July 30, 2009

July 31, 2009

HTML clipboard

Ngày 24 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Càng ngày tôi càng thấy người Việt Nam là những người hiền. Hiền không biết nói sao cho hết.

Hôm nay, tôi lại càng thấy chúng ta hiền vô cùng, sau khi đọc bản tin của Pháp Tấn Xã về một cặp vợ chồng nọ ở Thornaby-on-Trees, Anh quốc.

Tòa vừa cho phép cặp vợ chồng này ly dị, lý do là vì người vợ, Pauline Turner, trong suốt 38 năm chung sống với người chồng, John Turner, hôm nào nàng cũng thay đổi vị trí của đồ đạc ở trong nhà một lần.

Nghĩa là 38 năm, tổ ấm của hai người mỗi ngày có một cách bầy biện khác nhau. Tất cả khoảng 13 ngàn 800 kiểu, nếu không kể những ngày hai người đi du lịch, không có nhà, hay những hôm Pauline ốm đau, sầu não ê ẩm mình mẩy, không đủ sức để xê dịch bàn ghế trong nhà.

John Turner nói trước tòa rằng ông không còn có thể chịu nổi việc làm mỗi ngày của nhà trang trí "nội thất" này nữa. Mỗi ngày mỗi thay đổi vị trí của bàn ghế thì cũng mệt thật chứ. Cuốn sách đang ở một vị trí quen thuộc, nàng kê lại cái bàn, xếp lại cái ghế, xoay cái sofa sang một hướng khác, cuốn sách cũng di chuyển theo, buổi tối về nhà định đọc nốt, thì nó đã đi làm lại cuộc đời ở một nơi khác. Mỗi ngày mỗi phải đi tìm nó. Ðiên người là phải. Hay buổi tối khuya thức dậy, mắt nhắm, mắt mở cứ hướng chân giường đi tới, đúng năm bước thì đến cửa nhà tắm, trong cơn mơ, tưởng cách cửa nhà tắm khoảng 2 bước, là cái bồn cầu, rồi cứ nhắm hướng đã quen mà làm công tác thủy lợi, thì sáng ra chỉ có chết vì lụt lội. Tất cả chỉ vì trong ngày, lúc chàng đi làm, nàng đã xoay lại cái giường, bầy lại cái tủ...

Người chồng không phát điên thì mới là chuyện lạ.

Ông cho biết cũng cố gắng rất nhiều để làm quen với trò chơi của nàng nhưng không được. Ông quyết định dọn nhà tới một căn mobile home, nơi một số đồ đạc được bắt ốc chặt xuống sàn nhà để coi vợ có bớt được trò chơi này không, thì ông thấy cũng không được. Pauline tháo ốc, kê lại bàn ghế cho bõ ghét, mỗi ngày. Cuối cùng, John Turner phải dọn đi hồi đầu năm nay vì không thể tiếp tục hợp tác với trò chơi của vợ nữa.

Nhưng thực ra, trò chơi của Pauline là một trò chơi vô hại, trong khi nhất định nó phải đem lại cho nàng rất nhiều thích thú lắm thì nàng mới mỗi ngày mỗi hì hục làm như thế. Tưởng tượng đang ngồi ghế coi TV, thì bỗng thấy cái bàn ăn kê hơi lệch, không nằm ngay ở dưới cái đèn. Phải kê lại, nhưng sau đó, cái tủ sách sẽ làm cho lối đi bị chật. Kê lại cái tủ sách. Cái đèn đọc sách phải xích sang bên cửa sổ. Nhưng như vậy thì lại đụng phải chậu cây treo ở trên trần. Hạ chậu cây xuống, cho nó lên cái TV ngồi chơi. Nhưng cái ăng ten lại đụng phải cái đèn halogen làm hình ảnh không rõ nữa. Ðưa cái đèn sang góc bên kia thì phải dịch cái ghế bành sang theo thì đọc sách mới tiện. Còn cái bàn sa lông thì phải nhích ra một chút mới có lối đi...

Thế là vươn vai đứng dậy, kê lại đồ đạc.

Người chồng về nhà, có vẻ không hài lòng lắm. Thôi thì mai kê lại vậy... Cứ thế suốt 38 năm trời, ngày nào nàng cũng có việc để bận rộn tay chân. Ông không làm được như bức hí họa của một số Nhân Văn Giai Phẩm, trong đó, người chồng, sau khi bị người vợ chỉ dậy mãi cho cách vẽ tranh, ông bèn đóng cái đinh lên tường, treo bà vợ lên cho hết nói... John Turner không chịu được, bèn nộp đơn xin ly dị.

Trong khi đó, ông không cần phải làm như thế. Chỉ đợi thêm vài năm nữa, nàng sẽ không còn hơi sức để mà kê đồ đạc lại nữa. Lúc ấy, chàng cứ ngồi chơi, cười cười ngó Pauline không còn hùng hục nổi nữa, chỉ ngồi một chỗ, đau khổ vì muốn kê lại mấy món đồ đạc mà chẳng cũng... khoái ư (nói theo kiểu Kim Thánh Thán)? Việc gì phải lôi nhau ra tòa như vậy.

Bởi lẽ kê bàn ghế thì chỉ có thể làm trong một chiều dài thời gian nào đó, trong khi kê một thứ khác thì có thể kéo dài rất lâu, tới lúc chân tay không còn nhấc lên nổi cũng vẫn còn kê được như thường.

Ðó là trò kê tủ đứng. Trò này có thể chơi lúc nào cũng được. Giữa đêm, nếu có làm thì cũng không gây tiếng động làm phiền nhà hàng xóm như khi kê lại cái bàn, cái ghế. Lại không cần sức khỏe chân tay. Chân tay cũng không cần phải cất nhắc. Cứ ngồi nguyên một chỗ phóng ra, vì thế, tuổi tác không là trở ngại cho trò kê tủ đứng, mà trái lại, càng già, kê càng ác liệt và độc đáo. Mục tiêu trúng đòn chỉ có thể uất lên mà chết, thí dụ kê nhẹ bằng mấy câu như: "... Ông tưởng ông là học giả đấy à? Có mấy quyển sách cũ chứ báu vật gì đâu mà bắt tôi khóa cửa xe... Hồi nẫy ông nói Ăng lê nghe cứ như Tây nói ấy nhỉ... Cạo râu cắt vào cằm hả? Sao không cắt mấy câu khôi hài nhạt ấy đi cho chúng tôi nhờ, mà cái cằm lại lành lặn hơn không? Ông kể chuyện diễu, lúc nào đến lúc phải cười nhớ ra hiệu nhé..."

Ðó, kê tủ đứng vào giữa họng như vậy mà những người đàn ông Việt Nam có bao giờ phàn nàn về chuyện kê tủ đứng đâu. Vẫn cứ là yêu vợ như điên mới là hiền chứ.


Ngày 27 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Ðúng vào lúc tôi có quyết định kiếp sau đầu thai về làm bức tượng thay vì làm chim bồ câu, thì sự lựa chọn của tôi không còn là một quyết định khôn ngoan và hợp lý nữa.

Tôi suy nghĩ đến bạc đầu và đi tới quyết định gạt bỏ giải pháp lựa chọn làm chim bồ câu, không phải vì sợ làm chim bồ câu sớm muộn gì cũng vào cái chảo trong các tiệm cơm Tầu, để cho các thực khách tại những đám cưới mời nhau dùng... chim ngay cho nóng, làm bộ ngượng, rồi vẫn ăn như điên, mà vì những lý do khác.

Nhưng bây giờ, muốn làm tượng cũng không được nữa.

Ở gần sở cũ của tôi có rất nhiều chim bồ câu. Chúng làm tổ trên những nóc nhà cao, trong những công ốc của chính phủ. Chuyện ăn uống của chúng được các du khách lo, chúng chẳng bao giờ đói. Chúng chỉ bay ào ào, đáp xuống cho có ăn, ăn xong thì đi ỉa bậy, cứ kiếm mấy bức tượng ở công viên gần đó mà oanh kích tự do, làm ông nào cũng mặt mũi, đầu tóc trắng xóa những cứt chim. Thỉnh thoảng, chúng cũng lầm tôi là tượng, cho một bãi lên đầu, lên vai đến khổ.

Nhưng bầy bồ câu ở công trường Trafalgar, Luân Ðôn thì khác. Tôi có cảm tưởng chúng nó tử tế hơn, không mất dậy như những con bồ câu ở gần quốc hội Mỹ. Những con ở công trường Trafalgar không ào xuống như ăn cướp, mà chúng rất từ tốn. Hai đứa con tôi hồi còn nhỏ rất yêu chúng, chủ nhật nào cũng đòi đi công trường Trafalgar cho chim ăn và chơi với bốn con sư tử dưới chân tượng đô đốc Nelson, hay tượng Sir Charles James Napier, tượng Sir Henry Havelock gần đó. Bầy chim bồ câu dạn người bay là là đáp xuống đậu trên tay, trên vai du khách chờ được cho ăn như chúng đã làm từ cả gần một thế kỷ nay.

Nhưng nếu đô trưởng Luân Ðôn thực hiện được ước muốn của ông, thì mấy pho tượng, trừ tượng thủy sư đô đốc Lord Horatio Nelson, người có công đánh tan hạm đội Pháp Tây Ban Nha ở gần Gibraltar, sẽ bị cho ra bờ sông Thames đứng chơi, và bầy bồ câu sẽ bị đưa đi nơi khác.

Thế là chọn không làm bồ câu, chọn làm "tượng thờ nghìn bệ những công viên" (thơ Mai Thảo) cũng không xong, cũng không được những giọt mưa rớt xuống mặt, bị cứt chim rơi xuống tóc kể như là không được.

Sở dĩ có chuyện chọn làm tượng mà không làm chim là vì mấy hôm trước tôi đọc được một câu thật hay viết trên bậc cửa của một toa xe điện ngầm. Vị triết gia vỉa hè có một câu hay tuyệt: Nên sớm chọn lấy trong đời một quyết định, đó là làm pho tượng hay làm con bồ câu ở công viên.

Làm con chim câu, như những con rất du côn ở gần sở tôi, hay như những con rất đàng hoàng và tử tế ở công trường Trafalgar, đều chung nhau một trò chơi rất đểu, đó là ỉa lên đầu những pho tượng.

Không thể sống trong đời sống chỉ làm có một việc là ỉa đái lên đầu những pho tượng. Không thể cả đời cứ sống như thế mãi được. Làm công việc ấy không có gì vui cả.

Nhưng làm những pho tượng, cả đời chỉ để cho những con bồ câu ỉa lên đầu thì cũng có gì vui? Nhất định là không vui rồi. Cứ đứng "trơ trơ như đá, vững như đồng" như phỗng đá của Nguyễn Khuyến có thể cũng có những điều hài lòng khác. Không phản ứng lại, không vung được cả cánh tay để xua chim đi, cho chim khỏi ỉa xuống mình có thể là một hành động tuyệt đẹp của một Thiền sư.

Cuốn Thiền Nhục Thiền Cốt của Nyogen Senzaki kể chuyện Thiền sư Hakuin bị một cô gái trong làng đổ cho là cha của cái bầu cô đang mang. Cha mẹ cô gái giận lắm, đến chửi rủa Hakuin thậm tệ. Hakuin nghe chửi đầy tai, chỉ nói lại có một câu: "Vậy sao?" Cô gái sinh con, đem đưa cho Thiền sư Hakuin nuôi. Hakuin đi xin sữa về nuôi đứa bé. Một năm sau, cô gái ân hận, thú thật anh bán cá ngoài chợ mới là cha đứa bé. Cha mẹ cô gái đến xin lỗi, xin đem cháu về nuôi. Hakuin trao đứa bé lại, và cũng vẫn chỉ nói: "Vậy sao?"

Hai bức tượng của Napier và Havelock sắp ra bờ sông đứng với những oan khuất của những bãi cứt chim lại còn không làm được cả việc của Thiền sư Hakuin là hỏi lại một câu.

Nhưng bị đem ra bờ sông Thames bầy thì chán chết, làm tượng đứng bờ sông mà làm gì. Sao mà chán thế này hở Giời ơi là Giời!

Nhưng bị đạp lên đầu, bị xô xuống đất, bước lên người cũng có cái vui riêng, và một lương tâm trong sáng. Làm tượng vẫn hơn làm bọn bồ câu mất dậy chuyên ỉa lên đầu tượng.


Ngày 28 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Bài hát ru nghe mấy chục năm trước bỗng nhiên trở lại lẩn quẩn trong đầu, ám ảnh tôi từ mấy ngày hôm nay:

...
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò
Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Ðêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương
...

Người đàn ông có một đời sống không lấy gì làm mực thước, khuôn mẫu, đi hết Ðồng Ðăng, Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh, Lạng Sơn... vui thú sông hồ kiểu ông Tản Ðà cứ "túi thơ đi khắp ba Kỳ/ lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng"... mà tại sao lại là nhân vật chính trong bài hát ru, để những hình ảnh của ông ta cứ ở lại mãi trong đầu của những đứa bé Việt Nam?

Mấy câu cuối là những trách móc rất nhẹ nhàng, bầy ra một sự chịu đựng, nhẫn nhục suốt đời của những người phụ nữ.

Anh đi nhậu, ngất ngưởng tay chai đế, tay gói nem, anh quên hết lời em dặn dò...

Bao nhiêu năm rồi cũng vẫn thế. Trong ca dao thì dịu dàng hơn: mảng vui quên hết lời em dặn dò...

Ngoài đời thật thì: "Tại sao anh không nhớ tôi nói gì? Bộ anh không nghe tôi nói gì sao? Anh có thèm nghe tôi nói bao giờ đâu! Nói với anh thì vào tai này ra tai kia, thà vạch cái đầu gối của cái chân rất đẹp này để mặc mini jupe (hồi xưa) của tôi ra nói với nó còn hơn là nói với anh..."

Nhưng có lẽ bây giờ thì tôi bắt đầu hiểu tại sao mấy câu hát ru cứ lẩn quẩn trong đầu từ mấy hôm nay. Lý do có thể là bài báo tôi đọc được về hai cách nghe của đàn ông và đàn bà, theo đó, đàn ông và đàn bà có hai lối nghe khác nhau hoàn toàn, mà mấy câu ca dao có cả trăm năm nay cũng đã nhận ra.

Tôi không còn thắc mắc vì sao không có một câu ca dao nào than thở, phiền trách người phụ nữ không nghe những lời dặn dò của những người đàn ông, mà chỉ thấy có những lời thống trách của phụ nữ về chuyện nghe ngóng của người đàn ông.

Theo một khám phá mới của trường y khoa Indiana tại Indianapolis, thì đàn ông chỉ dùng có một nửa bộ não để nghe, phần bên trái, phần có tên là temporal lobe, khu vực được coi là liên hệ tới nghe và nói. Cuộc thí nghiệm của đại học dùng 10 người đàn ông và 10 người đàn bà, tất cả đều được cho nghe vài ba đoạn của một cuốn tiểu thuyết. Những hình chụp quang tuyến cho thấy là ở những người đàn ông, chỉ có khu vực temporal lobe là có hoạt động trong khi nơi các phụ nữ, cả hai phía của não bộ đều có những hoạt động. Cuộc nghiên cứu cho thấy là việc tiếp thu ngôn ngữ của đàn ông và đàn bà khác nhau và hiện nay, khoa học chưa thể nói chắc đó là vì cách nuôi dậy trẻ trai và trẻ gái khác nhau, hay vì những đường dây... được cho chạy khác nhau ở não người nam và người nữ.

Có điều là cùng một chuyện, hai người tiếp thu, hiểu, ghi nhận và hoài ức rất khác nhau.

Những người đàn ông chỉ nghe bằng nửa bộ óc thì dĩ nhiên không thể ghi nhận được nhiều như những người đàn bà. Không thể ghi nhận được nhiều thì hồi ức cũng thua kém. Hồi ức thua kém thì không thể nhớ được những gì đã nói, đã xẩy ra mười năm, hai mươi, ba mươi năm trước, nên khi bị lôi những chuyện cũ ra thì các chàng ú ớ thảm hại. Lúc ấy, các nhà khảo cổ mới ra tay làm việc. Cái tội mảng vui, không tay súng tay cầy mà tay chai, tay đĩa đồ nhậu thì chỉ có chết.

Lúc ấy, những cái tên cũ (cho dù rất đẹp ấy) làm sao nhớ cho hết được, những nơi chốn, những chuyện đã làm hay không làm... sẽ được lôi ra, đào bới, khai quật và hỏi cung thì ai mà toàn thây cho được?

May ra thì đức Ðạt Lai Lạt Ma mới có một quá khứ ngoài chuyện tranh đấu cho Tây Tạng thì mới không có gì để nói. Nhưng thế giới có được bao nhiêu người như Tenzin Gyatso, Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng?

Trong khi "chúng tôi" nghe bằng hai bên não, và "chúng nó" thì chỉ nghe bằng một bên nên mới khốn khổ đời trai.


Ngày 29 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Những con guinea pig, tiếng Pháp là cobaye hay cochon d'Inde, tiếng Việt, theo Ðào Duy Anh, là con chuột bạch hay chuột tầu, chưa bao giờ bị đưa vào danh sách những con vật có thể gặp nguy cơ tuyệt chủng, nhưng điều này không còn có thể nói chắc được nữa.

Gọi nó là chuột thì miệt thị nó quá. Nó sạch sẽ, trông không có vẻ du côn, mất dậy như chuột, mặt mũi không thể bị đem ra so sánh với bộ mặt quắt queo, không đẹp trai của người (mặt chuột kẹp) bao giờ. Trông nó giống thỏ hơn, chỉ khác là tai ngắn. Có lẽ gọi nó bằng một cái tên khác, con bọ, thì hơn.

Loài gậm nhấm gốc Nam Mỹ này thường được dùng trong phòng thí nghiệm, và cũng còn được nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, cá...

Ở trong nhà, nó sống lặng lẽ trong chuồng với cóng nước, vài ba thứ hạt và một cái bánh xe lồng để thỉnh thoảng leo vào chạy chơi cho đỡ cuồng cẳng.

Người ta vẫn nghĩ là nó hiền lành như thế, đời sống không có gì hào hứng, tẻ nhạt hết ăn rồi ngủ. Nhưng những điều một con bọ ở Pontypridd, South Wales thuộc miền nam nước Anh vừa làm mới đây có thể trở thành tai họa cho cả loài bọ không chừng. Nếu không may, chúng sẽ bị săn bắt cho đến khi tuyệt chủng.

Con bọ đực Sooty được nhốt riêng trong một cái chuồng cạnh chuồng của 24 chị bọ khác. Một đêm nó làm thế nào, đến nay, nhân viên của phòng thí nghiệm vẫn không biết, trốn được ra ngoài chuồng, rồi làm cách nào, cũng không ai rõ, chui được vào chuồng của các chị bên cạnh.

Sáng hôm sau, nhân viên không thấy nó trong chuồng, tưởng nó trốn ra ngoài đi bụi đời luôn. Nhưng có người đếm lại số bọ cái ở chuồng bên thì thấy thừa một con. Chính là nó, đang lăn ra ngủ ở góc chuồng. Người ta bắt nó đưa về chuồng của nó trở lại. Nó ngủ li bì suốt hai ngày sau, không ăn uống gì hết.

Rồi nó thức dậy, sinh hoạt bình thường. Nhân viên trong phòng thí nghiệm không có lý do gì để thắc mắc về chuyến đi bụi đời của Sooty nữa. Cho đến hơn một tháng sau, thì thình lình tất cả 24 chị bọ ở chuồng bên cạnh đều làm... mẹ cùng một lúc.

Tổng cộng số bọ con là 43 con. Như thế, nếu suy nghĩ theo lối thường tình nhất, thì có 19 chị đẻ đôi ra 38 con bọ con. Còn 5 chị kia mỗi chị 1 con. Tất cả là 43 con bọ nhỏ.

Vì không còn một con bọ đực nào khác ở phòng thí nghiệm nên mọi người nghĩ ngay thủ phạm là Sooty. Nếu đúng như vậy, thì trong đêm đi bụi đời đó, Sooty đã ghé vào thăm các chị, và lần lượt, các chị bọ xếp hàng nhờ Sooty giúp cho đời sống trong phòng thí nghiệm đỡ buồn tẻ.

Nghĩ đến cảnh ngày mai, ngày mốt bị lôi ra cấy cho đủ mọi loại vi khuẩn, vi trùng, chích cho đủ mọi loại thuốc để xem phản ứng, rồi chết thảm thương, xác bị mổ, cắt nát bấy trước khi quăng vào thùng rác, thì các chị, trong khung cảnh ấy, chắc dễ dãi hơn những lúc khác, không làm bộ làm tịch, khoe con nhà trâm anh, thế phiệt, quần áo toàn St John (không sale) nước hoa nước hoét thơm lừng, ỏn ẻn, đòi anh bọ phải Ph. D. từ mấy trường Ivy League mới cho cầm tay, cầm chân vân vân.

Các chị cứ thế "l'amour c'est pour rien... tình cho không biếu không" lia chia suốt đêm chơi tới cùng, giăng mùng chơi tới... sáng luôn.

Và sau đêm đó, mỗi chị vác 1 cái bầu kỷ niệm đêm yêu cuồng sống vội với anh bọ.

Chuyện anh bọ Sooty làm quá, nếu chỉ trong phòng thí nghiệm biết với nhau thôi thì không sao, nhưng những chi tiết về chuyến giang hồ của anh được phổ biến trên khắp các báo. Thông tấn xã Reuters còn đăng hình của anh trong bản tin sáng hôm qua nữa mới là phiền nặng.

http://static.pyzam.com/img/funnypics/a/sooty.jpg

Các ông Tầu săn cọp đến nỗi giống thú này gần tuyệt chủng, thế giới chỉ còn trên dưới 8 ngàn con chỉ để lấy một vài bộ phận đem nấu nướng ăn cho bổ khúc chiến lược của các ông. Cọp sắp hết, hải cẩu, tê giác cũng khốn đốn thì nay có chuột tầu, có bọ. Thuốc bổ có kinh hồn lắm, Ðường Minh Hoàng cũng chỉ rượt được Dương Quí Phi một... cái, trong khi ăn uống kham khổ như trong phòng thí nghiệm, thì Sooty rượt 24 chị chạy có... bầu luôn. Thế thì giống bọ này giỏi thật. Phải nấu mới được. Cái này thì chồng ăn, chắc chắn vợ phải khen rối rít mới đúng.

Và như thế, giống gậm nhấm này sắp khổ thân đời đến nơi. Bộ phận giúp vui các chị bọ sẽ được thu mua về, các tay đầu bếp sẽ nghĩ ra đủ cách để nấu phục vụ các Ðường Minh Hoàng tân thời. Của con cọp, thì nấu được mấy bát mà nay cọp cũng bị săn gần tuyệt giống. Của mấy con bọ thì bao nhiêu mới đủ một tô? Phải bao nhiêu con hy sinh mới giúp cho Dương Quí Phi vui được mấy phút?

Do đó, giống bọ sắp sửa phải đếm những ngày cuối cùng trên thế giới trong một tương lai rất gần chỉ vì tài của Sooty.

Sinh nghề, tử nghiệp là thế.


Ngày 30 tháng 7 năm 2009

Bạn ta,

Tôi có người bạn với một thói quen không biết từ bao giờ: mỗi lần cần ra hiệu hay chỉ trỏ điều gì, thì chàng không dùng ngón tay trỏ như 99,5% dân số thế giới, mà dùng ngón tay giữa, mặc dù cái ngón sát bên ngón tay cái là ngón đáng lẽ phải dùng

Chúng ta gọi nó là ngón trỏ, người Pháp và người Anh, từ trước khi tiếp xúc với chúng ta cũng gọi nó là ngón trỏ: indexindex finger, không hẹn mà cũng vẫn gặp nhau ở đó

Nhưng bạn tôi thì cứ ngón giữa chàng dùng. Ở Việt Nam thì không có gì để nói cả. Nhưng ở Mỹ thì kỳ quá. Chàng ở đây ngoài hai chục năm, cần chỉ trỏ cái gì, chàng cứ ngón giữa lôi ra dùng.

Nếu chàng mới tới nước Mỹ thì chuyện đó có thể hiểu được. Nhưng hơn hai mươi năm ở xứ Mỹ, bộ không có ai thu hết can đảm nói với chàng, giải thích cho chàng biết là chàng không nên làm điều đó, trừ khi chàng muốn có những liên hệ xác thịt với người kia hay gửi tới người ấy một câu chửi thề tục tĩu ư?

Có thể là không. Vì lần mới đây khi tôi gặp chàng ở một bữa buffet ăn đứng, chàng chỉ cho tôi món cá hấp... cũng bằng cái ngón tay giữa đó của chàng.

Giơ ngón tay giữa ra vào mặt người nào thì nên sẵn sàng chờ một quả đấm thì hơn. Nhưng chắc bạn tôi chưa bị một quả đấm nào, nên chàng vẫn chỉ trỏ bằng ngón tay giữa.

Ngón tay giữa chỉ được vung lên trong những lúc không tiện để đến tận mặt kẻ đáng ghét vừa cắt ngang qua đầu xe của chúng ta mà không hề ra hiệu báo trước. Nhưng việc này, ngày nay cũng ít người làm, trừ khi trên ghế bên cạnh đã có khẩu shotgun lên đạn sẵn sàng để nổ nếu người lái xe kia xuống kính xe, chĩa ra một nòng súng magnum xanh rợn người.

Vả lại người tử tế, không thô tục thì cũng không nên làm thế với bất cứ ai. Ngoại trừ ông Nelson Rockefeller, phó tổng thống cho ông Ford sau ngày ông Ford lên thay ông Nixon, mà báo chí chụp được khi ông Rockefeller chào các sinh viên biểu tình chống ông ở đại học Colombia mấy chục năm trước. Trong hình, ông Rockefeller vui không thể tả được. Ông cười tít mắt, lưng gù xuống, tay phải vung lên trước mặt, ngón tay giữa thẳng ra, bốn ngón kia gập lại.

Ông không cần phải nói ra, mà cũng không cần phải viết tắt thành "f... you" người kia cũng vẫn hiểu ngay điều ông muốn gửi đến các sinh viên biểu tình.

Nhưng cũng rất nhiều khi khác chúng ta không nên giơ ngón tay giữa (to give the finger) cho những người lái những chiếc xe sơn trắng hay xám, trên mui lại có nguyên một giàn đèn xanh đỏ chớp liên hồi bao giờ. Giơ ngón tay giữa vào những lúc đó thì vất vả ngay.

Thì tôi vẫn nghĩ như thế cho đến khi đọc được đoạn tin về một vụ xẩy ra ở thị trấn Fayetteville, tiểu bang Arkansas. Theo tờ Playboy, Wayne Nichols, cách đây 2 năm, lái xe chạy ngang 1 xe cảnh sát, chàng thò tay ra ngoài, giơ ngón tay giữa lên... cho mát. Cảnh sát chặn chàng lại, biên cái giấy phạt về tội phá rối trật tự công cộng (disorderly conduct). Wayne Nichols kiện cảnh sát viên này ra tòa, lập luận rằng người cảnh sát đã vi phạm quyền tự do bầy tỏ (right to free expression) của chàng, quyền được ghi trong Tu Chính Án số Một của Hiến Pháp Mỹ. Một bồi thẩm đoàn liên bang đồng ý với lập luận đó và ra lệnh cho cảnh sát viên phải trả cho Wayne Nichols $2,000.00.

Chưa hết, tháng trước đó, cháu trai của Wayne Nichols cũng được 1 cảnh sát viên khác bồi thường cho $2,500.00 vì cảnh sát viên này đã bắt giữ cậu sau khi cậu tặng cảnh sát ngón tay giữa của cậu. Tòa tối cao ở Pennsylvania cũng bác một phán quyết của tòa dưới, miễn tố cho một người lái xe vừa hét "f...you" vừa giơ ngón tay giữa vào mặt một nhân viên chỉ đường cho một công trường xây cất.

Như vậy, bạn tôi có thể yên tâm, cứ... chửi tục bằng ngón tay giữa của chàng mà không sợ bị rắc rối gì hết.

Chỉ sợ có ngày quen tay, sẽ có dăm ba phụ nữ rượt theo hỏi "có thật là "du" muốn làm thế với "me" không?" thì ai giúp chàng bây giờ.

Tôi thì không dám rồi.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 41)

Nhã Lan ghi lại. Bài số 41 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tuần lễ đầu tháng 8 năm 2009.

*********

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với đài Little Saigon Radio … Úi chết … QA nói lộn, không phải với Little Saigon Radio… QA xin quí vị liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày.

BBT

Cô QA vừa cho tôi một gợi ý hay tuyệt. Cô vừa nói "Úi chết". Cô có hay nói như thế không?

QA

Ít thôi. Thỉnh thoảng lắm QA mới lỡ mồm lỡ miệng, có khi nói ra mà cũng không biết là mình đã nói nữa. Ở nhà mẹ QA khó lắm. QA được dậy không bao giờ ăn nói như thế. Nhưng mà sao thưa anh?

BBT
Vậy thì hai cô cũng nên biết mấy câu tương tự trong tiếng Anh để khi nói tiếng Anh cũng còn biết mà kêu lên chứ chẳng lẽ đang nói tiếng Anh lại quay sang "Úi Trời!" hay "Trời đất quỷ thần ơi!" bằng tiếng Việt thì kỳ quá.

NHÃ LAN

Mấy câu như thế, tiếng Anh gọi chung là gì thưa thầy?

BBT

Gọi chung là SWEARING WORDS. Nếu hai cô muốn thì tôi cũng chỉ có thể chỉ cho một vài câu nhẹ nhàng thôi. Phụ nữ thì không nên biết và không nên dùng những chữ chửi thề đó. Hai cô hiền lành như vậy thì chắc cũng chẳng có dịp nào dùng chúng. Nhưng nếu làm thủy thủ, hay làm người Pháp, hay là một người lùn thì lại không cần chỉ dậy nữa.

NHÃ LAN

Tại sao vậy thưa anh?

BBT

Trong tiếng Anh người ta hay ví von như thế này: TO SWEAR LIKE A SAILOR; TO SWEAR LIKE A FRENCHMANTO SWEAR LIKE A DWARF… Ðó là cách nói của người Anh và người Mỹ vậy thôi. Chưa chắc mấy ông thủy thủ lại chửi thề dữ dằn hơn những nghề nghiệp khác. Chưa chắc người Pháp chửi thề giỏi hơn người Việt chửi mất gà. Chưa chắc mấy người lùn chửi thề nhiều hơn những người cao vân vân.

TO SWEAR, SWORE, SWORN là thề, là chửi thề.

SWEARING IN CEREMONY là lễ tuyên thệ. I SWEAR TO GOD nghĩa là tôi thề có Trời làm chứng rằng....

SWORN ENEMIES là kẻ thù không đội trời chung, thề một sống một chết.

MISTER OBAMA WAS SWORN IN AS AMERICA’S 44th PRESIDENT.

QA

Chắc Nhã Lan và QA thì không dám học những câu kinh khủng đó đâu. Nhưng hồi nẫy, QA đọc lầm thay vì Hồn Việt Television, QA đọc thành Little Saigon Radio nên chữa lại ngay và có kêu lên " Úi chết!" QA chỉ biết kêu như vậy thôi.

BBT

Không kêu Trời, không kêu Chúa ơi. Cô đúng là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành:THOU SHALT NOT TAKE THE NAME OF THE LORD THY GOD’S NAME IN VAIN chớ kêu tên Ðức Chúa Trời vô cớ. Chính vì thế, thay vì nói OH MY GOD!, người ta nói là OH MY GOSH! GOSH là ma, là quỷ, thì cũng như chúng ta nói " Quỷ thần ơi!" vậy mà.

NHÃ LAN

Nhã Lan còn nghe OH MY GOODNESS! thì có giống như "OH MY GOSH!" không thưa anh?

BBT

Là một cả. Những câu như thế được dùng để nói lên sự bực bội. Cô QA cho nghe một câu bực bội coi.

QA

OH MY GOSH! THE CAR DOES NOT START AGAIN! Sáng ra, vào xe, tra chìa khóa vào ổ khóa, cái xe ì ra, không nhúc nhích thì ít nhất cũng phải nói như thế chứ.

BBT

Cô cũng có thể dùng OH MY! Hay OH HOLY COW!; OH BROTHER!

Khi cáu giận, chúng ta cũng có thể dùng những chữ vừa kể. Còn cô Nhã Lan?

NHÃ LAN:

GOOD GRACIOUS! WHAT HAPPENED TO MY DRESS? Nhã Lan còn nghe con gái nói là MAN OH MAN! Hay là GAWD! Thế GAWD là gì thưa thầy?

BBT

GAWD là tiếng nói trại ra từ GOD cũng như trong bài trước, thay vì nói WHAT THE HELL thì người ta nói trại ra thành WHAT THE HECK. Chắc để cho mấy người hiền lành và tử tế, có học, lịch sự thích mặc quần áo đẹp như hai cô và quí vị đang theo dõi chương trình của chúng ta có chữ mà dùng vậy mà.

QA

Có những lúc sốt ruột, hết kiên nhẫn, QA cũng muốn hét lên một câu cho hả giận, cho đỡ sốt ruột. Thí dụ sáng nay, đến đèn xanh đèn đỏ, có một chiếc xe trước xe QA, đèn xanh rồi mà người lái xe còn không chịu đi, hình như còn đang cọ quẹt, sơn phết, quét vôi nên không thấy đèn xanh mà đi. QA hết kiên nhẫn được…Nếu biết mấy chữ trong bài anh dậy hôm nay chắc đã phải mở cửa xe đến bên bà ấy nói phải quấy một câu quá.

BBT

Cô có thể dùng FOR PETE’S SAKE! Hay GOOD LORD!; BY GEORGE!; HOLY MOSES!; LORDY LORDY!, hay HEAVENS ABOVE! Ðều được cả. Cô nói thử một câu nghe coi có đỡ sốt ruột không.

QA

FOR PETE’S SAKE! CAN YOU MOVE YOUR CAR NOW? QA nhớ có lần giới thiệu nhạc cho đài Little Saigon Radio, QA có mời thính giả nghe bài HIPPY HIPPY SHAKE của THE SWINGING BLUEJEANS và của THE BEATLES. Ngay câu đầu bài hát là câu FOR GOODNESS SAKE/ I’VE GOT THE HIPPY HIPPY SHAKE …Vậy thì FOR GOODNESS SAKE cũng có cùng nghĩa với những câu anh vừa nhắc ở trên hay sao?

BBT

Ðúng vậy. Những câu như thế cũng có thể được dùng để bầy tỏ thái độ kinh ngạc, ngạc nhiên, hãi hùng, hoảng hốt, sợ hãi. Nhã Lan cho nghe một hai thí dụ được không?

NHÃ LAN

Kinh ngạc nhé: OH MY GOODNESS! IT SNOWS IN CALIFORNIA.

Hãi hùng là như câu này: OH MY GOSH! HERE HE COMES… AND HE WANTS TO DANCE THE TANGO WITH ME.

BBT

Bằng ấy chữ đã đủ xài chưa hai cô?

QA

Ðủ dùng rồi thưa ông thầy. Gặp chuyện gì kinh ngạc, hãi hùng, sốt ruột, bực bội, tức giận đến đâu QA cũng có thể nói cho người trước mặt biết rồi. Bây giờ có mấy chữ này QA chưa hiểu rõ cách dùng. Ðó là YETALREADY

NHÃ LAN:

Cho Nhã Lan yêu cầu thêm trạng từ STILL nữa.

BBT

Cám ơn cô Nhã Lan đã nhắc thêm trạng từ STILL cho đủ bộ tam sên. Ba trạng từ này thường đi chung vói nhau trong các bài học văn phạm. Cũng không khó khăn gì lắm đâu.

Cả ba đều là ADVERBS, là trạng từ, những chữ dùng để nói cho rõ nghĩa động từ chính. Hai trạng từ ALREADY và TILL được dùng trong những câu XÁC ÐỊNH (AFFIRMATIVE SENTENCES). YET dùng trong những câu PHỦ ÐỊNH (NEGATIVE SENTENCES). Bây giờ tôi hỏi hai cô câu này là câu XÁC ÐỊNH hay PHỦ ÐỊNH: HE IS WORKING.

QA

HE IS WORKING là câu XÁC ÐỊNH. Ðộng từ chính là IS WORKING.

BBT

Ðúng. Nhưng chỉ nghe nói như thế, chúng ta không biết nhiều về chuyện ông ấy làm việc, chỉ biết là ông ấy đang làm việc thôi. Dùng thêm các trạng từ (ADVERBS) ALREADY, STILL và YET, đúng ra là NOT YET, chúng ta sẽ thấy rõ hơn.

STILL thường mang theo ý nghĩa ngạc nhiên là một chuyện gì đó vẫn còn kéo dài, kéo dài lâu hơn là chúng ta nghĩ hay chờ đợi. Nhã Lan dùng STILL trong câu HE IS WORKING và giải thích cho tôi nghe rõ hơn, hiểu rõ hơn coi.

NHÃ LAN:

Nhã Lan thấy HE IS STILL WORKING nghe có rõ hơn HE IS WORKING rất nhiều. HE IS STILL WORKING là ông ấy vẫn còn làm việc. Khi Nhã Lan đi ngang bàn giấy của ông ấy, Nhã Lan hơi ngạc nhiên thấy là sở đã đóng cửa từ 5 giờ, vậy mà 8 giờ tối Nhã Lan thấy ông ấy vẫn còn làm việc. STILL dùng trong câu xác định.

BBT

Nhờ cô QA cho nghe câu HE IS WORKING với ALREADY coi.

QA

HE IS ALREADY WORKING. Câu này khác với câu của Nhã Lan,. Câu của Nhã Lan là HE IS STILL WORKING nghĩa là sở đóng cửa rồi mà ông ấy vẫn còn STILL làm việc. Câu của QA, HE IS ALREADY WORKING là hôm ấy QA đến sở sớm lắm. Sở mở cửa bắt đầu làm việc lúc 9 giờ, vậy mà QA đến lúc 8 giờ, ông ấy đã ngồi ở bàn giấy làm việc rồi. HE IS ALREADY WORKING nghĩa là ông ấy đã ngồi làm việc rồi.

BBT

Còn YET thì được dùng trong các câu NGHI VẤN (INTERROGATIVE/ QUESTIONS) hay các câu PHỦ ÐỊNH (NEGATIVE). Chúng ta dùng YET khi nói về những việc chúng ta chờ đợi, mong đợi nhưng lại CHƯA xẩy ra. Hai cô thỉnh thoảng chở các con đi chơi khi chúng còn bé chắc chắn đã phải nghe câu này từ ghế đằng sau vọng lên…

NHÃ LAN

Ðể Nhã Lan đóan coi nhé. Câu ấy là câu Nhã Lan nghe cũng đến cả trăm lần, hết con gái lớn thì đến con gái thứ hai. Ðó là câu ARE WE THERE YET? Phải không QA?

QA

Ðúng hệt như câu QA cũng nghe hoài. Ðang chăm chú lái, thế nào cũng nghe "Mẹ … mình tới chưa, mẹ …?" Nghe không thấy đồng ruộng đâu hết!

NHÃ LAN:

Không thấy đồng ruộng đâu hết là làm sao?

QA

Ðồng ruộng chữ Hán là "điền". Không thấy đồng ruộng là "đâu cái điền" đó.

BBT

Tôi chỉ nghe ở đây cũng đã thấy "điên cái đầu" nói chi đang ngồi lái xe cho chúng. Ðúng vậy. ARE WE THERE YET? là câu hỏi, câu nghi vấn. Dùng YET là đúng. Thế thì hai cô trả lời như thế nào?

NHÃ LAN:

NOT YET! WE ARE NOT THERE YET!

BBT

Tôi thì không hỏi câu đó bao giờ. Luôn luôn đóng vai Người Việt Trầm Lặng, THE QUIET VIETNAMESE. Hồi còn bé, có những buổi tối bố tôi chở đi chơi bằng xe đạp. Ông sợ tôi ngủ rồi té lăn xuống đường, về đến nhà không thấy tôi đâu thì làm sao giải thích cho mẹ tôi biết nên ông vừa đạp xe, vừa phải hỏi tôi đủ chuyện cho tôi khỏi ngủ, chứ tôi thì không hỏi câu ARE WE THERE YET? bao giờ. Rất bình tĩnh, nhất định không sốt ruột nhắng lên. Bây giờ là trường hợp của tôi. Bạn bè nhiều người đã về hưu. Khi nói về chuyện đi làm của tôi, cô Nhã Lan sẽ nói thế nào. Ðây cũng là chuyện của nhiều khán giả đang theo dõi chương trình của chúng ta đó.

NHÃ LAN:

HAVE YOU RETIRED YET? I DO NOT THINK SO BECAUSE WE KNOW THAT YOU ARE STILL WORKING. AT YOUR AGE, MANY PEOPLE ARE ALREADY RETIRED.

BBT

Cám ơn cô.

QA

Trở lại với một thắc mắc về văn phạm. Ðây là một câu hỏi của ông Phạm Nguyễn Thạch ở New York gửi cho chương trình Anh Ngữ Trong Ðời sống hàng này. Ông cho biết có lần ông viết câu này và bị một người bạn nói là ông viết sai: WHEN MY SON WILL BE 18, HE WILL LEAVE HOME FOR COLLEGE. Ông nói rằng con ông chưa 18 tuổi, vậy thì chuyện con ông 18 tuổi là chuyện vài năm nữa, chuyện trong tương lai. Vậy ông viết WHEN MY SON WILL BE 18 thì sai ở đâu?

BBT

Ông Thạch rất có lý. Nhưng trong tiếng Anh, sau những chữ WHEN, BEFORE, TILL, AFTER, AS SOON AS, chúng ta phải dùng thì HIỆN TẠI (SIMPLE PRESENT TENSE), KHÔNG được dùng thì TƯƠNG LAI ( SIMPLE FUTURE TENSE). Ðó là luật văn phạm tiếng Anh.

Bây giờ chúng ta dùng thử các chữ này với động từ trong thì HIỆN TẠI mặc dù chúng ta biết rõ là những chuyện đó chưa xẩy ra coi. Mời cô Nhã Lan…

NHÃ LAN:

BEFORE I GO HOME TONIGHT, I WILL HAVE TO BUY SOME GAS FOR THE CAR.

BBT

Cô QA dùng TILL nghĩa là cho tới khi…

QA

I WILL WAIT FOR YOU TILL THE COWS COME HOME.

BBT

Cám ơn cô QA đã nhắc lại một câu tục ngữ Anh. TILL THE COWS COME HOME nghĩa là trong một thời gian rất lâu, rất dài, có thể là mãi mãi. Ban nhạc THE BEATLES trong bài WHEN I GET HOME cũng có câu I’M GONNA LOVE HER TILL THE COWS COME HOME.

Sau TILL, động từ phải ở thì hiện tại. TILL là cách nói ngắn lại của UNTIL. Nhưng hai cô nhớ TILL và UNTIL viết hơi khác nhau một chút. TILL không có UN đằng trước nên chúng ta an ủi nó, cho nó thêm một chữ L ở cuối cho nó đỡ buồn. UNTIL vì đã dài rồi nên TIL ở cuối chỉ có một chữ L mà thôi.

Bây giờ đến lượt cô Nhã Lan cho nghe thí dụ với AFTER và động từ ở thì PRESENT TENSE mặc dù việc đó chưa xẩy ra.

NHÃ LAN:

AFTER MY DAUGHTERS LEAVE HOME, I WILL GO BACK TO UNIVERSITY.

BBT

Ðúng rồi, bây giờ thì hai cô con gái của cô còn ở chung với cô. Sau khi hai cô con gái học xong, có việc dọn ra ở riêng, cô Nhã Lan sẽ trở lại đại học. Nhưng thỉnh thoảng lại phải nghỉ học đi giữ cháu ngoại cho mà coi. Còn QA, dùng AS SOON AS nghĩa là ngay khi trong một câu nói về tương lai nhưng lại dùng thì hiện tại coi.

QA

AS SOON AS THE LESSON ENDS, ÔNG THẦY WILL HAVE TO THINK OF THE NEXT LESSON.

BBT

Cám ơn cô QA đã nhắc khéo tôi để tôi không được một phút nghỉ ngơi. OH MY GOSH! THANKS A MILLION! THAT’S VERY KIND OF YOU!

QA

Kính thưa quí vị, bài học Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày hôm nay kết thúc ở đây.

Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Trịnh Quang Mỹ, Orange County, California

(GO AHEAD), MAKE MY DAY! Là câu của Clint Eastwood, vai thám tử Harry Callahan trong phim Sudden Impact (1983). Câu này có nghĩa thách thức ở trong: cứ làm đi, rồi sẽ ân hận cho mà coi. Harry Callahan nói câu này trước khi dùng khẩu.44 Magnum bắn một tội nhân khi người này cầm khẩu shotgun định bắn một nhân vật phụ nữ trong phim.

YOU MAKE MY DAY! Là câu có nghĩa hoàn toàn khác câu của Harry Callahan. You make my day nghĩa là ông, hay bà đã làm một việc, nói một câu làm cho tôi sung sướng vô cùng.

Ông Vũ Ngọc, Orlando, Florida

Tam khoanh hay tam khoang?

Tam khoang chứ không phải là tam khoanh được. Khoanh không có nghĩa gì hết trong cách xem tướng chó. Khoanh là làm thành một vòng tròn như khoanh tay, khoanh chân.

Ðây là tướng chó được xếp theo hạng (ngon?):

Nhất bạch, nhì hoàng, tam khoang, tứ đốm. Tất cả đều nói về mầu lông của những con chó. Khoang là vòng trắng hay đen ở cổ hay ở mình các giống vật. Quạ khoang, chó khoang, rắn khoang…

Mão là tiếng miền Nam có nghĩa là mũ. Chữ mũ có đươc dùng ở miền Nam nhưng không nhiều lắm. Ở miền Nam, mũ là nón. Miền Bắc dùng cả hai danh từ mũ và nón.

Chụp mũ là thành ngữ của miền Nam nhưng chắc của phe Bắc kỳ đặt ra sau cuộc di cư năm 1954. Không bao giờ nói chụp nón.

Nông phố là môn học ở các trường tiểu học miền bắc trước năm 1954. Môn nông phố dậy cho học sinh những điều căn bản nhất về việc làm ruộng hay làm vườn.

Cách trí là do những chữ cách vật trí tri, là môn khoa học dậy ở cấp tiểu học. Cách vật trí tri nghĩa là suy xét cái biết của mình để biết cho đến nơi đến chốn.

Có, ông cụ tôi có viết cho Tiểu Học Nguyệt San, một ấn phẩm của nha tiểu học Bắc Việt, cũng trước năm 1954.

Ông Thân Phạm, Annandale, Virginia

Sò còn có một nghĩa khác cũng như danh từ ngao. Cả hai, nghĩa lóng đều là "cái ấy":

Mồm sao, ngao vậy

Cô kia buồn sỏ, buồn so
Ngồi bên cửa sổ mở sò ra xem

Trong tiếng Mỹ con sò cũng được dùng để chỉ "cái ấy": hairy clam.

Tục huyền là nối lại dây đàn, nói người đàn ông góa vợ đi thêm bước nữa.

Tái giá có nghĩa là cấy lại một lần nữa sau khi lúa cấy lần trước bị hỏng hay bị lụt lội làm trôi mất.

Giá là trồng lúa.

Tái giá là đàn bà góa chồng, lập gia đình lần nữa. Giá nghĩa là lấy chồng. Xuất giá là đi lấy chồng.

Mê mộng là giấc ngủ say (chữ Hán)

Mơ mộng không phải là chữ Hán

Người Nhật dùng chữ nam tính với nghĩa khác chúng ta. Người Việt hiểu nam tính là tính khí đàn ông, cương quyết, mạnh bạo. Nữ tính là tính của người phụ nữ: ủy mị, nhẹ nhàng, yểu điệu.

Người Nhật dùng chữ nam tính có nghĩa là giống đực (masculin) và nữ tính là giống cái (feminin)

Sau đây là mấy câu chửi bằng tiếng Việt đọc được trong internet. Mời quí độc giả đoán thử là gì:

Un gut
Goo
Dee chaw
Dum mare may
Lo de