Họ bị bắt làm việc liên tiếp trong nhiều giờ mà không được cho nghỉ ngơi lấy lại sức. Thực ra họ bị mất ngủ thật. Không phải là ngủ thì vẫn ngủ được, nhưng vẫn … khoe là mất ngủ như mải mê suy nghĩ đi tìm đường cứu nước và dựng nước...

Ngủ trưa một giấc là trò người Anh và người Mỹ thường không làm như người Tây Ban Nha và người Pháp. Danh từ siesta của tiếng Tây Ban Nha được Pháp hóa thành sieste , rồi qua Việt Nam thành la xiết. Người Anh và người Mỹ không có chữ này.

Nhưng ngủ vài ba phút, bắt 40 cái chợp mắt (catch 40 winks) là chuyện rất nên làm, và ngày nay, một số người cũng đã thấy được những cái lợi của giấc ngủ trưa. Ngủ trưa không phải là dậy muộn : giầu đâu những kẻ ngủ trưa / sang đâu những kẻ say sưa tối ngày…

Ngủ trưa là ngủ ngày. Thủ tướng Anh, một người làm được bao nhiêu chuyện cho nước Anh cũng ngủ trưa. Leonardo Da Vinci, Albert Einstein … đều mỗi ngày chợp đi khoảng 10 hay 15 phút. Trở dậy, họ đều nói là tinh thần sảng khoái, sáng suốt, làm việc hữu hiệu hơn. Churchill gọi đó là power nap rồi còn giải thích rằng power nap giúp chúng ta có được 3 chữ R là REST, RELAXATION và RECOVERY. Quan trọng là hồi phục, lấy lại được sức lực để làm việc tiếp.

Ông LaHood tuyên bố lấy làm phẫn nộ trước tin nói là mấy ông kiểm soát viên không lưu ngủ khi làm việc, trong khi có một người khác đáng lẽ phải tỉnh táo thì nhắm mắt lại … tìm thoáng hương xưa, cho về đường cũ đường cũ nên thơ cho gặp người xưa ước mơ… mà chẳng ai nói gì hết.

Chàng nhắm mắt ngủ thoải mái trong khi xếp của chàng đọc bài diễn văn quan trọng về tình trạng thâm hụt ngân sách . Bài diễn văn của xếp chàng dài 44 phút. Chàng … dắm mắt mất 30 giây. Rồi bỗng chàng giật mình, mắt mở ra, dặm dặm mấy cái rồi mới nghe tiếp. Không biết nghe tiếp chàng có hiểu cái gì không.

Không biết lúc về tòa Bạch Ốc, chàng sẽ lỏn lẻn vào phòng bầu dục pha … chè vai ba câu vô duyên, chờ cho ông Obama bình tĩnh lại và tìm cách giải thích tại sao chàng dám ngủ trong khi ông chánh đọc diễn văn.

Cứ nghĩ đến những chi tiết đó thi không cách nào không thấy hiện ra trong đầu hình ảnh một con mèo bị cắt tai: tiu nghỉu như mèo bị cắt tai.

Nhưng nghĩ lại thì thà chàng ngủ gục cũng vẫn còn đỡ hơn là chàng đứng cạnh ông Obama và đưa ra một lời khen như chàng đã làm khi ông Obama loan báo dự luật về bảo hiểm sức khỏe hôm 23 tháng 3 năm 2010. Hôm ấy, sau khi nghe loan báo của ông Obama, chàng ghé sát tai ông Obama , nói đủ lớn để microphone thu đầy đủ được câu nói nguyên văn: "The bill is a big fucking deal!"

Viết tới đây, tôi đã định viết tắt, chỉ dùng chữ "F". Nhưng khi chính ông Joe Biden, phó tổng thống Mỹ còn dùng một cách thoải mái giữa chốn nhĩ mục quan chiêm như vậy thì tại sao phải né không dám viết nguyên văn?

Kể ra, chàng ngủ như thế vẫn còn đỡ hơn là lại ném ra một quả bom"F" khác nữa.

Thí dụ chàng ghé tai ông Obama và hỏi: " Ông thấy tôi ngủ lại còn ngáy đèo không?"

Ông Obama chắc không dám nói lại … mà ngủ có đủ không hè?


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, hôm nay Thúy có thắc mắc này xin nhờ anh giải đáp. Thúy biết quá khứ của động từ khiếm khuyết CAN COULD. COULD được dùng để nói tới một khả năng, một việc có thể, có đủ sức, có khả năng làm được trong quá khứ. Thí dụ Thúy có đứa cháu khi nó mới có 3 tuổi đã biết đọc. Vậy thì Thúy nói MY NEPHEW COULD READ WHEN HE WAS ONLY THREE YEARS OLD là đúng phải không anh?

BBT

Ðúng vậy. Thế thì thắc mắc của cô là gì?

LÃM THÚY

Từ trước tới nay, Thúy vẫn dùng CAN với thì hiện tại PRESENT TENSE trong trường hợp thế này: CAN YOU OPEN THE DOOR FOR ME? Thúy nghĩ không có gì sai cả. Nhưng tại sao Thúy lại thấy có người nói COULD YOU OPEN THE DOOR FOR ME?

Chuyện nhờ mở cái cửa là vào lúc này, lúc đang nói, lúc hai người đang đứng trước cửa chứ nào phải là chuyện hôm qua, hôm kia đâu. Nhờ thì nhờ lúc này chứ ai lại nhờ làm một chuyện trong quá khứ? Xin anh cho biết nghĩ như vậy có đúng không?

BBT

Cô nói rất đúng. Nhưng CAN YOU OPEN THE DOOR? cũng đúng, mà COULD YOU OPEN THE DOOR ? cũng đúng luôn. Cô QA thấy như thế nào?

QA

QA thấy câu sau COULD YOU OPEN THE DOOR? nghe nhẹ hơn là CAN YOU OPEN THE DOOR? phải không thưa anh?

BBT

Cô QA nói đúng. Dùng COULD nghe nhẹ hơn CAN. Khi cần lễ phép, nhẹ nhàng một chút, chúng ta dùng COULD thay vì CAN. Ðó là lối nói một cách lễ phép.

Hai cô nhớ là khi mới học tiếng Anh, chúng ta được dậy để nói những câu giản dị, dễ hiểu, dễ dùng, dễ nói, rồi sau mới đến những cách nói khác khó hơn, bóng bẩy hơn, và lịch sự hơn.

Những đứa bé mới học nói cũng vậy. Chúng nói I WANT THIS, I WANT THAT… Năm sáu tuổi, bố mẹ chúng mới nhắc chúng : SAY PLEASE… Nhưng phải đến tuổi mười lăm, mười bẩy chúng mới biết cách để nói lễ phép hơn: WOULD YOU MIND GIVING ME THIS, DOING THAT vân vân.

Thí dụ động từ WANT chẳng hạn. WANT là muốn. Khi tôi ngồi một mình, nghĩ tới sóng biển, gió biển, những cây cọ, trời nắng và nói với chính mình rằng I WANT TO RETIRE IN FLORIDA thì tôi không phải lễ phép với ai hết. Hay khi nói với mấy đứa cháu ở nhà, thì có nói I WANT MY COFFEE WITHOUT SUGAR cũng sẽ không có ai bắt bẻ cả. Nhưng nếu mẹ tôi đang đứng dưới bếp, mà nói như vậy thì không được. Câu ấy nghe như là một đòi hỏi, một mệnh lệnh vậy. Với người trên, với khách, bạn bè cũng thế, hay nhiều khi với con, với cháu thì lịch sự, lễ phép một chút chắc phải là tốt hơn là I WANT MY COFFEE WITHOUT SUGAR, A VERY LIGHT WHIFF OF MILK AND ON A TRAY, NOW!

LÃM THÚY

Nếu muốn lịch sự, không nói I WANT MY COFFEE NOW thì phải nói thế nào, thưa anh?

BBT

Không dùng WANT. WANT nghe rất khó chịu, nghe như một mệnh lệnh, như một đòi hỏi. Trừ khi muốn ra lệnh thì hãy dùng.

LIKE nhẹ hơn. I WANT BLACK COFFEE. I LIKE BLACK COFFEE thì LIKE nhẹ hơn là WANT. LIKE là thích. WANT là muốn. Muốn REQUEST, yêu cầu, xin, nhờ vả chuyện gì thì không nên dùng WANT và LIKE. Nếu quả thực muốn cho lễ phép thì dùng WOULD LIKE TO thay vì WANT TO hay LIKE TO.

Hai cô tưởng tượng điện thoại reo, nhấc máy lên trả lời mà nghe phía bên kia trịch thượng thế này: I WANT TO TALK TO THE CURRENT RESIDENT… thì hai cô sẽ trả lời như thế nào? Còn tôi thì sẽ hết sức từ tốn mà nói rằng: GET LOST!

QA

QA cũng bực mình lắm. Có cách nào nói nhẹ hơn, lễ phép hơn không thưa thầy?

BBT

À như thế thì nếu tôi có khó chịu cũng là thế gian thường tình. Vậy thì thay vì nói I WANT TO TALK TO THE CURRENT RESIDENT, cô Thúy sẽ nói thế nào?

LÃM THÚY

I WOULD LIKE TO TALK TO

BBT

Ðúng vậy. Cũng có thể nói là I WOULD LOVE TO TALK TO … Cô QA, muốn ly cà phê không đường một cách lễ phép thì cô sẽ nói như thế nào?

QA

I WOULD LIKE A CUP OF COFFEE WITHOUT SUGAR.

BBT

Hay I WOULD LIKE MY COFEE WITHOUT SUGAR cũng được.

Cô Lãm Thúy, cô hỏi bạn cô là muốn 1 muỗng đường hay 2 muỗng đường, thay vì DO YOU WANT YOUR COFFEE WITH ONE OR TWO SPOONS OF SUGAR? cô sẽ nói thế nào?

LÃM THÚY

HOW WOULD YOU LIKE YOUR COFFEE? WOULD YOU LIKE IT WITH ONE OR TWO SPOONS OF SUGAR?

BBT

Cám ơn cô Thúy. Còn cô QA, thay vì cô hỏi WHEN DO YOU WANT YOUR COFFEE? cô sẽ hỏi sao cho lịch sự hơn?

QA

QA sẽ nói thế này: WHEN WOULD YOU LIKE YOUR COFFEE?

BBT

Vậy hai cô nhớ là đừng dùng WANT, mà dùng WOULD LIKE TO cho dễ nghe hơn. Chuyện kể là một nhà ngoại giao Anh có lần nói với một nhà ngoại giao Pháp rằng sự lịch sự của người Pháp chỉ là một chút gió thoảng, A LITTLE AIR chứ có gì quan trọng đâu. Nhà ngoại giao Pháp nói là đúng thế, nhưng chút AIR đó bơm vào cái vỏ xe hơi thì xe chạy sẽ êm hơn nhiều. Do đó, ngay cả khi nói với con cái, với người dưới thì cũng cứ dùng WOULD LIKE TO thay vì WANT TO.

WHAT DO YOU WANT? nghe đằng đằng sát khí hơn là …

LÃM THÚY

WHAT WOULD YOU LIKE?

BBT

Cô QA cho nghe mấy câu hỏi với WHERE và WHEN coi.

QA

WHERE WOULD YOU LIKE TO SIT ?

WHEN WOULD YOU LIKE TO HAVE DINNER?

LÃM THÚY

Thúy sẽ dùng WHAT và HOW coi có đúng cách không… WHAT WOULD YOU LIKE TO WEAR FOR THE NEW YEAR PARTY OF HONVIET TELEVISION?

HOW WOULD YOU LIKE TO HAVE YOUR EGGS DONE?

BBT

Ðúng lắm. Nhân thí dụ của cô Thúy, tôi nhớ một cách nói tôi muốn chỉ cho hai cô mà tôi nghĩ là nếu dịch thẳng từ tiếng Việt sang tiếng Anh, hai cô có thể sẽ sai.

Trong tiếng Việt, chúng ta nói TÔI MỚI CẮT TÓC. Câu này hoàn toàn đúng trong cách nói của chúng ta. Nhưng hai cô đều biết rằng có cố gắng lắm, gắn cho mấy cái gương, uốn éo cả vài ba tiếng trước gương thì tôi cũng không thể tự cắt tóc mình được. Tôi phải tới tiệm cắt tóc, ngồi xuống ghế, lấy tờ báo có mục tìm bạn bốn phương, cách làm món nghêu xào lá quế đọc… và để cho một người khác cắt tóc cho tôi. Nhưng trong tiếng Việt, không bao giờ chúng ta nói hôm qua, tôi đi đến tiệm hớt tóc gần nhà để cho người ta cắt tóc cho tôi. Nói năng như thế thì sẽ bi chê là ăn nói vớ vẩn. Nói hôm qua tôi đi cắt tóc là đủ. Nhưng tiếng Anh thì không nói I CUT MY HAIR. Trừ khi là Robinson Crusoe lạc lên hoang đảo thì mói phải làm điều đó.

QA

QA thì nghĩ là QA làm được điều đó. Tỉa bớt hai bên, cắt cho ngắn lại.

BBT

Ðồng ý, nhưng trong trường hợp của tôi thì không. Và vì thế, tôi không thể nói I CUT MY HAIR được. Tôi trả tiền, nhờ người khác làm việc đó cho tôi thì trong tiếng Anh phải là TO HAVE SOMETHING DONE. Hay rõ hơn là TO HAVE SOMETHING + PAST PARTICIPLE.

Thí dụ I HAVE MY HAIR CUT ONCE A MONTH.

CUT là PAST PARTICIPLE của động từ TO CUT.

QA dọn vào nhà mới cách đây mấy tháng, cô có sơn lại nhà không?

QA

YES, I HAVE THE HOUSE REPAINTED. REPAINTED là PAST PARTICIPLE của TO REPAINT.

LÃM THÚY

I ALWAYS HAVE MY HAIR DONE FOR THE ENGLISH LESSON. DONE là PAST PARTICIPLE của TO DO.

BBT

Ðến một thành phố mới, bao giờ tôi cũng tìm một garage sửa xe tin cậy được. I HAVE MY CAR CHECKED/ LUBRICATED / FIXED / REPAIRED/ TUNED UP BY A GOOD FRIEND OF MINE, MISTER KIÊN OF SONNY AUTO REPAIR.

Như vậy, hai cô nhớ là việc gì không làm lấy được , phải nhờ, phải thuê, phải mướn người khác làm thì phải dùng cách đặt câu như trên: TO HAVE SOMETHING DONE.

TO HAVE THE LAWN MOWED/ WATERED/ RESEEDED/ TRIMMED.

LÃM THÚY

Vừa rồi anh nói A FRIEND OF MINE. Ðó là cách nói mới sao anh?

BBT

Không phải. Ðó là cách nói nhấn mạnh vào danh từ đi phía trước. Thí dụ khi nói MY FRIEND LIVES IN SAN FRANCISCO thì chúng ta không nhấn mạnh vào chi tiết nào trong câu đó .

Nhưng nếu nói A FRIEND OF MINE LIVES IN SAN FRANCISCO thì chi tiết bạn tôi, người bạn của tôi, một người bạn của tôi là chi tiết tôi muốn nhấn mạnh trong câu nói đó, là điều tôi muốn nói rõ hơn với người nghe.

QA

Vậy thì sau OF, QA phải dùng POSSESSIVE PRONOUNS , SỞ HỮU ÐẠI DANH TỪ phải không thưa anh?

BBT

Ðúng rồi. Thí dụ A BOOK OF YOURS, A BROTHER OF OF HERS, A PENCIL OF HIS, A COUSIN OF OF OURS, A LONG LOST PICTURE OF THEIRS .

QA

QA có thắc mắc này về cách đặt câu. Hôm nọ đi chợ, QA thấy một tấm bảng có hàng chữ PLEASE CHECK YOUR MERCHANDISE BEFORE LEAVING.

QA hiểu ý nghĩa của hàng chữ trong tấm bảng. Nhưng tại sao câu ấy không có chủ từ gì hết?

BBT

Câu ấy không có chủ từ vì đó là câu IMPERATIVE, một câu để đưa ra một đề nghị, một mệnh lệnh cho người đang đối diện. Các câu mệnh lệnh cách IMPERATIVE SENTENCES không cần chủ từ. PLEASE CHECK YOUR MERCHANSISE BEFORE LEAVING là xin xem lại hàng hóa trước khi ra khỏi chợ.

LÃM THÚY

Còn tại sao lại là BEFORE LEAVING mà không phải là BEFORE YOU LEAVE?

BBT

Dùng BEFORE, AFTER, UPON, WHILE… những PREPOSTION và theo sau là PRESENT PARTICIPLE tức là động từ có cái đuôi ING phía sau khi chúng ta có hai câu độc lập nhưng có cùng CHỦ TỪ mà chúng ta muốn nối lại với nhau thành một.

Thí dụ I COME HOME. I CALL HIM ON THE PHONE.

Hai câu này có MỘT CHỦ TỪ là I. Có hai việc trong hai câu. Tôi về nhà. Tôi gọi điện thoại cho ông ấy. Một việc trước, một việc sau. Bước vào nhà là việc trước. Gọi điện thoại là việc sau. Nối hai câu lại với nhau là I COME HOME THEN I CALL HIM ON THE PHONE. Nhưng muốn làm cho câu ngắn lại, khỏi phải phải nhắc lại chủ từ "I" hai lần, chúng ta nói thế này: AFTER COMING HOME, I CALL HIM ON THE PHONE.

Sau những PREPOSITIONS như BEFORE, WHILE, AFTER, UPON … chúng ta có thể dùng cách nói này. Nhưng cần nhớ là chủ từ của hai việc phải là một. QA cho nghe hai thí dụ với WHILE và BEFORE coi.

QA

WHILE DRIVING TO WORK, I GOT A PHONE CALL FROM HER.

BBT

Cách nói kia là gì?

QA

I DROVE TO WORK. I GOT A CALL FROM HER.

QA đặt một câu nữa nhé: BEFORE DECIDING TO GO TO IRVINE UNIVERSITY, MY SON WAS ADMITTED TO UCI. Tức là BEFORE MY SON DECIDED TO GO TO IRVINE UNIVERSITY, MY SON WAS ADMITTED TO UCI.

BBT

Còn cô Thúy. UPON và AFTER.

LÃM THÚY

UPON RETURNING TO MOSCOW, ZHIVAGO FOUND OUT LARA HAD GONE. Ðáng lẽ Thúy có thể nói là ZHIVAGO RETURNED TO MOSCOW. ZHIVAGO FOUND OUT LARA HAD GONE.

Và đây là câu với AFTER… AFTER FINISHING HER M.A. SHE WANTED TO PURSUE HER DOCTORATE DEGREE.

QA

Và thưa quí vị, đến đây là kết thúc bài học Anh Ngữ do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.

April 14, 2011

April 15, 2011

Ngày 11 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Hôm nay, nước Pháp bắt đầu áp dụng một bộ luật mới, cấm các phụ nữ mặc những bộ y phục che kín từ đầu đến chân khi ra đường.

Tổng thống Sarkozy nói thẳng rằng thứ y phục đó không được hoan nghênh ở nước Pháp. Đó là những cái burqa , những cái niqab kín mít chỉ có một khe nhỏ để người mặc nó nhìn ra ngoài. Ở Pháp thực ra chỉ có khoảng trên dưới hai ngàn phụ nữ mặc thứ y phục này.

Nước Pháp là một nước tự do vào bậc nhất thế giới. Người dân Pháp gần như muốn làm gì cũng được. Về một vài mặt, người Pháp tự do hơn người Mỹ rất nhiều. Nước Mỹ không dám có một bộ luật như bộ luật cấm burqa của Pháp, thì nước Pháp đã có một bộ luật như thế. Luật có hiệu lực từ hôm nay. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền lên đến 150 Euro.

Tưởng tượng dưới chân tháp Eiffel, bên bờ sông Seine… chẳng thấy được mấy cái mũi nhỏ, mấy cái mũ đẹp (…On a chanté les Parisiennes, leur petit nez et leur chapeau …) ở đâu, chỉ tha thướt những cái burqa, những cái niqab thì chán biết chừng nào.

Những chuyên gia về Islam đều nói là đạo Hồi không hề bắt phụ nữ phải mặc những thứ y phục như thế. Cùng theo Islam, nhưng phụ nữ Pakistan, Iran, Indonesia, Li Băng, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ … không kín mít như vậy. Các nhà làm luật ở Pháp đã rất đúng khi nói rằng những chiếc burqa và niqab chỉ là những hình thức đè nén , áp chế phụ nữ của những người đàn ông Hồi giáo chậm tiến.

Y phục, khăn choàng đầu như ở Iran, như Benazir Bhutto thì nào có ai phản đối, cầm đoán. Nhưng vác gậy đi ngoài đường, tấn công bất cứ phụ nữ nào không mặc burqa hay niqab, hay đi giầy cao gót như người ta đã trông thấy ở Afghanistan hay Ả Rập Sauđi thì không được.

Nếu không có những biện pháp như bộ luật của Pháp, thì biết đâu vài ba năm nữa, trò female circumcision (cắt clitoris của phụ nữ) ở một số nước Hồi giáo như Pakistan, Ai Cập, Nigeria … sẽ đòi được áp dụng ở ngay nước Pháp với 5% dân số là người Hồi giáo?

Mấy năm trước đây, một phụ nữ theo Hồi giáo ở Arizona đến sở lộ vận để thi lấy bằng lái xe. Người này cũng trùm đầu kín mít chỉ để hai cái lỗ để mắt nhìn ra, nhất định không tháo bỏ khăn trùm đầu để chụp hình làm bằng lái xe. Nhân viên sở lộ vận không thể cấp phát bằng lái cho đương sự. Đương sự kiếm luật sư nhờ can thiệp. Nhưng sở lộ vận của tiểu bang Arizona cũng không nhượng bộ. Cuối cùng, người phụ nữ này đành phải bỏ khăn trùm đầu ra để chụp hình làm bằng lái xe.

Gần đây hơn, một phụ nữ làm việc cho công ty Disney đã bị thuyên chuyển vào một nơi làm việc không cần tiếp xúc với khách vì cách ăn mặc của cô. Cô kiện công ty Disney và công ty phải giàn xếp riêng với cô. Rất tiếc cô không làm khó công ty ngay từ lúc đầu, ngay khi cầm lá đơn xin việc đến nộp cho công ty Disney.

Làm những chuyện như thế rồi quay ra thắc mắc tại sao có nhiều người không ưa mình!

Tưởng tưởng cứ để cho đói một trận quắt người lại, rồi để trước mặt một tô phở, coi có tháo cái khăn ra để… ăn phở không nào.

Rồi khi vào phòng nha sĩ thì làm sao khám răng?

Hay là đẹp phô ra, xấu xa đậy lại. Trùm kín mít hết thì nhà ngói cũng như nhà tranh chăng?

Trông thấy mấy chị lội xuống biển ở St Tropez mà chán cho … nước biển.


Ngày 13 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Mấy chục năm trước, thỉnh thoảng có dịp ngồi ăn trưa với ông cụ hàng xóm, tôi lại phải nghe suốt bữa những lời than thở bực mình về vật giá trong ngày. Cụ nhắc lại thời giá của hơn ba chục năm trước, hồi những năm 1930, 1940 một chiếc xe đạp Alcion giá có mười mấy đồng, bộ quần áo may đẹp cũng chỉ vài đồng bạc, những bữa đi ăn tiệm chỉ mấy hào …

Toàn là những thứ tiền đến thời của chúng tôi thì không còn thấy dùng nữa.

Bây giờ thì là những đồng xu Mỹ. A penny saved is a penny earned. Một xu tiết kiệm được là một xu kiếm được.

Nhưng không còn ai ngồi mà đếm mấy đồng xu đỏ nữa. Những cách nói có từ lâu chắc cũng sẽ ra đi. Not a penny to my name, không một xu dính túi.

Nhiều ý kiến đã muốn dẹp hẳn những đồng xu này. Lý do là vì không còn ai tiêu chúng nữa, mà phí tổn để đúc chúng lại cao hơn trị giá của chúng nữa. Từ ngoài đường về nhà, gần như người Mỹ nào cũng móc hết những đồng bạc kim khí ra, ném lên bàn. Giữ lại những đồng 5 xu, 10 xu , 25 xu. Những đồng 1 xu thì gạt sang một bên chờ một hôm nào có nhiều, ra ngân hàng mang theo đổi thành tiền giấy. Nhưng phải một trăm đồng mới thành một đô la giấy. Ít khi nhớ mang chúng theo nên những đồng xu mầu đỏ với chân dung nhìn nghiêng của tổng thống Abraham Lincoln tiếp tục nằm trong những góc kẹt của những chiếc ngăn kéo, trong những góc nhà cho đến khi dọn dẹp căn phòng hay đổi địa chỉ đến một nơi khác mới lại thấy chúng.

Chúng cũng chẳng an ủi được người tiêu thụ bao nhiêu. Thay vì đề giá 20 đô la, người ta đề 19 đô la 99 xu. Ai là người tin cái giá đó là giá rẻ hơn 20 đô la. Cộng thêm mấy xu thuế là thành trên hai chục đô la ngay. Mà cho dù có đúng là 19 đô la 99 xu, đưa tờ giấy 20 đô la ra, mấy ai chúng ta giơ tay chờ nhà hàng trả lại 1 xu đó.

Khách không thèm lấy 1 xu, mà chủ tiệm nhiều khi cũng chẳng thèm lấy. Thế là có cãi hũ nhỏ, cái hộp nhỏ cho khách bỏ đồng 1 xu, hay nhiều khi là ba , bốn, đồng xu vào cái hũ ấy. Không ai biết chúng đi đâu.

Nhưng thỉnh thoảng chúng cũng làm được việc. Thí dụ khi tính tiền, giá món hàng phải trả là 15 đô la lẻ 1 xu chẳng hạn. Người mua đưa ra tờ giấy 20 đô la. Một số tiệm trả lại bằng một tờ giấy năm đồng , xí xóa 1 xu lẻ đó. Nhưng cũng có những tiệm nhất định lấy cho đủ 1 xu bằng cách trả lại cho khách 4 đô la 99 xu. Lúc ấy, nếu có cái hũ để sẵn vài đồng xu của những vị khách trước, thì chỉ cần thò tay lấy 1 xu trong hũ đưa cho nhà hàng đúng hệt như hàng chữ viết bên ngoài hũ: You give one, you take one. Thừa thì cho một xu. Thiếu thì lấy một xu.

Khi thấy nhà hàng nhất định lấy cho đủ một xu mặc dù phải phá đồng 5 đô la ra để trả lại 4 đô la 99 xu vừa lẻ loi, vừa nặng chình chịch đó, lục trong ví, trong túi không sao có được một xu để đưa cho người thu tiền khó tính và độc ác đó, thì người ta mới thấy sự lợi ích của đồng một xu.

Cầm lấy 4 đồng 99 xu mà giận điên lên trong khi phía bên kia thì lặng lẽ cười khoái chí vì vừa chọc giận được một người khách.

Nếu có thể tránh được, chuyện trở lại tiệm chắc không bao giờ xẩy ra nữa.

Như vậy, đồng penny cũng có thể là một thứ có thể dùng để chọc tức người khác hay trả thù cho bõ ghét.

Một người lái xe nọ, bị cảnh sát phạt mấy chục bạc. Ông đến quận cảnh sát với khoảng năm ngàn đồng một xu, chở bằng mấy thùng để trả tiền phạt. Cảnh sát không nhận, nại lý do là không có người đếm tiền. Người bị giấy phạt thì nói là không có chi phiếu hay tiền giấy. Kết cục cảnh sát vẫn thắng. Chỉ là để làm khó nhau mà thôi.

Nhưng vô duyên nhất là con số 9/10 của một xu. Đây là cái gì? Ai tìm được 9/10 của 1 xu, xin chỉ chỗ. Chắc nó phải trở thành một món sưu tầm quí lắm.

Tìm thì không thấy, không sờ được, không nhặt lên được. Nhưng 9/10 xu thì vẫn thấy lù lù ở ngoại đường. Ở giá xăng tại những cây xăng của các thành phố Mỹ.

Giá 3 đô la 99 , 9/10 xu có thấp hơn 4 đô la không?

Nhất định là không. Nhưng nó vẫn xuất hiện trên bảng giá tại các trạm xăng. Ghi nó trên bảng giá làm gì? Ai tin là giá xăng ghi như thế là rẻ, là thấp hơn 4 đô la?

Nhớ con cò trong ca dao Việt Nam:

Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng
Có sáo thì sáo nước trong
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con

Con cò xin được chết yên lành, sạch sẽ, ngon lành vì đằng nào cũng chết.

Người lái xe cũng vậy. Đằng nào cũng phải chi trên 4 đô la 1 ga lông xăng. Thì cứ tính cho đủ, cho đúng trên 4 đô la , chúng tôi vẫn ngậm đắng nuốt cay, giữ khuôn mặt vui tươi và trẻ trung để trả cái giá đó.

Đừng giả bộ an ủi, tử tế, nhẹ nhàng với chúng tôi trong khi lưỡi dao dấu sau lưng sắp chém chúng tôi nát cổ không một mảy may thương sót.


Ngày 14 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Những chiếc cell phone tiện thì cũng rất tiện , mà bất tiện thì cũng rất bất tiện.

Trước đây, nghe chuông điện thoại reo thì người ta phải chạy vội vàng vồ lấy nó mà hổn hển trả lời. Không kịp thì phải ngồi chờ phía bên kia gọi lại. Bây giờ, người đâu thì điện thoại đó. Không còn cảnh bên kia cúp làm cho bên này tiếc hùi hụi nữa.

Hồi trước thì chúng ta giải quyết bằng cách chạy một đường dây điện thoại vào tận buồng tắm. Điện thoại reo thì nhấc lên, trả lời được ngay. Thỉnh thoảng những câu trả lời có bị ngắt quãng, tiếng thở dồn dập hay lúc to lúc nhỏ thì bên kia cũng khó mà đoán ra được điều gì đang xẩy ra trong lúc hai bên điện đàm.

Chỉ khi nào xong việc trong buồng tắm, mà vẫn muốn tiếp tục đàm đạo, tiếng nước bỗng chẩy xối xả vang ầm lên lục ục thì bên kia mới lờ mờ đoán ra được phía bên này vừa bấm cái nút cho kỷ niệm trôi đi.

Ngày nay, chuyện mang điện thoại cell phone vào buồng tắm (?) là chuyện thường. Điện thoại reo, trả lời lập tức nếu muốn. Phía bên kia hỏi đang làm gì, cứ đáp đang nghĩ đến "toa" là được lòng người gọi, vui lòng người nghe ngay. Thế rồi cứ tiếp tục cuộc điện đàm trong tư thế thoải mái nhất. Tiện tay có thể xé những miếng giấy từ cuộn giấy treo ở bên cạnh, xếp sẵn trên đùi để sửa soạn cho paper work, hoàn tất việc hồ sơ (?) giấy tờ trước khi bước ra làm chuyện khác. Không muốn phía bên kia nghe thấy tiếng nước chẩy rào rạt thì bấm cái nút MUTE rồi hãy giật nước. Phía bên kia không cách nào biết được phía bên này có người lúc nào cũng multi task, một lúc làm mấy việc.

Cách dùng điện thoại cell phone như vừa kể thực ra đã có rất nhiều người làm. Sáng nay đọc một bản tin của AFP, tôi lại biết thêm rằng ngoại trưởng Israel cũng đã nhiều lần làm như thế. Nhưng ông Avigdor Lieberman còn có thêm một trò nữa. Đó là những lần trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí, đến khúc nào ông không vui, ông lại giật nước cái ào cho phía bên kia nghe chơi, chẳng cần phải kín đáo lịch sự gì hết.

Như thế, làm ngoại trưởng Israel cũng sướng hơn làm thường dân nhiều . Israel xưa nay vẫn phải tiết kiệm nước. Đã có lúc người ta phải bỏ vào bồn nước trong nhà cầu hai viên gạch để bớt đi lượng nước sau mỗi lần dùng nhà cầu. Ông cậy làm ngoại trưởng nên bực bội, ông lại giật nước một cái cho phía bên kia nghe hết hồn chơi.

Đọc chi tiết này tôi lại thấy ở Mỹ là hạnh phúc. Ai cũng có thể giật nước thoải mái như ông ngoại trưởng Israel, chẳng bao giờ phải nương tay trong những lần vào trong lăng Hồ chủ tịch.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Hôm nay Thúy có một thư khán giả nhờ thầy giải đáp một thắc mắc mà Thúy đọc thì lại thấy đó cũng là thắc mắc của chính mình. Đó là tên gọi một thứ văn kiện thỉnh thoảng Thúy đọc thấy trên báo: TO WHOM THIS MAY CONCERN. Tại sao lại có cái tên ấy? Và hiểu nó như thế nào?

BBT

Tôi vẫn gọi đùa TO WHOM THIS MAY CONCERN là cái văn kiện chửi mất gà. Nó là tờ giấy viết về một vài điều mà nếu không dính dáng gì đến cô, hay đến tôi thì chúng ta không cần quan tâm đến nó. Chỉ khi nào nó dính líu tới chúng ta thì chúng ta mới cần phải quan tâm, mới cần ngó vào, mới phải đọc mà thôi. Thí dụ tờ giấy với những câu đại khái … "Từ nay, chiếc xe Peugeot 203 số NBA-000 sẽ không thuộc về tôi nữa, ai ngồi lên nó, được chủ mới của nó đưa đi ăn tối, đi nhẩy đầm, đi hát karaoke, đi shopping, đi trượt tuyết, rồi có gì xẩy ra sau đó thì ráng mà chịu…" dưới ký tên John Smith chẳng hạn. Mấy dòng chữ đó thì nhất định không dính dáng gì đến tôi. Thế nên tôi không đọc, không thắc mắc gì hết. Người viết lá thư cũng không nghĩ là tôi sẽ đọc, sẽ có ý kiến, sẽ quan tâm. Thế nên người viết mới dùng câu TO WHOM THIS MAY CONCERN. TO WHOM là gửi tới ai, tới bất cứ người nào mà nội dung của lá thư này có thể tạo quan tâm. Không dính dáng lôi thôi gì thì không sao. Trúng thì ráng chịu. Hệt như trò chửi mất gà. Cứ đứng trong sân nhà mà chửi đổng, mà đem tất cả những chuyện không hay gửi vào thinh không cho đổ hết xuống đầu người lấy trộm con gà. Ai không lấy cắp con gà thì coi như những câu chửi ấy không nhắm vào mình. Ai động lòng thì lo mà mang trả lại con gà.

Gió bên đông, động bên tây
Đó nói bên ấy, bên đây động lòng

Đó là TO WHOM THIS MAY CONCERN. TO CONCERN là làm cho chú ý, làm cho thắc mắc, làm cho quan tâm.

QA

Hèn chi, con gái của QA có lần không biết có chuyện gì, nó nói với anh rằng THIS DOES NOT CONCERN YOU AT ALL. Rồi anh nó nói lại YES, THAT IS MY CONCERN.

LÃM THÚY

Thế còn thay vì WHOM, dùng WHO được không thưa thầy?

BBT

WHO và WHOM là đại danh từ chỉ trống. WHO dùng làm chủ từ. Thí dụ WHO WROTE THIS LETTER? WHOM là đại danh từ dùng làm túc từ.

LÃM THÚY

Thôi đúng rồi, hôm nọ Thúy thấy anh cầm cuốn tiểu thuyết của Ernest Hemingway, cuốn FOR WHOM THE BELL TOLLS? chuông chiêu hồn ai là thế đấy.

BBT

Nhưng trong khi nói, trong văn nói, người ta tha thứ cho trường hợp WHO DO YOU WANT TO SPEAK TO?WHOM DO YOU WANT TO SPEAK TO? Cả hai đều chấp nhận được mặc dù WHOM thì đúng hơn.

Nhân chữ CONCERN, tôi muốn chỉ cho hai cô vài cách nói này cũng có ích và có thể đem ra dùng ngay. Trước hết là AS FAR AS I AM CONCERNED. Mệnh đề này mở đầu bằng những chữ AS FAR AS. Những chữ này nghĩa là theo như, theo chỗ… Thí dụ thay vì nói HE IS NOT AT HOME, ông ấy không có nhà, chúng ta thêm những mệnh đề sau đây nghe mạnh hơn, làm phía bên kia chú ý tới nhiều hơn :

AS FAR AS I AM CONCERNED, HE IS NOT AT HOME

AS FAR AS I KNOW là theo chỗ tôi hiểu

AS FAR AS I CAN TELL YOU theo chỗ tôi biết và có thể nói

AS FAR AS I CAN SEE là theo chỗ tôi thấy

AS FAR AS I CAN SAY theo chỗ tôi có thể nói được

Lối nói này là một loại thuốc trị bá bệnh. Câu sau bất cứ ý nghĩa, nội dung như thế nào cũng được, đem ghép vào câu trước thì vẫn có nghĩa như thường. Nó sửa soạn để người nói tiến vào câu sau, lối nói này làm cho người nghe chú ý đến điều chúng ta muốn nói hơn. QA cho nghe thử vài ba câu coi.

QA

AS FAR AS I CAN SAY, HIS FAMILY CAME FROM ITALY theo chỗ tôi biết, gia đình ông ấy gốc gác là người Ý

AS FAR AS I AM CONCERNED, SHE IS NOT MARRIED TO HIM theo chỗ tôi biết được thì cô ấy không phải là vợ ông ấy

AS FAR AS I CAN SEE, SARAH PALIN WILL RUN AGAIN theo chỗ tôi thấy, bà Sarah Palin sẽ ra tranh cử lần nữa

BBT

Còn cô Lãm Thúy?

LÃM THÚY

AS FAR AS I KNOW, MISTER OBAMA WILL GO FOR ONE MORE TERM theo chỗ tôi hiểu, ông Obama sẽ cố tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa

AS FAR AS I CAN TELL YOU, HE IS NOT IN VIETNAM AT THE MOMENT theo chỗ tôi biết, ông ấy không có mặt ở Việt Nam vào lúc này

AS FAR AS I HEARD, SHE WILL NOT LEAVE THIS JOB theo những gì tôi nghe được, cô ấy sẽ không bỏ việc này

BBT

Cám ơn hai cô. Bây giờ, tôi lại chỉ thêm cho hai cô một chút nữa. Thay vì nói AS FAR AS, người ta có thể dùng SO thay cho chữ AS ở đầu để thành SO FAR AS. Phần thứ hai để nguyên, ý nghĩa vẫn không thay đổi. QA nói lại mấy câu của cô, lần này dùng SO FAR AS…

QA

SO FAR AS I CAN SAY, HIS FAMILY CAME FROM ITALY

SO FAR AS I AM CONCERNED, SHE IS NOT MARRIED TO HIM

SO FAR AS I CAN SEE, SARAH PALIN WILL RUN AGAIN.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

SO FAR AS I KNOW, MISTER OBAMA WILL GO FOR ONE MORE TERM

SO FAR AS I CAN TELL YOU, HE IS NOT IN VIETNAM AT THE MOMENT

SO FAR AS I HEARD, SHE WILL NOT LEAVE THIS JOB.

BBT

Tuần qua có thư từ gì khác nữa không cô Thúy?

LÃM THÚY

Thưa có. Thư của bà Nguyên Hảo ở Austin, Texas. Bà muốn biết câu bà đọc được sau đây có phải là câu hỏi không, và nếu là câu hỏi thì tại sao cuối câu lại không có dấu hỏi? WERE YOU IN ASPEN NOW, WE COULD GO SKIING.

BBT

Cám ơn cô Thúy. Đây là một câu hỏi rất hay. Cắt câu này ra làm hai, thì câu đầu là WERE YOU IN ASPEN NOW. Đây nhất định phải là 1 câu hỏi (INTERROGATIVE) vì chủ từ (YOU) đi sau động từ (WERE). Chủ từ đi trước động từ là câu xác định (AFFIRMATIVE): YOU WERE. Cuối câu WERE YOU IN ASPEN NOW bắt buộc phải có dấu hỏi (?). Nhưng vì phía sau, còn một mệnh đề nữa: WE COULD GO SKIING, cách nhau một cái dấu phẩy (,) nên cả hai họp lại thành một câu giả thuyết, một câu giả định (CONDITIONAL SENTENCE) nhưng chữ IF đã được bỏ đi.

Những câu giả thuyết chúng ta đã học một lần rồi, nên bây giờ tôi sẽ nói về mệnh đề IF (IF SENTENCE) nhưng bỏ IF đi, rồi hai cô thêm vào mệnh đề tiếp theo để hoàn tất câu CONDITIONAL SENTENCE. Cô QA: IF I WERE MISTER OBAMA hay WERE I MISTER OBAMA…

QA

WERE I MISTER OBAMA, I WOULD MISS GOING SHOPPING IN SOUTH COAST PLAZA nếu tôi là ông Obama, tôi sẽ nhớ những ngày được tự do đi shop ở South Coast Plaza.

BBT

Cô Thúy: IF HE WERE IN MY PLACE hay WERE HE IN MY PLACE…

LÃM THÚY

WERE HE IN MY PLACE, HE MIGHT DO EXACTLY THE SAME là nếu ở địa vị của tôi, ông ấy sẽ làm hệt như vậy

QA

WERE SHE STILL HERE, SHE SHOULD BE PROUD OF HER DAUGHTER nếu bà ấy có mặt ở đây, bà ấy sẽ rất kiêu hãnh về con gái

LÃM THÚY

WERE WE YOUNGER, WE WOULD GO BACK TO UNIVERSITY nếu chúng tôi còn trẻ, chúng tôi sẽ trở lại đại học

QA

WERE THEY ASIANS, THEY WOULD EAT MORE RICE nếu họ là người Á châu, họ sẽ ăn nhiều cơm hơn

BBT

WERE I STILL A YOUNG MAN OF MANY YEARS AGO
I WOULD SURELY ASK YOU TO COME AND LIVE WITH ME

LÃM THÚY

Thúy nghe như ông Hoàng Cầm đang nói tiếng Anh phải không anh? Nếu anh còn trẻ như năm cũ/ Quyết đón em về sống với anh

QA

Bài Tình Cầm được dịch sang tiếng Anh hồi nào vậy ông thầy?

BBT

Vừa được dịch cách đây 2 phút. Đó là điều kiện cách UNREAL PRESENT, với những giả thuyết, những điều KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ XẨY RA VÀO LÚC NÀY, TRONG HIỆN TẠI. Nhưng chúng ta cũng biết là còn có một điều kiện khác nữa, đó là chuyện đã KHÔNG XẨY RA TRONG QUÁ KHỨ. Trong câu IF (IF SENTENCE), chúng ta dùng PAST PERFECT với PAST TENSE của TO HAVE là HAD và sau đó là PAST PARTICPLE của động từ chính. Thường thì phải là

IF HE HAD BEEN HERE…

IF SHE HAD LEFT HOME…

IF WE HAD KNOWN HIM…

IF YOU HAD FINISHED…

IF I HAD MET MET HIM…

Bây giờ chúng ta ôn lại UNREAL PAST bằng cách tôi sẽ nhờ hai cô thêm phần thứ nhì vào các câu IF này với WOULD HAVE, COULD HAVE, MIGHT HAVE, SHOULD HAVEPAST PARTICIPLE của một động từ. Mời cô QA.

QA

IF HE HAD BEEN HERE, HE COULD HAVE HELPED US nếu ông ấy đã có mặt ở đây lúc đó, ông ấy đã có thể giúp chúng tôi

IF SHE HAD LEFT HOME, SHE MIGHT HAVE ARRIVED HERE BY NOW nếu cô ấy đã rời nhà thì cô ấy đã có thể tới đây rồi

IF WE HAD KNOWN HIM, WE WOULD HAVE ASKED HIM TO SIT WITH US nếu chúng tôi đã quen ông ấy thì chúng tôi đã mời ông ấy ngồi chung bàn với chúng tôi

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

IF YOU HAD FINISHED THE BOOK, YOU WOULD HAVE KNOWN THE END OF THE STORY nếu bà đã đọc hết cuốn sách thì bà đã biết được kết cuộc của câu chuyện

IF I HAD MET HIM BEFORE, I COULD HAVE GOTTEN THE JOB nếu tôi đã gặp ông ấy trước thì tôi đã có được công việc ấy

IF THEY HAD LIVED IN SAIGON, THEY WOULD HAVE KNOWN THE INDEPENDENCE PALACE nếu họ đã sống ở Sài Gòn thì họ đã phải biết dinh Độc Lập

BBT

Cám ơn hai cô. Tất cả các thí dụ các cô đưa a đều rất đúng. Bây giờ chúng ta bỏ chữ IF đi, ý nghĩa cũng không khác gì nếu chúng ta bỏ IF đi đem chủ từ đặt ra đằng sau của động từ HAD và trước PAST PARTICIPLE như trong các câu hỏi. Thí dụ IF I HAD KNOWN HIM thành HAD I KNOWN HIM. Cô QA , cô đổi những câu cô đưa ra trước đây bằêng cách bỏ chữ IF ở đầu coi.

QA

HAD HE BEEN HERE, HE COULD HAVE HELPED US

HAD SHE LEFT HOME, SHE MIGHT HAVE ARRIVED HERE BY NOW

HAD WE KNOWN HIM, WE WOULD HAVE ASKED HIM TO SIT WITH US

BBT

Đúng lắm. Bây giờ đến lượt Lãm Thúy.

LÃM THÚY

HAD YOU FINISHED THE BOOK, YOU WOULD HAVE KNOWN THE END OF THE STORY

HAD I MET HIM BEFORE, I COULD HAVE GOTTEN THE JOB

HAD THEY LIVED IN SAIGON, THEY WOULD HAVE KNOWN THE INDEPENDENCE PALACE

BBT

Các cô chỉ cần nhớ là những câu dùng SHOULD HAVE , COULD HAVE, MIGHT HAVE, WOULD HAVE theo sau là PAST PARTICIPLE, quá khứ phân từ, thì việc mà động từ đó diễn tả đều ĐÃ KHÔNG XẨY RA.

Một nhà thơ của văn học Mỹ, John Greenleaf Whittier (1807-1892) có viết câu này trong một bài thơ của ông: …FOR OF ALL SAD WORDS OF TONGUE OR PEN, THE SADDEST ARE THESE: IT MIGHT HAVE BEEN… nghĩa là trong những câu nói hay những điều được viết xuống, thì những chữ này là những chữ buồn bã bi thảm nhất: đáng lẽ ra thì…

Đây là một thí dụ khác: I SHOULD HAVE STUDIED LAW. Câu này nghĩa là đáng lẽ tôi đã phải học luật, nhưng sự thực thì tôi đã không học luật hồi ở Sài Gòn. Việc HAVE STUDIED LAW đã không xẩy ra. Cô QA, chắc trong đời, cô cũng đã có những việc cô không làm, nghĩ lại vẫn còn tiếc chứ. Cô cho nghe một thí dụ coi.

QA

I COULD HAVE VISITED HỘI AN AND HUẾ.

BBT

Như vậy, cô có đi Hội An và Huế không?

QA

Không. Cho QA đưa thêm một thí dụ nữa. WE MIGHT HAVE GONE TO NEW YORK TO LIVE IN 1990. Hồi ấy QA có cơ hội đi New York nhưng gia đình lại không chịu đi.

LÃM THÚY

Thúy cũng có những điều muốn làm, định làm, phải làm mà đã không làm. Thí dụ I COULD HAVE SOLD THE HOUSE 4 YEARS AGO. Lúc ấy, giá nhà đang lên mà bán căn nhà đang ở thì Thúy đã có nửa triệu cầm tay, nhưng Thúy đã không bán. Hay một chuyện này nữa, Thúy cũng tiếc ghê: WE SHOULD HAVE BOUGHT THE CONDOMINIUM OVERLOOKING THE BEACH nhưng Thúy đã không mua căn nhà ngó xuống biển .

BBT

Tóm lại là toàn những chuyện đã không xẩy ra. Bây giờ thêm NOT vào những câu trên, thì mọi chuyện đều xẩy ra. Thí dụ I SHOULD NOT HAVE TALKED TO HIM nghĩa là tôi đã nói hay tôi đã không nói chuyện với ông ta?

QA

Anh ĐÃ làm việc đó. I SHOULD NOT HAVE TALKED TO HIM nghĩa là đáng lẽ tôi đã không nên nói chuyện với ông ấy, nhưng tôi lại nói chuyện với ông ấy nên chuyện mới rắc rối. QA nói thế này có được không: HE WOULD NOT HAVE GONE TO BELGIUM nghĩa là lẽ ra anh ấy đã không đi Bỉ nếu anh ấy được học bổng đi Pháp nhưng sự thực thì anh ấy đã đi học ở Bruxelles.

LÃM THÚY

PRESIDENT DIEM WOULD NOT HAVE DIED IN 1963 tổng thống Diệm đáng lẽ đã không chết năm 1963, nhưng vì bị đảo chính, ông đã bị giết năm 1963. Hay câu này: TOM MIGHT NOT HAVE LOST THE JOB lẽ ra thì Tom đã không mất việc, nhưng vì anh ấy đi cái Rolls Royce, hôm nào cũng đậu choán chỗ đậu xe của xếp nên anh ấy bị xếp gọi vào "Thank you, bye bye."

BBT

Một khán giả của chương trình, cô Hằng ở địa chỉ Hang0100@gmail.com có hỏi là khi đặt GERUND ở đầu câu thì có qui luật gì không. Xin trả lời cô GERUND là một danh động từ tạo thành bởi động từ và cái đuôi ING ở phía sau (VERB+ING) vì thế nên nó cũng làm việc như một danh từ. Nhưng danh từ này thường diễn tả những hành động, những việc làm, các nhà văn phạm gọi chúng là ACTION NOUNS, hay NAMES OF THE ACTION chứ không là tên của các đồ vật, thú vật, người như các danh từ chung vì thế thường GERUND ít khi là số nhiều. Mời cô QA cho một thí dụ với một GERUND, một VERBAL NOUN đứng đầu, làm chủ từ cho một động từ coi.

QA

PARTING IS DYING A LITTLE BIT. PARTING là danh động từ được tạo thành từ động từ PART và cái đuôi ING. PARTING là chủ từ của động từ TO BE. DYING là danh động từ do TO DIE là chết.

BBT

Giỏi lắm. Cô còn biết cả tiếng Tây nữa sao? PARTIR C’EST MOURIR UN PEU… Đi là chết ở trong lòng một ít. Cô Thúy cho nghe một thí dụ với GERUND đứng đầu câu.

LÃM THÚY

COOKING IS FUN. WALKING IS GOOD FOR OUR HEALTH. SMOKING CAN CAUSE LUNG CANCER.

QA

Áp dụng điều ông thầy vừa dậy về GERUND, QA xin nói ở đây : LEAVING IS ONLY TO COME BACK NEXT WEEK. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.

April 7, 2011

April 8, 2011

Ngày 4 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Nhật báo NV có một độc giả chắc bực ông Nguyễn Tấn Dũng lắm nên trong một lá thư gửi cho tòa báo, độc giả này có viết một câu đọc lên, nghe qua là biết ông nghĩ sao về thủ tướng Việt Nam.

Cách nói về người đàn ông này mang đầy nét nhục mạ ở trong. Nhưng có thể lại không bị ông cụ tôi bắt kiểm duyệt vì nó không quá khinh người , vơ đũa cả nắm để bị cấm kỵ như chúng tôi vẫn bị hồi còn bé.

Chúng tôi bị cấm nói câu "đồ nhà quê", vì không có nhà quê làm sao có tỉnh, không có nhà quê lấy cơm đâu mà ăn? Chúng tôi bị cấm không bao giờ được dùng những chữ "con ở" hay "thằng bồi, thằng bếp…". Bao giờ cũng phải gọi chị X., anh Y…

Độc giả của báo NV gọi Nguyễn Tấn Dũng là "thằng học lớp ba". Học lớp ba rồi không học tiếp lên lớp nhì, lớp nhất, thi tiểu học, thi đệ thất để vào trung học rồi học lên cao hơn thì quả là dốt.

Lớp ba là năm thứ ba của bậc tiểu học. Học sinh học lớp ba phải thuộc tất cả các bản cửu chương, làm tính có nhớ, làm tính chia có số lẻ. Phải học sử ký và địa lý. Buổi chiều ở nhà phải đọc ông ổng lên để nhập tâm những câu như " Lê (a) Long Đĩnh… thuở trẻ vì dâm (a) dục (a) quá (a) độ, mỗi khi thiết triều … phải nằm để nghe các quan báo cáo nên còn có tên là Lê (a) Ngọa (a) Triều…" Mấy câu này đọc ra rả chắc làm cho mấy ông bố ở nhà nghe khó chịu lắm nhưng biết làm gì được. Bài học của con mà.

Học lớp ba là phải học bằng ấy thứ. Làm khổ cha mẹ cũng là những bài học của lớp ba.

Hầu hết những người bạn nhỏ của tôi trong cái lớp ba của cụ giáo Côn trên lầu trường Sinh Từ đều lên lớp nhì học tiếp. Sau năm đó, tôi không gặp lại rất nhiều người. Có những người chết dọc Trường Sơn. Có những người làm cán bộ, làm công nhân xí nghiệp, ở khu nhà tập thể Kim Liên chẳng hạn. Nhưng không bỏ học sau năm lớp ba.

Bỏ học sau năm lớp ba thì chắc kiến thức không được bao nhiêu. Những bài nông phố trích từ những cuốn Tiểu Học Nguyệt San không cung cấp được bao nhiêu hiểu biết về canh nông, trồng tỉa. Bài đức dục thì "anh em như chân như tay ", hay "ai ơi đừng bỏ ruộng hoang, bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu". Mới có cho được bằng ấy thứ vào đầu mà đã bỏ học đi theo cách mạng thì dốt thật. Gọi là "thằng học lớp ba" là phải.

Lập tức nhà báo nhận được một lá thư bênh "thằng học lớp ba" chằm chặp, nhưng lập luận không đủ thuyết phục nên danh xưng "thằng học lớp ba" vẫn có lý.

Còn mấy chữ cấm kỵ khác như "đồ nhà quê nhà mùa" thì vẫn bị coi là những chữ cấm kỵ chăng? Vì nó vẫn có vẻ coi thường những người cho chúng ta bát cơm đầy, dẻo dai một hột, đắng cay muôn phần?

Một người bạn nghe thắc mắc này liền đề nghị: tại sao không dùng cách mô tả "cục mịch như anh nông dân Campuchea" có phải là không xúc phạm "những tấm áo nâu" không nào?

Trời ơi, đúng sao là đúng. Quả thật là có những người đàn ông hệt như trong một tấm bumper sticker tôi đọc được trên cản một chiếc xe ở Virginia:

I am fat. But I can always go on a diet.
You are ugly. There is nothing you can do about it.

Hay câu này: You have a face only your mother could love.

Mặt mũi như thế thì có đắp đẫy lụa vào thì cũng không thể giống George Clooney được là như thế.


Ngày 5 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Tôi không bao giờ là người ái mộ ông Obama nên bạn của ông Obama lại càng không bao giờ có tên trong danh sách những người tôi ngưỡng mộ.

Nhưng đọc cách viết về người đàn ông này ở mấy bản tin trong internet hôm nay tôi thấy rất khó chịu.

Người đàn ông ở Hawaii này vừa bị cảnh sát bắt về tội đi tìm gái điếm. Ông cùng với 3 người đàn ông khác bị bắt hôm thứ Hai (4 tháng 4) ở Honolulu. Tất cả đều đã được thả ngay sau khi đóng tiền thế chân 500 đô la.

Chuyện đi kiếm của lạ thì rất nhiều người đã làm. Các chính trị gia, có người làm rất lớn (thống đốc), có người đeo trên cổ mấy ngôi sao, có những nhân vật nổi danh, bạn gái đẹp khủng khiếp cũng đi kiếm lầm phải một anh đàn ông giả gái. Ở nước Ý, thủ tướng Silvio Berlusconi cũng vì chuyện gái đang phải ra tòa.

Tất cả đều bị cảnh sát làm khó dễ, nhưng rồi chuyện cũng chẳng đi tới đâu. Họ đều được những người vợ, những người bạn gái làm đúng như lời khuyên của Tammy Waynette trong ca khúc đồng quê Stand By Your Man. Đó là không ai bỏ ai hết.

Kể ra những chi tiết ở trên không phải là để biện hộ, bào chữa, bênh vực cho việc làm của những người đàn ông này mặc dù có một số phụ nữ chủ trương là cứ "ăn bánh trả tiền", đừng có dây dưa, dính líu tình cảm là được rồi.

Đó là chuyện riêng của các chàng với cảnh sát và của những người phụ nữ ỏ cùng địa chỉ với các chàng. Và trong những trường hợp khác, là báo chí và phe đối lập như trường hợp thủ tướng Ý.

Chuyện đi kiếm gái ở Hawaii của mấy người đàn ông này có đáng gì mà phải viết thành tin. Trường dậy môn báo chí vẫn chủ trương chó cắn người không phải là tin. Nhưng người cắn chó thì đó mới là tin.

Bốn người đàn ông tuổi tứ thập đi nhậu với nhau, khoảng 9 hay 10 giờ tối rủ nhau đi mua vui. Cảnh sát giăng bẫy, vồ cả bốn cậu cho cái giấy phạt, bắt ra tòa. Chuyện có vậy thì viết thành tin e các editor của tòa báo quăng ngay vào sọt rác.

Thế nên phải cho một cái tựa như thế này: Obama Friend Arrested For Soliciting Prostitute. Bạn của tổng thống Obama bị bắt về tội đi kiếm gái điếm.

Người đàn ông này tên là Robert Titcomb 49 tuổi. Hồi những năm 1970, ông ta có học chung trường với ông Obama. Ông Obama ra trường trước ông Titcomb một năm. Nhưng hai người vẫn giữ liên lạc với nhau. Ông Obama mỗi lần đi Hawaii đều gặp ông Titcomb. Cuối năm 2010, ông Obama cũng đi chơi golf với ông Titcomb.

Liên hệ giữa hai ông chị có như thế. Không thấy nói ông Titcomb được mời đến dự những buổi tiếp tân, tiệc tùng ở Washington. Nhưng dầu có như thế thì chuyện ở Hawaii của ông Titcomb cũng không cần phải nối kết vào với chuyện ông quen biết ông Obama.

Nếu ông Titcomb đến Washington và dẫn một cô vào tòa Bạch Ốc ở qua đêm thì lại là chuyện khác. Đằng này ông Obama ở Washington, còn ông Titcomb thì ở Hawaii. Việc ông Titcomb làm hôm thứ Hai ông Obama không hề biết mà cũng sẽ chẳng bao giờ biết.

Vậy thì tại sao phải đặt cái tựa cho bản tin , kể ra những liên hệ giữa ông Titcomb và ông Obama?

Chi tiết hai người quen nhau, đi chơi, đánh golf với nhau không hề làm giảm uy ín của ông Obama mà cũng không làm nhẹ tội cho ông Titcomb.

Tóm tắt lại, theo lối nói của người bạn tôi, là thằng nhỏ làm tội thằng lớn. Nhưng mà thằng lớn của thằng nhỏ. Không phải thằng lớn bạn của thằng lớn có thằng nhỏ .

Rõ là vớ vẩn.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa thầy, hôm nay, Thúy có câu hỏi là làm sao phân biệt được lúc nào dùng GOOD và lúc nào dùng WELL. Thúy hỏi mấy người Mỹ, những người sử dụng Anh ngữ cả đời mà Thúy cũng vẫn không có được câu trả lời thỏa đáng.

BBT

Hai chữ này, chính một số người Mỹ cũng nói sai, nhưng trong ngôn ngữ thường đàm, hàng ngày, thì người ta lại có khuynh hướng chấp nhận những sai lầm đó. Tuy thế, chúng ta vẫn nên học cách dùng đúng của hai chữ này.

Thực ra, hai chữ này dùng cho đúng cũng không khó. GOOD là một tĩnh từ (ADJECTIVE). Tĩnh từ trong Anh ngữ dùng để phụ nghĩa, thêm nghĩa, làm rõ nghĩa của danh từ (NOUN). Tĩnh từ luôn luôn đi trước, đứng phía trước, ở đằng trước danh từ. Những điều đó hai cô chắc chắn đã hiểu rõ.

WELL là trạng từ (ADVERB) , tiếng dùng để thêm nghĩa cho động từ, cho người nghe biết thêm về động từ.

Hiểu như vậy rồi, cô Thúy cho một thí dụ với GOOD và một thí dụ với WELL coi. Nhớ là GOOD đi với một danh từ và đi trước danh từ đó. Còn WELL thì đi sau động từ.

LÃM THÚY

GOOD BOOK, không bao giờ là WELL BOOK. I LIKE TO SIT IN FRONT OF THE FIREPLACE WITH A GOOD BOOK.

MY NIECE IS ONLY 5 YEARS OLD BUT SHE CAN READ WELL.

BBT

Đúng. Còn cô QA muốn nói gì đây?

QA

Thưa anh tại sao con gái QA khi bạn nó hỏi HOW ARE YOU?, nó lại trả lời I AM GOOD?

BBT

Tôi vừa định nói đến điều đó thì cô hỏi. Cám ơn cô. Trong Anh ngữ có khoảng 60 động từ có cách dùng như thế. Chúng đi với tĩnh từ thay vì trạng từ. Tôi không thể kể hết ra ở đây trong bài học hôm nay. Một số những động từ đó, hai cô có thể đã biết, lại đi với tĩnh từ, không đi với trạng từ mặc dầu chúng là động từ, mà chúng ta đều biết, đều được các sách văn phạm dậy là (động từ) phải đi với trạng từ.

LÃM THÚY

Thúy biết ít nhất là ba động từ. Đó là TO LOOK, TO SEEM, TO APPEAR.

TO LOOK , TO SEEM và TO APPEAR đều có nghĩa là trông, coi có vẻ, có vẻ. Sau đó, chúng ta dùng tĩnh từ.

Thí dụ SHE LOOKS WONDERFUL. THEY SEEM HAPPYHE APPEARS HEALTHY.

BBT

Đúng vậy, WONDERFUL, HAPPY và HEALTHY đều là tĩnh từ.

QA

Nhưng QA cũng lại nghe có người nói HE LOOKS WELL, SHE SEEMS WELL hay SHE APPEARS WELL. Vậy thì có phải các động từ LOOK, SEEM và APPEAR đều có thể dùng với cả trạng từ WELL và tĩnh từ GOOD có đúng không?

BBT

Lại phải cám ơn cô QA lần nữa. Chữ WELL mà cô vừa dùng sau các động từ LOOK, SEEM và APPEAR đó là tĩnh từ, có nghĩa là khỏe, khỏe mạnh, không bệnh tật. Nếu WELL nghĩa là giỏi, là hay thì nó là trạng từ. Thí dụ HE SINGS WELL. SHE COOKS WELL.

LÃM THÚY

Trong hai câu trên thì WELL là giỏi, là hay. Anh ấy hát hay. Cô ấy nấu ăn giỏi. Không thể hiểu là anh ấy hát … khỏe mạnh, hát … không bệnh tật gì phải không thưa thầy?

BBT

Có hai động từ trong nhóm này mà hai cô thường gặp là TO SMELL và TO FEEL. TO SMELL là ngửi. TO FEEL là cảm thấy.

Thí dụ: THE COFFEE SMELLS GOOD ( WONDERFUL, DELICIOUS) IN A COLD MORNING. Hay BABIES ALWAYS SMELL GOOD.

Hay MUSIC CAN MAKE PEOPLE FEEL GOOD.

Hai cô nhớ thêm một điều này nữa. Chúng ta dùng WELL với các động từ diễn tả hành động (ACTION VERBS). Cô QA cho vài động từ ACTION VERBS coi nào.

QA

QA nghĩ đây là các ACTION VERBS mà QA có trong đầu vào lúc này: TO DRIVE, TO WALK, TO PLAY, TO JUMP, TO RUN.

BBT

Bây giờ tôi hỏi cô Thúy nói thế này đúng hay sai?
HE SCORED GOOD IN HIS ENGLISH EXAM.

LÃM THÚY

Sai. Phải nói là HE SCORED WELL IN HIS EXAM.

BBT

Còn cô QA, nói thế này đúng hay sai? SHE PLAYS THE CELLO WELL.

QA

Đúng. Động từ PLAYS cần một trạng từ. Trạng từ WELL đi với động từ PLAYS là đúng.

BBT

Trong câu này, HE SPEAKS SPANISH, người ta có thể dùng cả GOOD và WELL. Nhưng dùng cho đúng cũng hơi rắc rối một chút. GOOD hay WELL tùy theo ý nghĩa chúng ta muốn diễn tả. Chuyện ông ấy nói tiếng Tây Ban Nha thì ai cũng biết. Ông ấy nói giỏi và nói hay nữa là khác. Nhưng không phải dùng GOOD và WELL cho tất cả mọi trường hợp đều được.

Cô Thúy, khi tôi nói rằng ông ấy nói tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng Tây Ban Nha rất hay của thủ đô Madrid thì cô dùng GOOD hay WELL?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ anh muốn tả cái thứ tiếng Tây Ban Nha của ông ấy, Tây Ban Nha quí tộc của Cervantes, của El Cid, của Don Juan thì chắc phải nói GOOD SPANISH. HE SPEAKS GOOD SPANISH.

QA

QA xin nói là Thúy dùng như vậy rất đúng. SPANISH là danh từ. GOOD nói thêm cho người nghe về cái danh từ đó, về thứ tiếng Tây Ban Nha đó, thì chúng ta dùng GOOD, cho GOOD đứng trước danh từ SPANISH.

Nhưng khi nói ông ấy nói giỏi tiếng Tây Ban Nha, chúng ta muốn nói rõ hơn về cách nói, về động từ SPEAK, cách lên giọng, xuống giọng, nhẹ nhàng, ngọt như Julio Iglisias, thì QA nghĩ phải dùng WELL và nói HE SPEAKS SPANISH WELL.

BBT

Bây giờ tôi hỏi thêm hai cô khi nào dùng GOOD và khi nào dùng WELL trước khi chúng ta chuyển sang một chuyện khác.

Thí dụ nói cô ấy nấu ngon lắm, giỏi lắm, cô ấy nấu hết sẩy đồ ăn Thái Lan thì Thúy nói thế nào?

LÃM THÚY

SHE COOKS THAI FOOD VERY WELL.

BBT

Đúng. Thế còn khi nói cô ấy nấu mấy món Thái ngon không chịu được, ngon lắm, cay giàn nước mắt ra mà vẫn muốn ăn thêm thì cô QA nói về cô ấy thế nào?

QA

SHE COOKS GOOD THAI FOOD.

BBT

Đây là một câu chắc hai cô cũng đã nghe rồi: THEY ALWAYS SPEAK WELL OF HIM. Câu ấy nghĩa là gì?

QA

Nghĩa là họ luôn luôn nói tốt về ông ấy. Nhưng nếu muốn dùng GOOD, QA nghĩa phải nói thế này: THEY ALWAYS SAY GOOD THINGS ABOUT HIM.

LÃM THÚY

Thế thì nói xấu ai, chúng ta nói thế nào? Có phải SPEAK OF THE DEVIL không thưa anh?

BBT

Không. Nói xấu người nào là TO SPEAK ILL OF SOMEBODY.

SPEAK OF THE DEVIL nghĩa là đang nhắc, đang nói về ai đó, có thể nói tốt, có thể nói xấu, có thể nói không tốt không xấu về người ấy thì người ấy lù lù xuất hiện. Thí dụ WE WERE TALKING ABOUT THE PARTY WHERE WE SAW HIM. SPEAK OF THE DEVIL, HE OPENED THE DOOR AND WALKED IN.

QA

QA nhận được một câu hỏi qua e-mail nhờ QA chỉ cho nghĩa của chữ BUT. QA mang nhờ thầy mách nước cho.

BBT

BUT là một liên từ, tiếng Anh là CONJUNCTION. Liên từ BUT được dùng để nối hai câu với ý nghĩa tương phản.

HE HAS LITTLE MONEY . HE HAS VERY EXPENSIVE TASTES. Hai câu này đưa ra hai sự kiện thường là không đi với nhau. Ông ấy không có nhiều tiền . Ông ấy có những sở thích rất đắt tiền. Dùng liên từ BUT, chúng ta đem hai hình ảnh trái ngược đặt bên cạnh nhau làm cho sự tương phản rõ thêm: HE HAS LITTLE MONEY BUT HE HAS VERY EXPENSIVE TASTES.

BUT trong câu trên có nghĩa là NHƯNG, NHƯNG MÀ…

BUT cũng có nghĩa là NGOẠI TRỪ. Thí dụ Thúy là người duy nhất trong gia đình phải đi làm hôm Giáng Sinh, hay không ai ngoại trừ Thúy phải làm việc hôm Giáng Sinh thì cô nói thế nào?

LÃM THÚY

NOBODY IN MY FAMILY HAS TO WORK ON CHRISTMAS DAY BUT ME. Hay NOBODY BUT ME HAS TO WORK ON CHRISTMAS DAY.

BBT

BUT cũng có cùng ý nghĩa và cách dùng với chữ EXCEPT. QA dùng EXCEPT thay cho BUT coi.

QA

I KNOW ALL PEOPLE IN THE ROOM BUT HIM.

I KNOW EVERYBODY IN THE ROOM EXCEPT HIM.

BBT

BUT cũng còn có nghĩa là CHỈ.

LÃM THÚY

Thôi đúng rồi. Bài OH! CAROL của Neil Sedaka có câu mở đầu đúng ý nghĩa của chữ BUT mà anh vừa nói: OH! CAROL, I AM BUT A FOOL

QA

Như vậy, BUT có cùng nghĩa như JUST phải không anh? Vậy thì Paul Anka cũng viết một bài với câu đầu có thể làm thí dụ cho bài học hôm nay: I AM JUST A LONELY BOY, LONELY AND BLUE, bài LONELY BOY đó Lãm Thúy…

BBT

Đúng lắm. Còn khi nào muốn cho ý nghĩa mạnh hơn, người ta dùng NOTHING BUT. Thí dụ I AM AN OLD MAN không mạnh bằng I AM BUT AN OLD MAN. Mạnh hơn thì nói I AM NOTHING BUT AN OLD MAN.

LÃM THÚY

NO! MISTER BUI, YOU ARE NONE OF THE ABOVE!

BBT

Cám ơn sự tử tế của cô. Nhân nói về BUT và những nghĩa không thường gặp của nó , có lẽ tôi sẽ phải nói thêm về một chữ khác mà có thể hai cô chưa gặp. Đó là VERY.

VERY là trạng từ, dùng để làm cho nghĩa của một tĩnh từ mạnh thêm. HOT thành VERY HOT. PRETTY thành VERY PRETTY… vân vân.

Nhưng VERY cũng được dùng trong cách dùng nhấn mạnh. Thí dụ IN THIS SAME PLACE nghĩa là ở cùng chỗ này. Thêm VERY vào chúng ta có IN THIS VERY SAME PLACE nghĩa là ở ngay tại chỗ này.

LAST YEAR, ON THIS DAY AND AT THIS VERY SAME GATE là gì nào cô QA?

QA

Câu này chắc chắn là của Thôi Hộ. QA có nghe ba QA ngâm nga cả bài, nhưng QA chỉ thuộc có một câu: khứ niên, kim nhật, thử môn trung… Thử môn trung là ngay cái cửa này, THIS VERY SAME GATE…

BBT

Bây giờ có một động từ các cô đã dùng nhiều lần, tôi muốn chỉ cho hai cô một cách dùng khác nữa. Đó là động từ MAY, một động từ khiếm khuyết (DEFECTIVE VERB). Vì nó khiếm khuyết , nó thiếu nhiều thứ nên nó không có TO ở trước, nó không có "S" ở ngôi thứ ba số ít. Nó lại còn rất tội nghiệp vì nó có hiện tại, có quá khứ nhưng lại không có tương lai.

MAY được dùng để hỏi xin phép.

LÃM THÚY

Động từ này, con gái của Thúy hay dùng lắm nên Thúy biết rất rõ. Mấy câu thế này thì hôm nào Thúy cũng nghe từ i cô con gái: MAY I USE THE CAR? MAY I BORROW YOUR NEW SHOES? MAY I GO OUT WITH MY FRIENDS?

BBT

Vậy thì khỏi giảng thêm nữa. Vì chắc con của QA cũng suốt ngày mấy câu như thế. MAY còn có nghĩa là có lẽ, có thể, như một chuyện chúng ta chưa thể nói chắc hay biết chắc được. QA cho thí dụ về cách dùng này được không ?

QA

MRS PALIN MAY RUN FOR OFFICE IN 2012.

IT MAY RAIN TONIGHT.

BBT

Cám ơn hai cô. Còn một cách dùng nữa các cô cũng nên biết. MAY được dùng để nói lên những lời ước, những hy vọng. MAY được đặt ở đầu câu.

Thí dụ chúng ta muốn, hay chúng ta hy vọng Trời phò hộ cho người đang nói đang noi chuyện với chúng ta, thì chúng ta nói MAY GOD BLESS YOU! Thúy đi ăn cưới, muốn chúc đôi trẻ hạnh phúc thì nói thế nào? Nhớ dùng MAY ở đầu câu.

LÃM THÚY

MAY YOU HAVE A LONG, HAPPY, PROSPEROUS LIFE!

BBT

Cô QA muốn chúc bà hàng xóm Mỹ của cô cuối tuần vui vẻ thì cô nói thế nào?

QA

MAY YOU HAVE A WONDERFUL WEEK-END!

BBT

Hay lắm.

QA

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.

April 1, 2011

April 1st, 2011

NGUYỄN ĐỨC QUANG

1944-2011

http://www.youtube.com/watch?v=xj-u7PbIhkg


Có thể nói chắc rằng ở Việt Nam, không có một thế hệ nào kém may mắn bằng thế hệ của những người ra đời trong những năm cuối của thập niên 30 bắt sang đầu thập niên 50.

Thế hệ này vừa ra đời thì đã phải chạm mặt ngay với hai cuộc chiến lên tiếp ở Đông Dương của những năm 50 , rồi những năm 60 và 70. Họ lớn lên, để tử trận nhiều nhất, góa bụa nhiều nhất và mồ côi nhiều nhất.

Mồ côi trong cuộc chiến Đông Dương thứ nhất. Tử trận và góa bụa trong cuộc chiến Đông Dương thứ hai.

Trong đời sống với cái chết cận kề rình rập như lúc nào cũng sẵn sàng ghé vào thăm, người ta vẫn cần, hay có thể nói là rất cần đến âm nhạc. Âm nhạc để vỗ về, an ủi, để khóc, để đau đớn cho những bất hạnh của thế hệ.

Kháng chiến có âm nhạc của kháng chiến trên những chiếc banjo, những chiếc mandoline, những Hạ Uy cầm, Tây Ban cầm trên vai của những thanh niên thành phố lên đường đổ máu cho quê hương với những bản nhạc của Hoàng Quý, Việt Lang, Văn Cao, Hoàng Giác, Tử Phác … quay quay thương nhớ quyến vào tơ, quay quay may áo rét dâng chàng… Những ca khúc hết sức lãng mạn của thành thị từ chàng ra đi lưng khoác chiến y, mà lòng vương bóng quốc kỳ… Ai qua miền quê binh khói, nhắn giúp rằng nơi xa xôi … lờ lững đôi chim giang hồ bay.. dưới ánh trăng mơ màng, ngồi kề bên nhau nối tơ lòng, của Ngọc Bích, Nguyễn Thiện Tơ , Đào Thừa Liệt ...

Cuộc chiến Đông Dương thứ nhất kết thúc với cảnh đất nước bị chia cắt. Thanh bình tạm bợ ở với chúng ta vài ba năm thì lại một trận đao binh khác ập tới. Những khúc ca thanh bình của Lam Phương, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Văn Khánh … bỗng thấy không còn hợp thời nữa. Thơ lãng mạn tiền chiến trở thành vô nghĩa, ngượng nghịu trên môi người đọc Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Thế Lữ, Xuân Diệu.. .

Tuổi trẻ Việt Nam lúc ấy thỉnh thoảng lắm mới tìm được một hai bài hát cho họ.

Một buổi sáng mùa đông, một đứa bé ra đồng, đạp trái mìn nổ chậm, chết không còn đôi chân…. Về đây nghe em, về đây nghe em, mặc áo the đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao …

Họ hát để quên đi những ca khúc đầy bi thảm, chết chóc : trực thăng sơn mầu tang trắng, em ngại ngùng dạo phố mùa xuân , viên đạn đồng đen, em sang ngang cho làm kỷ niệm

Không có mặt ở Việt Nam mấy năm, đến lúc về nước, thì tôi đã thấy có một phong trào nhạc đang lớn mạnh.

Đó là phong trào Du Ca. Du là đi đây đó. Du ca là vác đàn đi hát ở đây đó. Đây đó là những buổi lửa trại, là sân trường đại học, ở trường Văn Khoa đường Nguyễn Trung Trực, ở đại học Đà Lạt, ở trụ sở sinh viên đại học quốc tế đường Duy Tân, Hồng Thập Tự.

Nhạc khí là những chiếc ghi ta với những accord giản dị. Và giọng hát là những tiếng hát bằng tâm tình, bằng lòng thành, bằng tất cả tấm lòng cho cái quê hương có một thời ngạo nghễ ấy, cho giống dân mà gọi là vua đấu tranh… .

Ở một quán nước trên đường Tự Do, tôi gặp hai người, hai tác giả có những ca khúc đặt cạnh nhau chỉ để nói lên những tương phản, nhưng lại cũng nói lên được những ưu tư, những quan tâm, khắc khoải của cái hế hệ bất hạnh ấy.

Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đức Quang.

Trịnh Công Sơn đụng vào nhiều khía cạnh hơn Nguyễn Đức Quang. Những viên thuốc an thần của Trịnh Công Sơn được gửi đến người nghe, đồng thời vẽ ra một đất nước tan hoang với người yêu chết trận Pleime, đại bác ru đêm, đàn bò ngu ngơ vào thành phố, ngươi con gái Việt Nam da vàng đi trong đêm đầy tiếng súng...

Nguyễn Đức Quang viết những ca khúc khác hẳn của Trịnh Công Sơn.

TCS viết em chưa hát ca dao một lần, em chỉ có con tim căm hờn.

Nguyễn Đức Quang viết những ca khúc như thế này: Đường Việt Nam ôi vô tận đường ngang tàng ngoài biển Nam giữa Trường Sơn. Đường ngày qua đầy vết kinh hoàng mỗi xóm làng một dở dang…

Từ Nam Quan Cà Mau từ non cao rừng sâu. Gặp nhau do non nước xây cầu. Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng .Tiếng reo vui rộn ràng trong lòng. Gặp nhau do non nước xây cầu… Cùng đi lay Trường Sơn. Cùng đi xoay Hoành Sơn …

Hay: Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang. Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm. Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng.

Rồi lại: Ta còn những người ngồi quanh đây trán in vết nhăn. Đêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn chiến tranh. Ôi cùng đau thương cùng hoang mang giữa khi khó khăn. Xin chọn nơi này làm quê hương….

Nguyễn Đức Quang như thế đấy. Không đứng ngoài để đi hành quân làm lính cậu như Nguyễn Bắc Sơn… Không một lời thù hận bên này hay bên kia. Nguyễn Đức Quang là tiếng hét nhân bản, là lời réo gọi của nguyên một thế hệ sắp bị mất đi những giá trị của một xã hội đang bốc cháy.

Nguyễn Đức Quang không phòng trà não ruột, không tình ái bi thảm, không chính trị một chiều, không thù hận đằng đằng.
Nguyễn Đúc Quang đến với người nghe và nhất là những người hát nhạc của ông bằng tất cả chân tình của một thanh niên Việt.

Sự quyến rũ của Nguyễn Đức Quang là ở đó.

Mấy chục năm đã qua, nhưng Nguyễn Đức Quang không bao giờ rời xa hẳn chúng ta. Vẫn còn có những buổi sáng, hai ba câu hát của chàng vẫn tiếp tục ám ảnh chúng ta.

Và như thế, có nói là thế hệ này đã tìm được người phát ngôn thì cũng không sai. Nguyễn Đức Quang nói hộ chúng ta biết bao nhiêu điều chúng ta loay hoay nói không được và có nói cũng không hết.

Nguyễn Đức Quang qua đời sáng hôm Chủ Nhật nhưng ông vẫn sống tiếp bằng âm nhạc của ông, chừng nào mà quê hương Việt Nam còn ngạo nghễ, chừng nào mà còn những người đi trên những nẻo đuờng Việt Nam, chấp nhận đó là quê hương.

Nguyễn Đức Quang, ông đang nằm đó. Nhưng chúng tôi biết ông đang nghe chúng tôi. Ông sẽ còn nghe mãi những bản nhạc ông viết cho thế hệ này. Chúc ông thanh thản về cõi vĩnh hằng.

Vĩnh biệt Quang.

Bùi Bảo Trúc

27/3/2011


Ngày 28 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Mấy tháng trước đọc một bài báo tôi mới biết cái quán nước ở góc đường Lê Lợi và đường Tự Do không còn nữa.

Thực ra tôi không ngồi ở đó nhiều bằng ngồi ở cái quán góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do.

Quán tôi hay ngồi là quán Cái Chùa. Quán ngó sang khách sạn Continental và trụ sở quốc hội là quán Givral.

Nhưng đó lại là cái quán tôi rủ được một cô bạn đến ngồi lần đầu tiên trong đời khi còn ở lớp cuối bậc trung học. Nàng gọi một ly kem, tôi gọi một chai coca và trong lòng chỉ hồi hộp sợ không đủ tiền trả cho cả hai thì phải làm thế nào.

Vài ba năm sau, khi trở lại ngồi ở Givral, sự hồi hộp, lo lắng không còn nữa. Không còn chai Coca, mà là những chai San Miguel. Người bạn đi biệt tích luôn, không bao giờ gặp lại nữa.

Ở đó, tôi gặp những người khác. Phạm Xuân Ẩn với giọng Nam kỳ, tiếng cười xuề xòa không ai có thể biết ông còn làm những việc tầy trời khác nữa. Ngay sứ quán Pháp và Mỹ còn không biết huống gì là tôi. Mà tôi thì cũng chẳng có gì để cung cấp cho ông. Chúng tôi nói chuyện làm báo, chuyện nuôi chim và nuôi chó của ông. Có thể nói là tôi khai thác ông được nhiều hơn là ông khai thác tôi.

Ở đó, một lần tôi mời được Graham Greene từ khách sạn Continental sang uống cà phê và được tác giả cuốn The Quiet American tặng cho một cuốn với chữ ký Graham Greene (with an "e") để nhắc tôi viết tên ông cho đúng.

Thỉnh thoảng tôi cũng đưa hai đứa con vào ăn món kem đựng trong một quả dứa mà chúng rất thích.

Tôi không biết quán nước này bị phá đi sẽ được thay thế bằng một kiến trúc nào. Nhưng như vậy, lại một góc phố tôi sẽ không còn có thể nhận ra được nếu sau này có về được Việt Nam.

Givral rồi đây cũng sẽ trở thành một cái tên mà mấy đứa con tôi sẽ không bao giờ hình dung ra được hệt như những cửa tiệm mang những cái tên Pháp ở Hà Nội mà ông cụ bà cụ tôi vẫn nhắc khi còn sống. Những cái tên hoàn toàn xa lạ, không một chút liên quan nào với chúng tôi ngay từ thời gian còn sống ở Hà Nội.

Nhưng tôi vẫn còn nhớ cái không khí máy lạnh phả ra khi đẩy chiếc cửa kính bước vào, thoảng có mùi croissant với mùi ly cà phê buổi sáng.

Hôm nay, ngồi nhớ lại, tôi thấy những người tôi gặp ở Givral đều không còn.

Cho nên có về lại được Givral cũng không cách gì tìm lại được họ nữa. Những buổi trưa đi từ nhà sách Xuân Thu ra hành lang Eden, quẹo phải tới góc Lê Lợi sẽ không bao giờ còn quán Givral nữa.

Tiếc thì không, nhưng ngậm ngùi một chút thì có.


Ngày 29 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Một đứa cháu của tôi, tuy chưa có cái MBA như bố nó, và lúc ấy mới học lớp 1 đã rất rành rẽ về những lựa chọn tài chính của nó.

Mấy năm trước, nhân dịp tết, tôi lại nhà thăm và lì xì cho chị em nó, và hơi ân hận vì không kịp đổi được mấy đồng tiền mới. Tôi cầm mấy tờ giấy bạc hỏi nó là muốn lấy tờ hai chục mới hay lấy tờ năm chục đã cũ. Nó rất vui vẻ chọn tờ năm chục đã cũ. Tôi lại hỏi là muốn có cái ví nhỏ để đựng tờ hai chục mới không. Nó lắc đầu nói không cần cái ví, chỉ cần bỏ tờ năm chục đã cũ vào túi là vui rồi.

Như thế thì công ty Dunhill, công ty sản xuất píp, bật lửa và thuốc lá không thể có nó là khách hàng.

The Dunhill Biometric Wallet sports a biometric fingerprint reader that will open only with touch of your fingerprint.The outside of the wallet is constructed from highly durable carbon fibre that according to manufacturers makes it ?virtually indestructible?, while the interior features a luxurious leather credit card holder and a strong stainless steel money clip. Now all this technology won´t make you any good if thieves are going to run with it anyway, you might say. Well, the best part is Read...

Dunhill vừa bầy bán một loại ví mới cho đàn ông mà quảng cáo nói là không thể phá hỏng được. Ví chỉ có thể mở ra bằng tay của chính chủ nhân. Và nếu cái ví rời xa chủ nó khoảng 5 mét thì chủ nó được báo động ngay bằng điện thoại.

Mỗi chiếc ví high tech này được bán với giá 800 đô la. Nhưng ai là người mua nó?

Tôi chắc là có. Không kể tới những chiếc Hermes Birkin giá gần 2 triệu đô la hay những cái rẻ hơn của Vuitton hay Lana Marks, Gardino … khoảng vài trăm ngàn một cái. Tôi đã thấy một người bạn cầm một cái giá khoảng 10 ngàn. Cô cho biết của một người bạn cho.

À thì ra thế. Chứ ai đâu tự nhiên, tự địa bỏ 10 ngàn ra mua cái ví tặng cho cục cưng vui. Tôi tin là niềm vui sẽ lớn hơn với 10 ngàn tiền mặt. Muốn làm gì thì làm. Tại sao lại kẹt cứng với cái ví 10 ngàn đô la mà chưa chắc mọi người biết đó là cái ví đắt tiền. Khoác nó trong tay, nhưng khi mở ra, thì cũng một đống Kleenex nhồi vào để cho nó khỏi nhăn nhúm, lại có vẻ có vài ba chục ngàn khác ở trong ví.

Có cái ví đó rồi thì lại phải quần áo như thế nào để đi kèm cho xứng kỳ đức chứ mặc bộ veste lại phải giữ nguyên cái giá ba ngàn đô la để cho bạn bè trông thấy thì mặc làm gì. Lụa là đắp vào cho mấy thì cũng vẫn giống một anh nông phu Campuchea thì bộ suit ba ngàn mà làm gì. Trong khi George Clooney có cần cái giá tiền bay phất phới mới biết là chàng mặc quần áo đắt tiền đâu.

Có cái ví 800 đô la nhưng trong không có một đồng cắc, la cà vào các quán ăn , chờ được mời mà không thấy ai mời, lại phải vác cái ví 800 đó về nhà ngắm nghía cho vui đời tị nạn thì vui làm sao được.

Bởi thế, không ví Dunhill 800 mà trong túi quần có 800 vẫn vui hơn nhiều.

Con nít cũng biết chuyện đó.


Ngày 30 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Vào lúc mà chúng ta tin là ngày nay, người ta trẻ hơn 20 tuổi so với những người cùng tuổi của ba , bốn chục năm trước thì một cuộc thăm dò ở Anh cho thấy chưa hẳn là như thế.

Hồi từ Hà Nội di cư vào Nam, ông bố tôi chưa đến tuổi tứ thập đã ăn mặc quần áo, mầu sắc như một ông già. Cái ca vát mầu hơi tươi một chút là không đeo vì nó lòe loẹt quá.

Không bù cho bây giờ, ca vát phải vàng, phải tím, phải xanh lá cây nhạt thì những cái cổ sáu mấy, bẩy mươi mới chịu đeo cho.

Nguyễn Khuyến mới 50 đã được lên lão, được / bị gọi bằng cụ, nhận ngay: rằng lão, rằng quan tớ cũng ừ

Trần Tế Xương qua đời lúc 37 tuổi, còn rất trẻ vậy mà người ta cứ nghĩ ông Tú Vị Xuyên phải già lắm. Có thể cách ăn mặc, cư xử làm cho người ta già đi chăng? Đỗ đầu ba kỳ thi, làm quan, rồi chán cáo quan về hưu thì được gọi là cụ cũng đúng. Người ta gọi chức vụ và chức vụ thì làm cho người ta già thêm. Cụ hiệu trưởng mặc dù cụ mới bốn mươi mấy.

Nhưng trong những năm 80, ngươi ta càng ngày càng trẻ đi, hay nhất định không nhận là mình già thì cũng thế.

Đàn ông ngoài lục tuần vẫn còn … ngựa. Đàn bà ngoài lục tuần vẫn đi kiếm ông ngoại và ông nội … ghẻ cho lũ cháu, vẫn đăng báo tìm bạn trai để tiến tới hôn nhân. Mở báo ra là tìm đọc xem ở đâu bơm hút căng kéo rẻ và đẹp rồi chạy tắp về Thái Lan (?) trên bơm dưới hút để ngạo với nhân gian một tiếng cười cho bõ ghét.

Tục ngữ ca dao Việt Nam có những câu rất độc ác với tuổi tác phụ nữ. Nhất định những câu đó phải là của mấy anh đàn ông heo đực sô vanh, kỳ thị phụ nữ thấy rõ trong khi chính bản thân mình thì tha hồ tang tềnh.

Hai câu sau đây nằm trong loại ca dao heo đực sô vanh đó:

Trai ba mươi tuổi con soan
Gái ba mươi tuổi đã toan về già

Hai câu này không hề dựa trên bất cứ một sự thật nào. Trai ba mươi tuổi trẻ trung ở đâu, và gái ba mươi tuổi thì già ở chỗ nào? Hai câu ca dao này xuất hiện đã rất lâu. Ít ra cũng phải cả trăm năm. Tác giả chắc phải là một người đàn ông có đôi điều căm hờn một hai phụ nữ 29 hay 30 mà chàng quen biết, để một hôm nghĩ ra được hai câu lục bát độc ác đó, mang phổ biến và rung đùi khoái chí. Hai câu này ít được những người truyền tụng chúng tin mặc dù vẫn thỉnh thoảng lôi ra đọc.

Cuộc thăm dò của một tổ chức tên là Avalon Funeral Plans ở nước Anh cho biết các phụ nữ Anh cảm thấy bước vào tuổi 29 là đã thấy mình già trong khi đàn ông thì phải đến tuổi 58 mới thấy mình lão.

Trong số hơn một ngàn người trả lời những câu hỏi của cuộc thăm dò thì đa số đã nói như trên.

Có thể những người được thăm dò chưa ai tới tuổi 58 nên mới dám khẳng định như thế. Bao giờ đến tuổi ấy, chắc lại tìm cách đẩy lùi tuổi già ra sau thêm một chục năm nữa.

Nhưng André Maurois viết trong cuốn Lettre À L’Inconnue thì sau tuổi năm mươi, người ta bỗng thấy con đường phía trước càng ngày càng tối sầm lại, lằn ranh giữa sáng và tối càng ngày càng mờ nhạt, một số chuyện làm rất bình thường vài năm trước thì nay thấy khó làm, một số chuyện khác rất hăng hái làm chỉ mấy năm trước thì nay hứng thú không còn bao nhiêu nữa. Con người ta đã bắt đầu già. Không thẻ nào có cách để vặn ngược những chiếc kim đồng hồ quái ác kia được nữa.

Những phụ nữ trả lời cuộc thăm dò nói là sợi tóc bạc đầu tiên là nhắc nhở phũ phàng cùng với những vết nhăn ở đuôi mắt, ở khóe miệng, ở một khu vực càng ngày càng khó khăn chống lại sức hút của trái đất, cứ muốn chẩy (?) xuống miền nam.

Tất cả nhưng thảm kịch vừa kể đều bắt đầu ở tuổi 29 nơi các phụ nữ.

Nhưng đàn ông thì hình như không mấy ưu tư về những vết nhăn, về những sợi tóc bạc.

Những sợi tóc bạc chẳng thể là những lo sợ. Trừ khi sợ các "em bé" ở Việt Nam không chịu gọi bằng "anh" thì hãy nhuộm cho đen nhánh đi mà thôi. Còn không thì cứ "mái tóc Giáp Thìn đà nhuộm tuyết / điểm đầu Canh Tí chửa phai son" là được.

Nhằm nhò gì mấy sợi tóc. Ngũ Tử Tư sau có một đêm mà tóc bạc trắng, vài ba sợi thì đã tới đâu.

Nhưng tại sao lại phổ biến kết quả cuộc thăm dò vào lúc này ở Luân Đôn?

Hay vì Kate Middleton năm nay cũng vừa 29 tuổi lại sắp dọn nhà đến Buckingham, High Grove … mà điên tiết lên để rồi tung ra cái kết quả thăm dò ấm ớ đó ?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


ĐỘNG TỪ TO CARE

*********

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày.

Tuần qua, QA có chuyển cho ông thầy e-mail của bà Nguyễn Lê thị Anh ở Texas hỏi ông thầy về những chữ viết tắt TLC bà nghe con dâu nói mà không hiểu là gì. Nguyên cô con dâu, bế con lại thăm bà nội và nói với bà rằng cháu bé ở nhà chỉ cần chút TLC là hết nhõng nhẽo ngay. Bà nghe thấy thì liền nhớ thỉnh thoảng ngồi xem TV với ông, thấy ông xem chương trình truyền hình TLC nên vặn chương trình TLC lên cho cháu xem. Hình như TLC không phải như vậy. Xin anh trả lời thắc mắc của bà Nguyễn Lê thị Anh.

BBT

Vâng, chương trình truyền hình TLC có thể không phải là điều mẹ cháu muốn bà nội dành cho cháu trong lúc cháu nhõng nhẽo như bà nghĩ. TLC mà ông nội cháu xem trong truyền hình mỗi ngày là tên viết tắt của THE LEARNING CENTER, một chương trình nặng phần giáo dục.

TLC mà mẹ cháu muốn bà nội dành cho cháu là TENDER LOVING CARE là sự ân cần, thương yêu săn sóc dịu dàng. TENDER là dịu dàng, nhẹ nhàng. LOVING là âu yếm, yêu chiều. CARE là săn sóc, nâng giấc. TLC là TENDER LOVING CARE là sự săn sóc âu yếm dịu dàng. Mẹ cháu bé muốn nhờ bà nội cho cháu nhõng nhẽo tiếp chứ không hề muốn bà nội vặn chương trình truyền hình TLC cho cháu xem.

LÃM THÚY

Thúy hiểu rồi. Con gái Thúy có lần nói với Thúy là muốn học y tá để đem lại LTC tức là TENDER LOVING CARE cho người bệnh. Bây giờ thì Thúy hiểu. Nhưng nhân dịp anh đề cập đến chữ CARE, Thúy muốn anh nói thêm về chữ này, chữ mà Thúy thấy đã tiến vào tiếng Việt ở Mỹ từ nhiều năm nay. Thúy nghe câu này có đến cả mấy chục lần: TÔI KHÔNG CÓ KE VỀ CHUYỆN ẤY. Chắc KE đây là CARE phải không anh?

QA

Đúng đó Thúy, QA thỉnh thoảng nghe mấy cậu em chêm chữ KE này trong những lúc nói chuyện với nhau nhưng QA tin là CARE còn nhiều cách dùng khác nữa phải không thưa anh? Nếu đúng là như thế, QA muốn nhờ anh giải thích thêm những nghĩa khác của CARE luôn một thể.

BBT

Đúng vậy hai cô. CARE là một động từ, một danh từ, rồi từ đó chúng ta còn có tĩnh từ và trạng từ xuất phát từ CARE ra, những chữ rất lý thú và hữu dụng.

Trước hết, CARE là một danh từ cái đã.

LÃM THÚY

Danh từ CARE là săn sóc như anh nói ở trên. Thúy có lần nhận được một bức thư gửi cho cô bạn, nhưng lại đề địa chỉ của Thúy. Kế bên cạnh tên cô bạn, là người nhận bức thư, người gửi viết tên của Thúy sau hai chữ viết tắt C/O. Thúy biết là người gửi muốn nhờ Thúy chuyển lại cho cô bạn. Thúy biết chữ C là viết tắt của CARE nhưng còn O viết tắt của chữ gì thưa anh?

BBT

Người viết bức thư không biết địa chỉ của cô bạn nên viết về địa chỉ của Thúy và nhờ Thúy "săn sóc " lá thư của cô bạn, mang nó đến trao cho lại cô bạn. C/O là CARE OF. Thực ra phải nói là IN CARE OF và sau đó là tên người được nhờ trao thư lại. Ở Sài Gòn, tôi nghe có người nói là C TRÊN O, rồi C SUR O như cách đọc những cái số nhà trong ngõ hẻm Sài Gòn vậy. Thực ra, C/O chỉ là CARE OF. Trong tiếng Pháp, C/O là AU SOIN DE hay AU BON SOIN DE.

CARE còn có nghĩa là lo lắng, quan tâm, lo ngại, bận tâm.

Thí dụ khi nói WHEN I WAS FIFTEEN, I WAS HAPPY BECAUSE AT THAT AGE, I WAS WITHOUT CARE. I HAD NO CARE AT ALL thì câu đó nghĩa là gì cô QA?

QA

WHEN là khi. I WAS FIFTEEN là tôi 15 tuổi. I WAS HAPPY là tôi rất sung sướng. BECAUSE AT THAT AGE vì ở tuổi đó, I WAS WITHOUT CARE tôi không có bất cứ một điều lo lắng nào.

Đó là nghĩa thứ hai của CARE. QA biết CARE còn có nghĩa là trách nhiệm nữa phải không thưa anh?

BBT

CARE cũng còn có nghĩa là trách nhiệm. Thí dụ SHE LEFT THE CHILD IN THE CARE OF HER MOTHER WHEN SHE WAS AT WORK nghĩa là cô ấy giao, gửi con cho mẹ nhờ giữ hộ, coi chừng hộ trong khi cô ấy đi làm.

CARE cũng có nghĩa là quan hoài, lưu ý, quan tâm. HE SHOWS HIS CARE FOR HER ON VALENTINE DAY WITH FLOWERS AND GIFTS. Cô Thúy biết là gì không nào.

LÃM THÚY

Nghĩa là anh ấy cho thấy anh ấy để ý, lưu tâm, quan hoài đến cô ấy nhân ngày Valentine bằng hoa và quà tặng. Bây giờ nhờ thầy giảng qua động từ TO CARE.

BBT

Động từ TO CARE có mấy nghĩa khác nhau. Dĩ nhiên CARE như trong câu Tôi không KE về chuyện đó thì có nghĩa là cần, thích, quan tâm.

QA hiểu câu này thế nào: DO YOU CARE IF I OPEN THE DOOR?

QA

Nghĩa là ông có quan tâm, có thấy phiền, có thấy khó chịu, có thích tôi mở cái cửa này không?

BBT

Đúng. CARE là tất cả những điều đó, khó chịu, không khó chịu, thích, không thích, nhưng phải quan tâm, phải để ý tới chuyện đó. Còn cô Thúy, cho một thí dụ với động từ TO CARE coi.

LÃM THÚY

Thúy nhớ mấy câu đầu trong bài DIANA của Paul Anka. Nghe người ta nói là chàng thì trẻ quá, mà nàng thì nhiều tuổi, chàng nói: I DON’T CARE JUST WHAT THEY SAY, CAUSE FOREVER I WILL PRAY... Thúy thấy hình như động tù này thường được dùng trong thể phủ định thì phải, đúng không thưa thầy?

BBT

Đúng vậy.

QA

Còn phải đi theo cái nhún vai nữa phải không thưa anh? QA ghét câu ấy lắm. Nghe hai đứa con gái nói chuyện với nhau, QA thấy câu đó được dùng nhiều nhất. Thí dụ hỏi có thích mầu áo này không, có thích đi shop không, có thích bản nhạc đó không, có giúp rửa cái xe không thì cô nhỏ bao giờ cũng nhún vai trả lời I DON’T CARE. Nhiều khi QA không biết nó thích hay không thích.

BBT

Thì cũng giống như trong tiếng Việt khi người ta trả lời SAO CŨNG ĐƯỢC phải không?

QA

Thế thì thầy Trúc có ghét động từ TO CARE như QA ghét không?

BBT

Có. Ghét lắm. Nhất là khi nói bằng giọng buồn bã, trách móc rằng I KNOW YOU DON’T CARE ABOUT ME mặc dù KE thì KE quá đi chứ.

LÃM THÚY

Thế còn TO TAKE CARE thì sao anh?

BBT

TO TAKE CARE là săn sóc, coi chừng, lo lắng cho ai đó, cẩn thận.

I AM LEAVING AND YOU STAY AT HOME
REMEMBER TO TEND TO THE MULBERRY TREES AND TAKE CARE OF MY AGED MOTHER FOR ME.

Đố cô QA câu trên nghĩa là gì nào?

QA

Thì anh thông dịch cho ông Nguyễn Bính chứ gì? Anh đi em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.

TO TAKE CARE OF THE HOUSE, THE CHILDREN, THE GARDEN ...

BBT

Nhưng TO TAKE CARE cũng có thể hiểu một cách dễ sợ lắm. Người ta kể lại là trong vụ Mỹ Lai, trung úy William Calley chỉ vào mấy người dân làng và bảo hai người lính là "TAKE CARE OF THEM!" Lát sau Calley trở lại, thấy nhũng người dân vẫn còn ở đó, anh ta nói với hai người lính rằng anh tưởng hai người đã TAKE CARE OF mấy người dân làng rồi chứ, thì hai người lính đáp rằng họ đang coi chừng những người dân làng chứ có sao lãng trách nhiệm đâu thì William Calley nói rằng tôi nói TAKE CARE OF là giết họ đi chứ tôi có bảo coi chừng họ đâu. Hai người lính quay súng bắn chết những người dân làng ngay sau đó. Đó cũng là TO TAKE CARE OF. Chúng ta có thể nói TAKE CARE OF THE DEBT/ THE BILL/ THE HOUSE PAYMENT.

Như vậy, TO TAKE CARE là giải quyết, lo, thanh toán

QA

TO TAKE CARE cũng được dùng làm một câu chào nhau: TAKE CARE! cũng như trong phim Tầu người ta chào nhau bằng câu " Bảo trọng" vậy phải không anh?

LÃM THÚY

Thúy còn nghe hai chữ này đi đôi với nhau: GOOD và CARE thành GOOD CARE. Anh cho biết cách dùng của chúng.

QA

Để QA kể chuyện này. Hôm đó, QA ra của thì thấy con trai QA vừa lau cái xe của QA vừa nói: I TAKE GOOD CARE OF YOUR CAR. MAY I BORROW IT TOMORROW? Như vậy là vừa khoe con cưng, con chiều cái xe của mẹ lắm, con lau nó thật sạch. Mai con mượn xe của mẹ được không? Nghe câu sau tự nhiên câu đầu không còn hay nữa.

LÃM THÚY

Còn Thúy thì cuối tuần qua, bà hàng xóm đem con sang nhờ con gái Thúy coi hộ cho bà đi chợ. Bà ra cửa còn ngoái lại nói : MY BOY IS IN GOOD CARE NOW, làm con gái Thúy nghe xong, cảm động vì câu khen, không dám mở TV ra coi nữa.

BBT

Động từ TO CARE còn được dùng trong một câu mời, một đề nghị, một gợi ý trong cách nói rất lịch sự như câu:

DO / WOULD YOU CARE FOR SOME TEA?

DO / WOULD YOU CARE TO STAY FOR DINNER?

Trong cách dùng này, động từ CARE gần như luôn luôn ở trong thể hỏi, QUESTION FORM.

Để trả lời, chúng ta không nói I CARE, mà chỉ nói là YES, PLEASE là đủ.

QA

QA thấy là trong tiếng Anh, hễ có động từ hay danh từ là gần như thế nào cũng có tĩnh từ, hay trạng từ xuất xứ từ những danh từ và động từ gốc đó. Trường hợp của CARE có như vậy không thưa anh?

BBT

Có. CARE là danh từ. Chúng ta đã biết là khi thêm vào cuối một số danh từ hai tiếp vĩ ngữ LESS và FUL là chúng ta có ngay những tĩnh từ. LESS là không có, là thiếu. FUL là có, là nhiều, là đầy.

HOME là danh từ nghĩa là nhà. Thêm LESS vào cuối danh từ này thì chúng ta có HOMELESS là không nhà. SHOELESS là chân đất, không mang giầy. JOBLESS là không có việc. RAINLESS là không có mưa. HATLESS là không đội mũ. CHILDLESS là không có con. HOPELESS là không có hy vọng. PENNYLESS là không một xu dính túi... Như vậy thêm LESS và CARE thì thành tĩnh từ gì cô QA? Nhân tiện cô QA cho một hai thí dụ dùng chữ CARELESS này coi.

QA

A CARELESS DRIVER CAN EASLILY GET AN ACCIDENT .

HE IS VERY CARELESS WITH HIS MONEY.

I RAN A RED LIGHT BECAUSE I WAS CARELESS AT THE INTERSECTION.

LÃM THÚY

Còn nếu thêm tiếp vĩ ngữ FUL vào cuối danh tư CARE thì chúng ta có tĩnh từ CAREFUL phải không anh? BBT

Thúy còn biết được những danh từ nào khác được tạo thành tĩnh từ bằng cách nối thêm cho cái đuôi FUL không?

LÃM THÚY

Có. TEAR thành TEARFUL là đẫm lệ. MIND thành MINDFUL là có ý, có tứ. BEAUTY thành BEAUTIFUL là đẹp. WONDER thành WONDERFUL là kỳ diệu. Và CAREFUL là cẩn thận. Để Thúy dùng thử CAREFUL trong vài câu nhá: WHEN DRIVING IN THE SNOW, YOU MUST BE VERY CAREFUL.

WE MUST BE CAREFUL WITH WHAT WE SAY: WE SHOULD TURN OUR TONGUES SEVEN TIMES BEFORE SPEAKING.

BBT

Cô lại kéo Đức Thánh Khổng ra cho ngài nói tiếng Anh rồi.

Bây giờ, chúng ta thực hành thêm một cách tạo ra tiếng mới. Dùng một số tĩnh từ, chúng ta có thể biến chúng thành trạng từ bằng cách thêm tiếp vĩ ngữ LY vào cuối.

Trạng từ là tiếng bổ nghĩa, nói rõ thêm cho động từ.

Khi nói HE DRIVES không thôi, chúng ta không biết ông ta lái xe như thế nào. Dùng trạng từ đi với động từ TO DRIVE, chúng ta sẽ biết thêm cách lái xe của ông ta. Ông ta có thể lái xe nhanh hay chậm, cẩn thận hay ẩu .

Thí dụ HE DRIVES FAST. HE DRIVES SLOWLY. Cẩn thận tĩnh từ là gì hai cô còn nhớ không?

QA

Cẩn thận là CAREFUL. Hồi nẫy anh nói là thêm chữ LY vào cuối tĩnh từ CAREFUL chúng ta có trạng từ gốc từ CAREFUL là CAREFULLY. Như vậy, QA có thể nói HE DRIVES CAREFULLY. SHE INVESTS HER MONEY CAREFULLY. I MUST SPEND CAREFULLY. WE CROSS CAREFULLY AFTER ALL THE CARS HAVE STOPPED.

THEY PUT THE GUN AWAY CAREFULLY .

BBT

Có một chữ này tôi phải dặn hai cô cẩn thận. FREE có nghĩa là tự do, là không bị bó buộc, là không có. Đặt nó vào cuối một danh từ, cho thêm một dấu nối vào giữa, chúng ta có một tĩnh từ thí dụ DEBT-FREE là không thiếu nợ. GERM là vi trùng, GERM-FREE là không có vi trùng. MORTGAGE-FREE là không nợ tiền nhà. DUTY là thuế, DUTY-FREE là miễn thuế. Vậy nếu theo cách tạo thành đó, dùng với danh từ CARE, chúng ta có tinh từ mới nào? Cô Lãm Thúy?

LÃM THÚY

CARE-FREE. CARE-FREE có cùng nghĩa với CARELESS không thưa anh? LESS là không có. FREE cũng là không có. Hai tĩnh từ này có đồng nghĩa không?

BBT

Đó là điều tôi muốn hỏi hai cô.

QA

CARE có mấy nghĩa khác nhau. CARE có thể là âu lo. CARE có nghĩa là cẩn thận, quan tâm, lưu ý, chú ý.

QA nghĩ CARE-FREE khác với CARELESS. Có khác thì ông thầy mới hỏi chứ giống thì ông thầy hỏi làm chi.

CARE-FREE là không âu lo, là vô tư lự, là thảnh thơi. A CARE-FREE YOUTH là một thiếu niên vô tư, không có điều gì lo nghĩ, bận tâm. Nhưng A CARELESS YOUNG MAN thì lại nghĩa là một thanh niên liều lĩnh, bạt mạng, ẩu tả.

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ tôi lại nhắc hai cô rằng có nói câu này thì nhớ nói cho đúng. Ngay cả người Mỹ nhiều người cũng nói sai. Mà nói sai thì hiệu quả kém hẳn đi. Nói một câu đanh đá mà nói không đúng thì còn gì là đanh đá nữa. Uổng phí đi.

Tưởng tượng ngồi ở bàn tiệc và phải nghe 1 bà khách nói nửa tiếng đồng hồ về căn nhà 2 triệu ở trên núi, các quí tử toàn học trường Harvard, MIT và Columbia, các công chúa toàn đoạt hết giải hoa hậu này tới giải hoa hậu khác, cái garage nhỏ quá, chứa không nổi 1 chiếc Rolls Royce, 1 chiếc Jaguar, lại thêm 1 chiếc Bentley vân vân thì những người trong bàn phải làm gì để chống lại tình trạng không khí ô nhiễm đó? Phải đứng dậy, đi thẳng vào toilet ngay. Việc đứng dậy giũa câu chueỵn đầy khoe khoang hợm hĩnh đó là để nói câu này: I COULD NOT CARE LESS.

CARE là quan tâm, là lưu ý, là thích, ưa, quan hoài. I DO NOT CARE là tôi không cần, là tôi cóc cần. I COULD NOT CARE là tôi không thể quan tâm, lưu ý. LESS là ít hơn. I COULD NOT CARE LESS là tôi không còn có thể nào ít quan tâm về chuyện đó hơn nữa, nghĩa là tôi không quan tâm, một chút nào , một ly nào về mấy cái xe của bà, về căn nhà 2 triệu trên núi của bà, về các hoàng tử công chúa học giỏi lại đẹp gái của bà nữa...

Nhưng rất nhiều người Mỹ cũng nói sai như chương trình truyền hình của Bill O’Reilly vừa nêu ra tuần trước.

QA

Cám ơn thầy Trúc. I COULD NOT CARE MORE về chương trình của thầy. Nói vậy chắc đúng.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.